Tin Tức

Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.

Tổ chức phản biện Kết quả nghiên cứu đề tài: "Tìm hiểu hệ thống giá trị được chuyển tải qua sách giáo khoa (SGK)"

Ngày 25/11/2014, tại trụ sở Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) đã diễn ra Buổi Báo cáo và Phản biện Kết quả Nghiên cứu của đề tài “Tìm hiểu hệ thống giá trị được chuyển tải qua sách giáo khoa (SGK) Giáo dục Đạo đức (GDĐD), Giáo dục công dân (GDCD) của bậc học phổ thông ở Việt Nam và việc nhận thức, vai trò của một số chủ thể xã hội đối với nội dung chương trình” do nhóm nghiên cứu gồm Ts. Nguyễn Xuân Nghĩa (chủ nhiệm đề tài) và Nguyễn Thị Hiên (thành viên) phụ trách. Hai phản biện chính cho kết quả nghiên cứu của đề tài là Ts. Trịnh Xuân Thảo, Nguyên Giáo sư Đại học Aix - Provence, Pháp và Ts. Nguyễn Khánh Trung, Nghiên cứu viên của Viện IRED. Đề tài này được thực hiện theo chủ trương của Viện IRED, được thực hiện trong hai năm 2013-2014, bằng nguồn kinh phí do Viện IRED vận động tài trợ.

Mục tiêu chính yếu của đề tài nghiên cứu này là phân tích nội dung chương trình SGK GDĐĐ cho học sinh tiểu học và Giáo dục công dân cho học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông để làm bật lên những giá trị ẩn chứa bên trong chương trình. Bên cạnh đó, đề tài cũng nhằm tìm hiểu nhận thức, vai trò của một số chủ thể chính xung quanh việc dạy và học đạo đức của học sinh. 

Phương pháp nghiên cứu của đề tài là phương pháp định tính và định lượng. Kỹ thuật nghiên cứu bao gồm phân tích nội dung (content analysis) - phân tích chủ đề và định lượng (quantitative & thematic analysis) nhằm tìm hiểu hệ thống giá trị được chuyển tải qua SGK GDĐD và GDCD; và phỏng vấn sâu (entretiens en profondeur) bán cấu trúc (semi – structuré) để tìm hiểu nhận thức, vai trò của mỗi chủ thể xung quanh việc biên soạn sách giáo khoa và việc giảng dạy, học tập môn GDĐĐ & GDCD của giáo viên và học sinh.

Lý thuyết kiến tạo xã hội và tư  tưởng hậu hiện đại về giáo dục và tri thức đã được vận dụng để phân tích chương trình học nêu trên. Đề tài còn sử dụng các số liệu thứ cấp để chứng minh và bổ sung thêm cho những lập luận nhằm tăng tính logic và có tính thuyết phục của đề tài.

Kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều giá trị ẩn chứa bên trong chương trình. Hơn  nữa, chương trình học môn GDCD mang tính thực dụng cao, phục vụ cho mục tiêu chính trị, thể hiện qua việc biên soạn chương trình, phân bố thời lượng tiết học, qua số trang sách quan trọng dành cho những vấn đề triết học Mác-Lênin và kinh tế-chính trị Mác-Lênin.  

Báo cáo nghiên cứu đã chứng minh nhận thức của các chủ thể (biên tập chương trình SGK, giáo viên, học sinh và phụ huynh) không đồng nhất về nội dung chương trình GDCD bởi vai trò của họ bị chi phối bởi vị thế của chính họ trong cơ cấu mà họ được định vị.

Hội đồng Phản biện đề tài nhận định đây là một đề tài rất có ý nghĩa, phần nào đã gián tiếp lý giải cho thực trạng bạo lực học đường nói riêng và sự xuống cấp đạo đức trong môi trường giáo dục nói chung như hiện nay. Nhóm Nghiên cứu và Hội đồng phản biện đều thống nhất nếu có điều kiện sẽ tìm hiểu thêm các giá trị đạo đức được chuyển tải trong các môn học khác nói chung và đặc biệt các môn khoa học xã hội trong chương trình giáo dục các cấp của Việt Nam. Ngoài ra, việc nghiên cứu chương trình và SGK GDĐĐ, GDCD ở một số nước khác, đặc biệt là các nước có nhiều nét tương đồng về văn hóa với Việt Nam cũng có thể cung cấp một cái nhìn đối chiếu thú vị và những bài học rất bổ ích cho công cuộc đổi mới Chương trình và SGK phổ thông của Việt Nam.

Viện IRED lược ghi

Các Tin Tức Khác

Chìa khóa thành công của giáo dục Singapore

(Dân trí) - 5 năm đến Việt Nam để làm công tác quảng bá nền giáo dục Singapore, anh Jin Chwen Ong, 31 tuổi, giám đốc khu vực Đông Dương, là một trong số những giám đốc khu vực trẻ n

Ai sẽ là người thay đổi đất nước?

Ai trong đời cũng đi tìm thành công và hạnh phúc, gia đình nào cũng mong muốn hạnh phúc, công ty nào, tổ chức nào cũng muốn hùng mạnh. Và tương tự, quốc gia nào cũng muốn thay đổi để phú cường và văn minh, nhưng ai sẽ làm điều đó?