Tin Tức
Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.
LƯỢC GHI TỌA ĐÀM GIÁO DỤC:
GÓP Ý DỰ THẢO
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC
PHỔ THÔNG TỔNG THỂ
Do Viện IRED tổ chức ngày 12/5/2017 tại TP.HCM
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” mới để lấy ý kiến của mọi thành phần trong xã hội. Sự kiện này đang làm nóng xã hội, thu hút đặc biệt nhiều sự quan tâm vì nó rất hệ trọng, không chỉ quyết định chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, mà còn quyết định tương lai của con người và xã hội chúng ta.
Trong bối cảnh này, ngày 12/05/2017 tại TP.HCM, Viện Nghiên Cứu Phát triển Giáo dục(IRED) đã tổ chức một Tọa đàm bàn tròn để thảo luận và góp ý với các nhà biên soạn các ý kiến/tiếng nói đa chiều từ các thành phần khác nhau liên quan đến giáo dục nhằm góp phần hoàn thiện “công trình chung” cho các thế hệ người Việt tương lai.
Chương trình đã thu hút đông đảo người tham dự. Đặc biệt, khách mời của bàn tròn không chỉ là các chuyên gia giáo dục, các nhà nghiên cứu có uy tín, các doanh nhân tâm huyết với giáo dục, mà còn có cả các giáo viên, những người đang trực tiếp giảng dạy tại các trường phổ thông; cùng các cơ quanbáo chí truyền thông đã quan tâm và đến đưa tin.
Góp ý lại tọa đàm, ông Lương Hoài Nam - Doanh nhân tâm huyết với giáo dục, đã nhấn mạnh chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là điểm khởi đầu phù hợp cho cuộc cải cách. Ông so sánh các mô hình giáo dục ở các nước bạn như Đức, Singapore, Trung Quốc… và cho rằng phân luồng giáo dục là một cách tốt để giảm tải, học sinh có thể chuyển luồng khi có nhu cầu.
Trong khi đó, với sự trình bày về mô hình giáo dục giữa Phần Lan và Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung – nhà nghiên cứu của Viện IRED khẳng định: yếu tố quan trọng của giáo dục là tự chủ. Ông cũng đề cao giáo dục sự phản biện, gia tăng khả năng phản biện cho thế hệ trẻ nhằm nâng cao sức sáng tạo, phát minh, phát kiến. Nếu không chú ý giáo dục phản biện thì ảnh hưởng chất lượng con người, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển quốc gia. Ngoài ra, Tiến sĩ Trung đề xuất và khuyến khích việc Bộ Giáo dục nên để cho Hiệu trưởng và giáo viên chọn sách giáo khoa để dạy sao cho phù hợp với từng vùng miền, vì theo ông, chương trình học mới là quan trọng, sách giáo khoa chỉ là công cụ thôi.
Liên kết với phần chia sẻ trên, Cô Trần Thúy Hằng - Giáo viên trường THPT Trần Đại Nghĩa cho rằng, trong dự thảo cần bổ sung yếu tố dành cho giáo viên, cần thay đổi tư duy của giáo viên thì việc cải cách giáo dục mới thành công được, đồng thời, cô cũng trình bày một số khó khăn của người giáo viên, và nhấn mạnh việc đào tạo chất lượng con người mới là quan trọng.
Cô Lê Thị Nga, giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn tiếp lời cô Hằng khi giải thích lý do vì sao tại Việt Nam không phân luồng giáo dục được và phân luồng không thành công, cốt lõi vấn đề theo cô Nga là mục tiêu đào tạo con người của nước ta bị ngược, như việc cuốn tài liệu tập huấn về phương pháp dạy học đã ra trước nội dung và tập huấn cho giáo viên trước khi có nội dung là một ví dụ tiêu biểu.
Chủ trì buổi tọa đàm, Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung – Viện trưởng Viện IRED đánh giá cao phát biểu đa chiều, đa góc nhìn của các khách mời và người tham dự, cũng như hoan nghênh các chia sẻ thực tế từ tiếng nói của người trong cuộc. Cũng là một diễn giả trong tọa đàm, ông Trung cho rằng:
Thứ nhất, cách tiếp cận vấn đề còn quan trọng hơn cách giải quyết vấn đề. Việt Nam hiện nay nói về đủ các loại cải cách, nhưng khó có cải cách giáo dục hay cải cách kinh tế thực sự nếu không có cải cách chính trị thể chế. Đó là một thực tế về mặt chuyên môn mặc dù nó được xem là nhạy cảm.
Thứ hai, nhìn vào Dự thảo thì thấy có đổi mới, nhưng không thấy đổi mới căn bản và toàn diện. Bởi lẽ, đổi mới căn bản là đổi mới về tư tưởng và triết lý, còn đổi mới toàn diện là đổi mới vai trò của cả 5chủ thể then chốt trong hệ thống giáo dục: nhà trường, nhà giáo, nhà nước, gia đình và học sinh. Chúng ta cần phải định nghĩa lại vai trò của 5 chủ thể trong hệ thống giáo dục. Mỗi chủ thể cần ý thức rõ vai trò vốn có của mình và trả lại vai trò cho người khác. Chẳng hạn, hiện tại nhà nước đang làm quá nhiều việc mà lẽ ra đó là việc của nhà trường và nhà giáo…
Thứ ba, lâu nay chúng ta đổi mới giáo dục nhiều lần, nhưng tại sao đổi hoài mà không mới? Có nhiều lý do, nhưng một lý do quan trọng là chúng ta chưa làm rõ giáo dục mới đó là gì. Vậy, giáo dục mới là gì, có thể gọi tên được không? Theo tôi, đó là giáo dục khai phóng và đích đến của nó là con người tự do. Có 3 câu hỏi quan trọng của giáo dục mới: (1) Thế nào là con người? (2) Mình muốn trở thành một con người như thế nào? (3) Làm thế nào để trở thành con người đó? Ba câu hỏi này cũng chính là phương pháp luận để hình thành triết lý giáo dục cho quốc gia, nhà trường, giáo viên, học sinh, và cho phụ huynh.
Nhà giáo Giản Tư Trung cũng khẳng định tầm quan trọng của Dự thảo này vì sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ và hình thành xã hội tương lai. Ông cho rằng, bản thân mỗi người chúng ta vẫn có thể đóng góp vào cải cách giáo dục, chẳng hạn, bằng cách tự mình hình thành và triển khai triết lý giáo dục mới cho riêng mình, cho gia đình mình, và đồng thời nói lên tiếng nói của mình với nhà nước với trách nhiệm công dân.
Tại tọa đàm cũng đã ghi nhận rất nhiều những đóng góp, góp ý từ người tham dự là các giáo sư, tiến sĩ, giáo viên, nhà báo, phụ huynh, doanh nhân… dành cho Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này. Với các góp ý cụ thể như: Cần cẩn trọng về thời điểm triển khai chương trình mới, khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ; Vấn đề phân luồng gắn với hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông cũng cần tham khảo các làm của các quốc gia khác; Cần tăng cường vai trò của giáo viên và việc đào tạo giáo viên cho chương trình mới; Sách giáo khoa nên được xã hội hóa, chứ không nên độc quyền nhà nước;…
Qua đó, có thể thấy rằng, cải cách giáo dục tại Việt Nam đang là một vấn đề xã hội nóng bỏng, vô cùng quan trọng, nhiều trăn trở và cũng nhiều ý kiến góc nhìn, đa chiều, tất cả, sẽ tạo nên một làn sóng mạnh mẽ hướng tới việc thay đổi sâu sắc nên giáo dục Việt Nam trong tương lai.
(Dân trí) - 5 năm đến Việt Nam để làm công tác quảng bá nền giáo dục Singapore, anh Jin Chwen Ong, 31 tuổi, giám đốc khu vực Đông Dương, là một trong số những giám đốc khu vực trẻ n
Thao túng, đúng hơn là bị thao túng, là nguyên nhân sâu xa của những hành động "nổi loạn" của học sinh. Còn khai phóng chính là chìa khóa, là giải pháp cho mọi vấn đề, trong đó có "tôn sư trọng đạo".