Tin Tức

Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.

Hàn Quốc chuẩn bị cho tương lai thông qua học suốt đời

Hàn Quốc[1] là một nước có hoàn cảnh lịch sử khá đặc biệt nhưng đã biết vươn mình từ một nước rất nghèo về tài nguyên thiên nhiên, GDP/đầu người từ 90,9 đô-la năm 1962 trở thành một quốc gia có nền kinh tế hùng hậu đứng thứ 11 trên thế giới với GDP/đầu người dạt 22 029 đô la năm 2005.

Bí quyết của Hàn quốc là dựa vào phát triển nguồn nhân lực trong một nước nghèo tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế[2]. Giáo dục là nhân tố chủ yếu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chính sách về giáo dục luôn được xây dựng phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế.

Những năm 50, khi nền công nghiệp đòi hỏi nguồn chủ yếu là nhân công tay nghề thấp thì chính sách của giáo dục là chống mù chữ, làm cho ai cũng biết đọc biết viết. Những năm 60 khi công nghiệp nhẹ đòi hỏi công nhân có tay nghề thì giáo dục chủ trương phát triển mạnh giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học. Những năm 70, nền công nghiệp năng đòi hỏi kỹ thuật viên đáp ứng nhu cầu của công nghệ sản xuất phức tạp thì giáo dục chủ trương phát triển mạnh các trường dạy nghề kỹ thuật. Những năm 80, khi tính cạnh tranh của nền kinh tế phụ thuộc vào nền công nghệ kỹ thuật cao thì chính phủ chủ trương đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và giáo dục  trên lĩnh vực khoa học cơ bản và công nghệ. Hàn quốc đã lần lượt thực hiện phổ cập tiểu học rồi trung học, nay lại đang dồn sức phát triển giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục và học suốt đời.

Từ năm 1992, một cuộc cải cách giáo dục rộng lớn được triển khai với mục tiêu là tái cấu trúc hệ thống giáo dục thành một hệ thống giáo dục mới, bảo đảm cho nhân dân được học suốt đời. Mục tiêu đào tạo của hệ thống này là làm cho người học trở thành: người có quan hệ tốt đẹp với nhân dân và môi trường; người biết sáng tạo và ứng dụng tri thức về thông tin và công nghệ;  người cảm thông và nhạy cảm với người khác nền văn hoá và chủng tộc; người làm việc hữu hiệu. Xã hội học tập ở Hàn quốc hướng đến việc bảo đảm cho người dân được tiếp thu nền giáo dục mình cần, bất kể tại đâu, bất kể lúc nào. Mỗi công dân được bảo đảm có cơ hội để phát triển năng lực của mình và ứng dụng vào đời, bất kể giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn và sức khoẻ. Ở Hàn Quốc có hẳn một câu khẩu hiệu kêu gọi "Học suốt đời từ lúc nằm nôi đến khi vào huyệt".

Năm 1999, để tăng cường giáo dục suốt đời nhằm hướng đến việc phát triển nguồn nhân lực cho thế kỷ 21 với hiệu quả cao nhất, Luật Giáo dục xã hội đã được thay thế bằng Luật Giáo dục suốt đời. Bộ Giáo dục được đổi tên thành Bộ Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực và Bộ trưởng Bộ này có hàm Phó Thủ tướng. Cùng với Bộ này, các Bộ Tài chính và Kinh tế, Bộ Lao động, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cùng nhau xây dựng các đường lối và thực hiện các chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, hướng nghiệp và dạy nghề. Có bốn nguồn tài chính chủ yếu cho giáo dục là: nguồn từ ngân sách trung ương (chiếm tỷ trọng 84%); nguồn từ ngân sách địa phương, nguồn từ  người học cùng gia đình; cuối cùng là nguồn từ các pháp nhân đầu tư. Hàn Quốc hiện dành 5% GDP cho giáo dục. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Hàn Quốc đã có những bước tiến thần kỳ, đến năm 2005 thì đạt 0,921 điểm, đưa Hàn Quốc đã chiếm vị trí thứ 26 trong các nước cho chỉ số HDI phát triển nhất thế giới. Hàn Quốc có 97% số người từ 25 đến 34 tuổi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ cao nhất  trên thế giới.

Chất lượng học tập của học sinh Hàn Quốc thuộc hàng tứ cường theo đánh giá của tổ chức PISA  năm 2003 trong một kỳ đánh giá quốc tế với học sinh 41 nước tham gia.

TS. Hồ Thiệu Hùng
Cộng tác viên Viện Nghiên cứu Giáo dục


(Tóm lược từ Education at a glance -22-09-2008)