Tin Tức
Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.
NHÂN TÍNH, QUỐC TÍNH VÀ CÁ TÍNH
Giản Tư Trung (*)
Dù đã có vô số bài viết và không ít diễn đàn bàn luận, nhưng với nhiều người, “triết lý giáo dục”, “đích đến của giáo dục” vẫn là một đề tài không những chưa bao giờ cũ mà còn luôn có tính thời sự.
Theo tôi, đi tìm triết lý giáo dục chính là trả lời ba câu hỏi sau: (1) Thế nào là con người? (2) Chúng ta muốn tạo những con người như thế nào? (3) Làm thế nào để tạo ra những con người như vậy?
Như vậy, nghĩ về triết lý giáo dục hay đích đến của giáo dục thực chất là nỗi trăn trở về câu chuyện: “Chân dung” con người mà chúng ta muốn tạo ra trong nền giáo dục này rốt cuộc sẽ là gì, cụ thể như thế nào? Mỗi người, mỗi nhà, mỗi trường, mỗi quốc gia đều có thể mô tả “chân dung” ấy theo nhận thức và cách thức của riêng mình.
Sau nhiều năm làm giáo dục, cũng như sau nhiều năm trực tiếp phụ trách giảng dạy chuyên đề “Bàn về Sự học” và chuyên đề “Quản trị Cuộc đời” ở Trường PACE và Viện IRED, tôi nghiệm ra rằng, con người với “Nhân tính, Quốc tính và Cá tính” (“CON NGƯỜI TAM TÍNH”) là đích đến của giáo dục.
“Nhân tính”?
Là những đặc trưng văn hóa để phân biệt con người với “con khác”, phân biệt giống người với những giống loài khác; khiến con người trở nên khác với muông thú, cỏ cây và máy móc. Đó phải là nhân quyền, nhân bản, nhân văn; là những giá trị có tính phổ quát và trường tồn, được nhân loại tiến bộ cùng chia sẻ như là “tự do, bình đẳng, bác ái” hay “chân, thiện, mỹ”, chứ không bị giới hạn hay chi phối bởi những góc nhìn của quốc gia, chủng tộc, tôn giáo hay thời đại.
Để hình thành nhân tính thì phải có cái “đầu sáng”, trái “tim nóng” và cái “bụng rộng”. “Đầu sáng” là cái đầu có khả năng minh định được ai là ai, cái gì là cái gì, và mình là ai; minh định được đúng-sai, phải-trái, chân-giả, thiện-ác, chính-tà…. “Tim nóng” là trái tim có hồn, biết rung cảm trước cái đẹp, nhất là cái đẹp vô hình, cái đẹp không nhìn thấy, không sờ thấy, mà chỉ có thể cảm thấy mà thôi; biết thổn thức trước nỗi đau của đồng loại; biết phẫn nộ trước cái ác; đầy tình yêu thương và giàu lòng trắc ẩn… “Bụng rộng” là sự bao dung, vị tha; chỉ có “bụng rộng” thì ta mới bớt hẹp hòi, bon chen, đố kỵ; chỉ có bụng rộng thì ta mới có thể chứa được cả sự hẹp hòi của người khác….
Nói cách khác, con người là một sinh vật có nhân tính, và nếu không có nhân tính thì không phải là con người, mà chỉ là con vật mang hình hài của con người.
“Quốc tính”?
Được cấu thành bởi “dân tính” và “tộc tính”. “Dân tính” tức là “trách nhiệm công dân”, là “năng lực làm dân”, là dân quyền. Còn “tộc tính” có thể được hiểu là “hồn cốt dân tộc”, căn tính quốc gia; là cảm thức về gốc gác, cội nguồn; là nếp sống của gia tộc, dòng tộc, sắc tộc; là “cái neo văn hóa” của mình trong “chốn năm châu”.
Một đứa trẻ Việt được sinh ra và lớn lên ở hải ngoại thì có thể vừa có quốc tính Việt Nam, vừa có quốc tính của nơi mà mình lớn lên. Nhưng một đứa trẻ có cha mẹ Việt, sinh ra và lớn lên trên đất Việt, nhưng lại không rành tiếng Việt lắm, thường chỉ thích ăn đồ Tây, không quan tâm cội nguồn dân tộc Việt, ít có nét văn hóa Việt nào trong người thì liệu có thể được coi là một “người Việt”? Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng trên thực tế đang tồn tại không ít trường hợp như thế, như một số anh chị học viên thường buồn rầu chia sẻ với tôi là “con mình thành con Tây!” (dù vẫn chỉ là “da vàng mũi tẹt”).
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là, trong tính cách của dân tộc nào, bao giờ cũng có cả cái tốt lẫn cái xấu, có cả hủ tục lẫn mỹ tục, vậy thì sẽ lấy cái gì để minh định đâu là “quốc tính” mà ta nên giữ và nên bỏ? Chẳng hạn, đã từng xảy ra tranh cãi về chuyện chém lợn ở làng Ném Thượng. Nghi lễ ấy đã tồn tại hơn 800 năm, lẽ nào không xứng đáng là “quốc tính”? Nhưng liệu “quốc tính” của người Việt có máu me và bạo lực như thế!? Từ ví dụ đó, có thể thấy “quốc tính” trong giáo dục cũng cần được xây dựng dựa trên nền tảng “nhân tính”. Nói cách khác, “nhân tính” sẽ là một màng lọc để loại ra những “quốc tính” trái với nó. Một “quốc tính” (gồm cả “dân tính” và “tộc tính”) cho dù ăn sâu bén rễ lâu và sâu đến đâu nhưng nếu đi ngược lại với “nhân tính” sẽ không bao giờ là điều đáng để giữ gìn.
“Cá tính”?
Là con người độc lập, tự do; là đạo sống, giá trị sống, cách sống và thái độ của mình; là “bề trong” (phẩm giá), “bề trên” (đức tin) và “bề ngoài” (tính cách) của riêng mình; là “chân thắng” và “chân ga” bên trong con người của mình nhằm ngăn chặn mình làm điều ác và thôi thúc mình làm điều đúng; là thứ để phân biệt mình với người khác, khiến mình khác với đồng loại của mình; là cái mà chúng ta muốn đề cập đến khi thốt lên “Tôi muốn được là chính mình!”, “Tôi muốn được sống đúng con người của mình, sống đúng với lòng mình!”.
Lâu nay chữ “cá tính” thường được hiểu theo nghĩa là một nét dị biệt khác người, cũng như chữ “tự do” hay được hiểu là “muốn làm gì thì làm”. Nhiều cha mẹ ngày nay sẵn sàng cày cuốc sớm hôm để đáp ứng mọi nhu cầu của con, cho con vào những ngôi trường học phí cao chót vót, nơi con “thoải mái thể hiện cá tính không sợ bị ai la rầy”. Nhưng rồi vẫn có không ít những đứa trẻ lớn lên trong sự nổi loạn, hoang mang đi tìm chính mình.
Bởi lẽ, cá tính nếu không được xây dựng trên nền tảng của nhân tính thì sẽ trở thành… “quái tính”, cũng như tự do không có văn hóa sẽ trở thành thứ tự do hoang dã. Bởi lẽ, muốn “được là mình” thì trước hết cần “được là người” cái đã; muốn “khác người” thì trước hết phải “giống người” cái đã, nếu không sẽ rất “kinh người”.
Nếu như “quốc tính” được sàng lọc bởi “nhân tính” thì “cá tính” sẽ được hình thành trên nền tảng của “nhân tính” và được vun bồi bởi “quốc tính”.
Nguồn: Giản Tư Trung, Viện IRED
Có đích đến cũng chưa chắc đã có con đường để tới đích, nhưng nếu không có đích đến thì chắc chắn sẽ không có con đường nào cả. Do vậy, mọi cải cách giáo dục sẽ lại rơi vào tình trạng sáo mòn và bế tắc, nếu chúng ta (nhà nước, nhà trường, nhà giáo, thức giả, phụ huynh, học sinh…) không cùng nhau làm rõ được đích đến thực sự của giáo dục là gì, không tập trung giúp người học trên hành trình tự lực khai phóng để trở thành con người tự do, có khả năng lãnh đạo bản thân, làm chủ cuộc sống và sáng tạo số phận. Khi ấy, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ “điểm số cao” nhưng ít tình người, một thế hệ hoang dã mà thiếu cá tính, một thế hệ người-Việt-mà-không-phải-người-Việt, một thế hệ mang danh “công dân toàn cầu” mà không có “tổ quốc”.
“Công dân toàn cầu” đúng nghĩa sẽ không chỉ có sức vóc, có chuyên môn, mà còn là những con người rất “nhân loại”, rất “dân tộc”, và cũng rất là “chính mình”.
“Công dân toàn cầu” đúng nghĩa sẽ không chỉ học vì điểm số hay bằng cấp, mà còn học cho “ra người” (nhân tính), học cho “ra mình” (cá tính), học cho “ra dân” (quốc tính) và học cho “ra nghề” (chuyên môn).
Thế nên, bất kể sự học hay sự dạy nào cũng cần hướng về đích đến “Nhân tính, Quốc tính và Cá tính”. Bởi lẽ, đó chính là đặc tính của Con Người Tự Do, và cũng là đích đến của Giáo Dục Khai Phóng!
Theo Tạp chí Tia Sáng
Gian lận thi cử, thỉnh vong ở chùa Ba Vàng, người mẫu hở hang ở liên hoan phim quốc tế... được cho là biểu hiện của sự "loạn chuẩn".
Để viết bài này, tôi suy nghĩ như một sinh viên, chứ không phải như một giáo viên - cái vai trò mà giờ đây tôi không còn đảm nhiệm nữa.