Tin Tức
Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.
Luật giáo dục ĐH đang là vấn đề thu hút nhiều ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các nhà giáo, chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục. Hầu hết đều hướng tới mục tiêu một luật khả thi trong thực tế, góp phần phát triển giáo dục ĐH chất lượng và lành mạnh.
Tuyển sinh là vấn đề được nhiều người quan tâm khi góp ý cho dự thảo Luật giáo dục đại học.
Trong ảnh: thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại Sở GD-ĐT TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:
Giao quyền tự chủ theo lộ trình
Đây là một luật chuyên ngành nên phải căn cứ trên Luật giáo dục, cụ thể hóa những nội dung về giáo dục ĐH trong luật khung. Nhưng có những vấn đề của Luật giáo dục không còn phù hợp thì Luật giáo dục ĐH phải có nhiệm vụ chỉnh sửa. Đồng thời đối với những nội dung về tài chính, ngân sách, nhân sự..., Luật giáo dục ĐH cũng phải tuân thủ những luật khung trong từng lĩnh vực liên quan.
Về vấn đề tự chủ, mong muốn của bộ cũng là từng bước giao quyền tự chủ cho các trường. Nhưng trong điều kiện thực tế hiện nay cho thấy bộ cũng không dễ thực hiện vì “quản thì chết, buông thì loạn”. Muốn phân cấp, giao quyền tự chủ cũng phải theo lộ trình tương ứng với năng lực của các cơ sở giáo dục ĐH. Cơ sở giáo dục ĐH nào có đủ điều kiện đến đâu sẽ phân cấp đến đấy để tiến tới bộ chỉ tập trung làm chính sách.
GS.TS Trần Ngọc Đường (Viện Nghiên cứu lập pháp):
Dự thảo còn đơn giản
Nhìn tổng thể nội dung của dự thảo luật còn giản đơn, chưa cụ thể và bao quát, chưa đủ mạnh để thực hiện được các mục tiêu đề ra của luật.
Nội dung của dự thảo luật chưa thể chế hóa được một cách cụ thể các quan điểm đường lối của Đảng đã đề ra trong giáo dục ĐH; chưa tìm thấy các chính sách đủ mạnh, đủ cụ thể để thực hiện mục đích của giáo dục ĐH là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường kỷ cương, kỷ luật chưa trở thành tư tưởng xuyên suốt các chương của dự thảo luật.
Nhìn tổng thể hình thức thể hiện của dự thảo luật với các nội dung quy định chung chung, chưa trực tiếp điều chỉnh được các quan hệ xã hội trong tổ chức và hoạt động của giáo dục ĐH. Dự thảo luật phần nhiều là các khung pháp lý chung chung, mang tính nguyên tắc, chưa đủ cụ thể, vẫn còn 10 điều khoản giao cho Chính phủ và Bộ GD-ĐT quy định. Các chế tài quy định còn thiếu cụ thể, rõ ràng và đủ sức răn đe nhằm tăng cường kỷ cương kỷ luật trong giáo dục ĐH.
Bà Trần Thị Tâm Đan (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội):
Phải có chế tài cụ thể
Ban hành Luật giáo dục ĐH là cơ hội tốt cho việc đổi mới, tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho hoạt động giáo dục ĐH phát triển trong tương lai về cả chất lượng cũng như quy mô, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ĐH đang đặt ra hiện nay. Vì vậy việc ban hành Luật giáo dục ĐH là cần thiết nhằm phục vụ yêu cầu đổi mới toàn diện công tác đào tạo nhân lực trình độ cao từ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, công tác quản lý, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục trên cơ sở hoàn thiện triết lý giáo dục ĐH nước ta.
Mặt khác, Luật giáo dục ĐH phải có những chế tài cụ thể tạo cơ sở pháp lý cho việc khắc phục những tồn tại hiện nay như công tác tuyển sinh, chất lượng đào tạo thấp.
"Luật giáo dục ĐH phải giải quyết được hai vấn đề lớn. Một là chất lượng đào tạo - vấn đề đang gây bức xúc lớn trong xã hội, hai là giải quyết vấn đề công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục ĐH. Nâng cao chất lượng đào tạo thì nói nhiều rồi nhưng bây giờ thông qua luật phải làm được. Trong đó cần xác định là chúng ta phải chấp nhận có sự phân hóa về chất lượng" |
GS Đào Trọng Thi (chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội): Sớm trả việc tuyển sinh về cho các trường
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật giáo dục đại học ngày 20-4, ông Đào Trọng Thi cho rằng: - Nếu muốn tạo ra sự tự chủ nhiều hơn cho các trường thì khi đó hành lang pháp lý phải chặt chẽ. Các trường được quyền tự chủ trong khuôn khổ đó. Hiện nay ta đang “xin - cho”, đã xin mà không đáp ứng đầy đủ vẫn cho. Như vậy tốt hơn là ta hãy quy định các điều kiện đảm bảo chất lượng. Đáp ứng đủ điều kiện bắt buộc thì được thực hiện, cơ quan quản lý chỉ thẩm định năng lực, điều kiện của trường thôi, chứ không phải là cho phép hay không cho phép như hiện nay. Mở ngành cũng vậy, nếu trường muốn mở ngành, có đủ các điều kiện đáp ứng theo quy định thì được mở. Về thi tuyển sinh ĐH, tôi cho rằng cần tiến nhanh tới việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc thi tuyển để người ta tuyển được học sinh có năng lực nhất, có hứng thú học tập, đáp ứng yêu cầu cụ thể của từng ngành. Tổ chức chung cũng có điểm tốt, tiết kiệm được chi phí cho một số việc chung giữa các trường nhưng cái mất nhiều hơn. Cái đáng nói nhất là khi đó chúng ta tuyển sinh chung không có đặc trưng gì của từng trường ĐH, trong khi đào tạo ĐH rất đa dạng về ngành nghề, về nhu cầu, về yêu cầu chất lượng của mỗi trường khác nhau... * Vậy có thể bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH để thay thế bằng các giải pháp tuyển sinh khác được không? - Phải giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường bằng việc sớm trả việc tuyển sinh về cho các trường ĐH. Khi trả khâu tuyển sinh về cho các trường, bộ cũng cần có những quy định chung, trên cơ sở đó các trường có hình thức tuyển sinh phù hợp với điều kiện của trường mình. Cách tổ chức tuyển sinh như thế nào để đỡ căng thẳng và hiệu quả hơn thôi, chứ ngay lập tức bỏ hẳn thi tuyển cũng không được. Vì áp lực cạnh tranh vào nhiều trường ĐH vẫn rất căng thẳng, trong khi đó mình tìm giải pháp đơn giản chỉ xét trên hồ sơ, tuyển theo kiểu ghi danh để thay thế cho sự chọn lọc như vậy là không công bằng, có thể sẽ nảy sinh tiêu cực. Khi trao lại quyền tổ chức tuyển sinh cho các trường, có thể vẫn tổ chức thi nhưng nó chỉ ở mức độ trường, cụm trường chứ không còn là kỳ thi cấp quốc gia, do Bộ GD-ĐT tổ chức... |
Thanh Hà ghi
Nguồn Tuổi trẻ, 21-04-2011