Tin Tức

Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.

Đừng than trời nắng, hãy tạo bóng râm

SGTT.VN - Sau nhiều lần bị trì hoãn, hội thảo chủ đề Sách và chấn hưng giáo dục do viện Nghiên cứu phát triển Giáo dục (IRED), bộ Văn hoá, thể thao và du lịch, hội Thư viện Việt Nam và nhóm Sách Hay tổ chức đã được diễn ra vào sáng 6.5 tại TP.HCM.

Tôn trọng sự thật để phát triển văn hoá, đạo đức


Nhiều người trẻ tham gia và bày tỏ suy nghĩ tại hội thảo Sách và chấn hưng giáo dục. 

(Ảnh: sinh viên Nguyễn Phạm Phi Vũ, năm thứ năm, đại học Y dược TP.HCM đang bày tỏ suy nghĩ về mục đích của việc đọc và vấn đề tại sao Việt Nam giàu tài nguyên, nhân lực nhưng phát triển chưa tương xứng).

“Khủng hoảng”, “báo động” là những từ mà giới chuyên môn thường dùng để nói tới tình hình lười đọc sách, truy cầu tri thức của học sinh, sinh viên hiện nay. Những “băn khoăn không mới” đó được thể hiện trong nhiều tham luận và phát biểu tại hội thảo này. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, cần thiết phải có những thay đổi về phương thức giáo dục; xây dựng văn hoá đọc phải bắt đầu từ nhà trường. TS Hồ Thiệu Hùng, người từng giữ chức giám đốc sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, thì thẳng thắn bày tỏ, nếu Quốc văn giáo khoa thư trước đây là cuốn sách giáo khoa chất lượng cao, để lại dấu ấn sâu đậm trong đời người học, thì những cuốn sách giáo khoa hiện nay có chất lượng yếu kém, nội dung ôm đồm, chưa thuyết phục, thiếu thực tế, không tích hợp và thu hút, không giúp cho người học trang bị được những kiến thức cơ bản để hướng đến tương lai. Nhưng sách giáo khoa đang giữ vai trò độc tôn trong suốt quá trình học đối với người học, thay vì càng trưởng thành thì người ta cần phải tiếp cận sách tham khảo nhiều hơn. Nhà giáo, dịch giả Phạm Toàn lại quan tâm đến mục đích đào tạo: “Chúng ta đứng trước hai chọn lựa. Hoặc là chỉ cần cho con em thoát nạn mù chữ, hoặc là tạo cho con em năng lực đọc, để năng lực đó phát triển dần dần trong một nền văn hoá đọc” (Tham luận Điều kiện ban đầu xây dựng văn hoá đọc). Theo ông, năng lực đọc này “cần phải được chuẩn bị công phu ngay từ lớp 1 ở trường phổ thông”.

Nhìn từ góc độ giáo dục đại học, GS Nguyễn Đăng Hưng bức xúc trước tình trạng giáo dục hiện nay thiếu sự tôn trọng tinh thần tự do học hỏi, nghiên cứu khoa học, sự thực và tự do tư tưởng. Ông nhấn mạnh: “Nếu không tôn trọng sự thực thì không tôn trọng văn hoá, khoa học, đạo đức. Nếu sự tự chủ và tự do tư tưởng chưa có được thì những gì chúng ta bàn (về văn hoá đọc hay chấn hưng giáo dục) chỉ là những mơ tưởng xa vời”. TS Bùi Trân Phượng đến từ đại học Hoa Sen bày tỏ hai nỗi “thèm thuồng”: “Khi đi ra thế giới, tôi thấy thèm cái cơ chế pháp lý và quyền tự nhiên mà người ta có. Khi tìm hiểu tình hình trí thức Việt Nam đầu thế kỷ 20, trong bối cảnh người biết chữ ít, sách xuất bản ít, nhưng tôi lại thấy thèm thuồng cả những gì người hôm qua đã làm được”. Bà đặt câu hỏi: làm sao để giáo dục được phép là giáo dục, đại học được phép là đại học?

“Không chấp nhận sự đau khổ hiện tại”, cá nhân bà Phượng chọn giải pháp cách “làm từ cơ sở”, từ những nỗ lực ngay trong chính môi trường giáo dục của mình để cải thiện từng bước nhỏ.

Dạy văn để thắp lên ngọn lửa đọc sách

Xem trọng tâm vấn đề chất lượng giáo dục là giáo dục đại học, GS Nguyễn Thiện Tống, một tên tuổi chuyên ngành kỹ thuật hàng không cho rằng, trường đại học của chúng ta hiện nay chỉ là một dạng trường dạy nghề cao cấp, tri thức đào tạo thiếu tính phổ quát và liên ngành. Theo ông, việc cải tổ giáo dục phải ở từng giảng viên nên việc đào tạo chất lượng giảng viên phải hết sức coi trọng. Việc sáng tạo về phương pháp giảng dạy được đẩy mạnh thì sẽ kích thích người đọc khám phá tri thức qua việc đọc nhiều hơn.

Từ góc độ một hoạ sĩ quan tâm đến việc giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường, hoạ sĩ Nguyễn Quân cho rằng: “Đọc sách làm giàu khả năng tưởng tượng của con người. Nếu giáo dục không khuyến khích sự ham muốn tưởng tượng thì sẽ không có việc đọc sách”. Ông đưa ra hai khuyết điểm quan trọng trong giáo dục hiện nay cản trở việc đọc sách của người học: cách học theo giáo khoa hiện nay là giết chết tưởng tượng, không có tính mỹ dục trong giáo dục. Từ Pháp, GS Cao Huy Thuần gửi về hội thảo tham luận Đọc văn bàn về việc đọc, hiểu, học văn và dạy văn ở nhà trường. Ở đó, ông chống lại sự áp đặt cách hiểu, diễn dịch văn chương, thay vào đó, việc dạy văn là phải thắp lên sự thích thú, vì không thích thú là không hiểu, phải tôn trọng sự chủ quan của người học, vì thiếu sự tôn trọng này, sẽ không có hứng thú sáng tạo trong tiếp nhận văn học.

Đọc sách để được khai minh

Cần phải gấp rút có cuộc chấn hưng văn hoá đọc và hiểu biết thế giới trong đó nghiên cứu và dịch thuật là việc nền tảng.

GS Nguyễn Xuân Xanh

Người Nhật đã sớm có ý thức gắn kết văn hoá đọc trong chiến lược chấn hưng giáo dục và phát triển đất nước. GS Trần Văn Thọ trong tham luận Dịch sách và tinh thần cầu học: khởi động quá trình hiện đại hoá Nhật Bản đã nêu ra vài nét về tình hình dịch thuật của Nhật vào nửa sau thế kỷ 19 và cho rằng đó chính là nguyên nhân thành công của công cuộc cận đại hoá của chiến lược theo kịp phương Tây của người Nhật. Trong khi đó, GS Nguyễn Xuân Xanh lại nhấn mạnh tinh thần và ý thức đọc sách là để khai minh, để vươn lên không thua kém dân tộc nào của người Nhật. Trở lại tình hình Việt Nam, trong phần kết tham luận, ông viết: “Cần phải gấp rút có cuộc chấn hưng văn hoá đọc và hiểu biết thế giới, trong đó nghiên cứu và dịch thuật là việc nền tảng. Đó là mệnh lệnh của tất cả mọi người Việt Nam. Không có nghiên cứu, dịch thuật dồi dào, và nếu những việc này không được thể chế hoá, thì người Việt Nam thiếu hiểu biết về thế giới một cách nghiêm trọng, chỉ có tình yêu quê hương và hy vọng thuần tuý, nhưng khó đạt đến sự phồn vinh và sức mạnh cần thiết để bảo vệ độc lập của mình”.

Từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau: làm xuất bản, trực tiếp tham gia vào môi trường sư phạm hay từng là nhà quản lý giáo dục… các diễn giả đưa ra tiếng nói đầy ưu tư về thực trạng văn hoá đọc và yêu cầu cấp bách của việc chấn hưng giáo dục nước nhà. Có thể xem hội thảo lần này là một phương cách “tạo bóng râm thay vì chỉ ngồi than trời nắng” (theo lối nói của GS Nguyễn Thiện Tống). Độ phủ của bóng râm đó, trước hết có thể thấy ở thực tế hơn nửa khán phòng là những gương mặt trẻ chăm chú lắng nghe và đưa ý kiến về những khó khăn gặp phải trong việc đọc. Phần lớn là sinh viên từ các trường đại học có quan tâm đến việc vì sao đọc sách, đọc như thế nào, đọc thì được gì?

Ảnh: Nguyễn Vinh

Nguyễn Vinh

Nguồn: SGTT - 7/05/2012