Tin Tức

Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.

Suy nghĩ về phát triển nguồn nhân lực ở nước ta

I. Đặt vấn đề:

Hiện nay cả nước đang quan tâm đến vấn đề giáo dục, với mong muốn nước ta sớm có được một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của đất nước. Hơn nữa, phát triển nguồn nhân lực đang trở thành đòi hỏi bức thiết hàng đầu trên chặng đường công nghiệp hóa hiện đại hóa hiện nay của đất nước, chặng đường nước rút – vì thời gian từ nay đến năm 2020 không phải là dài.  Bài viết này cố gắng nêu lên một số suy nghĩ ban đầu với cách nhìn như vậy§.

Sự thật là chưa lúc nào vấn đề phát triển con người và nguồn nhân lực trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng ở nước ta như giai đoạn hiện nay, bởi hai lẽ:

1.    Đất nước giành được nhiều thành tựu to lớn sau 20 năm đổi mới, nay bước vào một thời kỳ phát triển mới sau khi đã hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu hóa, cơ hội và thách thức chưa từng có, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực thích ứng.

2.    Thực trạng nguồn nhân lực hiện nay khó cho phép tận dụng tốt nhất cơ hội đang đến với đất nước. Không mau chóng khắc phục được yếu kém này, có nguy cơ khó vượt qua những thách thức mới, sẽ kéo dài sự tụt hậu của đất nước với nhiều hệ lụy nan giải. 

II. Điểm lại  nhận thức và việc làm thực tế

Trong hầu hết các Đại hội Đảng và trong nhiều văn kiện quan trọng khác nhau của Đảng đã khẳng định:

Con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta, coi việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa; khẳng định con người Việt Nam phát triển toàn diện cả về thể lực, trí lực, cả về khả năng lao động, năng lực sáng tạo và tính tích cực chính trị - xã hội, cả về đạo đức, tâm hồn và tình cảm chính là mục tiêu, là động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa…Mọi chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đều nhằm quán triệt tư tưởng chăm lo bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam…*

Tuy nhiên, từ ý tưởng trên đi tới đường lối, chính sách và tổ chức thực hiện là cả một cuộc trường chinh gian khổ.

Sau 22 năm đổi mới, nước ta đứng trước thực tế:

Kinh tế tăng trưởng và phát triển liên tục, 10 năm qua tăng trưởng trung bình 7%; 5 năm qua tăng trưởng trung bình 7,5%. Năm 2007 – năm đầu tiên là thành viên của WTO, chỉ số tăng trưởng GDP là 8,5%, của xuất khẩu 20,5%, thu hút FDI tăng 17% (TBKTVN ngày 15-10-2007). Năm 2007, Việt Nam được UNDP đánh giá là nước thứ 6 trong “top ten” của thế giới về thu hút FDI cho các năm 2008-2009 (sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn độ, Nga, Brazil), xếp hạng môi trường kinh doanh  được nâng cấp lên 13 bậc¨…. Nhờ GDP tính theo đầu người tăng gấp 4 lần so với trước đổi mới, nên đời sống của nhân dân nhìn chung được nâng cao rõ rệt. Việc Việt Nam ngày 16-10-2007 được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc khóa 2008-2009 cho thấy vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Song chính những thành tựu đạt được này đối chiếu với công sức bỏ ra, với những điều kiện và cơ hội cho phép, phải chăng Việt Nam đang phát triển dưới mức tiềm năng của mình?

Trong phát biểu của mình tại những cuộc hội đàm chính thức hai năm qua với người đứng đầu chính phủ các nước phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá quan hệ song phương phát triển chưa đúng tầm; điều này cũng hàm ý tự khẳng định sự phát triển chưa đúng tầm về phía nước ta. Nếu  so sánh với các NICs ở châu Á sau 30 năm phát triển đầu tiên, nước ta phát triển như hiện nay là chậm, mặc dù điều kiện ngày nay của nước ta thuận lợi hơn nhiều về mọi mặt so với họ thời đó. Có không ít ý kiến các học giả trong và ngoài nước cho rằng chưa bao giờ Việt Nam hội đủ được thiên thời, địa lợi, nhân hòa như ngày nay, mức độ đạt được sau 32 năm phát triển – trong đó có 22 năm đổi mới – như thế là thấp. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, từ năm 2000 đến nay, đầu tư toàn xã hội ước chừng chiếm khoảng 30 – 40% GDP/năm, so với chỉ số tăng trưởng của những năm này ta có chỉ số ICOR hàng năm là xấp xỉ 5 hoặc <5, nghĩa là quá cao; lẽ ra chỉ số này chỉ nên là 3 – 3,5 so với mức tăng trưởng. Nói cách khác, với tổng đầu tư hàng năm như thế cho thấy tốc độ tăng trưởng và hiệu quả chung của nền kinh tế như thế là dưới khả năng cho phép, kết cấu hạ tầng vẫn phát triển rất chậm; thực trạng này có nguyên nhân quan trọng liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực nước ta…

Giáo dục, đào tạo, và khoa học 22 năm qua phát triển mạnh, góp phần quan trọng vào những thành tựu của đất nước đã nêu trên. Nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao hơn trước, thể hiện rõ nét nhất ở năng xuất lao động của toàn xã hội đã thay đổi hẳn cục diện phát triển kinh tế nước ta kể từ khi tiến hành đổi mới, tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ nhì thế giới trong những năm gần đây, trình độ giáo dục phổ cập và số lượng học sinh, lực lượng lao động có đào tạo, số người tốt nghiệp các bậc học tăng nhanh so với nhiều nước, đặc biệt trong vòng 10 năm 1993 -2002 tỷ lệ đói nghèo giảm còn một nửa (từ 57% xuống còn 28%). 

Những thành thành tựu nêu trên được thế giới đánh giá là “star performer”© trong đổi mới, trong gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội của nền kinh tế đang chuyển đổi (WB).

Trên đây là so sánh ta hôm nay với ta cách đây 22 năm. Tuy nhiên mặt trái của tấm huy chương: Trung tuần tháng 10-2007 cuộc họp đoàn đại biểu quốc hội Hà Nội và cuộc họp của đoàn đại biểu quốc hội TPHCM đều nêu ý kiến: Đã đến lúc cần phải xem xét chất lượng cuộc sống so với tăng trưởng kinh tế đạt được. Tại kỳ họp thứ 2 hiện nay của Quốc hội khóa XII nhiều đại biểu quốc hội các tỉnh khác cũng nêu ý kiến này.

Đấy là chuyện ta so với ta.

Nếu so kết quả đạt được với công sức bỏ ra, có lẽ phải nói lãng phí phạm phải trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và phát triển con người là tổn thất lớn nhất so với bất kỳ lãng phí nào khác đã phạm phải trong 22 năm đổi mới, với nhiều hệ quả lâu dài nhất.

Đứng chân trong thế giới này, nước ta còn phải làm hai so sánh nữa:

Một là, chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động so với các nước chung quanh, khoảng cách phát triển không thu hẹp được bao nhiêu; nếu lấy chỉ số thu nhập tính theo đầu người làm thước đo chung nhất, khoảng cách này có xu hướng đang rộng thêm.

Sau 20 năm đổi mới GDP danh nghĩa tính theo đầu người năm 2006 tăng gấp 4 lần năm 1986. Số liệu này khẳng định tất cả những gì đã làm được.  

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của IMF năm 2006:  

GDP danh nghĩa toàn thế giới tính theo đầu người năm 2005 là 7263 USD, của Việt Nam là 650 USD*, nghĩa là gần bằng 9% mức của thế giới – nghĩa là khoảng cách của nước ta so với thế giới bên ngoài là rất lớn. 

So sánh với các nước láng giềng chung quanh, cùng nguồn thống kê nêu trên cho thấy: Mặc dù gần một thập kỷ liên tiếp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc, nhưng GDP danh nghĩa tính theo đầu người của Việt Nam năm 2005 bằng 33% của Trung Quốc (1940 USD); 2,1% Singapore (29765 USD), 3,6% Hàn Quốc (17865 USD); 4,2% Đài Loan (15387 USD); 12% Malaysia (5376 USD); 21% Thái Lan (2993 USD); 43% Indonesia (1500 USD); và 50% Philippines (1278 USD). 

Năm 1986 – năm bắt đầu công cuộc đổi mới – thu nhập theo đầu người của ta kém Trung Quốc 200USD, kém Thái Lan 997 USD, kém Malaysia 1950 USD, kém Indonesia 550 USD, kém Philippines  440 USD, kém Hàn Quốc 6940 USD… Cũng so sánh như vậy, năm 2006 thu nhập của ta kém Trung Quốc 1100 USD, Thái lan 2140 USD, Malaysia 4520 USD, Indonesia 750 USD, Philippines 420 USD, Hàn Quốc 17.000 USD…  Nghĩa là khoảng cách thu nhập của ta so với những nước này đang ngày càng rộng ra!

(Tham khảo thêm thống kê của IMF 2007).

Hai là, khả năng phát triển kinh tế theo chiều rộng đã tới mức trần, nước ta đứng trước đòi hỏi phải bằng mọi cách chuyển từ lợi thế so sánh dựa trên lao động giá rẻ, nhờ cậy vào tài nguyên và môi trường sang tạo ra lợi thế cạnh tranh chủ yếu dựa trên phát huy nguồn lực con người. Ngay trước mắt, thời cơ đang đem lại cho đất nước khả năng đột phá sang một giai đoạn phát triển mới, có thể khắc phục tình trạng tụt hậu. Song nước ta đang vấp phải 3 trở lực lớn: chất lượng còn thấp về nguồn nhân lực, sự bất cập lớn của kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuât, thể chế và năng lực quản lý hẫng hụt nhiều mặt.  

Trong các chuyến đi thăm chính thức các nước phát triển của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong năm 2007, Việt Nam được các nước chủ nhà coi là đối tác đầy triển vọng, những công trình hợp tác kinh tế được ghi nhớ lên tới nhiều chục tỷ USD, nhiều công trình đầu tư lớn, dự án lớn được được cam kết ở mức sâu hơn trên những lĩnh vực quan trọng – nghĩa là chỉ còn chờ phía ta bật đèn xanh để đi vào đàm phán cụ thể: phát triển hệ thống đường xá toàn quốc, phát triển ngành hàng không, mở rộng khả năng sản xuất nhiệt điện, (vấn đề điện năng lượng hạt nhân đang được đề cập), phát triển toàn diện ngành dầu khí, phát triển những khu công nghệ cao, phát triển thị trường tài chính, phát triển thị trường địa ốc, mở rộng ngành công nghiệp du lịch..; ngay trong nước thị trường tài chính có triển vọng thu hút những nguồn vốn lớn… Lần đầu tiên nước ta đứng trước tình hình không thiếu vốn và cơ hội, có nhiều dự án lớn, nhưng lại thiếu trầm trọng năng lực quy hoạch và quản lý, thiếu trầm trọng nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng những dự án lớn này. Tiến độ nhiều dự án lớn đã triển khai thường chậm một, hai năm so với kế hoạch hoặc hơn nữa. Trên hết cả, khoảng 2/3 GDP của nước ta dành cho xuất khẩu, cạnh tranh hàng giá rẻ với chất lượng thấp và dịch vụ thấp ngày càng không còn đất sống trước những làn sóng hàng hóa rẻ Trung Quốc khắp thế giới, chỉ còn một con đường cạnh tranh bằng hàng hóa chất lượng cao và dịch vụ cao. Trong khi đó cơ hội không biết chờ đợi. Nói riêng về điện: năm 2006 ta thiếu 1,1tỷ kwh; năm 2007 thiếu 6,6 tỷ kwh, năm 2008 Tập đoàn Điện (EVN) dự báo thiếu 8,6 tỷ kwh, mọi kế hoach sản xuất điện EVN đã cam kết với Chính phủ đều chậm vài năm, thế nhưng từ nhiều năm nay không một dự án đầu tư nhiệt điện nào của nước ngoài dù khả thi về mọi mặt, kể cả dự án BOT, có thể vào VN; một ví dụ này nói lên nhiều điều.

Phải chăng đất nước đứng trước một nghịch cảnh: Kinh tế phát triển mạnh và cơ hội đang đến với đất nước rất lớn, nhưng trong khi đó giáo dục – đào tạo – khoa học và vấn đề phát triển nguồn nhân lực nói chung sau  thời kỳ giành được những một số thành tựu ban đầu theo xu hướng phát triển đại trà, ngày nay đang đi tới một điểm nóng, với nhiều hệ quả trầm trọng. Trong phát triển con người và nguồn nhân lực, nhiều yếu kém và tiêu cực tích tụ lâu năm đang dồn nén lại thành nguy cơ có thể làm cho đất nước bó tay trước cơ hội lớn. Bản thân ngành giáo dục - đào tạo – khoa học, và nhìn chung là toàn hệ thống phát triển nguồn nhân lực đang có nguy cơ rơi vào khủng hoảng: đào tạo nhiều mà dùng được ít, số người được đào tạo thất nghiệp cao, chi phí của toàn xã hội quá lớn so với những gì gặt hái được, có nhiều hậu quả lớn  phải xử lý tiếp (ví dụ vấn đề đào tạo lại, việc bố trí người không đúng việc, không chuẩn bị kịp cho các bước phát triển tiếp theo của đất nước, phát sinh bộ máy cồng kềnh khiến cho quan liêu tham nhũng không thể tránh được…). Đất nước đứng trước tình hình:  không đẩy nhanh phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học thì bất cập, đảy nhanh thì thiếu nhiều nguồn lực, đảy nhanh theo hướng đang làm sẽ có thể đi tới đổ vỡ lớn hơn, hướng đúng là gì chưa rõ, ý kiến đang rất khác nhau.

Có đúng như vậy không?

Đây là vấn đề cần tìm hiểu và kết luận dứt khoát. Chưa lúc nào trong xã hội tỏ ra lo lắng bức xúc về tình hình giáo dục – đào tạo – khoa học với nhiều lý lẽ rất xác đáng như ngày nay*.

Trước hết nói về công sức bỏ ra rất lớn.

Trên thực tế, tính theo thu nhập trên đầu người, Việt Nam có lẽ là nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao nhất thế giới: trung bình khoảng 8% GDP/năm, ở Mỹ mới chỉ là 6%, Trung Quốc là 2,7%..; nếu tính theo thu nhập của hộ gia đình tỷ lệ chi cho giáo dục ở nước ta còn cao hơn nữa©. Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo năm 2000 là 11,5%, năm 2005 là 13%, năm 2007 là 20% (nguồn TCTK và BKHĐT), nhiều quốc gia mơ tưởng chỉ số này dành cho giáo dục của họ. Gần đây còn có nhiều quyết sách khác về tài chính – kể cả việc cho sinh viên vay tiền ngân hàng để chi cho học tập – hỗ trợ việc phát triển giáo dục. Nghĩa là cả nước nỗ lực rất lớn cho phát triển giáo dục nói riêng và phát triển nguồn nhân lực nói chung.

Thực trạng hiện nay:

Báo cáo khảo sát “200 doanh nghiệp top của Việt Nam” của UNDP – Hà Nội xuất bản tháng 9-2007 cho biết: Qua phỏng vấn, các chủ doanh nghiệp Việt Nam đều cho rằng (a)họ phải đào tạo lại hầu hết mọi người ở mọi cấp bậc – học nghề, đại học, sau đại học -  mà họ nhận vào doanh nghiệp của mình, (b)họ không tin tưởng vào hệ thống đại học và các viện nghiên cứu của trong nước, vì chất lượng giảng dạy thấp; nội dung thấp và lạc hậu; khả năng nghiên cứu nghèo nàn; sách vở và thiết bị đều thiếu, không đồng bộ, cũ kỹ, rất yếu về ngoại ngữ, năng lực tổ chức và quản lý thấp…

Tình  hình chung nguồn nhân lực của nước ta hiện nay là: Sau 30 năm công nghiệp hóa, vẫn còn khoảng 70% lao động cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp; tỷ lệ học sinh trên triệu dân, tỷ lệ số trường các loại trên triệu dân, tỷ lệ số trường đại học trên triệu dân; tỷ lệ tốt nghiệp đại học trên triệu dân, tỷ lệ có học vị tiến sỹ trên triệu dân của nước ta đều cao hơn tất cả các nước có mức thu nhập bình quân theo đầu người tương đương như Thái Lan, nhưng chất lượng đang có nhiều vấn đề. Điều tra của Bộ giáo dục và đào tạo năm 2006 cho thấy cả nước có tới 63% số sinh viên ra trường không có việc làm, 37% số còn lại có việc làm thì hầu hết phải đào tạo lại và có nhiều người không làm đúng nghề mình đã học, trong khi đó nhiều doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp có FDI và nhiều dự án kinh tế quan trọng khác rất thiếu lực nguồn lực chuyên nghiệp. Khoảng 2/3 số người có học vị tiến sỹ trong cả nước không làm khoa học mà đang làm công tác quản lý; số bài báo khoa học được công bố hàng năm chỉ bằng khoảng ¼ của Thái Lan và bằng 0,00043% của thế giới, mặc dù số tiến sỹ của ta hàng năm nhận bằng thường nhiều hơn của Thái Lan, có năm cao gần gấp đôi, vân vân…

Nguồn nhân lực nước ta đứng trước tình hình: trẻ (tính theo tuổi đời trung bình – một ưu thế lớn), đông (một ưu thế lớn khác, nước có dân số đứng thứ 13 trên thế giới), nhưng tỷ lệ tính trên triệu dân của số người có nghề và có trình độ chuyên môn rất thấp so với tất các nước trong nhóm ASEAN 6 và Trung Quốc; số cán bộ kỹ trị và có trình độ quản lý cao rất ít so với dân số cũng như so với quy mô nền kinh tế.

Nền tảng khoa học để phát triển các đội ngũ nguồn nhân lực nước nhà  được giáo sư  Phạm Duy Hiển đánh giá khái quát: “Với năng lực KHCN như hiện nay, làm sao Việt Nam có thể trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020?”*

Theo điều tra của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2005: Nguồn nhân lực Việt Nam về chất lượng được xếp hạng 53 trên 59 quốc gia được khảo sát, song mất cân đối nghiêm trọng:

  • Ở Việt Nam cứ 1 cán bộ tốt nghiệp đại học có 1,16 cán bộ tốt nghiệp trung cấp và 0,92 công nhân kỹ thuật, trong khi đó tỷ lệ này của thế giới là 4 và 10;
  • Ở Việt Nam cứ 1 vạn dân có 181 sinh viên đại học, trong khi đó của thế giới là 100, của Trung Quốc là 140 mặc dù mức thu nhập quốc dân tính theo đầu người của Trung Quốc khoảng gấp đôi của nước ta, vân vân§… Vân… vân…

Tác động sâu xa và lâu dài về mặt văn hóa của những tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục là nhiều giá trị cao quý bị mai một, với nhiều di chứng khó sửa: suy nghĩ lệch lạc về cái học trở thành hiện tượng xã hội phổ biến; tư tưởng bằng cấp, tình trạng chạy trường chạy điểm, bằng thật học giả, gian lận, nói dối... tràn lan; bệnh hình thức và thành tích chủ nghĩa để lại nhiều hậu quả trầm trọng; giác ngộ ý thức làm chủ bản thân và vai trò chủ nhân ông của đất nước bị hạn chế; tình trạng dạy và học nhồi sọ cản trở đáng kể sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như của của đất nước, chẳng những không khuyến khích tự do tư duy sáng tạo mà còn ảnh hưởng đến khả năng đề kháng sự nô dịch sùng ngoại; trong xã hội không hiếm tư tưởng “ăn đong” và tư tưởng làm thuê, không hiếm hiện tượng vùi dập và bỏ phí người tài... Tất cả những yếu kém này vừa đang cản trở khả năng phấn đấu của từng cá nhân, vừa tiếp tục khoét sâu các mặt suy yếu của xã hội, của đất nước. Đã thế, lại có khuynh hướng đổ hết mọi tội lỗi lên cơ chế thị trường! Trong dân gian đã thốt lên sự than vãn: “Bao giờ cho đến ngày xưa!..” Tiến sâu vào thời kỳ phát triển hiện đại và hội nhập, nhưng nhìn chung trong cả nước ý thức luật pháp đối với nhà nước pháp quyền, cũng như ý thức tự chủ đối với xã hội dân sự của những người trong hệ thống bộ máy nhà nước cũng như của người dân còn nhiều mặt hạn chế.

Kết quả chung là: Con người Việt Nam có nhiều tố chất và ưu thế không được nuôi dưỡng và phát huy đúng hướng, chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung thấp về nhiều mặt so với các nước ASEAN6 và Trung Quốc, năng suất lao động cũng thấp hơn. Có phải như thế không? – mong được đánh giá khách quan.

Những nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên có thể như sau:

  1. Không quan tâm và không kế thừa, phát huy những thành tựu giáo dục của nước ta đã tích lũy được trước đổi mới cũng như những thành tựu của thế giới, không khai thác lợi thế nước đi sau, thậm chí ít nhiều hoang tưởng, duy ý chí hoặc nhân  danh phát huy sáng tạo đi tìm một con đường riêng, nhưng thực tế là lạc lõng*.
  2.  Tiêu cực và chủ nghĩa cơ hội đã làm sai lệch những ý tưởng, những mong muốn tốt đẹp dành cho phát triển con người và nguồn nhân lực – điển hình là sự ra đời của khái niệm “xã hội hóa” với nội dung bị bóp méo theo khuynh hướng đẩy việc phát triển con người và nguồn nhân lực ngày càng đi vào con đường thương mại hóa, nhiều công việc thuộc giáo dục và đào tạo trở thành hàng hóa và dịch vụ kiếm lợi nhuận, đã xẩy ra siêu lợi nhuận.
  3. Không lường đúng những khó khăn, mâu thuẫn gay gắt giữa một bên là khả năng rất giới hạn của nguồn lực và một bên là đòi hỏi lớn của phát triển – (cụ thể ở đây là phát triển con người và phát triển nguồn nhân lực – của một nước nghèo, đông dân, đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi nhanh như nước ta); không lường đúng những mặt phức tạp và những khó khăn rất đa dạng, sâu xa của lĩnh vực thiết yếu bậc nhất và rất nhạy cảm nhất này trong đời sống quốc gia, không nhận thức đúng những yếu kém lớn về năng lực tổ chức và quản lý của bộ máy nhà nước. Duy ý chí và bệnh thành tích đầu độc trầm trọng thêm tình trạng này.
  4. Tri thức, tầm nhìn và đạo đức nghề nghiệp của nhiều chuyên gia,   nhà khoa học được giao nhiệm vụ trực tiếp làm chính sách quốc gia về giáo dục – đào tạo – khoa học, của những người được trực tiếp giao nhiệm vụ lãnh đạo và quản lý lĩnh vực phát triển giáo dục và nguồn lực con người, và nhìn chung là trình độ của đội ngũ này dưới tầm so với đòi hỏi của nhiệm vụ. Xét theo lương tâm nhà giáo, theo bản lĩnh người trí thức thì còn phải nêu ra nhiều yếu kém nghiêm trọng khác nữa của đội ngũ này.
  5. Bao chùm lên tất cả là tác động của những yếu kém nằm trong những nguyên nhân tổng hợp của thực trạng kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa của đất nước.

III Nhìn nhận lại vấn đề phát triển nguồn nhân lực

Xây dựng được con người như thế nào thì sẽ hình thành một quốc gia và xã tắc như thế. Mặt khác, con người tự giác thường là yếu tố quyết định nhất thay đổi xã hội và quốc gia nó đang sống. Sự hưng vong, thịnh suy của một quốc gia gắn liền với những điều mang tính nguyên lý này. Văn minh nhân loại ở nấc thang toàn cầu hóa ngày nay khiến cho việc làm chủ những điều mang tính nguyên lý này càng trở thành đòi hỏi sống còn của mỗi quốc gia và mỗi công dân của nó.

Vì lẽ vừa trình bày, phát triển nguồn nhân lực về thực chất là ngày càng phải làm tốt hơn việc giải phóng con người. Đòi hỏi này cùng một lúc đặt ra hai yêu cầu: Phải tập trung trí tuệ và nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực, mặt khác phải đồng thời thường xuyên cải thiện và đổi mới môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, gìn giữ môi trường tự nhiên của quốc gia.

Vấn đề lớn nhất đặt ra cho nước ta không phải là cái nghèo, suy nghĩ như vậy sẽ không tìm được lối ra. Vấn đề lớn nhất là những thiếu sót trong cách nhìn về giáo dục và đào tạo, là sự phấn đầu chưa đúng tầm của các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm; do đó chưa phát huy được tất cả trí tuệ và nguồn lực đất nước có trong tay cho phát triển nguồn nhân lực như một ưu tiên quốc gia hàng đầu – điều này bao gồm cả ý chí xây dựng một thế chế chính trị và đời sống kinh tế - xã hội – văn hóa hướng vào phát huy những giá trị chân chính của con người, trước hết là phát huy tự do và nghị lực sáng tạo của nó. Vấn đề còn là thiếu ý thức kế thừa, phát huy những thành tựu đất nước đã giành được, là chưa khai thác được một cách sáng tạo những thành tựu của văn minh nhân loại (vấn đề tận dụng lợi thế nước đi sau).

Vì thế phải đặt vấn đề phát triển con người và nguồn nhân lực trong một cách nhìn toàn diện.

Ngày nay không thể quan niệm đơn thuần nguồn nhân lực là lực lượng lao động với nghĩa đơn giản là những người làm công ăn lương, những người nông dân ít có điều kiện học hành...

Cuộc sống ngày nay đòi hỏi phải nhìn nhận nguồn nhân lực bao gồm tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội và nghề nghiệp khác nhau, mọi địa vị xã hội từ thấp nhất đến cao nhất -  kể từ người làm nghề lao động đơn giản nhất, nông dân, công nhân, người làm công việc chuyên môn, người làm khoa học, người làm nhiệm vụ quản lý, nhà kinh doanh, người chủ doanh nghiệp, giới nghệ sỹ, người hoạch định chính sách, quản lý đất nước... Tất cả đều nằm trong tổng thể của cộng đồng xã hội, từng người đều phải được đào tạo, phát triển và có điều kiện để tự phát triển. Phải làm tất cả mọi việc để từng người tìm được chỗ đứng và đứng đúng chỗ của mình, chịu sự sàng lọc tất yếu của cuộc sống.

Thử hình dung, bất kể một bộ phận, một tầng lớp hay một giới nào đó, thậm chí một cá nhân riêng lẻ nào đó có ảnh hưởng trong nguồn nhân lực này yếu kém hay bệnh hoạn, sẽ có hệ quả gì? Ví dụ: Nguồn nhân lực cả nước ta làm sao phát huy hết mức trong tình hình một bộ phận của nó, cụ thể ở đây là đội ngũ trong bộ máy quản lý đất nước – một bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực - để cho năm 2005 nước ta xếp hạng thứ 107 về nạn tham nhũng, năm 2006 thứ 111 và năm 2007 thứ 123 (tham khảo báo cáo hàng năm của Transparency International), nhiều doanh nghiệp hàng năm phải dùng tới khoảng 900 giờ làm việc năm riêng cho một việc nộp thuế cho nhà nước, vv... Trình độ kỹ trị của đội ngũ cán bộ trong bộ máy công quyền còn thấp, nên công việc ùn tắc nhiều và gây nhiều lãng phí; chỗ này chỗ kia còn những Bùi Tiến Dũng đủ các loại... Trong tình hình như thế, giả thử có được một đề án 112 tối tân hiện đại nhất thế giới cũng không thay đổi được bao nhiêu. Vân… vân…

Thực ra phải nói: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong bộ máy công quyền hiện nay phải đặt thành một ưu tiên nếu không cao hơn thì ít nhất cũng không kém gì những ưu tiên khác dành cho những bộ phận khác trong lực lượng lao động của cả nước. Đã có không ít tiếng nói trên báo chí và trong dư luận xã hội đòi hỏi phải nâng cao “quan trí”, nâng cao năng lực kỹ trị, nâng cao ý thức công bộc của đội ngũ cán bộ viên chức ăn lương nhà nước. Người ta hay nói nhiều đến ý thức thấp kém của người nông dân, người công nhân – ví dụ tình trạng ăn cắp vật liệu ở công trình nhà máy lọc dầu Dung Quất… Song hiện tượng đáng lo lắng hơn lại là cuộc sống có không biết bao nhiêu ví dụ về tác trách, về vận dụng hay thi hành sai luật pháp và những chính sách đúng đắn·. Rõ ràng có làm tốt được việc đổi mới đội ngũ cán bộ trong bộ máy công quyền, nhiều việc khác mới hy vọng làm tốt được, mọi người khác mới có điều kiện phát huy được mình. Đấy là chưa nói đến những chủ trương, những chính sách không đúng hoặc bất cập – do con người và cơ chế bất cập làm ra.

Có thể nói thế này: Cầu Văn Thánh ở Thành phố Hồ Chí Minh là một sản phẩm tiêu biểu, (a)phản ánh tổng hợp được thực chất trình độ của nguồn nhân lực nước ta – từ người công nhân bình thường đến người thiết kế, người làm kỹ thuật, nhà thầu, người quản lý, người quyết định chính sách – nghĩa là trình độ nguồn nhân lực nào sản phẩm nấy; (b)đồng thời cũng phản ánh  sinh động môi trường pháp lý và đời sống kinh tế - chính trị - văn hóa xã hội của nguồn nhân lực đã làm nên cây cầu này, nghĩa là môi trường nào thì tạo ra nguồn nhân lực nấy!

Nhìn nhận như vậy, quốc sách về phát triển nguồn nhân lực, về phát huy và sử dụng con người và người tài đòi hỏi phải gắn liền với việc đảy mạnh đổi mới trên nhiều phương diện – về lâu dài là đổi mới toàn diện cả thể chế và xã hội trên cái nền tảng dân tộc vững chắc đã tạo dựng nên tổ quốc Việt Nam của chúng ta.

Với những điều trình bày trên, phát triển nguồn nhân lực ngày nay không thể chỉ đơn thuần một chiều hiểu theo nghĩa phát triển lực lượng lao động như lâu nay thường làm: mở thêm các trường, các cơ sở đào tạo nghề, cải tiến nội dung dạy, đổi mới chính sách lao động tiền lương, cải tiến công tác công đoàn, phổ biến kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân, vân vân… Đây chỉ là một khía cạnh nhất định của nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực đối với những bộ phận nhất định người lao động trong cộng đồng dân cư của đất nước.

Đặt vấn đề với cách nhìn toàn diện, có nghĩa phải đồng thời và từng bước làm rất nhiều việc khác – ví dụ những việc đã liệt kê ra được như cải cách hành chính, xóa bỏ chủ quản, xóa bỏ bao cấp.., giảm biên chế, bổ túc và đào tạo lại đội ngũ cán bộ viên chức các cấp, mở rộng và nâng cao đội ngũ cán bộ kỹ trị, cán bộ quản lý, người làm chính sách, đổi mới chính sách  để phát huy con người và dùng người…; còn biết bao nhiêu việc chưa liệt kê ra được như trong phát huy dân chủ, vận dụng tri thức tiên tiến trong đổi mới thể chế quốc gia, trong hội nhập sân chơi toàn cầu...

Phát triển nguồn nhân lực hiển nhiên đòi hỏi phải đồng thời đổi mới triệt để toàn xã hội hướng thiện - theo những giá trị chân chính – ví dụ, để có một môi trường xã hội trọng công bằng, kỷ cương, đạo đức; pháp luật được coi làm chuẩn mực; xã hội trở thành xã hội học tập..; tất cả theo nghĩa muốn có nguồn nhân lực nào thì cũng phải đồng thời tạo ra môi trường nấy, văn hóa phải trở thành linh hồn dẫn dắt sự phát triển.

Lẽ đương nhiên không thể tạo ra mọi thứ như thế trong một đêm, nhưng cần có cái nhìn toàn diện để xác định cho đúng cái đích cần lựa chọn rồi mới hoạch định những bước đi, những việc làm.  

Như vậy không thể có vấn đề phát triển nguồn nhân lực riêng lẻ tách rời khỏi đời sống chung quanh - như trong một xã hội chân không, mà phải nhìn thẳng vào thực tế: Xã hội nào thì nguồn nhân lực nấy, muốn có cái này tốt, cái kia cũng phải làm cùng tốt theo, tất cả phải trên cái nền văn hóa – dân tộc – dân chủ, tất cả phải hội nhập vào bước đi chung của toàn cầu.

Nói ngắn gọn: Tất cả hướng vào cái đích là có được một nguồn nhân lực phát triển trong một môi trường thân thiện với phát triển. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúng khi đã nói tới ý nghĩa đổi mới giáo dục thực chất là một cuộc cách mạng chấn hưng đất nước.

IV. Bình tĩnh, tranh thủ thời gian tìm ra giải pháp thuyết phục

Trước khi bàn tiếp, xin kiến nghị:

(1)   Bất luận lựa chọn và quyết định giải pháp gì và trong bất cứ hoàn cảnh nào, ý chí muốn học, tinh thần ham học, quyết tâm chịu đựng mọi hy sinh khốn khó để học và học cho đến cùng của người dân nước ta, trước hết là của lớp trẻ, là cái vốn vô giá của quốc gia. Tinh thần này, ý chí này cần được gìn giữ, nâng niu, cổ vũ.  

(2)   Sự phát triển ồ ạt theo số lượng về giáo dục ở nước ta đặt ra vấn đề: Đã chót đẻ ra thì phải nuôi. Đất nước đứng trước tình thế có quá nhiều trường đại học, học viện, các loại trường khác.., trong khi đó chất lượng của những loại trường này nhìn chung thấp, nguồn lực có thể huy động được lại cực kỳ eo hẹp. Giải pháp nào cũng phải hạn chế xuống mức thấp nhất gánh nặng dồn lên vai học sinh.

(3)   Bình đẳng về cơ hội cho mọi người là một trong những tiêu chí quan trọng nhất của xã hội văn minh, trong đó bình đẳng về cơ hội trong giáo dục là quan trọng bực nhất. Song lực và trí nước ta có hạn, nên tôi nghĩ nước ta cũng phải đi từng bước, điều kiện cho phép đến đâu thì làm đến đấy, nỗ lực hết mức làm đến đấy.*!

Chỉ ba điều nêu trên đủ cho thấy phải bình tâm suy nghĩ, xem xét lại tất cả, phải mất công động não cân nhắc mọi điều trước sau mới hy vọng tìm ra giải pháp đúng.

Trong 22 năm đổi mới vừa qua, xin hãy kiểm kê lại xem Nhà nước ta đã bao nhiêu lần cải cách, cải tiến giáo dục – từng phần hoặc toàn phần, thế nhưng kết cục là có tình hình giáo dục – đào tạo – khoa học như hôm nay. Chẳng lẽ cứ tiếp tục cải cách thêm kiểu như thế này để kéo dài, để mở rộng mãi tình trạng hôm nay? Đã đến lúc nên tổng kết một cách triệt để.

Cả nước đều biết, ngay từ khi nhận trọng trách mới, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã dành nhiều công sức trực tiếp lao vào giải quyết những vấn đề nóng bỏng trong ngành giáo dục. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng quan tâm chỉ đạo Bộ này và các ngành có liên quan làm tất cả những gì có thể để cải thiện tình hình và đẩy mạnh phát triển giáo dục, coi đấy là một trong những ưu tiên lớn của quốc gia. Việc làm gần đây nhất là Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh vấn đề cho các sinh viên nghèo vay tiền ngân hàng để đi học…

Song như đã trình bày, những khó khăn yếu kém trong lĩnh vực giáo dục nói riêng và trong phát triển nguôn nhân lực nói chung tích tụ từ hai mươi năm nay thành nhiều vấn đề lớn, nan giải, có nhiều vấn đề đã trở thành những nếp khó sửa, không thể một sớm một chiều nhìn được hết, càng không thể tìm ngay được lối ra. Đấy là chưa nói đên đòi hỏi của cạnh tranh kinh tế toàn cầu nà nước ta nhất thiết phải đương đầu: Trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đổi mới, cách gì đi nữa, vẫn cần tiếp tục duy trì sự phát triển năng động, ổn định và có chất lượng ngày càng tốt hơn của toàn bộ nền kinh tế.

Xin nêu ra một số vấn đề dưới đây để thấy rằng tình hình dù bức xúc thế nào, cũng không thể nôn nóng, vì cuộc sống không có liều thuốc tiên.

IV.1 Vấn đề tăng học phí

Đây đang là vấn đề thời sự nóng hổi nhất.

Phó thủ tướng Bộ trưởng Nguyễn thiện Nhân giải thích:

… không tăng học phí đại học thì không thể có chất lượng như mong muốn.  Nếu tính học phí đại học cũng dựa vào thu nhập của người dân thì sẽ rơi vào vòng bế tắc, luẩn quẩn: nước nghèo nên ngân sách cho giáo dục ít, người dân thu nhập thấp nên khả năng đóng học phí thấp, do đó chi cho đào tạo ít. Hệ quả là thiếu kinh phí xây dựng trường lớp, mua sắm thiết bị, trả lương giáo viên kém nên chất lượng đại học thấp, quy mô nhỏ. Nếu cứ thế thì những người ra trường với chất lượng đào tạo thấp làm việc hiệu quả không cao, nền kinh tế lại chậm phát triển, đất nước tiếp tục nghèo.

…Tăng học phí là một đột phá trong tài chính cho giáo dục đại học...) 


Phó thủ tướng Bộ trưởng nhiều lần nhấn mạnh tăng học phí gắn với nói “không” với dạy học không có chất lượng, với dạy những điều thị trường không có yếu cầu.

Lô-gích là như thế, song có nhiều ý kiến cho rằng thu – chi cho giáo dục còn nhiều vấn đề phải xem xét lại, thực hiện điều nói “không” đòi hỏi nhiều thời gian và nhiều biện pháp đồng bộ, không thể ngày một ngày hai có ngay được.

Ví dụ:

Ý kiến của giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Quốc hội :

 “... Để tăng học phí, một điều quan trọng hơn nữa là phải thay đổi quan niệm về công tác giáo dục đào tạo, đặc biệt là cấp đại học. ...Tăng học phí chất lượng dạy có tăng?”. Trên thực tế, nếu tăng học phí đồng loạt thì toàn bộ chất lượng cũng tăng đồng loạt? Tôi tin là không có. ...trước khi tăng nên kiểm tra học phí được sử dụng như thế nào? Cần có đánh giá tổng kết... Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng có nói, việc sử dụng học phí ở một số trường đại học chưa đúng với quy định của ngành, chẳng hạn một số trường dùng học phí để chi cho cán bộ công nhân viên, giáo viên mà không chi cho giáo dục đào tạo. ...Báo cáo đó rõ ràng đặt ra vấn đề, học phí chưa được sử dụng đúng, vậy tăng học phí có phải khó thuyết phục dư luận?”

(Tin tức Onlne, 09-10-2007)

Ý kiến của giáo sư Hoàng Tụy:

“...Kiểm toán Nhà nước vừa phanh phui bao chuyện thất thoát công quỹ, hơn nữa, đời sống người dân đang rộn lên bao chuyện bất an (tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, vật giá leo thang...), thì đặt vấn đề tăng học phí chưa ổn. Còn về lâu dài, muốn chấn hưng giáo dục thật sự đạt kết quả, Chính phủ và Quốc hội cần quyết liệt hơn nữa trong chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, và riêng trong ngành giáo dục cần chấn chỉnh quản lý trong nội bộ ngành, rà soát lại mọi chế độ, quy định, tổ chức, để sử dụng đầu tư của Nhà nước và nhân dân có hiệu quả hơn. Tôi tin rằng ngân sách ngành giáo dục và đào tạo được cấp, cộng thêm phần đóng góp trực tiếp của dân (bằng hai phần ba ngân sách) hoàn toàn đủ cho nhu cầu giáo dục phổ thông mà không cần tăng học phí.  

...Có một số vấn đề nguyên tắc phải tôn trọng nếu thật sự ta muốn xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ. Thứ nhất, cấp phổ cập phải tuyệt đối miễn phí, hơn nữa phải tiến đến chỗ sách giáo khoa cũng được cấp hoặc cho mượn. Thứ hai, trên cấp phổ cập (từ cấp 3 phổ thông trở lên) thì trong giai đoạn nào đó trường công lập có thể thu học phí nhưng học phí phải khác nhau tùy vùng giàu, nghèo, và phải đi đôi với chính sách học bổng thực sự hữu hiệu, đồng thời về lâu dài vẫn cần tiến đến chỗ miễn phí, hoặc thu phí rất thấp chỉ để nhắc nhở trách nhiệm cho người học, hoặc Nhà nước cho vay tiền để đi học như Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có chủ trương rất đúng đắn.”

(Thời báo kinh tế Sài Gòn, 04-10-2007)

Trong giải quyết vấn đề có nhiều mối hệ lụy phức tạp, chọn khâu đột phá thường là cách tiếp cận cần thiết; song chính biện pháp “đột phá” lại đòi hỏi phải cân nhắc và chuẩn vị kỹ lưỡng nhiều mặt, nếu không biện pháp đột phá có nguy cơ: phá mà không đột. Ví dụ có những ý kiến nói: Chương trình đào tạo 20.000 tiến sỹ và 1 tỷ USD cho dạy nghề cho thấy thiếu tiền chưa phải là vấn đề nóng bỏng nhất đối với giáo dục, như vậy tăng học phí chưa hẳn đã là khâu đột phá... Vấn đề nóng bỏng hơn là sự phân bổ và sử dụng đúng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước đang có trong tay¨

Ngoài ra còn có một số người nêu câu hỏi: Hiến pháp quy định bậc tiểu học hoàn toàn miễn phí, tại sao vẫn có tình trạng đóng góp dưới dạng thu một lọai phí hay học phí…

Còn rất nhiều ý kiến khác nữa.

Nguyễn Trung

Nguồn: Vusta.vn, 13/10/2007

Các Tin Tức Khác

Suy nghĩ về phát triển nguồn nhân lực ở nước ta

Hiện nay cả nước đang quan tâm đến vấn đề giáo dục, với mong muốn nước ta sớm có được một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của đất nước. Hơn nữa, phá

Thay đổi đến từ TÔI

(SVVN) Đó là chia sẻ với các bạn trẻ (khi đối mặt với khủng hoảng) của ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED), người sáng lập Trường Doanh nhân PACE

Tọa đàm IRED: Đi Tìm Chân Dung Công Dân Toàn Cầu

Buổi tọa đàm với chủ đề “Đi tìm chân dung công dân toàn cầu”, với hy vọng giúp người tham dự có thêm những thông tin thú vị về các giải pháp giáo dục