Khoa học Tạp chí và nhà khoa học
Nguyễn Công Tiễu (II)

Hà Dương Tường

 

 

Ảnh chân dung Nguyễn Công Tiễu

 

Trong số những trí thức Việt Nam đầu thế kỷ 20, Nguyễn Công Tiễu không phải là một tên tuổi nổi bật so với các trí thức thuộc các lĩnh vực văn chương, chính trị, và như báo Tia Sáng 22.4.2017 nhắc lại, ngày nay tên ông vẫn "không gợi lên nhiều điều". Thế nhưng ông lại là một trong những nhà khoa học đầu tiên có những công bố quốc tế và qua đó, được "Hội đồng khảo cứu về Khoa học Đông Dương" (Conseil de Recherche Scientifique de l'Indochine) nhận làm hội viên dù ông không có đơn xin ứng cử, như một bài viết trên "Hà Thành Ngọ báo" ngày 26/12/1929 cho biết.

Nguyễn Công Tiễu (1892 - 1976) quê ở làng Trà Bồ, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Thuở nhỏ ông học chữ Nho, lớn lên được học chữ Quốc ngữ, rồi theo học trường Cao đẳng Nông Lâm, nơi ông tốt nghiệp năm 1912. Có thể nói, chọn lựa ngành nghề ấy ở tuổi thanh niên đã đeo đuổi ông suốt đời : Sự nghiệp khoa học của ông tập trung vào các vấn đề cây cỏ, thực vật của nhà nông, vừa nghiên cứu vừa phổ biến giúp nông dân cải thiện các sản phẩm của mình. Quan tâm này của ông được thể hiện trong việc ông nhận làm chủ bút tờ Vệ Nông báo, một trong những tờ báo hiếm hoi chuyên về nông nghiệp (bao gồm kinh tế và thương mại hàng nông sản) thời đó - sau tờ Nông cổ mín đàm ở Nam kỳ. Vệ Nông báo do ông chủ nhà in Lê Văn Phúc xuất bản và làm giám đốc, ra đời vào ngày 15.7.1923, và đình bản năm 1932. Tuy xuất bản ở Hà Nội, tờ này cũng được phổ biến ở trong nam, bằng chứng là tờ Khoa học Tập chí của ông Bùi Quang Chiêu có một số bài đăng lại từ Vệ Nông báo. Một năm trước khi Vệ Nông báo đình bản, Nguyễn Công Tiễu đứng ra thành lập Khoa học Tạp chí, một tạp chí chuyên phổ biến khoa học nhưng đã sống được 10 năm, và chỉ phải đình bản vì những khó khăn do chiến tranh gây ra (1941), lúc đó thị lực của ông đã yếu tới mức bị loà hoàn toàn năm 1942. Có phải vì thế mà những năm sau chiến tranh, ông không còn được biết tới ? Tuy vậy, theo Kiều Mai Sơn trong bài, "Nguyễn Công Tiễu thế chấp tài sản để làm báo", báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 15/6/2016, "Về già, mặc dù tuổi cao, mắt đã lòa, những nhờ có trí nhớ kỳ diệu, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học. Ông đã đọc cho thư ký viết tập sách “Xem cây mọc dại biết loại đất hoang”, tập sách có tới 171 loại cây cỏ, với đủ tên Việt và tên khoa học…". (1)

Nguyễn Công Tiễu cũng là nhà khoa học Việt Nam tuy suốt đời làm việc trong nước nhưng đã đi tiên phong trong việc công bố các bài nghiên cứu của mình trong các hội nghị quốc tế. Nhà báo Vương Quân Hoàng trên Tia Sáng 7/7/2016 kể ra một số bài ông tìm thấy :

1/ Tieu, N. C. (1922). Note sur une Cécidomyie du Riz. Bull. Econ. de l’Indochine, 25:590-593;

2/ Tieu, N. C. (1928). Notes sur les insectes comestibles au Tokin. Bull. Econ. de l’Indochine, 31, 735-744;

3/ Tieu, N. C. (1930). L’Azolle cultivee comme engrais vert. Bull. Econ. de l’Indochine, 33, 335-350.

Tạp chí bằng tiếng Pháp này không chỉ được phổ biến ở Đông Dương mà còn ở Pháp, thời đó là một "cường quốc về khoa học, và một số bài còn được trích dẫn cho tới những năm cuối thế kỷ 20, như nghiên cứu về Bèo hoa dâu (xem bài viết của Võ Quang Yến, "Bèo hoa dâu, chất phân xanh" trên Vietscience.free.fr).

Tìm thông tin trên Thư viện Quốc gia Pháp, ta cũng thấy - ngoài Khoa học tạp chí -, ông có những bài nghiên cứu dưới đây:

- Communications présentées par l'Institut océanographique de l'Indochine au IVe Congrès scientifique du Pacifique, Java, 1929, (Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Thái Binh Dương lần thứ tư). Đây chính là bài Con rươi mà ông đã cho dịch ra tiếng Việt và đăng trên KHTC số 2 (15.7.1931) và số 3 (1.8.1931) mà Diễn Đàn đã đăng lại cuối năm ngoái.

- Bài hoa dâu dùng làm phân bón, trong một cuốn sách bằng tiếng Pháp của Nha Nông nghiệp Bắc Kỳ (Chambre d'Agriculture du Tonkin), 1930. Bài này cũng được gửi đi Hội nghị Khoa học Thái Bình Dương ở Java năm 1929, có lẽ chính là bài số 3/ trên danh sách của Vương Quân Hoàng. Một số đoạn trích dịch (khá sơ sài) được đăng lại trên KHTC các số 9, 13, 14.

- Tiếp theo là cuốn Những điều bí mật về bèo hoa dâu, Hà Nội 1934, nhà in Ngõ Tú Hạ, 16 trang. Tác giả cũng cho đăng lại cuốn này trên KHTC từ các số 85 (1.1.1935), 86, 87, 88, 89. Trong phần giới thiệu bài, ông cho biết đã quan tâm tới bèo hoa dâu từ khi đang tòng học ở trường Cao đẳng Nông Lâm Hà Nội và đã đăng bài viết đầu tiên về bèo dâu trên báo Vệ Nông năm 1923. Sau đó, ông có nhiều bài tiếp tục đề tài nghiên cứu này, trong đó có bài ở Hội nghị Khoa học Thái Binh Dương nói trên. và một bài trình viện khảo cứu Đông Dương về cách để giống bèo dâu. Những năm sau, một số nhà nghiên cứu người Pháp cũng bắt đầu viết về bèo dâu trên các báo Bull. Eco. de l'Indochine, Revue de Botanique Appliquée et l'Agriculture Coloniale hay Riz et Riziculture. Cuối phần giới thiệu này, ông đưa ra kết luận: "Vậy thực ra thì việc dùng bèo dâu làm phân bón ruộng ở Bắc kỳ mới được các nhà làm ruộng biết đến từ năm 1923.".

Ngoài ra, Thư viện Quốc gia Pháp cũng có một số sách phổ biến khoa học bằng tiếng Việt như Sách làm ruộng(nhà in Tonkinoise, Hà Nội 1928), Nghề thợ nề(Hà Nội, 1933, "Việt Nam tiểu học tùng thư"), Những sự kỳ quan trong vũ trụ II, Loại thảo mộc, Hà Nội 1924, Kim Đức Giang.

Nguyễn Công Tiễu cũng có những bài khảo cứu chung quanh các vấn đề canh nông, trồng trọt gửi các báo hoặc hội nghị chuyên ngành, mà ông cho đăng bản dịch tiếng Việt trên KHTC, như bài về Cây vối (các số 4 và 5), cũng đã đăng trên Le Paysan de Cochinchine(7 déc. 1939, n° 237).

Đáng chú ý, ông cũng có một cuốn sách về Quốc ngữ cho người mù theo cách viết braille (Hà Nội, nhà in Xuân Thu, 1952), khi đó ông đang làm chủ tịch Hội người mù, vài năm sau khi đã loà hẳn vì căn bệnh thiên đầu thống (theo Nguyễn Hữu Sơn, trong Lời giới thiệu cuốn sách "Du lịch Âu châu...").

Bên cạnh các hoạt động chuyên môn đó, cùng với những cố gắng duy trì tờ tạp chí Khoa học suốt mười năm trời, ông cũng nhiều lần đề ra ý tưởng tổ chức một hội đoàn nhằm thúc đẩy xã hội tiến mạnh hơn vào khoa học, với các mục tiêu "Mở mang cho quốc dân An nam biết cách trí Á đông và khoa học Âu tây", "khuyến khích những việc khảo cứu về khoa học", "góp sức vào việc tiến bộ các khoa học lý luận và thực hành", "truyền bá những khoa học thực hành có ích để cải lương đường sinh hoạt của xã hội An-nam". Hội đoàn đó, ông đặt tên là Khoa học đồng chí hội (les amis des sciences), sẽ có 4 loại hoạt động: "Lập hội quán có thư viện, bảo tàng" ; "Đặt phần thưởng khuyến khích và trợ cấp cho những hội viên có bài khảo cứu và việc làm xét ra có ích cho mục đích hội" ; "In sách báo khoa học và truyền bá khoa học bằng chữ quốc ngữ", "tổ chức những lớp dạy học, diễn thuyết, đấu xảo..." (KHTC, các số 10, 56 và 57). Có thể nói, tuy không trực tiếp nhắc tới Phan Châu Trinh, đó là những việc làm rất cụ thể mượn đường khoa học để thực hiện các mục tiêu "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" mà Phan đề ra. Tiếc rằng những nỗ lực ấy hoàn toàn không được xã hội đương thời hưởng ứng, ngay cả giới trí thức nói chung cũng thờ ơ, và Khoa học đồng chí hội không bao giờ hình thành.

Nhà báo Vương Quân Hoàng (bài đã dẫn) cho biết, nhà văn Phan Khôi công nhận vị trí đứng đầu về khoa học Việt Nam của Nguyễn Công Tiễu, và một tờ báo hay châm chích các chuyện thế gian thời đó là Thực nghiệp Dân báotrong hai bài cùng xuất bản năm 1933 (S. 70, 13-6-1933), tr. 1; và S. 72, 15-6-1933, tr. 1-2) cũng khẳng định vị trí của cụ Tiễu được công nhận không chỉ là nhà khoa học đầu tiên, mà là “độc nhất” ở Việt Nam ta lúc đó. Trong báo KHTC số 58, Nguyễn Công Tiễu cũng cho biết, nhiều bạn đọc KHTC hỏi ông "tại sao Phong Hoá hay đem ông bêu lên trên báo mà ông không nói gì để đáp lại?". Trong bài "Chê hay Khen" trên trang nhất số này, ông nêu việc đó và cho rằng "bạn đồng nghiệp rất quý của tôi là báo Phong Hoá có công kích gì tôi mà cần phải giả nhời. Tỉnh thoảng anh em có đùa một chút cho vui, để tôi phải ngoảnh cổ lên cười, cho khuây một lúc những công việc tỉ mỉ trong phòng thí nghiệm, đầy những rươi cùng bèo, những cây cùng rắn.". Trả lời này cho thấy tính cách của một nhà khoa học đích thực, nhưng câu chuyện phần nào cũng phản ánh thực tại khó khăn của việc đưa khoa học vào Việt Nam ở buổi ban đầu.

Gần đây, tên ông được báo chí nhắc lại nhân dịp nxb Tri Thức cho in tập sách "Du lịch Âu châu - Hội chợ Marseille - Đấu xảo quốc tế Paris", là tập hợp những bài viết ông gửi đăng trên KHTC nhân chuyến đi Pháp nửa sau năm 1937.
 


Những thông tin quá ít ỏi này, cũng như bài viết trên đây về tờ Khoa học Tạp chí, hẳn là chưa nói lên được tầm vóc của nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam, linh hồn của tạp chí này. Cũng như, bức chân dung trên đây, theo Vương Quân Hoàng, là tất cả hình ảnh còn lại về ông. Người viết rất mong rằng gia đình và những người thân thiết của ông sẽ cung cấp thêm những thông tin và hình ảnh khác nữa.

HDT

(1) Bài của KMS có một số thông tin về tiểu sử Nguyễn Công Tiễu được sử dụng trong bài viết này, tuy nhiên, KMS cho một thông tin sai lầm rất tiếc lại được dùng làm đề từ cho bài báo và được một vài bài viết sau đó lấy lại : "Nguyễn Công Tiễu quyết định ra cùng lúc 2 tờ báo là “Khoa học tạp chí” cho đối tượng rộng rãi và “Vệ nông báo” dành riêng cho nông dân". Sai lầm này còn được lặp lại ở một đoạn sau: "“Khoa học tạp chí” là tờ báo đầu tiên Nguyễn Công Tiễu đảm nhận trách nhiệm. ". Trong khi, như đã nói, Vệ Nông báo xuất bản 8 năm trước KHTC, chứ không phải "cùng lúc", mới chính là tờ báo đầu tiên NCT đảm nhận trách nhiệm (trong vai trò chủ bút).