Tin Tức

Viện IRED cùng các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục tổ chức sự kiện học thuật như tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học xã hội.

Tọa đàm IRED: Đi Tìm Chân Dung Công Dân Toàn Cầu

Viện giáo dục IRED là một tổ chức giáo dục độc lập, với các hoạt động đa dạng dưới nhiều hình thức, nhằm góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển của Giáo dục Khai phóng tại Việt Nam. Trong buổi sinh hoạt học thuật thường kỳ với chủ đề “Đi tìm chân dung công dân toàn cầu” của Viện IRED, diễn giả - Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung đã đưa ra những nghiên cứu và chia sẻ theo góc nhìn giáo dục khai phóng với đông đảo quý vị tham dự là các nhà quản lý giáo dục thuộc các cơ quan chức năng của nhà nước; Lãnh đạo của các trường đại học; Ban Giám hiệu của các trường phổ thông, giới học thuật, giới nghiên cứu, cùng các thầy cô và phụ huynh về chân dung công dân toàn cầu.

Theo khung chuẩn năng lực công dân toàn cầu của OECD PISA, năng lực công dân toàn cầu là khả năng xem xét các vấn đề địa phương, quốc tế và đa văn hóa; hiểu và tôn trọng các quan điểm cũng như thế giới quan của người khác; tham gia tương tác một cách cởi mở, phù hợp và hiệu quả với những người từ những nền văn hóa khác nhau; hành động vì hạnh phúc chung và sự phát triển bền vững của nhân loại. Chính vì thế, việc trang bị đầy đủ năng lực công dân toàn cầu sẽ giúp mỗi người đáp ứng tốt những thay đổi không ngừng nghỉ trong thị trường lao động và hợp tác quốc gia hiệu quả; chung sống hài hòa cùng các dân tộc trên thế giới, hiểu biết các quan điểm đa văn hóa; và phát triển thế giới một cách bền vững, giải quyết các vấn đề về môi trường, xã hội, chính trị ở quy mô địa phương và toàn cầu.

 

Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung đang chia sẻ góc nhìn cùng người tham dự

Theo chia sẻ của diễn giả Giản Tư Trung, bất cứ con người nào trên trái đất này, dù muốn hay không đều là công dân toàn cầu. Tuy nhiên, không phải bất kỳ công dân toàn cầu nào cũng trang bị tốt năng lực của một công dân toàn cầu. Trong giai đoạn đất nước chúng ta “mở cửa” và “gỡ cửa” thì công dân Việt Nam càng cần học hỏi nhằm hình thành các năng lực để không chỉ trở thành người Việt Nam mà còn trở thành người Trái đất.

 

Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung đang chia sẻ góc nhìn cùng người tham dự

Theo tài liệu Giáo dục Công dân Toàn cầu – Chuẩn bị cho học sinh đối mặt với các thách thức của thế kỷ 21 của UNESCO năm 2014, với vai trò là nhà lãnh đạo, nhà quản lý giáo dục, thầy cô là những người tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục, chúng ta cần có chiến lược chuyển hóa phương pháp sư phạm để đào tạo năng lực công dân toàn cầu cho những thế hệ tiếp theo bằng cách: lấy người học làm trọng tâm, giáo viên trở thành “người hướng dẫn” thay vì “người làm thay” cho học sinh; việc học tập trung vào khám phá và quá trình; nuôi dưỡng nhận thức về các thách thức địa phương, các mối quan tâm và trách nhiệm cộng đồng; khuyến khích việc học thông qua hội thoại; nhận thức về phong tục văn hóa, các chính sách quốc gia và chuẩn quốc tế tác động lên việc hình thành giá trị; thúc đẩy tư duy độc lập, sáng tạo và giải quyết vấn đề; phát triển tinh thần bền bỉ và năng lực hành động tạo ra sự thay đổi. Nhà trường và thầy cô có thể tích hợp, lồng ghép các chủ đề và kỹ năng vào kiến thức môn học, cũng như tăng cường chương trình bổ sung trong khung giờ học ngoại khóa hoặc tiết học tích hợp nhằm nâng cao các năng lực công dân toàn cầu cho học sinh. 

“Năng lực công dân toàn cầu là khả năng sống một cách đàng hoàng và làm việc một cách thành công ở các quốc gia, các nền văn hóa trên khắp thế giới”
- Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung - 

 

Ông Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Hiệu Trưởng Đại học Hoa Sen đang chia sẻ và thảo luận cùng
Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung tại buổi Tọa đàm

Theo đó, Viện giáo dục IRED cũng đã đề xuất Mô hình Tam tính – Nhân tính, quốc tính, cá tính là những đặc tính của công dân toàn cầu; Mô hình giáo dục khai phóng IPL để phát triển năng lực công dân toàn cầu và năng lực lãnh đạo khai phóng dành cho lãnh đạo trẻ (do Trường doanh nhân PACE & Viện giáo dục IRED phối hợp triển khai từ năm 2007); và Mô hình Năng lực Công dân toàn cầu dành cho học sinh phổ thông bao gồm: học Cách Nghĩ, học Cách Sống, học Yêu Thương, học Lãnh Đạo và học Khởi Tạo. Hiện nay, mô hình năng lự công dân toàn cầu này đang được triển khai lần đầu tiên thông qua các môn học thuộc PLEMS Education - do Viện IRED sáng lập.

 

 

  Mô hình Con người “Tam tính - Đặc tính của công dân toàn cầu (theo Viện IRED)

 

 

Mô hình giáo dục khai phóng IPL để phát triển
năng lực công dân toàn cầu và năng lực lãnh đạo khai phóng dành cho Lãnh đạo trẻ
với học bổng toàn phần do Trường PACE & Viện IRED triển khai từ 2007

 

 

 

Mô hình Năng lực Công dân Toàn cầu PLEMS
dành cho học sinh phổ thông (theo Viện IRED)

Trong không khí hào hứng của buổi tọa đàm, không chỉ diễn giả mà người tham dự đã có những chia sẻ hết sức cởi mở và thú vị để khám phá ra lời giải đích thực nhằm định hình năng lực của một công dân toàn cầu. Buổi tọa đàm đã mang đến cho các nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo các trường đại học, ban giám hiệu các trường phổ thông, các nhà nghiên cứu, thầy cô và phụ huynh nhiều góc nhìn sâu sắc và đặt tiền đề để ươm mầm và phát triển một thế hệ tương lai sở hữu năng lực công dân toàn cầu, dám ước mơ, dám biến khó khăn thành cơ hội để phát triển bản thân, gia đình và xã hội tốt hơn.

Viện Giáo dục IRED lược ghi