SƯ PHẠM KHAI PHÓNG - THẾ GIỚI, VIỆT NAM & TÔI
“SƯ PHẠM KHAI PHÓNG - THẾ GIỚI, VIỆT NAM & TÔI” là cuốn sách do Nhà giáo dục, Tiến sĩ Giản Tư Trung dày công thực hiện trong suốt nhiều năm, với sự trợ giúp của các cộng sự ở Viện Giáo Dục IRED.
Cuốn sách vừa chia sẻ mô hình giáo dục của tác giả, vừa tổng hợp những phương pháp sư phạm từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ thế giới đến Việt Nam, từ triết lý đến chính sách, từ nguyên lý đến phương pháp, từ đó mỗi người có thể tự hình thành nên một phương pháp sư phạm hiệu quả hơn và nhân văn hơn cho riêng mình trong mọi bối cảnh giáo dục; góp phần thúc đẩy sự tiến bộ trên phương diện “Phương pháp Sư phạm” và giúp các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh có thêm góc nhìn để làm công việc giảng dạy của mình tốt hơn.
Tác giả tin rằng, trở thành người giỏi hay người tốt có thể là điều vô cùng khó, nhưng ai cũng có thể trở thành người giỏi hơn hay tốt hơn, nếu mình muốn. Và cụ thể trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy, ai cũng có thể trở thành một người thầy tốt hơn, chỉ cần mình đủ muốn.
Dẫu biết rằng, nhà trường, thầy cô và phụ huynh dù có rất nhiều cố gắng cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi chính mình; do vậy chúng ta không nên có tham vọng biến tất cả nhà trường, thầy cô, phụ huynh trở thành những hình mẫu hoàn hảo hay thay đổi hoàn toàn, để rồi chúng ta có thể cảm thấy thất vọng hay tuyệt vọng trong những nỗ lực của mình.
Nhưng sẽ luôn khả thi khi mỗi nhà trường, mỗi thầy cô hay mỗi bậc cha mẹ chúng ta có thể giảng dạy tốt hơn so với chính mình của ngày hôm qua, và liên tục nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải tiến phương pháp giảng dạy của mình theo hướng ngày một nhân văn hơn và hiệu quả hơn.
Đọc cuốn sách này, chúng ta sẽ cùng nhau du hành trong một chuyến đi của không gian và thời gian, từ nhìn ra thế giới, nhìn về Việt Nam, rồi nhìn lại chính mình; từ soi lại quá khứ, nhìn vào hiện tại và hướng tới tương lai để có thể vạch ra một “con đường sư phạm” phù hợp cho chính mình, cho ngôi trường mình và cho giáo dục của xứ sở mình trong bối cảnh mới.
“Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt của cuốn sách này là tư tưởng cốt lõi: “Dạy chính là giúp người khác học”, và “Khai phóng chính là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng con người”. Vậy nên, người dạy sẽ “giúp người khác học” thế nào để họ có thể biết cách “Tự lực Khai phóng” bản thân, có thể “Tự lực Khai mở Tâm trí và Giải phóng Tiềm năng” của chính mình suốt đời.
Với “Sư phạm Khai phóng - Thế giới, Việt Nam & Tôi”, chữ “Tôi” trong tựa sách chính là những ai đang nỗ lực trên hành trình dạy trò, dạy con và dạy mình. Cuốn sách này gợi mở một phương pháp luận để mỗi nhà trường, mỗi thầy cô và mỗi bậc phụ huynh có thể tham khảo và tự mình đưa ra triết lý giáo dục của mình để “dạy trò”, “dạy con” và cả tự “dạy mình”.
Trong sự học thời nay, tác giả cho rằng, học để biết nhiều là điều vô cùng đáng quý, nhưng đáng quý hơn là ta sẽ làm được gì và sẽ sống thế nào với những điều mình biết. Do vậy, đưa những gì mình biết (về giáo dục và sư phạm) vào cuộc sống (thực tế giảng dạy) mới là bước ngoặt thật sự trong sự học của các thầy cô giáo, của các bậc cha mẹ và những người làm giáo dục.