SỰ NGHÈO NÀN CỦA THUYẾT SỬ LUẬN
The Poverty of Historicism
"Ngược hẳn với chủ thuyết duy tự nhiên phương pháp luận trong địa hạt xã hội học, thuyết sử luận khẳng định rằng do những khác biệt sâu sắc giữa xã hội học và vật lý học, nên không thể đem áp dụng một số phương pháp đặc trưng cho vật lý học vào các bộ môn khoa học xã hội được. Thuyết này nói với ta rằng, những định luật vật lý, hay những “định luật của giới tự nhiên” lúc nào cũng có giá trị hiệu lực ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào; bởi vì thế giới vật chất bị chi phối bởi một hệ thống những tính chất bất biến về mặt vật lý, dàn trải trong toàn bộ không gian và thời gian. Ngược lại, những định luật xã hội học, hay những định luật của đời sống xã hội, lại khác nhau tùy theo địa điểm và tùy theo từng giai đoạn. Mặc dù vẫn công nhận là có thể quan sát thấy rất nhiều những điều kiện xã hội điển hình tái diễn một cách đều đặn, thuyết sử luận vẫn không cho rằng những sự lặp đi lặp lại đều đặn theo trình tự nhận thấy được trong đời sống xã hội đó có cùng một đặc tính như những sự lặp đi lặp lại đều đặn mang tính bất biến của thế giới vật chất. Do chúng còn phải tùy thuộc vào lịch sử và vào những dị biệt về văn hóa. Chúng phụ thuộc vào từng tình huống lịch sử đặc thù."
Karl Raimund Popper (28/7/1902 – 17/9/1994), nhà triết học Anh, gốc Áo, nguyên Giáo sư Học viện Kinh tế London, được đánh giá là một trong những nhà triết học về khoa học có nhiều ảnh hưởng nhất thế kỉ XX.
Như giới triết học đánh giá, Karl Popper đã đưa ra một thứ “triết lý phê phán không-biện-minh đầu tiên trong lịch sử triết học”. Tư tưởng triết học của ông bao trùm các lĩnh vực: Triết học khoa học (Logic của sự khám phá khoa học, Tri thức khách quan), Triết học chính trị và xã hội, thuyết tiến hóa, logic học, nghiên cứu ngôn ngữ và nhiều lĩnh vực tư tưởng khác.
Tác phẩm Sự nghèo nàn của Thuyết sử luận (1936, 1957) là một trong những công trình nghiên cứu sâu trong lĩnh vực triết học chính trị xã hội, Popper chủ yếu tập trung phê phán cái ông gọi là thuyết sử luận hoặc là quan điểm duy lịch sử (historicism) và những lý thuyết chính trị được xây dựng trên cơ sở quan điểm đó, đồng thời đưa ra một cái nhìn bất định (indeterminist) về thế giới. Thay vào thuyết sử luận, Popper đề xướng một triết lý căn bản trên nền tảng thuyết bất định, phù hợp với quan điểm tri thức luận của ông, theo đó tri thức tiến bộ thông qua quá trình thử và loại bỏ sai lầm: để giải quyết một vấn đề người ta phải đề xuất nhiều giải pháp mang tính giả thuyết rồi mang ra thử và loại bỏ những sai lầm.