TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ
Văn minh Ấn Độ cổ đại là một trong những "cái nôi" văn hóa của văn minh cổ đại nhân loại. Cái làm căn bản cho nền văn minh chính là tư tưởng, tức là triết lý qua đó thể hiện quan niệm về sự sống. Ấn Độ gần chúng ta về địa lý nhưng hầu như chúng ta còn rất ít quan tâm về văn hóa, mặc dù đạo Phật, vốn phát xuất từ Ấn Độ, là tôn giáo của đại đa số người Việt chúng ta.
Triết lý Ấn Độ thâm sâu, bí ẩn và phức tạp đã đưa đến sự đa dạng về tín ngưỡng. Mỗi nhà hiền triết là một đạo sư, được sùng bái như một thủ lĩnh tôn giáo, và ở Ấn Độ, tín ngưỡng nào cũng có chỗ đứng trong xã hội. Triết lý Ấn Độ là một loại triết lý chứng thực, nghĩ ra là để trải nghiệm, để sống, chứ không phải chỉ để tư duy và luận giải.
Trong bối cảnh đó, truyền thống đóng một vai trò quan trọng. Mọi tôn giáo, dù cách tân bao nhiêu, muốn đứng vững đều phải mang một số yếu tố giữ lại từ truyền thống. Lịch sử tôn giáo Ấn Độ cung cấp cho chúng ta rất nhiều ví dụ về những ý tưởng mà con người hít thở cùng với không khí trong đó họ sống, và những ý tưởng đó bằng cách nào đó đã đi vào bản chất của tâm hồn tập thể.
Một khi những ý tưởng đó đã “đăng ký thường trú”, thì hầu như chúng bất biến, mặc dù đôi khi có thay đổi đôi chút, cả trong những sáng tạo mà thoạt nhìn có vẻ như độc đáo lắm. Những ý tưởng đó phát sinh thế nào, tiến hóa ra sao, đi từ một hệ thống này sang một hệ thống khác như thế nào, cuối cùng là làm thế nào chúng đã từ từ nhào nặn nên tâm tư của một nước Ấn Độ mà chúng ta thấy vừa hấp dẫn vừa xa lạ.
Cái mà chúng ta gọi là "Triết học Ấn Độ" không phải là một công trình "vô tư" hay khoa học để hiểu mình và thế giới, mà là một sự cố gắng anh dũng để, qua một vị thầy, một truyền thống, hay những kỹ thuật khổ hạnh, mà tự mình thức tỉnh khỏi giấc mơ, có người nói là cơn ác mộng của đời sống.
Để hiểu công trình đó, ta phải đi vòng qua bộ kinh sách cổ nhất của Ấn Độ, kinh sách Veda. Đó là một bộ sách đồ sộ, hỗn tạp, trong đó cùng chứa những huyền thoại vũ trụ luận, những quy định về nghi lễ hiến sinh, những công thức ma thuật, những cách xuất thần, v.v…Từ tập hợp đó xuất phát những cuốn Upanishad (được viết trong khoảng thời gian giữa thế kỷ X và thế kỷ VI trước Tây lịch) với những ý tưởng chỉ đạo là : con người là một vũ trụ thu hẹp, việc hòa nhập vào vũ trụ rộng lớn là một sự tất yếu, do đó cần có sự hòa đồng với trời đất thần thánh qua những nghi thức tế lễ, qua cuộc sống khổ hạnh, qua những kỹ thuật yoga siêu nhiên, nhằm thông qua tri thức mà đạt được sự giải thoát.
Những nhà thần thông Ấn Độ có khả năng chọc thủng những bí ẩn của thiên nhiên và đời sống, và giải đáp những bí ẩn của vũ trụ bằng cảm quan tôn giáo, rồi truyền lại cho thế nhân qua các kinh sách Veda và hàng trăm cuốn thánh thư Upanishad, hoặc qua các sử thi anh hùng ca Mahabharata, Bhagavad-Gita, và Ramayana. Bao nhiêu kinh sách đó chứa những lý thuyết về vũ trụ, về luân hồi sinh tử, về linh hồn và Thượng đế, về Brahman và Isvara, về sự giải thoát.
Dần dần những tư tưởng thần học được hệ thống hóa thành sáu hệ triết học chính thống và bao nhiêu hệ khác. Ba hệ chính thống quan trọng nhất là Vedanta, Sankhya và Yoga: Hệ Vedanta với quan niệm về hữu thể và sự biến dịch, hành động và sự nhận thức, linh hồn cá nhân và linh hồn vũ trụ, sự vô thực của vũ trụ và sự giải thoát qua nhận thức. Hệ Sankhya với lý thuyết về nhân quả, về bản thể prakriti và thần ngã purusa. Hệ Yoga với lý thuyết về thực hành làm sao để đạt đến tâm an lạc.
Những hệ phái triết học ấy đã đi kèm những tôn giáo từ đạo Veda, qua đạo Brahman, đến Ấn Độ giáo, với những đặc điểm về quan niệm về nghiệp, về sự bất bạo động, sự ăn chay, sự phân biệt đẳng cấp xã hội, sự thờ cúng các vị thần, sự hiến sinh và khổ hạnh.
Trong những hệ phái không chính thống (không công nhận thẩm quyền tối thượng của Veda) đặc biệt có đạo Phật. Phật giáo ở đây được trình bày và đặt lại trong khung cảnh lịch sử và địa-xã hội, trong sự huyền bí và tính thuần lý của triết học Ấn Độ. Ngoài những quan niệm truyền thống về nghiệp, nhân quả, luân hồi, đạo Phật có nhiều sự đổi mới trong tư duy, về nghiệp, về ngã và vô ngã, về vô thường, khổ và con đường diệt khổ, cùng những quan niệm mới về ngũ uẩn và sự đồng sinh duyên khởi. Lý thuyết của đức Thế tôn đã phân hóa thành hai nhánh Đại thừa và Tiểu thừa; trong Đại thừa lại có nhiều tông, mà hai tông chính về mặt tư tưởng là Trung Quán và Duy Thức.
Phan Thanh Lưu là tác giả, tiến sĩ khoa học, một nhà nghiên cứu về sinh hóa và sinh học phân tử, từng công tác tại viện Max Planck (Đức) và CNRS (Trung Tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học, Pháp). Sau khi nghỉ hưu, ông đã quay sang tập trung vào tư tưởng của những nền văn minh cổ. Trong cuốn sách này, tác giả muốn chuyển tải cho bạn đọc, đặc biệt cho giới trẻ trong nước, những nét cơ bản về triết học Ấn Độ, đặc biệt về Phật giáo từ nguồn gốc Ấn Độ.
Vui lòng click hay quét QR dưới đây để đọc thử sách