CHẤT PHỐT-PHO: ĐỊNH NGHĨA THAO TÁC (G. MILHAUD, 1898)
Đưa lên mạng ngày 01-06-2021
Từ khoá: Định nghĩa thao tác – Hoá học ;
Phốt-pho (Hoá chất) ; Nhiệt kế

C1

 CHẤT PHỐT-PHO,
ĐỊNH NGHĨA THAO TÁC
(1898)

Tác giả: Gaston Milhaud[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Trích đoạn dưới đây có dáng dấp của một định nghĩa thao tác trong hoá học. Điều lý thú là nó được viết từ năm 1898, trong khi bài báo được xem như tờ khai sinh cho lối định nghĩa này của P. W. Bridgman[2] chỉ được phổ biến vào năm 1927. Một ý niệm khoa học có thể tồn tại khá lâu trong tình trạng ẩn khuất trước khi được xác định dưới nắng sáng.

Xem các bài về lối định nghĩa thao tác nói chung trên trang mục Triết Lý Các Khoa Học, và những áp dụng, nhận định, tranh luận về nó trên các trang khoa học riêng biệt.

*

«Phốt-pho tan chảy ở nhiệt lượng 44 độ»... Hãy tự hỏi xem cụm từ này có nghĩa là gì...

Nếu chúng ta nhìn phốt-pho như một chất thể cho sẵn... ta sẽ không bao giờ biết phốt-pho là gì, bởi vì chuỗi tính chất mà nó sẽ biểu hiện, cũng như các trường hợp mà nó sẽ được đặt vào để quan sát, là không giới hạn. Thế nhưng khi nhà khoa học nói về phốt-pho, ông được người nghe hiểu rõ ràng, và  bản thân ông cũng tự biết mình đang nói gì, bởi vì cái được đặt tên như vậy đã được xác định bởi một số ít đặc tính mà nhà hóa học có thể nói ra một cách chính xác. Như vậy, nói tóm tắt là ông đã chọn ra một định nghĩa cho phốt-pho. Khi làm lựa chọn này, liệu ông có tuân theo một quy tắc nào như mệnh lệnh chăng? ... Phải chăng một quy tắc thiết yếu của khoa hóa học là xem xét một số tính chất vật lý đặc thù – như màu sắc, mùi vị, mật độ, tính hòa tan trong chất lỏng này hoặc chất lỏng kia hay không – chẳng hạn? Thế nhưng nhiều thứ phốt pho đã được tìm thấy (phốt-pho đỏ, phốt-pho đen, v. v…), và chúng khác biệt với chất được gọi là phốt-pho thông thường về mọi quan điểm. Có nên nói rằng, để đặc trưng hóa các cơ thể được nghiên cứu trong hóa học, chúng ta nhất thiết phải quay về với loại tính chất hóa học của chúng mà thôi chăng? Thế nhưng các tính chất hóa học phổ biến nhất – tác động trên ô-xy, trên cơ thể sống – giữa phốt pho đỏ với phốt pho thông thường là không giống nhau. Do đó, chúng ta phải từ bỏ việc nói về một quy tắc bắt buộc...

Nhiệt độ là gì? ... Dựa vào ấn tượng tự nhiên của mình, liệu chúng ta có thể nắm bắt được gì dưới những cụm từ như: một độ nóng gấp đôi hay gấp ba so với một độ nóng khác? Nhà vật lý sẽ nói với chúng ta rằng, để mang lại một ý nghĩa cho thứ ngôn từ này, ông phải thay thế loại cảm giác mơ hồ và tối tăm của chúng ta bằng một hiện tượng có thể quan sát và đo lường được một cách chính xác, đấy là sự giãn nở của một khối lượng thủy ngân nhất định giữ trong một ống thủy tinh; đặt thiết bị này vào nước đá đang tan, sau đó vào hơi nước đang sôi, ông liên tiếp ghi các dấu 0 và 100 tại những điểm mà thủy ngân xếp ngang mức trong các trường hợp này ...  Kết quả của thí nghiệm, ý niệm về nhiệt độ, là một sáng tạo thực sự. Chúng ta đều thấy, trên thực tế, nhà khoa học quyết định một cách tự do rằng: l0) nhiệt độ sẽ được đo bằng sự giãn nở của một cơ thể; 20) cơ thể này sẽ là một cột thủy ngân giam trong ống thủy tinh; 30) sự biến thiên bằng nhau về nhiệt độ sẽ tương ứng với sự xê dịch bằng nhau của mức thủy ngân.

Gaston Milhaud
Cái Thuần Lý
(Le Rationnel,
Paris, PUF, 1898, tr. 45-47).


[1] Gaston Milhaud (Samuel Milhaud, 1858-1918): triết gia và sử gia khoa học. Tác phẩm chính: Leçons sur les origines de la science grecque (1893);  Essai sur les conditions et les limites de la certitude logique (1894);  Le rationnel (1898); Les philosophes géomètres de la Grèce (1900, 1934);  Paul Tannery (1906); Nouvelles études sur l'histoire de la pensée scientifique (1911); Descartes savant (1921); La philosophie de Charles Renouvier (1927); Étude sur Cournot (1927)

[2] Xem: Percy Williams Bridgman, Lô-gic Của Vật Lý Học Hiện Đại (The Logic of Modern Physics) trên trang mục Vật Lý & Thiên Văn Học khi có thể tham khảo.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa