CHIỀU KÍCH THỜI GIAN TRONG SINH HỌC (F. MEYER, 1967)
Đưa lên mạng ngày 15-9-2020
Từ khóa: Sinh học và Lịch Sử
C1

CHIỀU KÍCH LỊCH SỬ
CỦA
TRI THỨC VỀ CÁC SINH THỂ
(1967)

Tác giả: François Meyer[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Ý niệm « lịch sử tự nhiên» không đề cập đến bất kỳ loại nghiên cứu lịch sử nào theo nghĩa hiện nay của từ này. Thế nhưng sinh học tích hợp vào cách tiếp cận của nó một kích thước lịch sử trọn vẹn, cái chiều kích mà nó đã có thể bỏ qua, khi tưởng rằng bản thân các sinh thể không có lịch sử, bởi vì chúng đã được tạo ra như chúng vốn như thế, một lần và mãi mãi. Từ thời Darwin và nhờ ông, chúng ta nay đều biết rằng «thực ra các sinh vật đều là những cấu trúc lịch sử, chúng thực sự là những tạo vật của lịch sử» (F. Jacob*).

Ở đây, có thể đưa ra một so sánh với vật lý học: sự nghiên cứu về vật chất, cấu trúc và quy luật của nó đã tin tưởng từ rất lâu rằng ta có thể bỏ qua mọi quan điểm liên quan đến thời gian. Đối với các nhà vật lý, thời gian chỉ là một thông số động học trong nhiều thông số khác; mọi hiện tượng đều diễn ra trong thời gian, nhưng vũ trụ không có lịch sử. Thế nhưng ngày nay, vật lý học và vật lý thiên văn học không còn có thể đứng biệt lập với vũ trụ học được nữa.

*

Nếu chúng ta nhất trí kiểm điểm lại những nỗ lực khác nhau để  cung cấp cho các hệ thống có tổ chức một quy chế, thì ta có thể nhận thấy ngay rằng, thông qua nhiều lối tiếp cận ngày càng tinh tế và thích hợp hơn nhằm xác định những đặc trưng của các hệ thống này, chúng ta liên tục chứng kiến cùng một vấn đề cơ bản hiện lên: ta giải thích được ngay hành vi của các hệ thống sống mỗi khi tổ chức của chúng được thừa nhận, nhưng sau đó là câu hỏi này: phải giải thích bản thân cái tổ chức sống đó bằng những lý do nào? Chúng ta phải diễn giải sự phát triển dần dần, xuyên qua các thời đại địa chất, những cấu trúc tiên nghiệm rất khó có xác suất xảy ra này thông qua một sự tích lũy phức tạp những biến cố ngẫu nhiên chăng? Chúng ta nhận thức được ngay rằng các vế (termes) của hệ vấn đề (problématique) sinh học sẽ vĩnh viễn là không thể nào hiểu được, nếu ta không dành cho sự phân biệt, mà Raymond Ruyer[2] từng đề xuất, giữa «hoạt động (fonctionnement)» «hình thành (formation)» tất cả tầm quan trọng của nó. Hoạt động của một hệ thống sinh học luôn luôn là «có thể giải thích được», nhưng điều này không hề chứng minh rằng nó đã được hình thành theo cùng một thứ lô-gic tầm thường ấy. Lý luận kiểu này thực ra là phóng chiếu lên quá trình hình thành của hệ thống thứ lô-gic đã chi phối hoạt động của nó, trong khi hiển nhiên là chính sự hình thành mới khiến cho hoạt động trở thành điều có thể.

Như vậy, tất cả mọi vấn đề sinh học cuối cùng đều tập trung trên kích thước lịch sử của nó. Một hệ thống sinh học nhất định không chỉ là một cấu trúc không gian-thời gian hiện nay của nó, mà nó còn cho thấy một chiều kích thời gian vượt xa nó tới mức không thể nào tưởng tượng được: mọi thuộc tính cấu trúc và chức năng của nó chỉ có thể được giải thích như kết quả hiện tại của toàn bộ lịch sử một dòng dõi giống loài, từ các giai đoạn đầu của sự phân hóa đã đánh dấu từng chặng đường lịch sử biệt phân cuộc sống của nó. Điều này có nghĩa là, nếu sự bí ẩn về hoạt động của sinh thể nằm trong cấu trúc của nó, thì bí ẩn về cấu trúc của nó nằm nơi cái lô-gic đã chủ trì sự tạo lập ra nó trong trình tự thời gian, tính theo thứ đại lượng của thời gian cổ sinh vật học. Như vậy, vấn đề tiến hóa nằm ngay tại trung tâm của hệ vấn đề sinh học, thậm chí còn trộn lẫn với nó.

François Meyer,
Tình Hình Của Sinh Học Trong Triết Lý Khoa Học
(Situation épistémologique de la biologie),
Trg: Lô-gic Học Và Tri Thức Khoa Học
(Logique et connaissance scientifique,
Paris, Gallimard, 1969, tr. 805-806).


[1] Francois Meyer (1912-2004): triết gia người Pháp. Tác phẩm chính: Bergson (1985), La Surchauffe de la croissance (1974), Le personnage imaginaire chez Unamuno et chez Pirandello (1966), Teilhard et les grandes dérives du monde vivant (1963), L'Ontologie de Miguel de Unamuno (1955), Problématique de l'évolution (1954), Pour connaître la pensée de Bergson (1948), L'Accélération évolutive (1947), La Pensée de Bergson (1944), Un essai récent de bio-cosmologie (?)

[2] Raymond Ruyer (1902-1987): triết gia và triết gia khoa học người Pháp. Tác phẩm chính: Esquisse d'une philosophie de la structure (1930), L'Humanité de l'avenir d'après Cournot (1930), La Conscience et le Corps (1937), Éléments de psycho-biologie (1946), Le Monde des valeurs (1947), L'Utopie et les Utopies (1950), La Cybernétique et l'Origine de l'information (1954,  1967), La Genèse des formes vivantes (1958),  L'origine des formes vivantes (1967), La Philosophie de la valeur (1959), L'animal, l'homme, la fonction symbolique (1964), Paradoxes de la conscience et limites de l'automatisme (1966), Éloge de la société de consommation (1969), Dieu des religions, Dieu de la science (1970), Les nuisances idéologiques (1972), La Gnose de Princeton (1974, 1977), Les Nourritures psychiques (1975), Les Cent prochains siècles (1977),  Le Sceptique résolu (1979), L'Embryogenèse du monde et le Dieu silencieux (skc,  2013).

 

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa