CUỘC TRANH LUẬN ĐẦU TIÊN VỀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC… (PHẠM TRỌNG LUẬT, 2012)
Cập nhật ngày 7-12-2019
Từ khóa : Giáo dục – Triết lý – Hy Lạp – tk V tCn ;
Sôkratês – Diễn giải và Phê bình ;
Du giáo 
(Trào lưu) – Diễn giải và Phê bình
C2

SÔKRATÊS CHỐNG TRÀO LƯU
DU GIÁO
CUỘC TRANH LUẬN ĐẦU TIÊN
VỀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC Ở ATHENAI
TRONG THẾ KỶ THỨ V tCn

Nguyễn Văn Khoa

*

Đây là bài dẫn nhập cho buổi tọa đàm tại Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo Dục (IRED, 4 Bà Huyện Thanh Quan – Q. 3 Saigon), ngày 17-3-2012, có chỉnh sửa và khai triển, đồng thời được bổ túc bằng phần trả lời các câu hỏi của thính giả.

Hầu hết ngày tháng trong bài đều quy chiếu về thời cổ Hy Lạp, mặc dù không được ghi chính xác là tCn. Một số trường hợp ngược lại sẽ được ghi rõ là sCn. Mặt khác, chúng tôi cũng dùng lại nhiều đoạn trong bài dẫn nhập «Sôkratês – tên hành khất và bà đỡ – thành Athenai» viết cho dịch phẩm «Đối thoại Cốt Cách Sôkratês I»[1] khi giới thiệu tư tưởng giáo dục của Sôkratês.

Cuối cùng, xin nói thêm rằng, vì bản thân tôi không phải là chuyên gia về cổ Hy Lạp hay về giáo dục mà chỉ là người đọc sách, chắc chắn là bài viết này còn không ít sai sót. Mong thính giả và độc giả lượng thứ, chỉ bảo. 

*

«Tóm lại, tôi nói rằng, thành quốc ta là trường học của toàn thể Hy Lạp» (Periklês)

I - TỪ XÃ HỘI HÓA ĐẾN GIÁO DỤC

1 - Vai trò giáo dục của thần thoại và các thi sĩ

Như ở mọi nơi khác, công việc giáo dục thời xa xưa nhất ở Hy Lạp được thực hiện trong một khuôn khổ rộng lớn hơn gọi là xã hội hoá. Đây là quá trình qua đó một đứa trẻ tiếp thu cách suy nghĩ, cảm nhận, hành xử, sinh hoạt… của ông cha và kẻ xung quanh, để trở thành người Hy Lạp trọn vẹn. 

Do quá trình này xưa được thực hiện đầu tiên và chủ yếu thông qua thần thoại và huyền sử trước khi được tiếp nối bởi lịch sử, phong tục, tập quán, … đời sau cho rằng những nhà giáo dục Hy Lạp đầu tiên là các thi sĩ mà Hêsiodos và Homêros chỉ là những người nổi tiếng nhất, chứ không phải là độc nhất (ngoài họ ra, ít nhất phải kể đến các thi sĩ của bộ Sử Thi Thành Thêbai và bộ Sử Thi Thành Troia)[2]. Họ là những kẻ đã ghi lại và truyền bá bao mẩu chuyện truyền khẩu về các vị thần được xem là thủy tổ của loài người nói chung (thần Gaîa – Ouranos) và của tộc người Hy Lạp nói riêng (thần Hellên, người Hellênes, xứ Hellas = Hy Lạp)[3].

Sự xã hội hóa này trải qua hai bước quyết định. Bước thứ nhất là khi thần thoại và huyền sử truyền khẩu được các thi sĩ định hình trong trước tác của họ (tk thứ VIII – tk thứ VII). Bước thứ hai là khi mọi khách du từ bốn  phương đến Athenai đều được yêu cầu đọc lại những phiên bản thần thoại mà họ biết và còn nhớ cho giới thư lại tại chỗ ghi chép, nhằm bước đầu chuẩn hóa dưới thời bá vương của Peisistratos và các con (560-508).

2 – Chính sách giáo dục của Athenai thời quý tộc

Sau đó, một nền giáo dục theo nghĩa chính xác hơn (paideia, do pais, sn paides = trẻ con + vị ngữ -ia =..., nói chung có nghĩa là sự dưỡng dục con trẻ cho nên người) bắt đầu được phổ biến dưới chế độ đại tộc, khi nhu cầu gìn giữ đất đai, tài sản của mình buộc giới quý tộc Athenai phải cố gắng đào tạo ra những kẻ nối dõi xứng đáng.

Về cứu cánh, thứ giáo dục này được xây dựng trên lý tưởng mà giới quý tộc  Athenai thường dùng khi nói về bản thân họ, đấy là Kalokagathia (do Kalos kagathos, viết tắt của Kalos kai Agathos = Đẹp đẽ và Phẩm hạnh[4]), đồng thời trên ý niệm người Hy Lạp gọi là aretê.

Có thể tóm tắt Kalokagathia như thứ lý tưởng hiệp sĩ của một nhân cách toàn vẹn, «tâm hồn và thân xác đồng điệu, ngay thẳng trong chiến đấu và ngôn từ, hành động phù hợp với lời hát»[5]. Bởi vì người Hy Lạp thời quý tộc luôn tin rằng cái đẹp bề ngoài biểu thị cái đẹp bên trong. Còn aretê thì chỉ sự hoàn hảo trong chức năng được xem là mục đích của một sự vật hoặc cơ quan nào đó. Chẳng hạn: aretê của cái kéo là sự cắt xẻ; của mắt là sự nhìn thấy. Áp dụng cho con người, aretê chỉ tập hợp những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người, sự hoàn hảo trong tính người, hay con người lý tưởng – cụ thể ở đây là những đức tính quý tộc như ý thức trách nhiệm, ý thức danh dự, sự cường tráng, lòng dũng cảm, quyền uy và năng lực điều khiển. Nói kiểu Homêros xưa, đó là cái khả năng «lấy đôi tay giữ cái đầu tỉnh táo trước mọi kẻ thù, quái thú, nguy nan đủ loại, và cuối cùng chiến thắng tất cả»[6].

Để đạt đến cứu cánh trên, một nền giáo dục cơ bản chỉ dành riêng cho trẻ em nam lành mạnh khoảng từ 7 tuổi được giao cho thế hệ cha anh: trong khuôn khổ một thứ tình bạn rắn rỏi, thiếu niên con nhà quyền quý (gọi là erômenos, sn erômenoi) được uốn nắn theo loại phẩm hạnh quý tộc, dưới sự chăn dắt hay hướng dẫn của một đàn anh cao tuổi hơn (gọi là erastês, sn erastai)[7]. Ở loại trường lớp phôi thai này, paideia không nhằm trao truyền một nghề hay một kỹ năng (banausos, sn banausoi – bị chê là máy móc, tầm thường) cho đứa trẻ, mà nhằm giáo huấn nó về thể dục (gymnastikê) và văn hoá (mousikê, hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả ngôn ngữ tự nhiên lẫn nhiều thứ ngôn ngữ biểu tượng khác hơn là âm nhạc theo nghĩa hẹp – xem từ moûsai trong Phụ Lục). Như vậy, nội dung trọn vẹn của thứ paideia thời đó (nay còn dấu vết trong từ encyclopedia = bách khoa, do enkyklios = vòng tròn, toàn vẹn + paideia) luôn luôn được thực thi trong khuôn khổ truyền thống gọi là synousia (tiền tố sun- có nghĩa là «chung với» = together with; synousia chỉ sự kết hợp, cộng tác, cùng làm). Trong suốt quy trình giáo dục, qua sự cọ sát thực tế với các vấn đề hệ trọng của thành quốc, bậc cha anh sẽ từ thần thoại và sử thi mà nêu lên loại gương sáng trong quá khứ có khả năng giúp các thế hệ con em mở mang tâm trí.

Đến 18 tuổi, mọi thanh niên đều phải tham dự vào thời kỳ quân huấn do nhà nước quản lý gọi là ephebeia, bắt đầu bằng một biện pháp khai tâm tôn giáo: lớp công dân dự bị này được hướng dẫn hành hương tại các đền thờ của thành quốc. Sau thời kỳ tập luyện quân sự, các epheboi (sn của ephebos, kẻ đã trải qua khóa quân huấn) sẽ tuyên thệ trung thành với thành quốc, nhận lãnh vũ khí như một (h)oplitês (sn (h)oplitai = bộ binh), rồi được phân phối cho các trại quân trong khắp vùng Attikê để làm nghĩa vụ quân sự và dân sự (xây thành lũy, làm đường sá, cầu cống, v. v...). Chỉ sau thời kỳ ephebeia nói trên, họ mới được xem là công dân trọn vẹn (epitimoi, kẻ có tất cả mọi quyền công dân: sở hữu nô lệ, đất đai, có người thừa kế, tham dự các nghi lễ tôn giáo, và tham gia vào các định chế chính trị theo điều kiện hiến định); ngược lại, họ phải luôn luôn sẵn sàng bị động viên (cho đến tuổi 60, theo một số tài liệu).

Ngoài hai thời kỳ giáo dục nói trên, căn cứ vào sự kiện là các triết gia lớn «trước Sôkratês» (thế kỷ thứ VI) đều có một số đệ tử, và ngay cả vào những giai thoại về các cuộc gặp gỡ của Sôkratês với Xenephôn[8] và với Platôn[9] (thế kỷ thứ V), đời sau có thể phỏng đoán rằng truyền thống quý tộc ở Athenai còn để chỗ cho một hình thức giáo dục không chính thức khác, dựa trên mô hình «tầm sư học đạo» hay «tâm truyền cho kẻ có căn cơ», và chỉ bị giới hạn bởi tài sản hay ý chí học hỏi của giới thanh niên quý tộc cầu tiến.

3 - So sánh với chính sách giáo dục của Sparta

Dù sao, bất kể nó là hồi ức hay tàn tích của một thời khói lửa xa xưa hơn, nền giáo dục quý tộc này ở Athenai vẫn còn là mềm, so với thứ giáo dục hoàn toàn hướng về chiến tranh của chính quyền đại tộc Sparta, nơi mà mọi thiết chế đều nhằm vào mục đích duy nhất là chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tự vệ chống mọi kẻ thù của thành quốc.

Ở Sparta, điều kiện cho thiếu niên cả nam lẫn nữ để trở thành công dân thành quốc là vô cùng khắt khe (khác với Athenai, ở đây con gái cũng được huấn luyện quân sự, nhưng ít nặng nề hơn):

– Đầu tiên, đứa trẻ sơ sinh phải được toàn vẹn và mạnh khoẻ; những đứa èo uột hay khuyết tật sẽ bị vất xuống khe apothetai (kho chứa) trong núi Taygetos (nguồn tin này của Ploutarkhos nay bị ngờ vực, bởi vì các nhà khảo cổ đời sau không hề tìm thấy xương trẻ con ở đây).

– Từ 7 đến 20 tuổi, trải qua hệ thống huấn luyện agôgê : sống chung với lứa  trẻ cùng tuổi hoàn toàn bên ngoài sự chăm sóc của bố mẹ; ăn uống, ngủ nghê trong điều kiện cực kỳ kham khổ; tham gia vào các cuộc đọ sức chịu đựng; cuối cùng, trải qua thử thách chiến đấu để sống còn trong những điều kiện nguy nan nhất gọi là krypteia (có thể bao gồm cả việc phải săn đuổi và giết được một trong số nô lệ heilôtes[10] chạy trốn hay nổi loạn);

– Khoảng 20 tuổi, trở thành thành viên của một syssitia (nhóm 15 thanh niên ăn uống, sinh hoạt chung để tập sống liên đới với nhau);

– Sở hữu một mảnh đất (klêros) đủ để có thể trả phí tổn cho các bữa ăn tập thể (đất đai thuộc sở hữu của nhà nước, mỗi công dân nhận được một lô đất bằng nhau song không thể chuyển nhượng hay cầm cố, lô đất được giao cho nô lệ cũng thuộc sở hữu của nhà nước canh tác, hoa mầu được chia cho chủ lô đất và nô lệ, chủ đất có thể nuôi gia đình nhưng không thể bán làm giàu).

Như vậy, người Sparta chỉ có đầy đủ quyền công dân vào khoảng 30 tuổi,   và quyền này có thể bị tước bỏ nếu cư xử hèn hạ (tresantes = run rẩy) ngoài mặt trận. Và họ chỉ hết nghĩa vụ quân sự (nghĩa là không còn có thể bị động viên) vào khoảng 60 tuổi.  

II – CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ

Đời sống của người dân Athenai bị bẻ ngoặt sang một hướng khác trong thế kỷ thứ VI, với sự thiết lập chế độ dân chủ thông qua hai bản hiến pháp của Solôn (594) và của Kleisthenês (507). Mặc dù giữa hai bản hiến pháp này, chế độ dân chủ đã bị gián đoạn bởi 53 năm bá vương của Peisistratos (560-507), song chế độ phi hiến sau thực ra cũng thuận lợi cho con đường dân chủ hóa thành quốc, bởi vì để giữ chính quyền, Peisistratos và các con cũng phải tìm mọi cách làm suy giảm quyền lực của giai cấp quý tộc. 

Bằng sự lập ra các thiết chế mới như Hội đồng Đại biểu Thành quốc (Boulê) và một hệ thống tòa án (dikasterion, sn dikasteria) mở rộng quyền tố tụng và quyền được xét xử cho mọi công dân, song song với việc thay đổi cách vận hành của những định chế cai trị cũ, Solon đã đặt chính quyền vào tay các tầng lớp xã hội phi quý tộc. Nhưng về giáo dục, tầm cải cách của ông chỉ giới hạn vào việc gỡ bỏ thành kiến đối với các nghề (banausoi), khuyến khích mỗi gia đình nghèo phải dạy cho con cái một kỹ năng. Chính những cải tổ của Kleisthenês về sau mới thổi vào các định chế quyền lực của Athenai ngọn gió «bình đẳng» thực sự: bình đẳng trước pháp luật (isonomia), về quyền hành (isokrateia), về lời nói (isogoria). Kết hợp với khía cạnh cuối của quyền bình đẳng này, thói quen và nhiệt tình bàn luận về mọi vấn đề của thành quốc vốn có sẵn ở người dân Athenai (nhờ không phải bận tâm về sản xuất vì đã có nô lệ lo, và về việc nhà vì đã có đàn bà lo), đã mau chóng tạo nên một không khí tự do ngôn luận chưa hề có ở bất cứ nơi nào khác.

Trong lịch sử, lãnh tụ dân chủ uy tín nhất của Athenai là Periklês. Và kẻ đã giữ vị thế áp đảo trong chính quyền gần như liên tục suốt 30 năm (461-429) này đã ca ngợi chế độ dân chủ của thành quốc như sau:

«Hiến pháp của ta không mô phỏng luật lệ của các xứ láng giềng; chúng ta là mẫu mực để nơi khác noi theo hơn là kẻ đi bắt chước. Chính quyền của ta gọi là dân chủ, bởi vì thành quốc không phải do một thiểu số mà do đa số [công dân] cai trị. Về luật pháp, nó mang lại phần công lý bằng nhau cho mọi người trong những tranh chấp riêng tư; về địa vị xã hội, sự thăng tiến trong việc công tùy thuộc tiếng tăm về khả năng, phân biệt giai cấp không được phép xen lẫn vào sự thẩm định công trạng; sự nghèo khó cũng không được phép cản đường tiến thân của bất cứ ai, hễ ai có khả năng phục vụ nhà nước thì điều kiện tăm tối của đương sự không hề là một trở ngại» ... «Tóm lại, tôi nói rằng, như một thành quốc, chúng ta là trường học của toàn thể Hy Lạp»[11].

Đoạn văn này nhấn mạnh trên cách vận hành của chế độ. Nó cho ta thấy một khía cạnh nữa trong nền dân chủ ở đây: đó là sự bình đẳng về cơ hội, sau được nhà xã hội học Alexis de Tocqueville (1805-1859) xem là một trong những ý tưởng mấu chốt của nền dân chủ hiện đại ở Hoa Kỳ. Và trên thực tế, đam mê bình đẳng này đã đẩy những cải cách hành chính xa đến mức mọi chức vụ quan trọng của Athenai về sau đều do bốc thăm, trừ vai trò tư lệnh quân đội (strategos, sn strategoi), vô tình đặt lên tương lai của thành quốc một thứ chủ nghĩa bình quân trước số phận, với những hậu quả nói chung là tai hại về lâu về dài.       

Chế độ dân chủ này ảnh hưởng như thế nào trên đời sống tinh thần nói chung, và trên sinh hoạt giáo dục nói riêng ở Athenai?

III – TRÀO LƯU DU GIÁO 

Trước hết, nó đã lôi triết học từ thế giới tự nhiên về thế giới con người, từ các thiên thể và vật thể trở lại trung tâm thành quốc.

Từ khoảng giữa thế kỷ thứ V, một trào lưu triết lý mới[12] xuất hiện ở rất nhiều nơi. Một mặt, bi quan trước những kết luận bất đồng, thậm chí đôi khi trái ngược của các nhà tư tưởng đi trước về căn nguyên của thế giới hiện tượng (vật thể đến từ đâu?, được cấu tạo từ chất thể gì?), hay về thực thể (cái gì là tồn tại thực sự?), và chuyển động (phải giải thích sự đa tạp và biến chuyển của vạn vật trong thế giới hiện tượng như thế nào?), lớp triết gia này cho rằng chân lý khách quan là một ảo tưởng không bao giờ có thể đạt tới được. Đối với Prôtagoras, «con người là thước đo của vạn vật» (xem thêm ở đoạn III.1 bên dưới). Tương tự, Gorgias cho rằng: 1) không có thực hữu, 2) nếu có đi nữa, nó cũng không thể được biết, 3) mà nếu có thể biết được đi nữa, nó cũng không thể được diễn đạt bằng ngôn từ (xem thêm ở đoạn III.3 bên dưới). Vì vậy, từ nay họ lấy ngôn ngữ, chính trị, luật pháp, đạo lý... – nói chung là mọi vấn đề liên quan đến con người – làm đối tượng của tư duy. Mặt khác, vì đi giảng dạy khắp nơi[13] trên đất Hy Lạp, lớp triết gia mới này cũng có ý thức rất sâu sắc về tính tương đối của loại sự vật (luật pháp, luân lý) mà họ lấy làm đối tượng để tư duy và trao truyền.

Do điều kiện ở Athenai được xem là thích hợp nhất, hứa hẹn nhất cho sự thi thố tài năng của họ, nhiều triết gia thuộc khuynh hướng này về sau đều không hẹn mà cùng đổ về Athenai: sự tiến hóa của xã hội dân chủ ở đây đòi hỏi người công dân phải có những hiểu biết nằm ngoài loại đức tính quý tộc. Và các triết gia thuộc trào lưu này tự hào: 1) sở hữu thứ tri thức thiết yếu đó; 2) đồng thời có thể trao truyền chúng cho bất cứ ai. Họ được gọi là những sophistai (sn của sophistês = tựa như viết wis(e)-ist trong tiếng Anh); từ sophistês này xuất phát từ sophia, nghĩa là hiểu biết (wisdom)[14], phải được hiểu là người làm việc với tri thức hay kẻ dùng hiểu biết của mình làm kế sinh nhai, khác với sophos là người hiểu biết (wise man). Đấy chính xác là điều các triết gia này làm: trao truyền tri thức của mình đổi lấy thù lao; và trong nghĩa này, họ chính là những nhà giáo chuyên nghiệp đầu tiên.

Dù sao, chính nhờ trào lưu sophistai này mà hệ thống giáo dục truyền thống từ nay có thêm một cấp học thuộc bậc cao đẳng (higher education), với một chương trình có phần văn hóa được mở rộng rất nhiều so với thời quý tộc; nó bao gồm nhiều bộ môn, từ ngôn ngữ học và các môn học phụ thuộc (hùng biện, từ nguyên, bút pháp), sang thơ văn, âm nhạc, đến luật pháp, chính trị, lịch sử, và ngay cả các bộ môn khoa học như toán học, luận lý, thiên văn, vật lý, sinh học – nói tóm lại,  họ nhận dạy tất cả những gì mà người đương thời có thể xem là tri thức. Và chính vì sự đa tạp này mà đời sau, tuy có thể phân chia họ thành nhiều nhóm, vẫn không thể xem các khuynh hướng sophistai như tập hợp thành một trường phái triết học nhất quán.

Khắp nơi, sự thành công của các nhà du giáo đối với giới trẻ thuộc thành phần quý tộc là không thể chối cãi, như bài biện vu trước toà của Sôkratês cho thấy[15]. Nhưng ở Athenai, kết quả này cũng gây ra nhiều phản ứng. Một mặt, nó khiến các thành phần khác trong xã hội băn khoăn (sự triển khai các môn học trí tuệ, chưa biết giá trị đến đâu, sẽ làm cho thành quốc yếu thế hơn trong cuộc chiến bá quyền với Sparta chăng?) hay lo âu (vì việc mở trường lớp đang phá đổ truyền thống synousia, và uy tín của họ đang lật đổ uy quyền của các bậc cha anh ở Athenai) trước đường lối giáo dục mới (như ta có thể thấy trong các vở kịch của Aristophanês[16] và những tràng cười đồng lõa ở khán giả của hài kịch Mây (Nephélai = The Clouds) chẳng hạn. Mặt khác, nó vấp phải sự chống đối của Sôkratês và nhóm triết gia quây quần quanh Ông, quyết liệt nhất là Platôn (người đã tạo ra đối kháng philosophossophistês trong lịch sử triết học). Thực ra, quan hệ giữa Sôkratês với giới sophistai là khá phức tạp: từ thời đó (Aristophanês) và ngay cả ngày nay (William K. C. Guthrie, History of Greek Philosophy), không ít người vẫn xem triết lý của Sôkratês như chỉ là một xu hướng khác trong trào lưu sophistai không hơn không kém.

Triết lý của Sôkratês là đối lập với, hay chỉ là một phần của trào lưu triết gia du giáo? Để trả lời câu hỏi này, cần phải nhìn qua các khuynh hướng sophistai[17] từ giữa thế kỷ thứ V đến giữa thế kỷ thứ IV[18], mặc dù đây thật ra  cũng chỉ là một cuộc cưỡi ngựa xem hoa mà thôi, vì trong mỗi xu hướng du giáo, ta sẽ chỉ ghé thăm một tác giả. Tuy nhiên, qua việc tìm hiểu dù sơ lược phần tư tưởng của họ, ta vẫn có thể đoán biết khá chính xác nội dung của chương trình học do họ đề xuất, cũng như không khí văn hóa chính trị bao quanh các lớp học đương thời. 

1 – Prôtagoras xứ Abdêra

Xu hướng đầu tiên xuất hiện vào khoảng năm 447, và có thể được gọi là nhóm «du giáo văn hóa (sophistry of culture)», do ý muốn truyền dạy những gì thiết yếu nhất để thành đạt trong nền văn hóa mới của lối sống dân chủ. Đại biểu nổi tiếng nhất của nó là Prôtagoras[19] xứ Abdêra (Thrakê).

Prôtagoras không chỉ là nhà dân chủ kiên định và có quan hệ gắn bó với Periklês; ông còn là một lý thuyết gia độc đáo về dân chủ. Như nhà giáo, Prôtagoras không bàn về «Chân lý (Alêtheia)» hay «Hiểu biết (Sophia)» mà chỉ nói về «phẩm hạnh» hay sự «hoàn hảo» (aretê) trong đời sống xã hội, không thuyết giảng về vũ trụ mà chỉ chuyên truyền bá loại kỹ năng sống tập thể, nghĩa là ông chỉ nhằm «đào tạo ra những công dân tốt». Để hoàn tất nhiệm vụ giảng dạy, Prôtagoras chủ yếu dựa trên ngôn ngữ và các môn học phụ thuộc, kể cả các bộ sử thi: theo ông, Homêros, Hêsiodos, Simônidês... chính là lớp sophistai đầu tiên, chỉ khác là họ đã phải tự ngụy trang để tránh phải đương đầu với quyền thế và đám đông, trong khi nay ông có thể phát biểu và giảng dạy công khai.

Kết nối với thần thoại, Prôtagoras nhắc lại thời phát sinh của loài người như sau, theo Platôn[20] trong một đối thoại cùng tên. Khi tạo ra muôn loài, Zeus giao cho hai anh em thần Promêtheus và Epimêtheus nhiệm vụ ban phát cho mỗi loài động vật thứ năng lực và lợi thế tự nhiên cần thiết để «không loài nào phải bị diệt vong». Epimêtheus giành anh làm, song do bất cẩn, đem ban phát hết cho muôn loài dã thú; đến lượt con người thì chẳng còn gì trong kho vũ khí tính năng dự trữ. Đến kiểm tra, Promêtheus hoảng hốt, bèn trở lên đỉnh Olympos đánh cắp lửa và nghệ thuật tôi rèn của thần Hêphaistos, cùng với những nghệ thuật khác của nữ thần Athena, rồi bất chấp hình phạt nặng nề chắc chắn sẽ đến của Zeus, đem xuống cho loài người. Nhưng dù có lửa và biết tự chế tạo ra vũ khí để kiếm ăn và tự vệ, con người vẫn bị đe dọa tiêu vong trước nhiều sinh vật và hiểm nghèo tự nhiên khác, do không thể xây dựng được đời sống cộng đồng, vì hễ cứ họp lại với nhau là sinh sự, gây tổn thương cho nhau. Thấy vậy, Zeus bèn sai thần Hermês đem xuống cho loài người hai món quà tinh thần khác, với mệnh lệnh là: 1) phải chia đều cho tất cả mọi người, nghĩa là ai cũng phải có phần; 2) phải giết hết kẻ nào không có khả năng tiếp nhận chúng.    

Hai món quà này mang tên là dikê aidôs. Dikê luôn được dịch là công lý hay công chính (justice); trong khi tùy người dịch, aidôs thường được chuyển ngữ ra là sự tôn trọng (reverence = respect) hay sự xấu hổ (sense of decency, shame = pudeur, honte); ta có thể hiểu nó như một thứ ý thức có mặt tích cực là sự tôn trọng (tôn trọng bản thân, người khác, điều tốt đẹp), và mặt tiêu cực là sự hổ thẹn (khi mất tự trọng, mất sự tôn trọng của kẻ khác, khi làm điều xấu xa). Dikê là quy chiếu về khả năng thiết lập những quy tắc và tuân thủ những quy phạm được lập ra trong đời sống tập thể. Aidôs là quy chiếu về hình ảnh của ta trong mắt ta, về sự quan tâm đến hình ảnh của ta trong mắt kẻ khác; nó được dùng để xây dựng quan hệ giữa những cá nhân thành viên của một cộng đồng. Nhờ chúng, con người mới bắt đầu xây dựng được các thành quốc lớn nhỏ; nói cách khác, chúng chính là điều kiện khả tồn hay khả hữu (conditions of possibility) của đời sống cộng đồng, và do thành quốc là polis, ta có thể gọi nó là politikê tekhnê (nghệ thuật hay phẩm hạnh chính trị, hệ quả tổng hợp của chúng), và xem bộ đôi dikê – aidôs song sinh đó như những dữ kiện «bẩm sinh», theo nghĩa chúng đã có mặt và được bảo đảm cho tất cả mọi người ngay từ buổi bình minh của nhân loại, nên đều có bản chất linh thiêng, phổ quát và vĩnh hằng.      

Prôtagoras xứ Abdêra (khoảng 492-420)               

Huyền thoại do Prôtagoras kể ở trên còn dẫn đến một hệ quả khác nữa. Do con người ai cũng phải có phần dikê aidôs như nhau và bằng nhau, chế độ duy nhất biểu thị mệnh lệnh thần linh và nguyên lý nhân bản này chính là thể chế dân chủ – bởi vì hiển nhiên là từ sự bình đẳng trên nguyên tắc này (sự sở hữu phần ý thức công lýý thức tôn trọng, như nhau và bằng nhau), ai cũng có quyền tham gia điều hành thành quốc, bởi vì ai cũng có khả năng thi thố nghệ thuật chính trị. Như vậy, Prôtagoras đã không biện chính cho chế độ dân chủ bằng cách nói tại sao ta phải thiết lập nó như ở nhiều tác giả đời sau, mà vạch ra rằng nó tồn tại ngay từ thời điểm xuất hiện của loài người. Đây không phải là cái-phải-có mà ta phải làm mọi cách để thực hiện; đây là cái-đã-có mà ta phải bảo tồn và phát huy.

Tất nhiên, trong tư cách nhà giáo lưu động, Prôtagoras có thừa kinh nghiệm về sự khác biệt giữa các hệ thống luật pháp và luân lý ở những thành quốc khác nhau, cũng như sự bất bình đẳng về năng lực thực thi quyền dân chủ ở mỗi công dân trong hiện thực. Bởi vì thật ra «huyền thoại Promêtheus» chỉ là một biểu văn (discourse = discours) về hai điều kiện tồn hữu của chế độ dân chủ mà thôi. Một mặt, dikêáidos không kết hợp thành một bộ những luật lệ đã được thiết định sẵn, mà chỉ là hai điều kiện về khả năng sáng tạo, tiếp nhận và sử dụng những quy phạm thiết yếu, song song với những quan hệ hữu ích cho đời sống xã hội. Mặt khác, dikêáidos cũng đồng thời là điều kiện về khả năng tiến hóa của những quy phạm và quan hệ xã hội đó: bất cứ công dân nào, ở bất cứ thời điểm lịch sử nào, cũng đều có quyền đề nghị thay đổi một luật lệ đã có, với điều kiện là đề nghị này phù hợp với ý thức công lý ý thức tôn trọng sơ khởi. Làm thế nào để mỗi thành quốc xây dựng được các bộ luật ngày càng tốt đẹp hơn? Làm thế nào để mỗi công dân có khả năng lấy những quyết định chính trị ngày càng khôn ngoan hơn? Đấy là vai trò của giáo dục. 

Với Prôtagoras, giáo dục chính là cột xương sống của chế độ dân chủ, và nói giáo dục tức là nói công dân giáo dục. Bởi vì nếu ông tự hào là thầy dạy nghệ thuật chính trị, thứ politikê tekhnê của ông không nhằm đào tạo ra các nhà lãnh đạo, mà nhằm đào tạo ra những công dân có khả năng thực thi vai trò công dân của mình, ở bất cứ thành quốc dân chủ nào. Khác với nhiều nhà du giáo khác, ông không đề nghị ngay một chương trình học tập mà dạy theo yêu cầu của học viên, cụ thể là dạy cái mà họ cần và tìm đến ông để học: nghệ thuật đạt tới một quyết định đúng trong việc riêng cũng như việc công, bằng ngôn từ và hành động – cái mang tên là euboulia[21] –, mà không quay lưng lại với nền giáo dục truyền thống. Prôtagoras đặt nền móng của chương trình học nơi ngôn ngữ, bởi vì nó được dùng để truyền đạt mọi luật lệ và giá trị, bởi vì nó tác động lên đời sống của mọi công dân, bởi vì nó là phương tiện quyết định hơn kém trong các định chế chính trị dân chủ (Ekklêsia, Boulê, Heliaia) ở Athenai. Bên trên, ông triển khai một thứ phê bình văn học vừa là phân tích từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp, vừa tìm hiểu giá trị tư tưởng hay luân lý chất chứa trong sử thi và ca kịch truyền thống.

Điểm mới mà Prôtagoras chia sẻ với các triết gia du giáo khác, và do đó bị chê bai là «biện sĩ», là sự giảng dạy thuật hùng biện. Hai công thức thường bị đả kích nhất của ông là: «con người là thước đo của vạn vật» (man is the measure of all things = anthrôpos metron) và «biến một biểu văn yếu (hettôn logos) thành biểu văn mạnh (kreittôn logos)». Về công thức thứ nhất, từ sau Hegel (1770-1831) và Nietzsche (1844-1900), triết học đã có nhiều lối hiểu khác hơn là cách do Platôn truyền đạt (chỉ có những sự thực chủ quan). Còn về công thức thứ hai, thực ra nó không có nghĩa là biến một biểu văn sai thành một biểu văn đúng, mà chỉ có nghĩa là giúp một biểu văn được ít người ủng hộ thành một biểu văn được nhiều người tán thành hơn – và đấy chính là mục đích của thuật hùng biện, đồng thời cũng là điều xảy ra hàng ngày trong các buổi họp chính trị lớn nhỏ ở Athenai.

2 – (H)Ippias xứ Êlis

Xu hướng thứ hai thường được gọi là nhóm «du giáo bách khoa[22]». Đại biểu chính của nó là (H)Ippias xứ Êlis, người chẳng những bị các đối thủ đương thời là Platôn và Aristotelês phê phán rất khắt khe, mà ngay cả đồng nghiệp  Prôtagoras cũng công kích khá nặng nề, mặc dù theo những tác giả gần đây hơn, ông thật ra cũng là một nhà tư tưởng có tầm vóc.

(H)Ippias xứ Êlis (khoảng 465-390)            

(H)Ippias là nhà chính trị dân chủ. Trong tư cách sứ giả thành Êlis (vùng Peloponnêsos), ông đã chu du nhiều nơi trong và ngoài khối Hy Lạp, học hỏi được nhiều thứ, kể cả nhiều ngôn ngữ phi Hy Lạp, nên nổi tiếng là polymathês (kẻ hiểu biết nhiều). Điểm độc đáo ở (H)Ippias là ông tiếp nối các nhà sinh học trước kia bằng một quan điểm mới mẻ về tự nhiên. Ông xem thiên nhiên là một thể thống nhất bao gồm vô số vật thể đặc thù có đặc tính riêng (ta pragmata = things = choses), độc lập với nhận thức con người, song sinh động và liên đới với nhau, đồng thời có sức thu hút lẫn nhau (physis ở vật thể, philia ở con người), nhờ vậy, tự nhiên vận hành theo nguyên lý homoiôsis: «cái giống nhau tự nhiên sẽ liên kết với nhau». Từ quan điểm tự nhiên này, không khó rút ra một số hệ quả về nhận thức luận: 1) có hiện thực khách quan và có chân lý khách quan; 2) hiểu biết thực phải là hiểu biết về cái toàn thể; 3) định nghĩa đúng là một định nghĩa không tách rời bản chất sự vật khỏi sự vật cụ thể (cái đẹp là cô gái đẹp, không phải là sự dự phần của Ý thể đẹp vào cô gái, như ở Platôn).

Mặt khác, nhân học của (H)Ippias còn là sự tiếp nối học thuyết về tự nhiên ở trên. Athenai đương thời đang trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng: chiến tranh triền miên đã xác minh rằng thần linh không luôn luôn đứng về phía chính nghĩa, và sự mất tin tưởng nơi thần linh kéo theo sự nghi ngờ mọi giá trị truyền thống: công lý chỉ là «lời hoa mỹ (onomata kala)», luật pháp ở các nơi chẳng những khác nhau mà chính là bạo lực và quyền lợi phe đảng được ngụy trang. (H)Ippias đối lập tự nhiên với các bộ luật nhân tạo. Theo ông, tự nhiên đã tạo ra một tính xã hội bộc phát mà chính thứ «bạo quyền của con người trên con người» gọi là pháp luật đã phá hủy. Do tính xã hội tự nhiên này bắt nguồn từ nguyên lý homoiôsis nói ở trên, nên: 1) nền tảng của cộng đồng nằm nơi thiện cảm tự nhiên giữa con người với nhau; 2) dân chủ là thể chế tự nhiên nhất, bởi vì nó được xây dựng trên nguyên tắc «như nhau và bằng nhau».

Theo (H)Ippias, vai trò quy phạm của tự nhiên hiện rõ nhất trong vấn đề công lý. Công lý thật xuất phát từ tự nhiên, vì có một thứ luật tự nhiên không do ai viết ra, và nếu công lý đúng là sự tuân thủ luật pháp, thì đấy là thứ luật không do ai viết ra đó (cái sau này Aristotelês gọi là physikon dikaion), chứ không phải là luật nhân tạo. «Luật pháp tự thân bao gồm luôn cả hình phạt cho bất cứ ai vi phạm nó». Kẻ vi phạm một luật tự nhiên, như sự ngăn cấm loạn luân, chắc chắn sẽ phải chịu hình phạt là họa suy thoái dần từ đời này sang đời khác, không giống như luật nhân tạo, có thể bị uốn cong bẻ quẹo theo mọi chiều. Do luật tự nhiên cao hơn luật thành quốc bởi tính phổ quát và ổn định, quan điểm về công lý và luật pháp của (H)Ippias là cánh cửa mở vào chủ nghĩa thế giới (cosmopolitism) ở đời sau. Nhưng ngay từ thời ông, trái với nhiều người Athenai khác còn nhìn về phương Đông với đối kháng Hy Lạp / mọi rợ trong đầu (mọi rợ = không biết nói = không biết nói tiếng Hy Lạp!), (H)Ippias đã gọi châu Á cũng như châu Âu là «con của Đại dương»

Trở lại với Athenai, (H)Ippias cho rằng một cộng đồng người chỉ nên thu nhận chứ không nên khai trừ – đấy là một lý do khác khiến ông tán thành chế độ dân chủ ở đây. Tuy nhiên, ông chủ trương phải làm một số cải cách, cụ thể là vất bỏ thủ tục chỉ định người ra gách vác việc công bằng cách rút thăm mà ông cho là mị dân, phi lý và mạo hiểm. (H)Ippias đề xuất một chế độ dân chủ được khai sáng, nhưng không phải từ trên xuống dưới bởi một bậc lãnh đạo anh minh, mà từ dưới lên trên, bằng cách nâng cao trình độ văn hóa của công dân, nhất là công viên chức. Do đó, sau khi chứng minh rằng sự kiện có một nghề đặc thù không hề là trở ngại cho hiểu biết chính trị, bất chấp sự nghi ngờ và mỉa mai của nhiều đối thủ đương thời, lớp học bách khoa của ông dạy đủ loại tri thức khoa học (epistêmê, sn epistêmai) và kỹ thuật (tekhnê, sn tekhnai) – từ ngữ pháp, từ nguyên, bút pháp, đến thơ văn, âm nhạc, tranh biện, sang luật pháp, chính trị, lịch sử, và cuối cùng toán học, thiên văn, vật lý, sinh học.

(H)Ippias là người bị Platôn đả kích nặng nhất trong số các nhà du giáo. Platôn mỉa mai rằng ông tự hào có thể phát biểu trên mọi vấn đề; điều này có thể hiểu được, vì ông muốn làm nhà giáo bách khoa, và biết nhiều thường khó đi đôi với biết sâu. Theo Platôn, ông còn tự hào đã sáng tạo ra được một phương pháp tranh luận có thể đem áp dụng trong mọi trường hợp và trên mọi đề tài; mặt khác, ông chỉ tranh cãi để giành chiến thắng, chứ không màng đến chân lý. Đây có thể chỉ là những khẳng định có tính bút chiến, ít nhiều mang hậu ý xuyên tạc: mặc dù ảnh hưởng của (H)Ippias trên quyển chuyên luận Dissoi Logoi[23] sau này được nhiều nhà nghiên cứu xác nhận, chẳng có gì ở phần còn lưu giữ được trong trước tác của ông có thể buộc đời nay phải đánh giá (H)Ippias quá thấp và quá tiêu cực như ở Platôn.

3 – Gorgias xứ Leontinoi

Xu hướng thứ ba là nhóm «du giáo hùng biện (sophistry of rhetoric)». Đại biểu chính của nó là Gorgias[24] xứ Leontinoi (Sicily, Nam Ý), nhà hùng biện nổi tiếng nhất cổ đại. Gorgias nói hay đến nỗi tên ông được gắn thêm đuôi (vĩ tố) để trở thành động từ (gorgianize = gorgianiser), với nghĩa là nói hay như Gorgias; ông còn được tạc tượng bằng vàng ở Olympia, được đề cử viết và đọc diễn từ tại các ngày lễ hội liên Hy Lạp hay trong những ngày trọng đại liên quan đến sinh mệnh của toàn khối Hy Lạp.

Gorgias được biết đến nhiều nhất qua ba luận điểm (xem đoạn III ở trên ) đã khiến ông từng bị nhận định là triết gia theo chủ nghĩa hư vô hay bi quan (hoài nghi) triệt để. Ngày nay, người ta xem chúng như một phản biện đối với bản thể luận của Parmenidês bằng chính những nguyên lý của nó. Thật ra, từ sự sụp đổ của bản thể luận, Gorgias chỉ rút ra một thứ tư duy phục hồi giá trị cho thế giới hiện tượng kiểu Nietzsche sau này, nghĩa là ông khẳng định sự đồng nhất giữa cái thực có (being = l’être) với cái hiện ra (appearing = le paraître). Nếu nói là hiện tượng thay đổi, thì cũng phải nói là thực hữu cũng đổi thay, vì thực ra hiện thực cũng đầy dẫy mâu thuẫn; và những mâu thuẫn này là không thể vượt qua, không thể hòa giải, không thể bị vô hiệu hóa. Do đó, giữa hai vế của mâu thuẫn, con người phải chọn một, và thường người ta tự thuyết phục mình, hay dùng ngôn từ thuyết phục kẻ khác, hãy chọn vế nào mang lại sự yên bình cho tâm hồn. Tất nhiên, Gorgias cũng đối lập ý kiến với hiểu biết, và khi phải chọn lựa, cũng chọn hiểu biết; nhưng ở &oci

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa