KHÁM PHÁ, PHÊ PHÁN, DIỄN GIẢI SỬ LIỆU (L.-E. HALKIN, 1951 & 1960)
Cập nhật ngày 15-02-2021
Từ khóa : Sử liệu – Xử lý
C1

KHÁM PHÁ, PHÊ PHÁN, DIỄN GIẢI
SỬ LIỆU

Tác giả: Léon-Ernest Halkin[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

(1951)

Phê phán lịch sử là một phương pháp khoa học nhằm phân biệt  thật / giả trong lịch sử. Do sử học chỉ dựa trên bằng chứng, sự phân biệt thật / giả trong lịch sử sẽ được quy giản vào hai thao tác cơ bản: đầu tiên là kiểm tra các bằng chứng, sau đó là hiểu chúng.

(...) Uy quyền của một tài liệu không do cái vẻ cổ xưa của nó khi được phát hiện mang lại. Những bằng chứng từ đấy sử học được xây dựng không nhất thiết phải là các bản gốc; chúng thường đến với chúng ta qua nhiều trung gian, và cái nguy cơ sai lầm cũng tăng theo tỷ lệ thuận với số lượng trung gian này: giả định rằng mọi yếu tố khác đều không thay đổi[2], một bản sao vừa mới thực hiện từ bản gốc có giá trị hơn một bản sao cũ của bản sao. (...)

Mặt khác, những tài liệu đã vượt qua các thử thách của phần phê phán không có cùng mức độ phong phú, và nhận xét này đúng cho cả tài liệu gốc lẫn bản sao. Có những nhân chứng lên tiếng để chẳng nói gì, những người khác thì lắp bắp, chỉ một số thực sự mang đến cho chúng ta điều gì mới mẻ. Các sử gia đều biết rằng ở những chỗ im lặng trong các tài liệu, và thậm chí dưới những dối trá của chúng, một thông tin bất ngờ có thể ẩn nấp. (...)

Điều quan trọng đối với sự phê phán đích thực, đó không phải là chi tiết kỹ thuật, đấy là cái tinh thần của phương pháp [phê phán]. Đừng chấp nhận không bằng chứng cái vẫn được gọi quá dễ dàng là «những bài học lịch sử», đừng hy sinh cho chính trị mà hãy là «trí thức»[3], điều đó còn quan trọng hơn cả sự phân biệt giữa phê phán mức độ đáng tin và phê phán cách thức diễn giải. (...)

Những sự kiện, những sự kiện khiêm tốn, chúng còn đáng kính hơn cả mọi hệ thống nhân danh lịch sử để soi sáng nó bằng thứ ánh sáng thường chỉ là chiêu trò giả ngày. Đây là một thái độ nghi hoặc, nghi ngờ khoa học, khắc khổ và hơi băng giá một chút. Sẽ đơn giản hơn nhiều, nếu ta chỉ cần lặp lại những gì ông cha đã học (đó là cho quá khứ) và những gì đài phát thanh thông báo (đây là cho hiện tại). Nhưng tinh thần của chúng ta nổi loạn trước cái khả năng từ nhiệm tương tự. Chính vì vậy mà sự phê phán lịch sử phải giúp chúng ta đẩy lui những khẩu hiệu và bịa đặt.

Léon-Ernest Halkin
Initiation à la critique historique,
Cahier des Annales, n0 6, 1951, tr. 16-18.

*

 (1960)

Phê phán trong sử học [là] một phương pháp được thiết kế nhằm  phân biệt sự thật với hư cấu trong lịch sử. [Nó có thể] được rút gọn vào ba hoạt động cơ bản: đầu tiên là truy tìm, sau đó là kiểm tra, và cuối cùng là tìm hiểu bằng chứng. Ba hoạt động này mang tên là khám phá, phê phán, và diễn giải [...].

KHÁM PHÁ (Heuristics, Heuristique[4])

Nếu người đời không để lại dấu vết gì về sự tồn tại của họ, chúng ta không thể bắt đầu viết lịch sử của họ. Cần phải có bằng chứng về quá khứ của họ, thì lịch sử như hiện thực mới trở thành tri ​​thức lịch sử hay sử học được. Những bằng chứng này thường là các văn bản [...].

Nhưng mặt khác, còn có một lịch sử được thực hiện với những di tích khảo cổ, những quan sát địa lý [...]. Thậm chí lịch sử cổ đại đôi khi cũng còn có thể dùng được những tài liệu bất ngờ. Một cảnh quan nhìn từ máy bay có thể tiết lộ các dấu tích chiếm ngụ của con người mà sự quan sát bình thường không phân biệt được dưới lớp thảm thực vật. Đấy là trường hợp từng xảy ra với các tuyến ranh giới thời La Mã ở phía Bắc châu Phi.

Hơn nữa, liệu một sử gia nào đó dám cho rằng ông ta có thể viết về cuộc đời của Erasmus hoặc Luther mà không cần sử dụng, bên cạnh kho thư từ trao đổi to lớn của hai nhân vật này, những bức vẽ chân dung của họ, mà các họa sĩ đương thời đã để lại cho chúng ta chăng?

Ngược lại, dành cho các loại dấu tích khác nhau này vị trí xứng đáng của chúng trong công việc tái thiết lịch sử là điều không dễ dàng gì. Thứ ngôn ngữ của chân dung có thể rực rỡ hơn, nhưng nó cũng có độ chính xác kém hơn so với câu chữ [...].

«Sử học được thực hiện phổ biến nhất và chắc chắn nhất thông qua các văn bản» [...]. Nhưng không có chứng cứ, chắc chắn không có sử học [...] 

... Nhà sử học thường tìm nguồn tài liệu của mình từ đâu? Ở giai đoạn nghiên cứu này – tìm tòi – cần phân biệt loại văn bản tự thân chúng là nguồn tin, và loại văn bản cung cấp cho ta những suy ngẫm về các nguồn này. Các tác phẩm cổ đại, vốn thuộc vào loại thứ hai về mặt lý thuyết, thực tế lại liên quan đến loại thứ nhất, bởi vì chúng là bằng chứng duy nhất của các nguồn đã mất hẳn. Đây là trường hợp quyển lịch sử La Mã của Titus Livus[5] chẳng hạn, bên cạnh nhiều tác phẩm khác.  

Bản thân các nguồn còn được phân chia thành nguồn ngoại giao (giao ước, công hàm, v. v.) và nguồn tường thuật (niên giám, ký sự, v. v.), chưa kể những bia khắc mà ta không có quyền bỏ qua [...].

Những bằng chứng này, sử gia phải thu thập, kiểm tra và tìm hiểu chúng.

PHÊ PHÁN

Kiểm tra một văn bản là đặt nó dưới sự phê phán đích thực. Các chuyên luận cổ điển [...] phân chia thao tác phê phán thành hai nhóm kế tiếp: phê phán bên ngoài, và phê phán bên trong.

Phê phán bên ngoài hay phê phán tính xác thực của tài liệu là xem xét nguồn gốc và giá trị bên ngoài của tài liệu, thừa nhận hoặc từ chối chúng. Phê phán bên trong, hay phê phán về mức độ đáng tinthẩm định giá trị nội dungcủa cũng những tài liệu ấy, và đảm bảo sự thông hiểu hoàn toàn các văn bản.

Dù là truyền thống, sự phân loại này vẫn là giả tạo không ít. Ta chỉ có thể tách rời phê phán bên ngoài và phê phán bên trong bằng một nỗ lực của tinh thần lô-gic; nghĩ rằng chúng có thể được tách rời thực sự là một sai lầm. 

Sự phê phán bên ngoài muốn nghiên cứu các văn bản một cách độc lập với nội dung của chúng, nhưng tham vọng này tiết lộ rằng  chẳng trong một công đoạn hiện thực nào nó có thể bỏ qua hiểu  biết về nội dung các tài liệu.

Nếu một văn bản viết tay không đề ngày tháng sao chép một văn bản đã biết, bản viết tay không thể có trước văn bản này: ở đây, phê phán bên trong đôi khi đi trước phê phán bên ngoài.

Nếu một chứng từ xác định đặc quyền hay đặc lợi, mà sự phê phán bên ngoài đặt vào đầu thế kỷ XII trích dẫn một nhân vật thuộc thế kỷ sau, thì nó chỉ có thể là một tài liệu giả mạo. Ở đây, một lần nữa, phê phán bên ngoài và phê phán bên trong không tự sắp xếp khôn khéo như một phân loại đơn giản mong muốn. Thực ra, sử gia phải lần theo mọi manh mối dựa vào tài liệu có trước mắt, mà không bận tâm về một trật tự lý thuyết từ những câu hỏi phải đặt ra. Trong chùm sưu tầm của mình, ông ta sẽ chỉ tự áp đặt một trật tự phân cấp thứ bậc sau khi kết thúc cuộc điều tra. 

Chúng ta nên đi xa đến mức đề xuất rằng các thủ tục phê phán cổ điển là phù phiếm chăng? Chắc chắn là không, bởi vì sự kiểm tra bằng chứng vẫn không thể nào thiếu chúng. Trước một tài liệu, không gì có thể bãi miễn sử gia đặt ra loại câu hỏi như phải giải quyết trước tòa án[6]: chất liệu, hình thức, chữ viết, văn phong, ngày tháng, xuất xứ, v. v… Nhưng chúng ta không được tự ngăn cấm  mình xem xét vấn đề phê phán dưới mọi khía cạnh của nó cùng một lúc, bằng cách kết hợp các cân nhắc về tính xác thực với các cân nhắc về mức độ đáng tin, cũng như cầu viện tới các ngành khoa học phụ trợ đa dạng nhất

Mặt khác, phê phán bên trong, còn được gọi là phê phán về tính đáng tin, vượt quá sự kiểm tra văn bản, bởi ở đây nó đã chạm tay vào phần phê phán diễn giải hay thông diễn học. 

Về cơ bản, điều quan yếu là việc nghiên cứu bằng chứng.  Bởi sự chắc chắn tinh thần của sử học được đặt trên chính uy tín của   những chứng cớ này. Chúng ta chỉ biết đúng đắn quá khứ qua trung gian của kẻ khác. Lịch sử sẽ vô cùng ngắn ngủi nếu sự quan sát của mỗi chúng ta bị thu gọn vào những gì bản thân mình tiếp thu được! Chứng liệu đóng một vai trò thiết yếu trong sự phát triển tập thể của văn hóa. 

DIỄN GIẢI (Hermeneutics, Herméneutique)

Hiểu một tài liệu [...], đấy là nhiệm vụ của thông diễn học, giai đoạn chuẩn bị cho công trình tổng hợp. 

Ở đây chúng ta bắt gặp trường hợp nhân chứng duy nhất. Liệu ta sẽ loại bỏ nó chăng? Câu ngạn ngữ chốn pháp đình: «chỉ một chứng nhân, không có nhân chứng»[7] không có chỗ đứng trong sử học. Vấn đề không phải là để một bản án phụ thuộc vào một lời khai, mà là tin hay không tin một nhân chứng. Ở đây, lời một người nghiêm túc, sâu sắc và chân thực có thể đủ để thuyết phục chúng ta tin theo, trong khi những khẳng định của nhiều nhân chứng đáng ngờ vẫn luôn luôn là khả nghi.  

Do đó, khi gặp trường hợp này trong sử học, chúng ta có thể đặt tin cậy hợp lý vào khẳng định của một nhân chứng không đến nỗi không xứng đáng được tham khảo. Ở rất nhiều điểm, ký thuật về cuộc chinh phục xứ Gallia[8] tùy thuộc vào chỉ một mình Gaius Julius Caesar. Chúng ta đều biết tính nết của tác giả này là hay tự bênh vực mình và phóng đại các chiến thắng. Nhưng chúng ta cũng đều biết rằng Ceasar thường là chính xác khi chỉ đơn giản tường thuật những sự kiện hoặc mô tả các nơi chốn. Như vậy, trừ phi có lý do quan trọng, ta sẽ tin vào lời ông ta, không trông chờ sự phát hiện ra các hồi ký của Boduognatos[9] hoặc Ambiorix[10] ít có xác suất được lưu lại. [...]

Sử gia gặp trường hợp có nhiều bằng chứng thường xuyên hơn, nhưng việc giải quyết vấn đề khi các nhân chứng mâu thuẫn với nhau cũng không dễ dàng gì hơn.  

Cám dỗ mạnh mẽ là thói đo đếm số lượng bằng chứng và đặt tin tưởng vào luận điểm được đa số thừa nhận. Một sử gia lớn như Fustel de Coulanges[11] đôi khi cũng rơi vào lệch lạc này khi ông  chọn cộng các văn bản lại thay vì cân nhắc chúng. Không đo đếm, hãy cân nhắc[12]!… Nghiên cứu việc Pepin Le Bref[13] lên ngôi, Fustel theo ý kiến ​​của mười một nhà biên niên sử, theo đó «Pepin đã tự tấn phong», và bác bỏ ý kiến ​​của hai vị khác về một cuộc bầu chọn trong hoàng cung. Nhưng sau khi xác minh, hóa ra, trong số mười một nhà biên niên thuộc nhóm thứ nhất, bốn người đã sống sau sự kiện này rất lâu, và bảy người còn lại đã lấy thông tin từ cùng một nguồn là phiên bản chính thức về buổi đăng quang của Pepin. 

Như vậy, làm công việc của sử gia một cách trung thực không phải  là thể hiện sự thù địch của mình với một bằng chứng. Dù nói gì đi nữa, lịch sử không phải là tòa án, và nhân chứng không phải là kẻ bị buộc tội! Phê phán sử học xứng đáng với tên gọi đòi hỏi sự  phân biệt, suy xét và tôn trọng sự thật. Đạo lý của người viết sử – làm sao ông có thể không cần tới nó? – phải bù trừ cho sự hoài nghi của ông ta, giúp ông hiểu được ngay cả những kẻ thù của quê hương, chủng tộc hay đức tin của mình. Sử gia không tuyên bố sở hữu chân lý, nhưng ông ta phải luôn luôn theo đuổi nó không bao giờ mệt mỏi.  

Léon E. Halkin,
Các Yếu Tố Phê Phán Sử Học,
Eléments de critique historique,
Dessain, 1974,
tr. 15-16, 33-34, 37, 41-45 và 51.


[1] Léon-Ernest Halkin (1906-1998), sử gia người Bỉ. Tác phẩm tiêu biểu: Réforme protestante et réforme catholique au diocèse de Liège (1930); Introduction à l'histoire paroissiale de l'ancien diocèse de Liège (1935); La Réforme en Belgique sous Charles-Quint (1957); Eléments de critique historique (1960); Érasme et l'humanisme chrétien (1969); Érasme: sa pensée et son comportement (1988); Érasme parmi nous (1988).

[2] Tiếng Pháp «toutes choses égales d’ailleurs», do thành ngữ La-tinh «ceteris paribus sic stantibus», thường được viết tắt là «ceteris paribus», và có nghĩa là chỉ xem xét mỗi lần một thông số, và bỏ ra ngoài những tham số khác của trường hợp, xem như chúng không thay đổi.

[3] Tiếng Pháp: «clercs» (tăng lữ, nhưng cũng có hàm nghĩa là kẻ học thức), quy chiếu về: Julien Benda, La Trahison des clercs, 1927. Trong tác phẩm này, tác giả cho rằng giới học thức đương thời đã quay lưng lại với những giá trị mà ông gọi là «valeurs cléricales = giá trị tăng lữ» (chân, thiện, mỹ - những giá trị trí tuệ và bất biến), để dấn thân vào các hệ tư tưởng bạo lực trong những năm 1930 ở Âu châu: họ tự cho là đang phục vụ các lý tưởng trên, trong khi thực ra họ đang tuân theo loại cảm xúc bè phái, cực đoan, và độc tài – tức là hành động như những kẻ phản bội. Benda bênh vực thứ người mà ông gọi là «clerc», hiểu như kẻ chủ trương sử dụng lý trí một cách độc lập, như một sinh hoạt tự do và vô vị lợi, khá gần với khái niệm «trí thức» như chúng ta hiểu ngày nay. Cho đến giờ, tác phẩm của Benda vẫn còn được đọc như một tuyên ngôn kêu gọi đề phòng trước các hệ tư tưởng độc tài và toàn trị của thế kỷ XIX và XX. 

[4] Do từ Hy Lạp heuriskein = tìm ra. Trong giáo dục: phương pháp nhằm  dạy  học sinh tự phát hiện ra điều phải học. Trong khoa học: công đoạn mà đối tượng là sự khám phá ra những sự kiện hoặc tìm ra những giải đáp.

[5] Titus Livius (Titus Livus = Tite Live, khg 59 tCn-17 sCn). Tác phẩm:  Ab Urbe Condita (History of Rome From the Founding of the City = Histoire de Rome depuis sa fondation), bộ sử La Mã 142 tập (nay chỉ còn lại 35 tập), từ những huyền thoại xưa nhất trước khi được xây dựng năm 753 tCn đến triều đại Hoàng Đế Caesar Divi Filius Augustus (63 tCn - 14 sCn, trị vì 27 tCn – 14 sCn) thời ông.

[6] Loại câu hỏi mà giải đáp là điều kiện để chứng cớ hay tài kiệu được xét tới hay không: nếu biết bằng chứng là một tài liệu giả mạo chẳng hạn, thì chúng ta sẽ không phí thời gian nghiên cứu nó.

[7] Nguyên bản: «Testis unus, testis nullus».

[8] Gallia (Pháp: Gaule, Hà Lan: Gallië, Đức: Gallien) là một khu vực ở Tây Âu trong thời kỳ đồ sắt và thời kỳ La Mã, bao gồm Pháp, Luxembourg và Bỉ ngày nay, phần lớn Thụy Sĩ, mạn Tây Bắc Ý, cũng như những phần đất của Hà Lan và Đức ở bờ trái sông Rhine. Vào thời Julius Caesar mở các chiến dịch đánh chiếm xứ Gallia (58-50 tCn), xứ này được xem là bao gồm các vùng Aquitania, Belgica, Celtica, Cisalpina, Narbonensis. 

[9] Boduognatos (Boduognat, ?-57 tCn): lĩnh tụ của sắc dân Bỉ Nervii (Nerviens) ở vùng Gallia Belgica, người đã suýt đánh bại Julius Caesar trong trận Sabis năm 57 tCn.

[10] Ambiorix (?-?): lĩnh tụ của bộ lạc Eburones ở vùng Gallia Belgica, người đã dũng mãnh nổi dậy chống Julius Caesar năm 54 tCn; từ thế kỷ XIX được tôn vinh là anh hùng của cổ sử Bỉ – như Vercingetorix ở Pháp.

[11] Numa Denis Fustel de Coulanges (1830-1889): sử gia Pháp chuyên về cổ sử. Tác phẩm chính: La Cité antique (1864); Histoire des institutions politiques de l'ancienne France (6 q., 1888-1892).

[12] Nguyên bản: «Non numerentur, sed ponderentur».  

[13] Pépin III (còn gọi là «Pépin Lùn = Le Bref», 714-768): người đầu tiên của dòng họ Karolinger lên làm vua của Vương quốc Frank (751-768), cha của Đại Đế Carolus (Karolus Magnus = Charlemagne) sau này.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa