KHOA HỌC TỰ NHIÊN & KHOA HỌC TINH THẦN (W. DILTHEY, 1883 & 1894)
Đưa lên mạng ngày 15-9-2020
Từ khóa: Khoa học tinh thần (Khái niệm);
Dilthey, Wilhelm – Trích đoạn

C1

KHOA HỌC TỰ NHIÊN

«KHOA HỌC TINH THẦN»

*

Ở thế kỷ XIX, trong khi ở Pháp và Anh, mỗi khoa học nhân văn và xã hội đều tìm cách đưa vào lĩnh vực của mình – như Émile Durkheim và Herbert Spencer trong xã hội học – các phương pháp đã giúp loại khoa học tự nhiên đạt được những thành quả lớn lao về tri thức, thì ở Đức hình thành một trào lưu trái ngược, nhằm thiết lập cho loại «khoa học tinh thần» những bước đầu của một phương pháp nghiên cứu độc đáo riêng biệt. Wilhelm Dilthey, Heinrich Rickert, Max Weber,… là các triết gia và nhà khoa học hàng đầu thuộc xu hướng sau.   

Trong hai trích đoạn dịch dưới đây, Dilthey nêu lên đặc trưng của các khoa học tinh thần nói chung, thông qua trường hợp của sử học và tâm lý học nói riêng, đối chiếu với các khoa học tự nhiên.

*

(1883) 

Tác giả: Wilhelm Dilthey[1]*
Bản tiếng Pháp: Louis Sauzin
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Những lý do khiến ta quen tách rời các ngành khoa học nhân văn khỏi khối khoa học tự nhiên, rồi tập hợp chúng thành một khối biệt lập, bắt rễ từ trong thâm sâu của cái ý thức mà con người có về chính mình, và từ cảm nhận về tính toàn bộ của nó. Trước khi cái ý muốn tìm hiểu nguồn gốc của tinh thần mơn trớn con người, hắn đã nhận thức được từ ý thức đó cái tình cảm rằng ý chí của hắn là chủ nhân, rằng nó chịu trách nhiệm về mọi hành vi của hắn, rằng hắn có thể đặt mọi đối tượng vào tầm tư duy của mình, rằng hắn có thể cưỡng lại tất cả mỗi khi náu mình vào chiến lũy nội tâm, rằng năng lực của hắn đặt  hắn ra khỏi phần còn lại của thiên nhiên. Thật ra, hắn đã tự phát hiện, giữa thế giới tự nhiên này, như «một đế chế bên trong một đế chế»[2], nói theo cách diễn đạt của Spinoza*. Và, bởi vì đối với hắn, cái tồn tại thực ra chỉ là một sự kiện ý thức của hắn, nên tất cả –  mọi giá trị, mọi cứu cánh trên đời – đều  bị rào lại trong cái thế giới tinh thần luôn luôn vận hành một cách độc lập bên trong, và mọi động thái của hắn không có định hướng nào khác ngoài việc tạo ra cái mới trong trình tự của loại sự kiện tinh thần này. Một đường ranh đã tự vẽ ra như vậy giữa vương quốc của thiên nhiên và vương quốc của lịch sử, và bên trong vương quốc sau, giữa một tập hợp được phối hợp bởi sự tất yếu khách quan vốn là quy luật của tự nhiên, người ta chợt thấy từ một điểm lóe lên như ánh chớp cái gọi là tự do. Trong vương quốc lịch sử này, hoạt động của ý chíngược với những thay đổi tác động trong tự nhiên mang tính cơ học và, ngay từ đầu nghĩa là từ nguyên lý, đã chứa tất cả mọi hậu quả theo sau – hành vi của ý chí, nhờ một sự tiêu hao năng lượng và những hy sinh mà tầm quan trọng luôn luôn hiển hiện trước cá nhân như một sự kiện kinh nghiệm, cuối cùng đã sản sinh ra cái mới, tác động của chúng dẫn đến sự tiến hóa của cả cá nhân lẫn toàn thể nhân loại. Nhìn từ ý thức con người, chúng vượt xa sự lặp đi lặp lại tự động và vô ích của những sự kiện tự nhiên, trò tái diễn liên tục mà nhiều người xem là lý tưởng của tiến bộ lịch sử, mà kẻ tôn thờ sự tiến hóa của tri thức ngây ngất phủ phục dưới chân như thần tượng.

Wilhelm Dilthey,
Dẫn Vào Nghiên Cứu Các Khoa Học Nhân Văn
(Introduction à l'Étude des Sciences humaines - 1883,   
Paris : PUF, 1942)

*

(1894)

Tác giả: Wilhelm Dilthey
Bản tiếng Pháp: Maurice Rémy
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Đại biểu của khoa tâm lý học giải thích có thói quen viện dẫn ví dụ từ các khoa học vật lý và tự nhiên, nhằm đạt tới đồng thuận về một sự sử dụng rộng rãi những giả thuyết như vậy. Nhưng chúng tôi sẽ xác lập, tức thì và ngay tại đây, rằng các khoa học tinh thần (Geisteswissenschaften) hoàn toàn có quyền tự xác định phương pháp riêng sao cho phù hợp với đối tượng của chúng. Các khoa học này phải bắt đầu từ những khái niệm phổ quát nhất về phương pháp luận, nỗ lực áp dụng chúng vào các đối tượng đặc thù của mình, và qua đó tiến tới việc xây dựng những nguyên lý và phương pháp chính xác hơn cho từng lĩnh vực riêng, giống như trường hợp của các khoa học tự nhiên vậy. Không phải bằng cách vận chuyển vào lĩnh vực của ta những phương pháp đã được các nhà khoa học tự nhiên vĩ đại phát hiện mà chúng ta tự chứng tỏ được rằng mình thực sự là những học trò giỏi của họ, nhưng bằng cách thích nghi loại nghiên cứu của ta vào bản chất của các đối tượng nghiên cứu, và qua đó xử lý loại khoa học của chúng ta giống như họ đã làm với loại khoa học của họ. Ta chiến thắng thiên nhiên bằng cách tuân theo nó[3]. Trước hết, các khoa học tinh thần khác biệt với khoa học tự nhiên ở chỗ:  đối tượng của các khoa học tự nhiên là những sự kiện được phơi bày trước ý thức như những hiện tượng tách biệt và từ bên ngoài, trong khi chúng tự phơi bày trong các khoa học tinh thần từ bên trong, như một hiện thực và một tập hợp sống từ gốc rễ (originaliter). Kết quả là ta chỉ đạt được một tập hợp nhất quán về thiên nhiên trong loại khoa học vật lý và tự nhiên nhờ các lý luận đã bổ sung cho những dữ liệu của thí nghiệm, thông qua một sự kết hợp các giả thuyết. Ngược lại, ở khắp nơi trong loại khoa học tinh thần, toàn bộ đời sống tâm lý là một dữ kiện nguyên thủy và cơ bản. Chúng ta giải thích thế giới tự nhiên; chúng ta thông hiểu cuộc sống tinh thần[4]. Bởi vì các thao tác thu đạt, những phương thức khác nhau qua đó những yếu tố đặc thù của đời sống tinh thần gọi là các chức năng này kết hợp trong một tổng thể cũng được cung cấp cho ta bởi chính kinh nghiệm nội tại. Ở đây, toàn bộ trải nghiệm sống là vật liệu nguyên thủy; sự phân biệt các bộ phận cấu thành nó chỉ đến sau, ở đợt thứ hai. Do đó, các phương pháp chúng ta vận dụng để nghiên cứu đời sống tinh thần, lịch sử và xã hội là khác xa với loại phương pháp đã dẫn đến những tri ​​thức về tự nhiên. Nó xuất phát từ khác biệt từng được chỉ ra là các giả thuyết không đóng cùng một vai trò trong tâm lý học như trong khoa học  tự nhiên. Trong nghiên cứu tự nhiên, mọi tập hợp mạch lạc đều xuất phát từ sự thiết lập những giả thuyết; trong tâm lý học, đây chính xác là một dữ kiện nguyên thủy và thường trực của kinh nghiệm: cuộc sống luôn luôn chỉ tự thể hiện như một tổng thể. Để thiết lập một kết nối chung giữa các nhóm sự kiện tinh thần chính, tâm lý học không cần phải dựa vào các khái niệm do lý luận cung cấp. Ngay cả khi một loại hiệu ứng nhất định hiện ra như thể nó được xác định bởi hành động của các nguyên nhân thoát khỏi tầm ý thức, tuy chúng cũng là nội tại (như khi những quá trình ý thức được tái tạo bởi, hoặc chịu ảnh hưởng của, toàn bộ phần tâm lý đã thụ đắc mà ý thức của ta không ngờ biết); trong trường hợp này, nó có thể lệ thuộc sự mô tả và phân tích các quá trình tương tự vào hệ thống nhân quả tổng quát mà kinh nghiệm nội tại cho phép thiết lập. Chính vì lý do này mà khi tâm lý học đưa ra một giả thuyết về nguyên nhân của những sự kiện tương tự, nó cũng không cần phải sáp nhập cái giả thuyết ấy, một cách nào đó, vào phần cơ sở của khoa tâm lý học. Phương pháp của nó là hoàn toàn khác với các phương pháp của vật lý học và hóa học. Giả thuyết không phải là cơ sở thiết yếu trong khoa tâm lý học.

Wilhelm Dilthey
Ý Tưởng Về Một Khoa Tâm Lý Học Mô Tả Và Phân Tích,
(Idées concernant une psychologie
descriptive et analytique - 1894),
Trg : Thế Giới Tinh Thần
 (Le Monde de l'esprit,
Aubier, Éditions Montaigne, 1947, 
q. I, ch. 1, tr. 149-150.


[1] Wilhelm Dilthey (1833-1911): triết gia người Đức có ảnh hưởng sâu sắc trên mọi ngành đương thời gọi là khoa học tinh thần (khoa học nhân văn và xã hội ngày nay). Tác phẩm chính: Leben Schleiermachers (1870); Einleitung in die Geisteswissenschaften (1883); Bausteine zur einen Poetik (1887);  Über die Möglichkeit einer allgemein gütlichen Pädagogik (1888); Ideen über eine beschreibende und zergliedernde Psychologie (1894); Beiträge zu Studien der Individualität (1896); Studien zur Grundlegung der Geisteswissenschaften (1905); Die Jugendgeschichte Hegels (1905); Das Erlebnis und die Dichtung (1905); Der Aufbau der geschichtlichen Welt in den Geisteswissenschaften (1910); Die Typen der Weltanschauung (1911).

[2] «Thực ra, có thể nói rằng họ quan niệm con người trong Thiên nhiên như một đế chế bên trong một đế chế (En vérité, on dirait qu’ils conçoivent l'homme dans la Nature comme un empire dans un empire)». Ở Baruch Spinoza, phát biểu trên nhằm phản bác những người tin rằng con người có tự do ý chí; ở đây, Dilthey đã sử dụng chính phát biểu của Spinoza để khẳng định ngược lại sự tồn tại của tự do và «vương quốc của lịch sử». 

[3] Natura parendo vincitur = Ta chỉ thắng thiên nhiên bằng cách tuân theo nó. (Francis Bacon, Novum Organum (1620), Oxford, 1878, tr. 187-199, passim)

[4]  Die Natur erklären wir; das Seelenleben verstehen wir.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa