SỰ PHÙ PHIẾM CỦA VIỆC TRUY TÌM NGUYÊN NHÂN (A. COMTE, 1830)
Đưa lên mạng ngày 3-3-2019
Từ khóa : Thực chứng (Chủ nghĩa) ; Comte, Auguste – Trích đoạn

C2

SỰ PHÙ PHIẾM
CỦA VIỆC TRUY TÌM
NGUYÊN NHÂN
(1830)

Tác giả: Auguste Comte*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Khoa học nên có tham vọng nào? Phát hiện vì sao các hiện tượng xảy ra, hoặc chỉ đơn giản mô tả cách thức chúng diễn tiến? Khám phá ra  cấu trúc mật thiết của sự vật, hoặc chỉ khiêm tốn truy tìm những quy luật cho phép ta theo dõi và tiên đoán các hiện tượng với hiệu quả cao nhất? Từ hai lối tiếp cận đối kháng này, và suốt từ thời cổ đại đến nay, đã phát sinh hai trường phái không thể hóa giải trong triết lý khoa học, nhưng mỗi bên đều được đông đảo các nhà khoa học bênh vực: chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa thực chứng. Nói ngắn gọi: chủ nghĩa hiện thực đặt định đề là có một hiện thực khả tri và tuyệt đối, không phụ thuộc vào những quan sát hay các dụng cụ đo lường của chúng ta ; ngược lại, chủ nghĩa thực chứng bỏ công việc tìm kiếm nguyên do sâu xa của sự vật cho các nhà siêu hình học, và chỉ quan tâm phát hiện các quan hệ bất biến giữa những biến cố quan sát được.

Trong trang mục Triết lý Khoa học này, chúng ta sẽ lần lượt đọc những trích đoạn tiêu biểu nhất của mỗi trường phái, bắt đầu bằng đoạn văn sau của Auguste Comte, đại biểu nổi tiếng nhất của chủ nghĩa thực chứng ở Pháp trong thế kỷ XIX-XX.

*

Chúng ta thấy (...) rằng đặc trưng cơ bản của triết học thực chứng  là xem tất cả mọi hiện tượng như đều tùy thuộc vào các quy luật tự nhiên bất biến, và mục đích của mọi nỗ lực nơi ta là phát hiện ra chúng một cách chính xác, và giảm thiểu chúng xuống số lượng ít nhất có thể, đồng thời xem như hoàn toàn không thể với tới, và vô nghĩa đối với chúng ta, việc truy tìm cái được gọi là những nguyên nhân, đầu tiên hoặc cuối cùng[1]. Nhấn mạnh nhiều trên một nguyên tắc đã trở nên quá quen thuộc đối với tất cả những ai từng thực hiện một cuộc nghiên cứu dù sơ sài nhất trong các khoa học quan sát, là điều vô ích. Thật ra, mọi người đều biết rằng, trong lối giải thích thực chứng, ngay cả ở những cái hoàn hảo nhất, chúng tôi không hề có tham vọng trưng bày các nguyên nhân đã sinh ra những hiện tượng – bởi vì, ở đây, chúng tôi chẳng bao giờ làm được gì khác ngoài việc đẩy lùi những khó khăn, không hơn không kém – mà chỉ cố phân tích chính xác những tình huống đã sản sinh ra chúng, và kết nối chúng với nhau qua những quan hệ kế tiếp và đồng dạng.

Vì vậy, để viện dẫn thí dụ đáng ngưỡng mộ nhất về lối tiếp cận này, chúng tôi nói rằng những hiện tượng tổng quát trong vũ trụ đều đã được giải thích, đúng như chúng có thể được giải thích, theo định luật hấp dẫn của Newton, bởi vì : một mặt, cái lý thuyết tuyệt đẹp này đã chỉ cho chúng ta thấy rằng mọi sự kiện thiên văn, trong sự khác biệt rộng lớn của chúng, đều chỉ như là một và cùng một thực tế, nhưng được xem xét từ nhiều quan điểm khác nhau – xu hướng không đổi của mọi phân tử bị thu hút cái này về phía cái kia, theo tỷ lệ thuận với khối lượng, và tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách của chúng với nhau[2]; mặt khác, thực tế chung này được trình bày với chúng ta chỉ đơn giản như phần mở rộng của một hiện tượng hết sức quen thuộc với ta, và chỉ vì lý do này, được chúng ta coi như đã hoàn toàn lĩnh hội được – trọng lực của các cơ thể trên bề mặt của Trái Đất. Còn việc xác định xem bản chất và nguyên nhân của lực hấp dẫn này và cái trọng lực kia là gì, thì đấy là những câu hỏi mà tất cả chúng ta đều xem là không thể có giải đáp, nên không còn thuộc về lĩnh vực triết học thực chứng nữa, và ta hoàn toàn có lý khi bỏ chúng lại cho trí tưởng tượng của các nhà thần học, hoặc những tinh tế của các nhà siêu hình. Bằng chứng hiển nhiên về sự không thể đạt được các giải đáp cho chúng chính là, cứ mỗi khi cố gắng nói ra điều gì đó thực sự thuần lý về chủ đề này, ngay cả các bộ óc vĩ đại nhất cũng chỉ có thể định nghĩa hai nguyên lý trên cái này bằng cái kia, nói về lực hấp dẫn rằng nó chẳng qua chỉ là một trọng lực phổ quát, và về trọng lực rằng nó chỉ đơn giản là lực hấp dẫn giữa các cơ thể trên Trái Đất. Những giải thích như vậy khiến chúng ta mỉm cười trước  tham vọng biết được, bản chất thâm sâu của vạn vật và cách thức phát sinh của mọi hiện tượng, nơi người phát biểu. Tuy nhiên, đấy lại là tất cả những gì chúng ta có thể đạt tới một cách thỏa đáng nhất, khi ta chứng minh cho chính ta thấy rằng hai trình tự hiện tượng, từ lâu vẫn bị cho là không liên quan gì tới nhau, là đồng nhất. Ngày nay, không một trí tuệ đích đáng nào tìm cách đi xa hơn thế.

Auguste Comte,
Giáo Trình Triết Học Thực Chứng
(Cours de Philosophie positive, I, 1830),
Bài học đầu.


[1] «Nguyên nhân đầu tiên» là cái sự kiện không phụ thuộc vào bất cứ một sự kiện nào khác trước đó ; «nguyên nhân cuối cùng» là cái mục đích mà một hiện tượng nhắm tới để tự thực hiện. Xem thêm trên cùng trang mục này các bài về các chủ đề «nguyên nhân», «nhân quả», «ngẫu nhiên»…

[2] Trong sách giáo khoa: «lực hấp dẫn tỷ lệ thuận với tích của hai khối lượng, và tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách hai vật».

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa