SỰ SỐNG LÀ GÌ ? (F. JACOB, 2000)

Đưa lên mạng ngày 15-8-2022
Từ khoá : Sự sống (Khái niệm) ; Jacob (François) – Trích đoạn

 C1

SỰ SỐNG LÀ GÌ ?
(2000)

Tác giả : François Jacob*
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Để khai trương năm 2000 một cách trang trọng [...], tôi được yêu cầu trả lời câu hỏi: sự sống là gì? Với tôi, câu hỏi này còn có vẻ thích hợp hơn khi nó không có giải đáp. Từ khi có con người – con người suy nghĩ –, họ tất đã phải tự đặt một câu hỏi như vậy. Mỗi người đều mau chóng biết rằng sớm muộn gì mình cũng phải chết. Ai cũng đã từng thấy động vật hoặc con người chết. Ai cũng biết rằng sự sống là trạng thái phù du. Ai cũng muốn biết nó là cái gì. Đáng tiếc là việc định nghĩa sự sống lại đặc biệt khó, nếu không muốn nói là không thể. Nó hơi giống thời gian. Mọi người đều có một ý tưởng trực quan về thời gian, nhưng khi phải định nghĩa nó, ta hiếm khi làm được. [...]

Từ lâu, các nhà khoa học và triết gia đã tìm cách làm sáng tỏ bản chất của sự sống. Ý tưởng này gợi ra sự tồn tại của một chất thể nào đó hoặc một lực đặc biệt nào đấy. Người ta từng tin rằng «vật chất sống», như cách gọi lúc bấy giờ, khác với vật chất thông thường bởi một thể chất hoặc một thứ lực đã tạo cho nó những đặc tính cụ thể riêng biệt. Và suốt nhiều thế kỷ, người ta đã tìm cách khám phá ra thứ chất thể hoặc sinh lực này. Trong thực tế, sự sống là một quá trình, một cách tổ chức của vật chất. Nó không tồn tại như một thực thể độc lập mà chúng ta có thể đặc trưng hoá. Do đó, chúng ta có thể nghiên cứu cái quá trình hoặc tổ chức, nhưng ý tưởng trừu tượng về sự sống thì không. Chúng ta có thể nỗ lực mô tả, chúng ta có thể cố gắng định nghĩa một sinh vật là gì. Chúng ta có thể cố sức vẽ ra ranh giới giữa cái sống và cái không sống. Nhưng không có «vật chất sống». Có một vật chất cấu tạo nên những sinh vật sống, và thứ vật chất này không có thuộc tính đặc biệt nào mà những gì tạo nên loại cơ thể trơ không có.

Francois Jacob,
Sự Sống Là Gì ?,
(Qu'est-ce que la vie?,
Thuyết trình đọc ngày 1 tháng 1 năm 2000). 

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa