TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM (T. A. RIBOT, 1870)
Đưa lên mạng ngày 25-11-2019
Từ khóa: Tâm lý học – Đối tượng và Phương pháp
C1

TÂM LÝ HỌC
NHƯ
KHOA HỌC THỰC NGHIỆM
(1870)

Tác giả: Théodule-Armand Ribot*
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

* 

Các bài tựa cho hai tác phẩm của Théodule Ribot – Tâm Lý Học Anh Hiện Nay (1870) và Tâm Lý Học Đức Hiện Nay (1879) – đúng là tờ tuyên ngôn của môn Tâm lý học Khoa học như nó đã được quan niệm đương thời. Trong trích đoạn dưới đây, chúng ta có thể nhận thấy Ribot đã nỗ lực phân biệt Tâm lý với Triết học (hiểu như Siêu hình học), với Lô-gic học, và Luân lý Đạo đức học – như thế nào.

*

Khoa tâm lý học mà chúng ta bàn tới ở đây sẽ hoàn toàn là thực nghiệm: đối tượng duy nhất của nó là những hiện tượng, các định luật và nguyên nhân trực tiếp của chúng; nó sẽ không quan tâm tới linh hồn hay bản chất của nó, bởi câu hỏi này nằm trên kinh nghiệm và ngoài khả năng xác minh, nên thuộc về siêu hình học. Nếu có vẻ nghịch lý là tâm lý học, vốn là khoa học của linh hồn[1] lại không quan tâm đến nó, thì ta cần lưu ý: rằng sinh học và vật lý học cũng không quan tâm gì hơn đến sự sống và vật chất[2], rằng sự tiến bộ của hai khoa học này là con số không khi chúng lấy sự sống và vật chất làm đối tượng nghiên cứu; rằng tâm lý học đã chỉ trở nên phong phú nhờ những sự kiện kinh nghiệm, trong khi phần siêu hình học của nó có lẽ đã chẳng thực hiện được một bước nào từ thời Aristotelês[3]. Khoa tâm lý học này sẽ là duy linh hay duy vật? Chúng tôi trả lời: câu hỏi trên là vô nghĩa. Chủ nghĩa duy linh và chủ nghĩa duy vật bao hàm một giải đáp cho câu hỏi về thể chất, một vấn đề thuộc về siêu hình học. Có thể là trong khi nghiên cứu, nhà tâm lý học sẽ nghiêng về một trong hai giải đáp ấy hoặc bất kỳ một giải đáp nào khác, giống như nhà sinh lý học có thể nghiêng về thuyết cơ giới hoặc thuyết vật linh, nhưng đấy là những tư biện cá nhân mà ông ta không nhầm lẫn với khoa học. Giống như mọi khoa học khác, tâm lý học cũng sẽ có phần siêu hình học của nó, trong khi vẫn hoàn toàn khác biệt. Điều này có thể khiến nó không trọn vẹn,  nhưng đấy là cái giá phải trả cho sự tiến bộ. Dưới góc cạnh này, nó sẽ giống mọi ngành khoa học khác, tất cả đều từ bỏ những câu hỏi về nguồn gốc và cứu cánh[4], đẩy chúng vào siêu hình học. Chính là để thảo luận những vấn đề này mà triết học tồn tại. Phương pháp được sử dụng ở đây là vừa chủ quan, vừa khách quan. Các cuộc tranh luận giữa những người chỉ muốn thừa nhận  quan sát nội quan như Jouffroy[5], và những người chỉ muốn công nhận quan sát khách quan như Broussais[6], giống như các cuộc chiến bất phân thắng bại nhưng sau đó mỗi bên đều tự cho mình là kẻ chiến thắng. Bên thứ nhất chìa những phân tích của họ ra một cách đắc thắng, và thách thức đối thủ đoán biết mà không cần suy luận[7] xem cảm nhận, mong muốn, ham muốn, trừu tượng hóa là gì. Bên thứ hai đáp trả rằng cuộc đối thoại giữa cái ta với cái ta không thể nào kéo dài mãi mãi, rằng bản thân họ thích khai thác mảnh đất màu mỡ của kinh nghiệm hơn. Như vậy có nghĩa là, ở cả hai bên, người ta chỉ hiểu một nửa vấn đề: mỗi phương pháp đều cần tới phương pháp kia, phương pháp chủ quan tiến hành bằng phân tích, và phương pháp khách quan bằng tổng hợp; phương pháp nội quan là cần thiết nhất, vì nếu không có nó, chúng ta thậm chí còn không biết mình đang nói về cái gì, phương pháp ngoại quan là phong phú nhất, bởi vì lĩnh vực nghiên cứu của nó hầu như là vô tận.

Thế nhưng cái phương pháp khách quan này thực chất là gì? Đấy là sự nghiên cứu các trạng thái tâm lý không phải từ bên trong, từ bên ngoài, trong những sự kiện vật chất biểu hiện chúng, chứ không phải trong ý thức phát sinh chúng. Là biểu đạt tự nhiên của nhiệt tình con người, tất cả sự đa dạng của các ngôn ngữ và những biến cố lịch sử đều là loại dữ kiện cho phép chúng ta bơi ngược dòng, tìm lại các nguyên nhân tinh thần đã sản sinh ra chúng: những biến thái bệnh hoạn của sinh vật dẫn tới rối loạn trí tuệ, những bất thường và quái trạng trong trình tự tâm lý đều giống như những kinh nghiệm mà thiên nhiên đã chuẩn bị sẵn cho ta, càng quý giá hơn nữa khi ở đây khả năng làm thí nghiệm hiếm hoi hơn. Các công trình nghiên cứu về bản năng, đam mê và thói quen của những động vật khác nhau cung cấp cho chúng ta những sự kiện mà sự giải thích (thường là khó) cho phép ta tái tạo một phương thức tồn tại tâm lý[8], bằng các phép quy nạp, diễn dịch hoặc loại suy. Cuối cùng, thay vì mang tính cá nhân như phương pháp tư duy đơn giản, phương pháp khách quan vay mượn từ những sự kiện phiếm chỉ, nó phục tùng chúng, khuôn đúc các lý thuyết của nó theo hiện thực. (...)

(...) Hiểu như vậy, tâm lý học sẽ mất đi tính chất trừu tượng khiến nó thường giống với lô-gic học này. Thực ra, khoa học sau có nhiệm vụ tiến hành một cách trừu tượng, nghĩa là lấy trí tuệ của người trưởng thành, hoàn toàn đã được cấu tạo làm đối tượng, nhằm nghiên cứu cơ chế vận động của nó: lô-gic học chỉ có thể và phải bám sát cái phần nền bất biến của trí tuệ, trong khi tâm lý học nghiên cứu những hiện tượng, các năng lực của nó, từ đầu nguồn, trong sự phát triển, với những biến đổi của chúng. Tâm lý học cũng phải tránh lẫn lộn với luân lý đạo đức học, bởi vì xác định cái gì hiện hữu và quy định điều gì phải tồn tại, theo sát những sự kiện và tìm kiếm một lý tưởng, là hai việc hoàn toàn khác biệt. Nhà tâm lý học khác với nhà đạo đức, như nhà thực vật học khác với người làm vườn. Trong mắt người trước, không có cây cỏ tốt hoặc xấu: tất cả đều là đối tượng nghiên cứu; trong mắt người sau, có những cây cỏ tai hại hoặc ký sinh cần phải bứng và đốt tận gốc; thứ công lý xét xử cho xong của ông ta lo kết án hơn là tìm hiểu. Những bận tâm về đạo đức đã gây thiệt hại cho tâm lý học, và ngăn cản ta nhìn thấy cái tồn tại thường hơn là chúng ta nghĩ. 

Théodule Armand Ribot
Tâm Lý Học Anh Hiện Nay
(La Psychologie anglaise contemporaine (1870),
Paris, PUF, 1896, tr. 34-36 và 39-40).


[1] Theo quan điểm của Aristotelês, được trình bày chủ yếu trong Peri Psyche (= Về Linh Hồn = Of Soul = Traité de l’âme).

[2] Xem các trích đoạn về «sự sống» trên trang mục Sinh và Y Học, về «vật chất» trên trang mục Vật Lý & Thiên Văn Học khi có thể tham khảo.

[3] Ý kiến quá nghiêm khắc. Không thể nói rằng các học thuyết của Descartes, hoặc Maine de Biran, v. v… đã không góp phần làm sáng tỏ ý niệm linh hồn, khi tách nó ra khỏi ý niệm «nguyên lý sự sống = principe vital» mà Aristotelês từng đánh đồng với nó.

[4] Người ta thấy ở đây khoảng cách của chủ nghĩa thực chứng với các vấn đề nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân đầu tiên và nguyên nhân cuối cùng. Xem các trích đoạn của A. Comte trên trang mục Triết Học Thế Kỷ 19. 

[5] Xem trên trang mục này: Théodore Jouffroy,  Sự Kiện Ý Thức (1826).   

[6] François-Joseph-Victor Broussais* (1772-1838). Xem: Traité de l'irritation et de la folie (1828).

[7] «Réflexion». Ở Ribot, từ này có nghĩa là nội quan.

[8] Người ta thấy dù đang bàn về «phương pháp khách quan» ở đây, Ribot vẫn chỉ nhắm tới các trạng thái nội tại. Khác với các nhà tâm lý theo chủ thuyết hành vi (behaviorisme), ông luôn luôn xem phương pháp nội quan  như phần bổ túc không thể thiếu của phương pháp khách quan.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa