THÔNG KIẾN & TRI THỨC KHOA HỌC (G. BACHELARD, 1938 & 1953)
Đưa lên mạng ngày 15-11-2021
Từ khoá: Thông kiến và Khoa học ;
Khoa học – Triết lý ; Khoa học – Lịch sử ;
Bachelard, Gaston – Trích đoạn.
C1

THÔNG KIẾN VÀ KHOA HỌC

Tác giả: Gaston Bachelard*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa 

*

Khoa học phải chăng đã phát triển từ sự nối dài hay mở rộng trực tiếp của thông kiến (common sense, sens commun)[1], của tri thức thông tục? Theo G. Bachelard, về bản chất, tư duy khoa học là «một sự cải đổi tri thức (une rectification du savoir)»: nó tiến triển một cách «biện chứng», bằng sự đạp đổ những sai lầm, và đặc biệt là những sai lầm của thông kiến trước đấy.

*

(1938)

Đối mặt với hiện thực, rõ ràng là điều chúng ta tưởng mình biết đã che lấp điều ta phải biết. Trước văn hóa khoa học, trí tuệ không bao giờ là trẻ. Nó thậm chí còn là rất già, bởi vì tuổi của nó là tuổi của bao định kiến ​​chồng chất. Về mặt tinh thần, tiếp cận với khoa học là một sự trẻ lại, là chấp nhận một đột biến trái ngược với quá khứ.

Trong yêu cầu thành tựu cũng như trong nguyên lý của nó, khoa học đối lập tuyệt đối với thông kiến. Nếu trên một điểm cụ thể nào đó, khoa học đôi khi biện chính cho thông kiến, thì đấy là vì các lý do khác với những lý do đã đặt nền cho thông kiến; cho nên, trên nguyên tắc, thông kiến là ​​luôn luôn sai. Thông kiến suy nghĩ tệ; bởi thực ra nó không hề suy nghĩ mà chỉ chuyển những nhu cầu thành tri thức. Bằng cách chỉ định đối tượng theo công dụng của chúng, nó tự ngăn cấm hiểu biết đối tượng. Chúng ta không thể xây dựng bất cứ cái gì trên thông kiến; trước hết phải triệt hạ nó. Thông kiến là trở ngại đầu tiên phải vượt qua. Chỉ sửa chữa nó ở một vài điểm nhất định trong khi vẫn duy trì, như một thứ đạo đức tạm thời, một tri thức thông tục tạm thời chẳng hạn là không đủ. Tinh thần khoa học ngăn cấm chúng ta có ý kiến ​​về những câu hỏi mà ta không hiểu, về những vấn đề mà ta không biết cách dàn dựng sao cho rõ ràng. Trên hết, chúng ta phải biết cách đặt vấn đề. Và dù có nói gì chăng nữa, thì trong cuộc sống khoa học, các vấn đề không tự chúng nảy sinh. Chính cái ý thức về vấn đề này là dấu ấn của tinh thần khoa học chân chính.  Trước tinh thần khoa học, mọi tri thức là giải đáp cho một câu hỏi. Nếu không có câu hỏi, không thể có tri thức khoa học. Không có gì là tất nhiên. Không có gì là cho sẵn. Tất cả đều được xây dựng.

Gaston Bachelard
Sự Hình Thành Của Tinh Thần Khoa Học
(La Formation de l'esprit scientifique[2]
J. Vrin, 1938, tr. 14).

(1953)

Trong các tác phẩm dành cho tinh thần khoa học khác nhau, chúng tôi đã nhiều lần nỗ lực mời gọi giới triết gia chú ý tới đặc trưng quyết định của tư tưởng và của thực tiễn khoa học hiện đại. Trong quá trình nghiên cứu, ngày càng hiển nhiên hơn đối với chúng tôi là tinh thần khoa học đương đại không thể được đặt trong sự liên tục đơn giản với thông kiến, rằng tinh thần khoa học mới này đại diện cho một cuộc chơi mạo hiểm hơn, rằng các luận điểm của nó được biểu đạt trong những công thức có thể va chạm với thông kiến ngay từ đầu. Thực ra, chúng tôi tin rằng sự tiến bộ khoa học luôn luôn cho thấy một sự gián đoạn, đứt đoạn vĩnh viễn, giữa tri thức thông thường và tri thức khoa học, ngay khi chúng ta vừa tiếp cận một khoa học tiến hóa [như hoá học chẳng hạn] — một khoa học, bởi chính những đứt đoạn này, mang dấu ấn của tính hiện đại.

Nếu một luận điểm nhận thức luận như vậy đôi khi bị đơn giản xem là một nghịch lý, thì đấy là vì nó đã được đánh giá trên một cơ sở mở rộng, nơi tinh thần khoa học thực sự có một cử toạ tự nhiên — nhất là khi nó được trình bảy trên cơ sở của các khoa học nhân văn. Lúc đó, tinh thần khoa học tiếp tục và triển khai các phẩm chất — sự rõ ràng, có trật tự, có phương pháp, sự trầm tĩnh chân thành…— vốn là đặc trưng của kẻ thông minh ở mọi thời đại, người «lương thức»[3] trong văn hóa cổ điển.

Nhưng nói chính xác thì mục tiêu mà chúng tôi đã tự đặt ra là từ bỏ loại khái quát nhận thức luận này, và mời gọi tư duy triết học tập trung trên tinh thần khoa học nghiêm ngặt, trên tinh thần khoa học chuyên biệt — nhưng ngày nay còn có thứ nào nữa khác chăng? — trên tinh thần khoa học được xác định rõ ràng bởi một thành quốc khoa học, nơi các chuyên ngành được tổ chức.

Sự chuyên môn hóa này, khi được phân cấp hợp lý, mang lại một xung lực đặc biệt kiến hiệu cho tinh thần khoa học. Thực vậy, nó bao hàm một sự cải tổ cơ bản các nguyên tắc của tri thức, được khởi động lại trong chiều sâu cũng như trên bề mặt. Trong một cuộc kiểm tra thiển cận, người ta có thể nghĩ rằng sự chuyên biệt hoá trong hóa học là hệ quả của thứ não trạng chi li, nhưng trên thực tế, một công trình nghiên cứu chuyên biệt về một cơ thể rất đặc thù có thể tiết lộ những đặc trưng của tồn tại vật chất. Sự chuyên môn hóa là phần việc có vị trí, có tổ chức, có hiệu quả [trên bản đồ học thuật]. Trong mọi trường hợp, các chất liệu mới là những đóng góp tuyệt đối. Làm sao chúng không kêu gọi một lý thuyết mới về tri thức khách quan?

Thật vậy, khi chúng ta đọc trong một quyển sách hóa học đương đại rằng «cấu trúc tinh thể của nước đá là tương tự như cấu trúc tinh thể của wurtzit», là một sulfua kẽm, thì ta biết rằng hiển nhiên chúng ta đang ở trong một bối cảnh tư tưởng khác với bối cảnh của các triết gia tự nhiên* xưa. Chúng ta đã rời bỏ đường chân trời của những kinh nghiệm sơ khai, các quan tâm vũ trụ và sở thích thẩm mỹ nguyên thủy của họ. Chúng ta hiểu rằng khi ý hướng của ta nhằm vào một đối tượng tự nhiên, nó sẽ chỉ cho ta một tính khách quan cơ hội. Nghĩa là một ý hướng vừa không có chiều sâu chủ quan lớn, vừa không có tầm mức khách quan thực sự. Một ý hướng như vậy nhiều lắm sẽ chỉ tiết lộ cho ta thứ ý thức nhàn hạ, ý thức tự do, chính xác là vì nó thực tình không quan tâm gì tới tri thức khách quan, tới sự dấn thân thực sự. Nó đích thực là cái ý hướng nhấp nháy hiện sinh của thứ ý thức đơn độc.

Chính xác trong ví dụ đơn giản vừa đề cập ở trên — khi chúng ta có thể so sánh nước đá với kẽm sunfua — mà ta nhìn thấy sự đứt đoạn giữa chủ ý tri thức khoa học với ý hướng của ý thức nói chung. Sự chuyên môn hóa là một đảm bảo cho tính ý hướng thâm nhập nghiêm túc. Bên phía chủ thể, nó đẩy xuống tận các tầng dưới, nơi cái thuần lý trí là sâu hơn cái ý thức đơn giản. Trong một trải nghiệm gắn kết với văn hóa, như quan hệ nước đá với wurtzit, ít ra sẽ có một ý thức kép bao gồm quan sát và thí nghiệm, có sự bổ sung sự kiện tự nhiên đầu tiên bằng cái  không tự nhiên thiết yếu. Chúng ta cảm nhận rằng sự chuyên môn hóa là gốc rễ của văn hóa. Không thể có chuyên môn hóa mà không có ý thức sâu sắc, không có sự đào sâu ý thức.

Nhưng cho một suy ngẫm về sự đào sâu ý thức một cách thuần lý này, thì lợi thế triết học của công trình khoa học là nó phải có thành quả, là nó phải có tính cách tân về mặt vật chất: nghĩa là nó phải quy định việc tạo ra những chất liệu mới. Và bởi vì xuyên suốt quyển sách này, chúng ta đã tìm thấy nhiều dấu vết của sự canh tân thiết yếu — sự đổi mới kép về tư tưởng và kinh nghiệm khoa học — ấy, nên chúng tôi có thể nhấn mạnh thêm luận điểm của mình, và trở lại với những luận cứ mới, trên vấn đề triết học đặt ra bởi sự tồn tại, hay chính xác hơn, sự nâng cấp của một tinh thần khoa học mới, mà biểu hiện là một tinh thần khoa học được đánh dấu bằng một sự tiến bộ không thể phủ nhận. Hóa học hiện đại — càng đúng hơn nữa là hóa học đương đại — không thể và không được để bất cứ thứ gì lại trong trạng thái tự nhiên của nó. Như chúng tôi đã nói, nó phải thanh lọc tất, chỉnh sửa tất, sắp xếp lại tất. Sự đứt đoạn giữa tự nhiên và kỹ thuật có lẽ còn rõ ràng hơn trong hóa học, so với những hiện tượng được nghiên cứu bởi khoa vật lý. Do đó, ở đây chúng tôi có thể phơi bày sự gián đoạn nhận thức luận dưới ánh sáng chói lọi của những ví dụ rõ ràng, như đã từng làm trong quyển Chủ Nghĩa Duy Lý Ứng Dụng của mình. Nhưng trước tiên, để cho vấn đề về sự tiến bộ khoa học cái đường chân trời triết học của nó, hãy xem xét kỹ hơn một số phản đối tiên quyết do những người biện hộ cho tính liên tục văn hóa đưa ra[4]. Sau khi đã giải đáp xong những phản đối có phần xa vời, những phản đối ngoại biên này, chúng ta sẽ xem xét cái đường ranh rõ rệt giữa kiến thức thông thường và tri thức khoa học.

Gaston Bachelard,
Chủ Nghĩa Duy Vật Thuần Lý,
(Le Matérialisme rationnel,
Paris, PUF, 1953, tr. 207-217).


[1] Xem trên trang mục Triết Lý Nhận Thức các bài về thông kiến khi có thể tham khảo.

[2] Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt, xin trân trọng giới thiệu: Gaston Bachelard, Sự Hình Thành Của Tinh Thần Khoa Học, Hà Dương Tuấn dịch, Nguyễn Văn Khoa hiệu đính. Hà Nội, nxb Tri Thức, 2010.

[3] Trong tiếng Pháp, «un homme honnête» là một người lương thiện, nhưng «l’honnête homme» chỉ mẫu người lý tưởng trong xã hội và văn học Pháp thời cổ điển, sản phẩm của một giai cấp tư sản đang vươn lên thay thế thành phần triều thần (courtisans) của giai cấp quý tộc. Mẫu người mà chúng tôi tạm dịch là «lương thức» («lương» theo nghĩa tốt, lành, khéo, giỏi trong TĐHV của ĐDA) này tập hợp những đặc trưng được thế kỷ 17 ở đây ái mộ. Về thân thể: có dáng dấp, biết ăn mặc thanh lịch, biết một số kỹ năng như khiêu vũ; về tinh thần: có kiến thức tổng quát, biết suy nghĩ lý luận, biết thưởng thức văn học nghệ thuật); về đời sống xã hội (có khả năng tự chủ, khả năng ứng xử, có nghệ thuật trò chuyện, ngôn ngữ chín chắn lịch sự, biết làm vui lòng mọi người)…

[4] Xem trên trang mục Lịch Sử Khoa Học: Gaston Bachelard, Phê Phán Liên Tục Luận Về Tiến Bộ Khoa Học.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa