LM : 15-08-2024 |
C2 |
«VẬT CHẤT» & «KHÔNG GIAN»
(khg 360 - 358 tCn)
Tác giả : Platōn
Bản tiếng Anh: Benjamin Jowett,
Bản tiếng Pháp: Victor Cousin
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa
*
Về tác phẩm Timaeus (Timée) và nhân vật phát biểu chính là Timaios xứ Lokros (Ý), xem phần giới thiệu chung ở bản dịch trích đoạn Platōn, Hai Mô Hình Về Hiện Hữu[1] trên cùng trang mục này. Trong trích đoạn dưới đây, Triết gia trình bày quan điểm của ông về «vật chất» và «không gian»[2], tập hợp dưới cùng một tên gọi là khōra, một trong các từ khó xác định và gây tranh cãi nhiều nhất trong trước tác của ông, một hư cấu thách thức sự phạm trù hoá bình thường, và chỉ có thể nắm bắt được bằng thứ lý luận lai tạp (logismō nothō).
Một mặt, khōra không phải là cái chất thể từ đấy những vật thể của thế giới cảm quan được làm ra, nó là cái cho phép chúng tồn tại như bản sao của những hình thức khả tri, nhưng bản thân nó là không ổn định, không hình dạng, không trông thấy được. Mặt khác, Platōn không ngừng nói về khōra như cái cho phép những cơ thể có sự trải rộng, cho phép những bản sao của các hình thức khả tri có thể có mặt ở «một nơi nào đấy», nghĩa là khōra chứa đựng những cơ thể, nhưng bản thân nó không phải là một cơ thể.
Khōra là Cái chứa đựng (Hypodochē = Receptacle). Khōra đóng vai trò của cả vật chất lẫn không gian, nhưng ta không thể quy giản nó vào cái này hoặc cái kia, nó không phải là cái chất thể (substance) của Aristotelēs, cũng không phải là cái không gian ba chiều đồng nhất của Eukleidēs. Khôra là cái điều kiện để những vật thể của thế giới cảm quan có thể xuất hiện — một thứ tiền thân của vật chất và không gian. Khôra không phải là một ý niệm khoa học, mà là một ý tưởng siêu hình học, một ẩn dụ thần thoại.
Để bạn đọc có thể theo dõi trích đoạn dễ dàng hơn, chúng tôi đã thêm vào bản dịch Việt ngữ này một số tiểu tựa không có trong nguyên bản.
*
I - VẬT CHẤT: CÁI MANG DẤU ẤN CỦA MỌI HÌNH THỂ
1 - Vũ trụ hình thành từ tác động hỗn hợp của cả sự thiết yếu và tinh thần
Cho đến nay, trừ một ít ngoại lệ, chúng ta đã chỉ nói về những hành động của trí tuệ, bây giờ đã đến lúc ta phải đặt thêm bên cạnh chúng những thứ tất yếu phải xảy ra — [48a] bởi vì thế giới là một kết quả, nó hình thành từ tác động hỗn hợp của cả sự thiết yếu[3] lẫn tinh thần. Trí tuệ, quyền lực thống trị, thuyết phục sự thiết yếu phải đưa phần lớn những thứ được tạo ra đến trạng thái hoàn hảo; nhờ vậy và bằng cách này mà ngay từ đầu, khi lý trí ngày càng có ảnh hưởng áp đảo lên tính thiết yếu, vũ trụ đã được tạo lập trên nguyên tắc. Nhưng nếu chúng ta muốn trình bày trung thực và chính xác nguồn gốc của thế giới, thì ta cũng phải bao gồm trong đó cả thứ ảnh hưởng khác của cái nguyên nhân biến thiên kia nữa. Vì vậy, chúng ta phải [48b] quay trở lại và tìm một khởi đầu thích hợp khác về nguồn gốc vũ trụ cho thứ ảnh hưởng này, như ta đã làm cho cái trước.
2 – Sự bất cập của các giả thuyết trước đây về nguồn gốc của vũ trụ
Trong mục đích trên, chúng ta phải tìm hiểu xem bản chất của lửa, nước, khí và đất như chúng vốn có trước khi thế giới được tạo dựng là gì[4], và chúng từng có những phẩm chất nào lúc bấy giờ? Cho đến nay, chưa ai từng giải thích cách thức chúng được phát sinh, thế nhưng chúng ta lại nói về lửa, và những thứ còn lại kia, như thể loài người biết rõ bản chất của chúng, rồi còn nhất quyết gọi chúng là những nguyên lý, những nguyên tố của toàn bộ vũ trụ nữa; trong khi một kẻ kém thông minh nhất [48c] cũng phải hiểu rằng chúng không thể được so sánh một cách hợp lý ngay cả với các chữ cái trong một âm tiết hay một kết hợp từ đầu tiên nào[5]. Và hãy để tôi nói thêm: bây giờ tôi sẽ không nói gì hết về nguyên lý đầu tiên, hay về các nguyên tố của vạn vật, hay bằng bất cứ cái tên nào chúng có thể được gọi, vì lý do này: thật khó mà đưa ra ý kiến theo cái phương pháp và chương trình thảo luận chúng ta hiện đang sử dụng[6]. Đừng chờ đợi điều đó ở tôi, và bản thân tôi cũng phải tránh tự thuyết phục rằng mình có khả năng hoàn thành [48d] một nhiệm vụ to lớn và khó khăn như vậy. Tự khép mình trong cái có vẻ là thật (likely, vraisemblable) như đã làm ngay từ đầu, tôi sẽ cố gắng hết sức để đưa ra những ý kiến cũng có vẻ như thật không kém — thậm chí còn có vẻ dễ xảy ra hơn — bất kỳ giải thích nào khác; nên trước tiên tôi sẽ quay lại từ đầu, và cố gắng nói về từng thứ và về mọi thứ, trong tổng thể cũng như trong chi tiết hơn trước. Vì vậy, khi bắt đầu lại biểu văn của mình, hãy để tôi cầu xin một lần nữa vị Thần Linh đã dẫn dắt chúng ta đến đây, để Ngài tiếp tục cứu giúp ta trong nỗ lực tìm hiểu không quen thuộc và đầy gian lao này, [48e] và đưa ta tới cái giả thuyết có vẻ như thật nhất. Nào, bắt đầu thôi!
Khởi điểm mới cho cuộc thảo luận về vũ trụ này của ta đòi hỏi một sự phân loại đầy đủ hơn trước; lúc ấy chúng ta chỉ phân biệt hai loại hữu thể, bây giờ một loại thứ ba phải được thừa nhận. Hai tập hợp là đủ cho cuộc thảo luận trước: một, cái khả tri và luôn luôn như thế, nó là cái mô hình; và hai, cái được tạo ra và có thể nhìn thấy được, [49a] nó là bản sao của cái mẫu hình[7]. Nhưng còn có một loại thứ ba nữa mà ta không phân biệt vào thời điểm đó, quan niệm rằng chỉ hai cái kia là đủ. Tuy nhiên, để lập luận tiếp dường như chúng ta phải giả định trong biểu văn này một loại hữu thể khác, khó giải thích và chỉ hình dung được một cách lờ mờ. Ta phải gán cho hữu thể mới này thứ bản chất nào? Hãy gọi nó là cái chứa đựng (hypodochē = receptacle, réceptacle), và hiểu nó một cách nào đó như là vú nuôi (nurse, nourrice) của mọi phát sinh. Sự thật là như vậy; nhưng tôi phải diễn đạt bằng thứ ngôn từ rõ ràng hơn; [49b] đây sẽ là một nhiệm vụ cực nhọc vì nhiều lý do, và đặc biệt là vì trước tiên tôi phải đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới lửa và các nguyên tố khác, và xác định xem mỗi nguyên tố ấy là gì. Bởi vì, để nói với bất kỳ xác suất hay độ chắc chắn nào, rằng cái nào trong số đó phải được gọi là nước thay vì lửa, và tổng quát hơn, tại sao một tên gọi nào đấy là thích hợp cho một trong số chúng, thay vì cho tất cả hoặc cho một vài nguyên tố thôi, là một vấn đề không dễ diễn đạt bằng loại ngôn từ chắc chắn và bảo đảm. Vậy, làm thế nào chúng ta sẽ giải quyết vấn đề trên? Phải nêu lên những câu hỏi nào về các nguyên tố cho chính đáng? Và với những khó khăn ấy, liệu ta có thể nói được gì có vẻ là thật về những cơ thể khác nhau trong hiện thực?
3 - Mỗi nguyên tố đều không có một bản chất ổn định
Đầu tiên, chúng ta thấy rằng cái nguyên tố mà ta vừa gọi là nước trở thành đá và đất, dường như thông qua sự cô đặc; [49c] rồi cũng thứ đất hay đá này, khi tan rã và phân tán, lại bốc hơi thành khí; khi bị đốt, khí lại cháy thành lửa; khi tàn lụi hay bị dập tắt, lửa lại chuyển thành khí; rồi khi ngưng tụ và cô đọng, khí lại hóa thành mây và sương mù; và những thứ này, khi bị nén chặt hơn nữa, lại chảy thành nước, rồi nước một lần nữa lại cô đặc thành đất và đá... Cứ như thế, sự phát sinh có vẻ như chỉ là sự chuyển biến liên tục của vạn vật, từ dạng này sang dạng khác, theo một vòng tròn. Vì nhiều sự vật không bao giờ xuất hiện dưới cùng một hiện dạng, không bao giờ [49d] giữ một bản chất riêng biệt như vậy, ai dám đảm bảo chắc chắn rằng một vật nào đó trong số chúng, bất kể nó có thể là gì, là «cái này» chứ không phải là cái gì khác? Chẳng ai có thể cả. Và phát biểu an toàn nhất là nói về chúng theo cách sau đây.
Bất cứ thứ gì mà chúng ta liên tục thấy dưới những dạng thay đổi không ngừng, dạng lửa hoặc dạng nước chẳng hạn, ta không được gọi chúng là lửa hoặc nước, mà chỉ có thể gọi là một cái «như nó xuất hiện» (such); nói tóm lại, chúng ta không được chỉ một dạng thay đổi không ngừng nói trên nào bằng loại từ [49e] ghi nhận sự ổn định, như khi ta nói «cái này» hoặc «cái kia» để chỉ một cái gì đó thường hằng; bởi vì không bao giờ tiếp tục ở trạng thái không thay đổi, chúng không thể nhận các tên gọi «cái này», «cái kia», hay bất kỳ lối nói nào biểu thị chúng như có một sự bền vững nào đấy. Ta không được nói về những thứ này như loại vật thể cá biệt, gọi chúng là «cái này», «cái kia», mà là những cái «như nó hiện ra», những chuyển biến không ngừng của cái nguyên lý tương tự tác động trong mọi và mỗi ngoại hiện ấy. Chỉ hữu thể trong đó mỗi dạng riêng biệt này xuất hiện vá phát triển [50a] mới có thể được gọi là «cái này» hoặc «cái kia», chứ lối gọi này không thể được áp dụng cho loại phẩm chất như nóng hay trắng, hoặc bất cứ cái gì có mặt đối lập, và nói chung, cho mọi hiện tượng phái sinh từ chúng.
Để tôi làm một nỗ lực khác nhằm giải thích cái ý của tôi rõ rệt hơn. Giả sử có một người làm đủ loại hình dạng bằng vàng, và luôn luôn biến đổi một dạng thành tất cả các dạng còn lại; rồi có một người khác chỉ vào một trong số những hình thể ấy [50b] và hỏi nó là cái gì. Người kia có thể chắc chắn đã nói sự thật khi trả lời «Đấy là vàng», nhưng không thể nói đấy là hình tam giác hoặc bất kỳ một dạng hình nào khác như thể nó tồn tại thực sự, vì nó đang trong quá trình biến mất ngay khi anh ta khẳng định; tuy nhiên, nếu anh ta muốn sử dụng cách diễn đạt an toàn và bất định để nói «cái như thế đấy» (such), thì ta cũng phải bằng lòng mà thôi.
4 - Vật chất: cái hữu thể tiếp nhận mọi cơ thể
Và lập luận tương tự cũng áp dụng cho thứ hữu thể tiếp nhận mọi cơ thể — nó phải luôn luôn được gọi như nhau; bởi vì, trong khi tiếp nhận mọi vật, nó không bao giờ rời bỏ bản chất của chính nó, không bao giờ, bằng bất kỳ cách nào hoặc bất cứ lúc nào, khoác lấy một hình thể giống như bất kỳ sự vật nào đã tham dự vào bản chất của nó; nó là cái tiếp nhận liên miên mọi vật thể, mà không bao giờ khoác lấy một hình thể đặc thù [50c] của một vật thể nào nó chứa đựng; nó là cái tiếp nhận chung trên đó mọi vật tồn tại đều đến lưu lại dấu hình, và nó không có chuyển động hoặc hình dạng nào khác ngoài những chuyển động hoặc hình dạng của những vật thể nó chứa đựng và khiến nó hiện ra dưới thiên hình vạn trạng. Còn những hình thể nhập vào và thoát ra khỏi nó đều là những ấn bản giống như những tồn tại thực sự, tuy chỉ được sao đúc theo khuôn mẫu của chúng một cách tuyệt vời và rất khó giải thích. Nhưng chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau.
Hiện nay, ta chỉ phải quan niệm ba thứ bản chất: thứ nhất, [50d] cái đang trong quá trình phát sinh; thứ hai, cái tiếp nhận sự phát sinh trong nó; và thứ ba, cái là nguồn gốc và khuôn mẫu của cái được phát sinh. Và chúng ta có thể ví cái tiếp nhận với người mẹ, cái nguồn gốc hay khuôn mẫu với người cha, và cái trung gian với đứa con. Ta còn có thể nhận xét thêm rằng, vì những ấn bản có khả năng lấy thiên hình vạn trạng, cái bản chất trong lòng nó chúng phải được tạo ra như vậy sẽ không được chuẩn bị thích đáng để làm nhiệm vụ, trừ phi nó là vô hình thể, [50e] hoàn toàn không mang một dấu ấn nào của bất kỳ hình dạng nào mà nó sẽ tiếp nhận từ bên ngoài. Thực vậy, nếu nó đã giống bất kỳ một hình thể nào, thì cứ mỗi khi có bất kỳ một hình dạng trái ngược hoặc hoàn toàn khác nào muốn được thể hiện, nó sẽ không tạo ra được một ấn bản thực giống, bởi vì nó sẽ phải ấn bừa vào hình dạng nó đã có.
Do đó, điều thiết yếu là cái hữu thể sẽ nhận trong lòng nó mọi hình thể phải không có hình thể nào; giống như người làm nước hoa trước tiên phải khử thứ chất lỏng sẽ nhận được hương thơm khỏi mọi thứ mùi, hoặc như người muốn in hình lên các chất liệu mềm phải bắt đầu bằng cách xoá hết mọi dấu vết trên đó và làm cho bề mặt của nó càng đều và mịn càng tốt. [51a] Tương tự như vậy, cái phải tiếp nhận vĩnh viễn và trong toàn bộ phạm vi của nó những ấn bản của mọi tồn tại từ đời này sang đời kia, tự thân nó, phải không có bất kỳ một hình thể đặc thù nào.
Do đó, bà mẹ và cái chứa đựng của mọi vật thể được tạo ra, có thể nhìn thấy được và có thể cảm nhận được bằng giác quan, ta không gọi nó là đất, hoặc khí, hoặc lửa, hoặc nước, hoặc bằng bất kỳ hợp chất nào, hoặc bất kỳ yếu tố nào từ đấy chúng được làm ra hay thoát ra; thế nhưng, chúng ta không sai lầm khi nói rằng đấy là một thực thể vô hình thể và không trông thấy được [51b]; nó bao gồm vạn vật trong lòng nó, đồng thời một cách bí ẩn nào đấy, dự phần vào cái khả tri — nói tóm lại, một hữu thể khó hiểu vào bậc nhất. Tuy nhiên, trong chừng mức là chúng ta có thể phỏng định bản chất của nó qua những gì vừa trình bày, ta có thể thực sự nói rằng lửa là cái phần trong bản chất của nó thỉnh thoảng bốc cháy, nước là cái phần ẩm ướt tan chảy, và đất hoặc khí là cái phần mang dấu ấn những hình thể của đất và khí.
II - KHÔNG GIAN : CÁI CUNG CẤP CHO MỌI SỰ VẬT MỘT NƠI CHỐN
Bây giờ, chúng ta hãy xem xét vấn đề này một cách chính xác hơn. Có chất lửa tự thân chăng? Phải chăng mỗi sự vật đều có tồn tại tự thân của nó, [51c] như ta vẫn có thói quen khẳng định? Hoặc giả chỉ những thứ chúng ta nhìn thấy, hay cảm nhận được thông qua các cơ quan của cơ thể, mới thực sự tồn tại, ngoài ra không có gì khác? Còn tất cả những thứ mà ta gọi là bản chất khả tri, là ý thể của mỗi sự vật, thì chúng chỉ là những cái tên mà thôi chứ chẳng là gì cả? Đây là một câu hỏi mà chúng ta không được bỏ qua không xem xét hay không thảo luận, cũng không được khẳng định quá tự tin rằng nó không thể được giải quyết. Mặt khác, chúng ta cũng không nên xen vào biểu văn vốn đã rất dài dòng này một đoạn phụ bàn [51d] cũng dài tương đương; nhưng nếu ta có thể nêu một vấn đề lớn trong một giới hạn vừa phải, thì đấy chính là điều đáng làm.
Hãy để tôi nêu quan điểm của mình như thế nhé. Nếu trí tuệ và ý kiến đúng là hai loại hình tách biệt, thì tôi nói chắc chắn là có những ý tưởng tự thân; chúng không thể được nhận thức bằng giác quan mà chỉ có thể được nắm bắt bằng lý trí. Nhưng nếu như một số người nói, ý kiến đúng chẳng khác gì trí tuệ, thì mọi thứ mà chúng ta nhận thức thông qua cơ thể đều phải được xem là hiện thực và chắc chắn nhất. [51e] Tuy nhiên, chúng ta phải khẳng định rằng chúng là tách biệt, bởi vì chúng có nguồn gốc riêng biệt, và có bản chất khác nhau; cái này được cấy vào chúng ta bằng khoa học, cái kia bằng sự thuyết phục; cái này luôn đi kèm với lý trí thực sự, cái kia không có lý trí; cái này không thể lung lay, cái kia có thể bị lay chuyển; và cuối cùng, mọi người đều có thể có ý kiến đúng, nhưng trí tuệ là thuộc tính của chỉ các vị thần và của một số ít người đời mà thôi.
Vì vậy, [52a] chúng ta cũng phải thừa nhận rằng có một loại hữu thể luôn luôn là như thế, không được tạo ra và không bị hủy diệt, không bao giờ thu nhận vào bản thân nó bất cứ cái gì từ bên ngoài, cũng không tự thoát thân vào bất kỳ một thứ gì khác, không trông thấy và không thể được nhận biết bằng bất cứ giác quan nào, mà chỉ có thể được chiêm nghiệm bằng trí tuệ. Và cũng có một hữu thể khác cùng tên với nó, giống như nó, nhưng cảm nhận được bằng giác quan, được tạo ra và luôn luôn chuyển động, sinh ra ở một nơi nào đấy, rồi biến mất khỏi chốn ấy, đối tượng của cả ý kiến lẫn cảm tính. Còn có một hữu thể thứ ba nữa là không gian, nó là vĩnh cửu và không bao giờ bị hủy diệt, [52b] nó cung cấp cho mọi sự vật được tạo ra một nơi chốn; bản thân nó có thể được nhận thức mà không cần tới sự trợ giúp của giác quan, bởi một thứ lý trí lai tạp; chúng ta nhìn thấy nó như trong một giấc mơ chứ không phải trong hiện thực, và nói về mọi tồn tại rằng chúng nhất thiết phải ở một nơi nào đấy và chiếm một khoảng không gian, và những gì không ở một nơi nào hoặc trên trời hoặc dưới đất thì không tồn tại. Vì tình trạng và cảm giác như trong mơ này, chúng ta không có khả năng làm những phân biệt trên và những thứ tương tự, trong hiện thực của tự nhiên và ngay trong tình trạng tỉnh thức, [52c] nhằm xác định những gì là thật về chúng. Tuy nhiên, vì mọi hình ảnh đều không phải là một với cái mô hình theo đó nó được làm ra, và vì nó nó luôn luôn tồn tại như biểu hiện của một hiện hữu khác với nó, do đó nó phải xảy ra trong một hũu thể khác [tức là trong không gian], mà nó tham dự vào bản chất một cách nào đấy, hoặc nếu không thì nó tuyệt đối không là gì hết. Nhưng lý trí chân chính và chính xác lại minh định bản chất của sự tồn tại thực sự, bằng cách duy trì rằng khi hữu thể đích thực là một vật thể, và hình ảnh của nó là một vật thể khác, thì hai bản chất khác nhau này không thể tồn tại cái này trong cái kia, [52d] khiến cho chúng vừa là hai vừa là một vật thể cùng một lúc.
Như vậy, tôi đã đưa ra kết quả ngắn gọn cho những suy nghĩ của mình; và phán quyết của tôi là, một mặt, hữu thể (being, être), không gian (space, lieu) và sự phát sinh (generation, génération), bộ ba này, đã tồn tại theo ba cách của chúng trước khi vũ trụ thành hình; và mặt khác, rằng cái chứa đựng những phát sinh, vừa tiếp nhận mọi trạng thái và dạng hình của nước, lửa đất, khí, vừa chịu đựng mọi ảnh hưởng và biến đổi đi kèm [52e] với chúng, đã phô bày muôn vạn ngoại hiện khác lạ. Và do nó phải chịu tác động từ mọi phía của những lực không bằng nhau, cũng không cân bằng, nên bản thân nó cũng chưa bao giờ ở trạng thái cân bằng tại bất kỳ phần nào, mà lắc lư qua lại không đều, liên tục bị các lực ấy rung lắc, và rung lắc lại chúng bằng chuyển động của chính mình. Khi bị rung lắc như vậy, các nguyên tố bị tách rời ra và không ngừng bị lôi đi, một số theo hướng này, một số theo hướng khác; giống như khi ta sàng lọc ngũ cốc bằng quạt hay các dụng cụ khác, [53a] những hạt chặt và nặng sẽ rơi sang một bên, trong khi những hạt lỏng và nhẹ sẽ bị cuốn đi một nơi khác. Bằng cách này, các loại cơ thể bị cái chứa đựng chúng rung lắc, khi nó chuyển động như một máy sàng, khiến những nguyên tố không giống nhau nhất phải phân tán xa nhau, và những nguyên tố giống nhau nhất chạy về cùng một nơi. Do đó, các nguyên tố khác nhau đều có vị trí riêng biệt khác nhau, trước khi chúng được sắp xếp để tạo thành vũ trụ. Lúc đầu, chúng đều không có tỷ lệ và kích thước chi cả. [53b] Nên khi thế giới bắt đầu đi vào trật tự, mặc dù bốn nguyên tố — lửa, nước, đất và khí — đều đã có diện mạo của chúng, mọi thứ còn hoàn toàn giống như ta có thể trông đợi khi chưa có Hoá Công. Ngài đã tiếp nhận chúng trong tình trạng ấy, và đã lần đầu tiên đưa trật tự vào đấy bằng những ý tưởng và con số. Hoá Công đã rút chúng ra từ trạng thái không hoàn hảo vốn có, để làm cho chúng trở nên tốt đẹp và hoàn hảo đến mức có thể — hãy để tôi duy trì điều này như một nguyên lý bất di bất dịch cho tất cả những gì sẽ được trình bày tiếp theo đây. Và bây giờ, để tôi cố gắng trình bày cho quý bạn thấy cái trật tự đã được thiết lập trong mỗi nguyên tố, [53c] và chỉ ra cái nguồn gốc của nó bằng một lập luận không mấy quen thuộc mà tôi buộc phải sử dụng. Nhưng tôi tin rằng, bởi vì nay quý bạn đã quen thuộc với các ngả đường khoa học, các bạn vẫn có thể theo dõi.
Platon,
Timaeus (48a – 53c)
Timée (48a – 53c)
[1] Xem trên cùng trang mục này khi có thể tham khảo: Platōn, Hai Mô Hình Về Hiện Hữu.
[2] Xem thêm trên trang mục Huyền Thoại khi có thể tham khảo : Luc Brisson, & Jean-François Pradeau, Hoá Công Và Khōra.
[3] Anagkē (αναγκη) hay anankē, từ nguyên nghĩa chỉ mệnh lệnh của các vị thần, sau chỉ toàn thể những sự kiện không thể tránh đã áp đặt những giới hạn nghiêm ngặt cho mọi ý định của lý trí con người trong thế giới cảm giác, và thường được dịch trong thuật ngữ triết học là sự thiết yếu (necessity, nécessité).
[4] Thắc mắc về bản chất của vạn vật, các triết gia đầu tiên đã xác định nó là một yếu tố tự nhiên — Thalēs cho nó là nước, Anaximenēs là khí, Hērakleitos là lửa, Empedoklēs là cả ba yếu tố ấy, cộng thêm cái thứ tư là đất. Ở đây, Platōn bắt đầu chính xác từ sự quy giản toàn bộ vũ trụ (người Hy Lạp xem vũ trụ là toàn thể vạn vật được tổ chức theo một trật tự nào đấy) về bốn nguyên tố vật chất này, để tức thì chất vấn giá trị của nó. Liệu chúng ta có thực sự biết ý nghĩa của «nước», «đất», «lửa», «khí» là gì chăng? Lập luận của ông sau đó chủ yếu nhằm chứng minh tính bất ổn cơ bản của những yếu tố trên: do chúng không ngừng chuyển biến cái này thành cái kia, không yếu tố nào có được sự ổn định dứt khoát cho phép nó trở thành nguyên lý vật chất cơ bản từ đó thiên nhiên được tạo ra cả.
[5] Trong tiếng Hy Lạp, các phần tạo nên một âm tiết cũng được gọi là nguyên tố (τὰ στοιχεῖα = tὰ stoikheῖa).
[6] Trong đối thoại, đấy là trật tự phát bỉểu của các nhân vật. Thật ra, trật tự này chỉ phản ánh quan điểm của Platōn về sự tương ứng giữa cái vĩ mô và cái vi mô, giữa vũ trụ và xã hội con người, giữa nhà nước và cá nhân; do đó, để đạt tới hạnh phúc và đức hạnh, con người (người công dân) phải tự khuôn theo trật tự và sự hài hoà của thế giới, thông qua một trật tự chính trị xã hội thích hợp.
[7] Xem trên cùng trang mục này khi có thể tham khảo: Platōn, Ý Thể & Bản Sao