VŨ TRỤ HỌC Ở IONIA (J. A. COLEMAN, 1967)
Đưa lên mạng ngày 15-02-2021
Từ khóa: Vũ trụ học – Ionia (Trường phái)
C1

VŨ TRỤ HỌC
CỦA
TRƯỜNG PHÁI IONIA[1]
(1967)

Tác giả: James Andrew Coleman*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Nhiều đóng góp của người Hy Lạp cho toán học, khoa học và triết học đã được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 600 tCn  tới  năm 200 sCn. Suốt thời kỳ này, những triết gia lỗi lạc đã thành lập các học phái riêng biệt, mỗi trường phái phát triển mạnh mẽ vào một thời điểm khác biệt. Thành viên của chúng đưa ra những giải đáp độc đáo cho các loại câu hỏi họ đặt ra. Nói chung, sự đóng góp của các trường phái này là phong phú và đa dạng, và những giải đáp mà họ đưa ra thường được xem là sự thật cả nhiều năm sau khi trường phái đã suy thoái.

THALĒS THÀNH MILĒTOS

Học phái Hy Lạp đầu tiên bắt đầu vào thế kỷ thứ VI tCn, với Thalēs xứ Milētos, trên bờ biển phía Tây vùng Tiểu Á. Thalēs, sống từ khoảng năm 640 đến năm 560 tCn, chủ yếu được biết tới trong  tư cách là nhà toán học đã có một số đóng góp đáng kể cho hình học. Nhưng đóng góp thực sự to lớn của Thalēs đối với nền học thuật Hy Lạp nằm ở việc ông đã chu du nhiều quốc gia phía đông khác, như Babylonia, Khaldaia, và Ai Cập, và mang về cho Hy Lạp những tri ​​thức về toán học và thiên văn học mà những xứ này đã thu đạt được qua bao năm. Thứ tri thức du nhập này được cho là đã khiến ông có thể dự đoán chính xác lần nhật thực năm 585 tCn. Thalēs dường như không có bất kỳ đóng góp độc đáo nào cho thiên văn học, nhưng ông đã tạo ra một xung lực to lớn cho nền khoa học Hy Lạp nói chung, bằng cách giới thiệu những bước tiến xa nhất của các quốc gia khác.

Sự quan trọng của Thalēs cho lịch sử vũ trụ học xuất phát từ sự kiện ông được lịch sử ghi nhận như người đầu tiên đã xem xét nghiêm túc nỗ lực đi tìm một giải thích hợp lý cho cấu trúc của vũ trụ, cho thứ thể chất nguyên thủy cơ bản, cái nguyên tố đã tạo nên vũ trụ, và nguồn gốc của nguyên tố này. Thalēs tin và dạy rằng chất liệu nguyên thủy của vũ trụ nước. Một mặt, vì nước có thể tồn tại ở ba giai đoạn khác nhau – rắn, lỏng và khí – và có thể dễ dàng chuyển từ trạng thái này sang thể trạng khác; mặt khác, vì ông tin rằng chỉ riêng nước mới có những đặc tính thiết yếu cho mọi chất thể, bởi vì mọi chất thể đều có nước bên trong, kể cả không khí mà Thalēs xem là nước bốc hơi (hơi nước). Mọi chất thể đều đến từ nước và cuối cùng sẽ trở thành nước trở lại, ngay cả những loại đá cứng nhất.

Sự gắn bó với nước bao bọc và thấm đậm toàn bộ lý thuyết về vũ trụ của Thalēs. Theo ông, Trái Đất là một cái đĩa dẹp, tròn, và nổi trên mặt nước. Thalēs không cho thấy chỉ dẫn nào về mức độ hữu hạn hoặc tính vô hạn của nước, cũng không đưa ra suy đoán nào về kích thước của Trái Đất. Tuy nhiên, rõ ràng là ông tin rằng Trái Đất bị giới hạn về tầm cỡ, bởi vì ông giải thích rằng động đất là kết quả của sự kiện Trái Đất, do nó nổi trên mặt nước, nên bị xô đẩy bởi sự chuyển động của nước.

Quan điểm của Thalēs hiển nhiên là sai, nhìn trong bối cảnh tri ​​thức tương đối rộng lớn ngày nay. Giá trị to lớn của ông đối với khoa học nằm nơi cuộc tấn công trực diện vào uy quyền của các thần linh mà ông thực hiện. Tất nhiên, Thalēs cũng như các triết gia Hy Lạp xưa sớm khác, chẳng ai cố ý tấn công và nghi ngờ quyền lực của các vị thần. Trên thực tế, mọi ghi chép đều chỉ ra rằng các vị đều được hầu hết mọi triết gia Hy Lạp buổi đầu chấp nhận. Nhưng cách tiếp cận của họ là sự phớt lờ tính toàn trí được chấp nhận trước đây của chư thần, và sự nhận thức rằng con người, với tư cách là một sinh vật có tư duy lý tính, có quyền – thậm chí là nghĩa vụ – dùng mọi mặt trong năng lực tinh thần của mình để truy tìm chân lý trên mọi vấn đề. Về điểm này, các nhà tư tưởng Hy Lạp chưa từng bị ai thách thức, nhưng quyền lực được cho là toàn năng của các vị thần Hy Lạp chắc chắn đã bị suy giảm, với kết quả là các thế hệ kế tiếp còn trở nên táo bạo hơn nữa. Không chỉ tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi tối hậu của vũ trụ, các triết gia sau này và các nhà khoa học xưa sớm còn giản lược những hoạt động đến nay là linh thiêng của họ trong vũ trụ thành trò phân tích bằng bút lông trên giấy cói. 

ANAXIMANDROS XỨ MILĒTOS

Anaximandros là môn đồ đầu tiên và người kế tục danh tiếng của Thalēs; ông sống vào khoảng từ năm 610 đến năm 545 tCn. Anaximandros cũng tin vào một bản thể nguyên thủy từ đấy mọi vật thể đều được cấu tạo và cuối cùng đều quay trở lại. Nhưng nguyên tố này của ông không phải là một thể chất bình thường, quen thuộc với chúng ta trên Trái Đất. Trong thực tế, nó không có một thuộc tính cụ thể nào cả. Thuộc tính chính của nó là sự chứa đựng cái bản thể từ đấy mọi chất thể trên Trái Đất được rút ra, và không thể bị phá hủy, nghĩa là trường tồn. Ông gọi bản thể này, một cách thích hợp, là «cái không giới hạn» hay «cái vô hạn».

Anaximandros đã mở rộng ý tưởng về cái vô hạn cho mọi đặc tính quan trọng của vũ trụ. Ông nói rằng nhiều vũ trụ đã được hình thành từ cái không giới hạn, và chúng đã tan biến vào nó trở lại. Ông đã mô tả sự hình thành của vũ trụ từ cái không giới hạn, bởi sự tách biệt cái nóng và cái lạnh như thế nào. Từ cái vô hạn, yếu tố nóng tạo ra một vòng lửa bao quanh trái đất, từ đấy Mặt Trời, Mặt Trăng, và các vì sao được cấu tạo. Học thuyết này đã chứa đựng hạt giống đầu tiên của khoa học về vũ trụ, dù nó còn là thô sơ. Vũ trụ hiện tại của chúng ta chỉ là một trong nhiều vũ trụ trước đây đã trải qua cái quá trình theo chu kỳ này, một quá trình từng lặp lại suốt một khoảng thời gian dài vô tận trong quá khứ, nên rồi cũng vậy, thế giới của chúng ta cuối cùng cũng sẽ tan rã, và trở về khối không định hình này của cái vô hạn. Theo Anaximandros, thế giới đã luôn tồn tại trong quá khứ, và sẽ luôn tồn tại trong tương lai, trong thứ thời gian không có hồi kết.

Khái niệm của Anaximandros về một vũ trụ vô tận trong thời gian cũng mở rộng đến chiều kích của nó. Ông tin rằng Trái Đất nằm bất động ở trung tâm của vũ trụ. Vì các cực của vũ trụ đều cách  xa Trái Đất bằng nhau, nên Trái Đất sẽ không có xu hướng chuyển động theo hướng này hơn là hướng kia, với kết quả là nó luôn luôn lơ lửng ở tâm điểm của vũ trụ.

Aristotelēs, triết gia Hy Lạp nổi tiếng, sau đó đã chỉ trích lý luận trên bằng cách viện dẫn ví dụ về một người đang rất đói và khát mà chung quanh lại có đầy đồ ăn, thức uống. Aristotelēs khẳng định: lập luận của Anaximandros có nghĩa rằng người ấy sẽ bị mỗi phần đồ ăn thức uống thu hút, như nhau và bằng nhau, và sẽ chết vì vừa đói vừa khát, do anh ta sẽ không bao giờ với tới chúng được. Không biết Aristotelēs sẽ trả lời ra sao, trước phản biện rằng con người hoặc con vật ấy, khi còn sống, chắc sẽ chỉ nhìn thấy phần đồ ăn thức uống ngay trước mặt nó, và sẽ ăn uống ngấu nghiến một cách thiếu tôn trọng hoàn toàn đối với những tinh tế uyên bác trong triết lý của một Aristotelēs. Thực ra, đây chỉ là thứ nguỵ lý được sử dụng trong thời buổi xa xưa ấy nhằm làm trí tuệ người nghe lung lay, là những nỗ lực lố bịch để giành lấy sự ủng hộ hoặc nhạo báng một học thuyết hay tin tưởng cụ thể nào đó. 

Anaximandros còn đưa ra một mô hình vật lý cho Trái Đất, Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao.  Ông đồng ý với Thalēs rằng Trái Đất có dạng hình trụ ngắn gọn, thậm chí còn nói rõ là chiều cao của nó bằng một phần ba chiều rộng. Mặt Trời có hình bánh xe, với một quầng rỗng đầy lửa. Quầng lửa này quay quanh Trái Đất, có lửa phụt ra từ lỗ hổng bên trong, và đấy chính là cái vật thể mà chúng ta nhìn thấy như Mặt Trời. Mặt Trăng và các vì sao nữa cũng là những bánh xe đang quay quanh Trái Đất, với ánh sáng của chúng tỏa chiếu qua các lỗ hổng.

Mô hình vũ trụ vận hành này được nhiều sử gia khoa học xem là một đóng góp lớn cho sự phát triển của vũ trụ học, và nguồn gốc của vũ trụ như một khoa học. Tầm quan trọng của nó không nằm nơi bản thân của cái mô hình mà ngày nay chúng ta đều biết là không chính xác, mà ở sự kiện Anaximandros là người đầu tiên đã quy giản hoạt động của vũ trụ thành một hệ thống cơ học. Sự sử dụng phép loại suy, từ những diễn biến trên Trái Đất của ông để giải thích các diễn biến trên trời, là một bước dài trong quá trình mò mẫm liên tục của con người hướng tới sự hiểu biết về vũ trụ của hắn: nó đã bắt đầu và được cấu tạo như thế nào?

ANAXIMĒNĒS THÀNH MILĒTOS

Thành viên lừng lẫy thứ ba của Trường phái Ionia là Anaximēnēs, sống khoảng từ năm 565 đến 500 tCn. Anaximēnēs cũng tin vào sự tồn tại của một chất thể cơ bản từ đó vạn vật được hình thành. Nhưng không giống như nguyên tố vô hình của Anaximandros, thứ thể chất của Anaximēnēs là rất phổ biến và phong phú, cụ thể là khí. Không khí và hơi thở là thiết yếu cho sự sống, đấy là một phần trong lập luận của ông. Sau đó, không khí cũng là chất không thể nhìn thấy được ở trạng thái bình thường, nhưng có thể nhìn thấy trong các điều kiện nóng và lạnh khắc nghiệt, ở các dạng như hơi nước và mây. Anaximēnēs cũng tin rằng chuyển động là một đặc tính quan trọng của không khí, vì điều này cho phép nó được nhìn thấy khi nước gợn sóng và cỏ lung lay. Chất khí ở những mật độ khác nhau tạo nên mọi vật thể trong vũ trụ. Lửa là không khí ở dạng thưa nhất nên nhẹ nhất, trong khi đá là nặng nhất vì là không khí ở dạng đặc nhất.

Anaximēnēs giữ lại khái niệm cơ bản của Anaximandros về cái vô hạn khi cho rằng lượng không khí trong vũ trụ là vô hạn. Theo ý kiến ​​của ông, Trái Đất cũng là một cái đĩa phẳng, nhưng bây giờ nó nằm ở trung tâm của một đại dương không khí vô tận. Các ngôi sao được gắn trên bầu trời như thể chúng là những chiếc đinh vàng được gắn ở mặt trong một quả cầu pha lê. 

HĒRAKLEITOS XỨ EPHESOS

Hai thành viên đáng chú ý khác của Trường phái Ionia là Hērakleitos, sống khoảng từ năm 540 đến 480 tCn, và Anaxagoras, từ khoảng 499 đến 428 tCn.

Cũng vậy, Hērakleitos tin vào một chất thể cơ bản từ đó Trái Đất và mọi vật chất được hình thành, đó là lửa. Tin tưởng của ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của sự thay đổi đa tạp trong vũ trụ. Không có vật thể nào tồn tại vĩnh viễn mà liên tục biến đổi thành một thứ khác. Đối với Hērakleitos, lửa là biểu hiện của sự thay đổi, vì đặc trưng cơ bản của nó là sự chuyển động. Do đó, lửa là cái «cái nguyên tố» từ đấy mọi thứ khác nảy ra.

ANAXAGORAS THÀNH KLAZOMENAI

Anaxagoras tin rằng khoảng không gian giữa Trái Đất, Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao chứa đầy ether, một dạng không khí hiếm, và khi chuyển động theo đường tròn, chất ether này mang theo các vì sao. Điều này giải thích ngày và đêm. Mặt khác, giống như những người đi trước ông, Anaxagoras tin rằng Trái Đất là một mặt phẳng.

Hình dung toàn bộ vũ trụ dưới dạng mô hình cơ học chuyển động là một cột mốc quan trọng khác trong lịch sử của vũ trụ học. Dưới ánh sáng khoa học ngày nay, bản thân «mô hình» này là không chính xác, nhưng trước khi sự kiện ấy có thể được thiết lập, cả một chuỗi dài những diễn giải mỗi lúc một đúng đắn hơn về các khám phá thiên văn đã phải được ghi nhận. Thế nên phần đóng góp của Anaxagoras, tuy có vẻ sơ sài, dù sao cũng là một khâu  thiết yếu trong chuỗi phát hiện của khoa vũ trụ học.

Anaxagoras còn có nhiều đóng góp khác cho thiên văn học. Ông dường như nhận ra rằng, được Mặt Trời chiếu sáng, Mặt Trăng chỉ phản chiếu ánh sáng từ Mặt Trời; hơn nữa, ông đã giải thích chính xác hiện tượng nguyệt thực, khi khẳng định rằng Mặt Trăng lúc đó bị che khuất bởi bóng của Trái Đất. Ông cũng là người đầu tiên phỏng định khoảng cách và kích thước của Mặt Trời và Mặt Trăng, cho rằng Mặt Trăng lớn bằng cả vùng Peleponnēsos, và Mặt Trời thậm chí còn lớn hơn nữa, rằng các ngôi sao gần Trái Đất hơn là Mặt Trời và Mặt Trăng, và rằng khoảng cách [từ Trái Đất tới các ngôi sao, Mặt Trời và Mặt Trăng lần lượt là 9, 18 và 27 lần đường kính của Trái Đất, nhưng không đưa ra giải thích bằng cách nào ông có thể tìm được các giá trị cụ thể này.

Là thành viên của Trường phái Ionia, Anaxagoras chủ yếu là một  triết gia. Quan điểm cụ thể của ông về các vấn đề triết học được xem là hoàn toàn triệt để và không thể nào chấp nhận được trong thời đại của ông. Anaxagoras bị buộc tội báng thần và bị kết án tử hình, nhưng nhờ sự can thiệp của một người bạn rất ảnh hưởng[2], tội chết được chuyển thành án lưu đày. Lịch sử không nói rõ rằng ông đã bị xem là xúc phạm thần linh vì quan điểm triết học (khi ông nhấn mạnh rằng sự tồn tại và quyền lực của tất cả các thần linh đều phải có nguồn gốc từ một vị thần tối cao – nghĩa là đề xuất một học thuyết độc thần), quan điểm khoa học (điều bị phản đối dữ dội nhất là ý kiến cho rằng Mặt Trời và các vì sao là những tảng đá cháy rực – và do đó không có trí tuệ cũng như linh hồn), hay sự kết hợp của cả hai. 

Dù sao, rõ ràng là các quan điểm và thuyết giảng của Anaxagoras đều có xu hướng làm suy yếu vị thế và quyền lực của các thần linh, và theo mọi xác suất, đây là cái tội thực sự của ông. Tuy nhiên, giá trị của lòng dũng cảm mà ông cho thấy trong nỗ lực truy tìm chân lý  thực sự là rất lớn, bởi vì con người không thể bắt đầu làm một tiến bộ nào trước các câu hỏi khác nhau về nguồn gốc và cấu trúc của vũ trụ nơi hắn sống, khi nào những giải đáp còn được đưa ra trong một bối cảnh siêu nhiên, với quyền uy tuyệt đối được tập quán và mệnh lệnh ghìm chặt.

 James A. Coleman,
Các Học Thuyết Xưa Sớm Về Vũ Trụ
(Early Theories of The Universe,
Cosmology of the Ionian School
Signet Science Library Book, 1967, tr. 18-22).


[1] Ionia là một vùng đất của Hy Lạp cổ đại, gồm có 12 thành quốc Hy Lạp sau, trên đảo hay trên đất liền: Khios, Ephesos, Erythra, Klazomenai, Kolophōn, Lebedos, Milētos, Myous, Phōkaia, Priēnē, Samos, Teōs. Sau có thêm Halikarnāssos và Smyrna.  Trung tâm văn minh nổi tiếng của Hy Lạp trong thế kỷ thứ VII và thứ VI tCn, Ionia thuộc vào một tập hợp lớn hơn gọi là Hy Lạp Á châu (nằm ở phía Tây Tiểu Á) hay Hy Lạp Đông phương. 

Xem vị trí của các vùng và thành quốc Hy Lạp trên bản đồ ở trên.

[2] Thật ra, người này chính là Periklēs chứ không ai khác.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa