CƠ SỞ VẬT CHẤT CỦA HÌNH HỌC, DIỄN DỊCH, QUY NẠP (H. BERGSON, 1907)
Cập nhật ngày 14-04-2020
Từ khóa: Hình học – Cơ sở vật chất ;
Lô-gic học – Cơ sở vật chất ; Bergson, Henri – Trích đoạn

C2

CƠ SỞ VẬT CHẤT
CỦA
HÌNH HỌC, DIỄN DỊCH, QUY NẠP
(1907)

Tác giả: Henri Bergson[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa 

*

[...] Từ khi suy ngẫm về các phương thức tiến hành của mình, trí tuệ[2] – như khả năng biểu tượng tổng quát – tự nhận thức bản thân nó là kẻ sáng tạo ra những ý tưởng, thì nó muốn có ý tưởng về mọi vật thể, không chừa một đối tượng nào, ngay cả khi vật thể ấy không liên quan trực tiếp đến hành động thực tiễn2 […] Vì vậy, chúng tôi nói rằng có những thứ mà chỉ duy nhất trí tuệ mới có thể tìm kiếm. Thực vậy, chỉ trí tuệ mới bận tâm với việc lập thuyết. Và lý thuyết của nó muốn bao gồm tất cả mọi thứ, không chỉ là vật chất thô, đối tượng mà tất nhiên nó tác động lên dễ dàng, mà còn cả đời sống và tư tưởng con người nữa.

Như vậy, rốt cuộc trí tuệ sẽ tiếp cận các vấn đề này bằng những phương tiện, dụng cụ, phương pháp nào, chúng ta có thể đoán được. Trước hết, nó thích nghi vào dạng thức của vật chất thô.   Chính ngôn ngữ, cái dụng cụ đã cho phép nó mở rộng lĩnh vực hoạt động, cũng được tạo ra để chỉ những vật thể, và không gì khác ngoài vật thể. Nhưng chính là nhờ tính linh động của từ vựng, nhờ nó luôn luôn di chuyển từ vật này sang vật khác chứ không bám cứng vào vật nào, mà trí tuệ sớm muộn gì cũng bắt được nó trên đường, để áp dụng vào một đối tượng không phải là một vật thể, vốn đang ẩn nấp đâu đây cho tới lúc đó, và chỉ chờ sự trợ giúp của một từ vựng để rời tăm tối thoát ra cõi sáng. Nhưng từ vựng này, một khi đã bao trùm lên đối tượng ấy, cũng vẫn cải biến nó thành vật thể. Như vậy, ngay cả khi không còn thao tác trên vật chất thô nữa, trí tuệ vẫn tuân theo những thói quen mà nó đã mắc phải trong hoạt động này: nghĩa là nó vẫn áp dụng các hình thức vốn là những hình thức của vật chất có tổ chức. Bởi trí tuệ được tạo ra cho loại công việc này, nói cách khác, chỉ có loại công việc này mới thỏa mãn nó hoàn toàn2. Và đây chính là cái ý mà trí tuệ muốn biểu đạt, khi nói rằng chỉ bằng cách đó nó mới đạt tới sự tách biệtrõ ràng[3].

Để tự tư duy về nó một cách rõ ràng và tách biệt, trí tuệ phải nhận thức dưới hình thức tách rời. Các khái niệm thực sự là cái này ở bên ngoài cái kia, giống như những vật thể trong không gian, và cũng có cùng mức độ ổn định như các vật thể mà trên mô hình của chúng các khái niệm được tạo ra. Kết hợp lại, tập thể khái niệm là một «thế giới khả niệm», giống như thế giới của những vật rắn bởi những đặc tính thiết yếu của nó, nhưng các yếu tố của chúng là nhẹ nhàng hơn, trong sáng hơn, dễ xử lý bằng trí tuệ hơn là hình ảnh đơn thuần của những sự vật cụ thể; bởi trên thực tế, khái niệm không còn là chính sự nhận thấy sự vật nữa, mà là sự biểu hiện của hành động thông qua đó trí tuệ tập trung trên chúng. Vì vậy, các khái niệm không còn là hình ảnh, mà là những biểu tượng. Lô-gic học là toàn bộ những quy luật chúng ta phải tuân thủ khi vận dụng những ký hiệu. Vì các ký hiệu này xuất phát từ việc xem xét các vật thể rắn, và vì các quy tắc cấu tạo của những ký hiệu này giữa chúng với nhau không làm gì khác hơn là chỉ thể hiện những quan hệ chung nhất giữa các vật thể rắn, lô-gic học của chúng ta thành công lớn trong các khoa học lấy sự rắn chắc của các vật thể làm đối tượng, nghĩa là trong hình học. Lô-gic học và hình học, cái này tạo ra cái kia [...] Chính từ sự mở rộng của một thứ hình học tự nhiên nhất định, được gợi ý từ những tính chất tổng quát và có thể được nhận thấy tức khắc của loại vật thể rắn, mà lô-gic học tự nhiên đã xuất hiện. Rồi đến lượt nó, hình học khoa học đã xuất hiện từ thứ lô-gic tự nhiên này, để mở rộng vô hạn tầm hiểu biết về các đặc tính bên ngoài của loại vật thể rắn. Hình học và lô-gic học có thể được áp dụng chặt chẽ và chính xác cho vật chất. Ở đây, chúng có khả năng tự vận động trong một môi trường quen thuộc. Nhưng, bên ngoài lĩnh vực này, lý luận thuần túy cần phải được giám sát bởi lý lẽ thường, và đây là chuyện hoàn toàn khác.

[...]

Mọi thao tác của trí tuệ ta đều hướng về hình học, như điểm kết thúc, nơi chúng tìm thấy sự thành tựu hoàn hảo của mình. Tuy nhiên, vì hình học nhất thiết phải có trước chúng (bởi các thao tác này sẽ không bao giờ dẫn đến sự tái tạo không gian, và không thể làm gì khác hơn là xem nó như được cho sẵn), rõ ràng đây là một thứ hình học tiềm tàng trong biểu hiện không gian nội tại, vốn là sức bật lớn của trí tuệ ta, cái khiến cho nó hoạt động. Chúng ta có thể xem xét hai chức năng thiết yếu của trí tuệ để tự thuyết phục:  khả năng diễn dịch và khả năng quy nạp.

Hãy bắt đầu với phép diễn dịch. Bằng cùng một động tác, tôi vẽ ra một dạng hình trong không gian, đồng thời tạo ra các thuộc tính của nó; chúng có thể được nhìn thấy và sờ mó trong chính động tác này; tôi cảm nhận, tôi sống trong không gian mối quan hệ định nghĩa - hậu quả, tiền đề - kết luận. Mọi khái niệm khác mà kinh nghiệm gợi ý cho tôi chỉ có thể được tái tạo tiên thiên phần nào; do đó, định nghĩa của chúng sẽ không hoàn hảo, và những diễn dịch trong đó các khái niệm này tham gia vào đều chia sẻ sự không hoàn hảo ấy, cho dù các kết luận được kết nối với các tiền đề chặt chẽ tới mức nào. Nhưng khi tôi chỉ thô sơ vẽ trên cát một hình tam giác, bắt đầu bằng hai góc ở phần đáy hình, thì tôi biết chắc chắn và hoàn toàn hiểu rằng, nếu hai góc này bằng nhau, thì các cạnh cũng sẽ bằng nhau, và lúc đó tôi có thể lộn ngược dạng hình này mà không có gì thay đổi cả. Tôi biết như vậy từ lâu trước khi học hình học. Như vậy, trước môn hình học bác học, có một thứ hình học tự nhiên, mà sự rõ ràng và hiển nhiên đều vượt xa các dạng diễn dịch khác. Sự rõ ràng và hiển nhiên này là về các phẩm chất chứ không phải về đại lượng. Do đó, chắc chắn chúng đã hình thành trên mô hình của những diễn dịch liên quan tới đại lượng, và phải mượn sức mạnh của chúng từ thực tế là, dưới cái phẩm chất, chúng ta mơ hồ thấy cái đại lượng xuất hiện. Cần lưu ý rằng các vấn đề về tình huống và đại lượng là những câu hỏi đầu tiên nảy sinh trong hoạt động của chúng ta, những câu hỏi mà thứ trí tuệ hiện ra ngoài trong hành động biết giải quyết, ngay trước cả sự xuất hiện của trí tuệ phản tỉnh: kẻ man rợ biết hơn người văn minh cách đánh giá các khoảng cách, xác định một hướng đi, vẽ lại trong trí nhớ cái sơ đồ thường là phức tạp của con đường anh ta đã đi qua và từ đó trở thẳng về điểm xuất phát[4]. Nếu con vật không suy diễn rõ rệt, nếu nó không tạo ra những khái niệm rõ ràng, thì nó cũng không hình dung ra một không gian đồng nhất được. Bạn không thể tạo cho mình không gian này mà không đồng thời đưa vào đấy một thứ hình học ảo, để rồi nó sẽ biến thoái thành [một thứ] lô-gic. Cảm giác ngại ngùng của các triết gia khi phải nhận định mọi việc theo kiểu quanh co này xuất phát từ thực tế là mọi vận động lô-gic của trí tuệ đều là một nỗ lực tích cực của lý trí trong mắt họ. [...] Nhưng, nếu chúng ta hiểu tính tinh thần (spiritualité) là sự tiến tới trước, tới những sáng tạo luôn luôn mới hơn, tới những kết luận vô ước so với các tiền đề (prémisses), và không xác định được trong quan hệ với chúng, thì chúng ta phải nói về một biểu tượng đang di chuyển giữa các quan hệ thiết yếu, thông qua các tiền đề (prémisses) đã mang sẵn trong lòng kết luận của chúng, rằng nó đang đi theo hướng ngược lại, hướng của tính vật chất (matérialité). [...] Và trong khi, từ quan điểm của trí tuệ, nếu thao tác tự động rút hình học ra từ không gian, rồi lô-gic học ra từ hình học, là xem vấn đề phải chứng minh như dữ kiện (begging the question = pétition de principe), thì ngược lại, nếu xem không gian là điểm kết tối hậu của chuyển động duỗi rộng ra của trí tuệ, thì chúng ta không thể tự cho mình không gian mà không đặt ra lô-gic học và hình học trên cuộc hành trình mà trực giác không gian thuần túy là điểm kết thúc.

Chúng ta đã không để ý đủ tới sự kiện là phép diễn dịch có ảnh hưởng yếu ớt và phạm vi nhỏ bé như thế nào trong các khoa học tâm lý và đạo đức. Từ một mệnh đề đã được các sự kiện xác minh, người ta chỉ có thể rút ra ở đây những hệ quả kiểm chứng được tới một điểm nào đó, ở một mức độ nhất định. Cần phải rất mau chóng cầu viện tới lẽ thường, nghĩa là tới kinh nghiệm liên tục của hiện thực, để uốn các hệ quả được suy diễn dọc theo những khúc khuỷu của cuộc sống. Phép diễn dịch chỉ thành công trong các vấn đề đạo đức như ẩn dụ, có thể nói như thế và trong chừng mức chính xác là đạo đức có thể được chuyển sang vật lý – ý tôi là trở thành các biểu tượng không gian. Chiêu ẩn dụ không bao giờ đi xa được, cũng như đường cong không để bị lẫn lộn lâu dài với tiếp tuyến của nó. Ở đây, làm thế nào ta có thể tránh bị tình trạng yếu ớt  kỳ lạ, thậm chí nghịch lý, của phép diễn dịch đập vào mắt? Đây là một hoạt động trí tuệ thuần túy, được thực hiện chỉ bằng sức mạnh của tinh thần. Dường như, nếu có một nơi nào, ở đó trí tuệ phải cảm thấy như «ở nhà» và xê dịch thoải mái, thì đấy là giữa những gì thuộc về tinh thần, nằm trong lãnh vực tinh thần. Sự thật không hề như thế, đây lại là nơi trí tuệ cảm thấy kiệt quệ ngay lập tức. Ngược lại, chính là trong hình học, thiên văn học, vật lý học, khi ta phải đối phó với những vật thể bên ngoài chúng ta, thì phép diễn dịch lại toàn năng! Quan sát và kinh nghiệm chắc chắn là cần thiết ở đây để đi tới nguyên tắc, nghĩa là để khám phá ra cái khía cạnh từ đó ta phải xem xét mọi sự vật. Thế nhưng, với rất nhiều may mắn,  đúng là chúng ta có thể tìm thấy nó ngay lập tức; và ngay khi vừa có nguyên tắc này, ta có khả năng rút ra những hệ quả đi khá xa mà kinh nghiệm sẽ luôn luôn xác minh. Chúng ta có thể kết luận gì từ điều này, ngoại trừ phép diễn dịch là một hoạt động được điều chỉnh theo các cách thức vận động của vật chất, mô phỏng theo những khớp nối linh hoạt của vật chất, và cuối cùng được ngầm cho sẵn với và trong không gian, vốn là cơ sở của vật chất? Khi nào cỗ xe diễn dịch còn lăn bánh trong không gian hoặc trong thời gian không gian hóa, nó chỉ việc cứ thế tiến tới. [...]

Như vậy, ta không thể triển khai phép diễn dịch mà không có trực giác không gian đằng sau. Điều này cũng đúng cho phép quy nạp. Chắc chắn là không cần thiết phải suy nghĩ như nhà hình học, thậm chí không cần nghĩ suy chi hết, để chờ đợi sự lặp lại của cùng một sự kiện từ cùng một số điều kiện. Ý thức của động vật đã thực hiện công việc này rồi; và, độc lập với mọi ý thức, bản thân cơ thể sinh vật cũng đã được thiết kế để rút ra, từ những tình huống liên tiếp nó từng trải nghiệm, các điểm tương đồng đáng cho nó quan tâm, và nhờ vậy mà đáp ứng được những kích thích bằng loại phản ứng thích hợp. Nhưng từ một phản ứng máy móc của cơ thể tới phép quy nạp đích thực có khoảng cách, bởi cái sau là một thao tác của trí tuệ. Thao tác này dựa trên sự tin tưởng rằng có các nguyên nhân và có những hệ quả, rằng cùng những hệ quả luôn luôn theo sau cùng các nguyên nhân. Bây giờ, nếu ta đào sâu thêm tin tưởng kép này, đây là những gì chúng ta tìm thấy. Nó bao hàm ý tưởng là hiện thực có thể được phân chia thành nhiều nhóm mà ta có thể xem như biệt lập và độc lập với nhau trên thực tế. Nếu tôi đun nước trong một cái xoong đặt trên lò, thì trên thực tế, thao tác này và các vật hỗ trợ nó là không thể tách rời khỏi một loạt vật thể và một loạt hoạt động khác: từng bước một, chúng ta sẽ thấy rằng toàn bộ hệ mặt trời của ta có liên quan đến những gì đang xảy ra tại vị trí này trong không gian. Nhưng ở một mức độ nhất định, và với mục đích đặc thù tôi đang theo đuổi, thì tôi có thể thừa nhận rằng mọi thứ đang xảy ra như thể nhóm nước- xoong-lò lửa là một thế giới thu nhỏ độc lập. Đấy là điều đầu tiên tôi khẳng định. Bây giờ, khi tôi nói rằng cái thế giới thu nhỏ này sẽ luôn luôn hành xử cùng một cách, rằng nhiệt lượng nhất thiết sẽ khiến cho nước sôi sau một thời gian nhất định – nghĩa là tôi thừa nhận rằng, nếu tôi cho mình một số yếu tố nhất định của hệ thống, thì điều đó đủ để có trọn bộ hệ thống: nó tự động hoàn tất, tôi không có tự do bổ túc nó bằng tư tưởng như tôi thích. Lò bật lửa, xoong đặt trên lò, nước trong xoong, một lượng thời gian nhất định, thì sự sôi mà kinh nghiệm hôm qua cho tôi thấy là thứ còn thiếu để hệ thống hoàn tất, sẽ hoàn thành nó ngày mai, bất cứ lúc nào, luôn luôn. Cái gì nằm dưới đáy của sự tin tưởng này? Cần lưu ý rằng nó ít nhiều được đảm bảo tùy trường hợp, và mang đặc tính của sự chắc chắn tuyệt đối, khi cái thế giới thu nhỏ được xem xét chỉ chứa những đại lượng. Thực vậy, nếu tôi đưa ra hai con số, thì tôi không còn tự do lựa chọn hiệu số của chúng nữa. Nếu tôi vẽ cho mình hai cạnh của một tam giác, bao gồm cả góc nữa, thì cạnh thứ ba sẽ tự phát sinh, tam giác sẽ tự động thành hình. Tôi có thể, bất cứ lúc nào và ở đâu, vẽ ra cũng hai cạnh với cùng một góc như vậy; rõ ràng là các hình tam giác mới, vừa hình thành theo cách này, có thể được đặt chồng lên cái đầu tiên, và kết quả là cùng cái cạnh thứ ba sẽ đến để hoàn tất hệ thống. Bây giờ, nếu sự chắc chắn của tôi là hoàn toàn trong trường hợp suy luận về những xác định không gian thuần túy, thì liệu tôi phải cho rằng, trong mọi trường hợp khác, tất cả càng phải như vậy khi chúng càng đến gần với trường hợp giới hạn này hơn chăng? Thậm chí, phải chăng chính trường hợp giới hạn này đã hiện lên qua mọi trường hợp khác[5], và sẽ tùy theo mức độ ít nhiều trong suốt của chúng, mà tô cho chúng một sắc thái ít nhiều đậm nhạt của tính thiết yếu hình học? Trên thực tế, khi tôi nói rằng xoong nước đặt trên lò của tôi sẽ sôi hôm nay như ngày hôm qua, và sự kiện này là hoàn toàn thiết yếu, tôi mơ hồ cảm thấy rằng trí tưởng tượng của tôi đang mang cái lò hôm nay đặt lên cái hôm qua, xoong trên xoong, nước trên nước, thời lượng trôi trên thời lượng trôi, và lúc đó tất cả phần còn lại có vẻ như cũng phải trùng khớp tương tự nữa, vì chính cái lý do đã khiến cho các cạnh thứ ba của hai hình tam giác đặt lên nhau trùng khớp với nhau, nếu hai cạnh đầu tiên đã cùng trùng khớp. Nhưng trí tưởng tượng của tôi chỉ làm được như vậy, bởi vì nó nhắm mắt trước hai điểm cốt yếu. Để hệ thống hôm nay có thể được chụp khít lên cái hôm qua, thì cái sau phải chờ cái trước, thời gian phải ngừng trôi, và mọi thứ phải trở thành đồng thời với mọi thứ: đấy là điều xảy ra trong hình học, nhưng chỉ trong hình học mà thôi. Do đó, phép quy nạp bao hàm trước hết ý tưởng là, trong thế giới của nhà vật lý cũng như trong thế giới của nhà hình học, thời gian không được tính tới. Nhưng nó cũng hàm ý rằng mọi phẩm chất đều có thể được chồng lên nhau như những đại lượng. Nếu bằng ý tưởng, tôi mang cái lò hôm nay đặt lên cái hôm qua, tôi chắc chắn xác nhận được rằng hình dạng của cái lò vẫn y nguyên, chỉ cần các mặt bằng và các góc cạnh trùng khít nhau là đủ để kết luận; thế nhưng sự trùng khít của hai phẩm chất là gì, và làm thế nào chồng cái này lên cái kia để đảm bảo rằng chúng giống hệt nhau? Tuy nhiên, tôi vẫn mở rộng tới hiện thực thứ hai [phẩm chất] điều áp dụng được cho hiện thực  thứ nhất [đại lượng]. Nhà vật lý sẽ hợp thức hóa thao tác này sau, bằng cách thu mọi khác biệt về phẩm chất thành những khác biệt về đại lượng trong chừng mức có thể làm được; nhưng, đi trước khoa học, tôi vẫn có khuynh hướng đồng hóa các phẩm chất với những số lượng, như thể tôi thấy hiện lên, đằng sau và xuyên qua chúng, một cấu kết hình học[6]. Sự minh bạch này càng rõ ràng hơn, khi sự lặp lại cùng một sự kiện có vẻ như càng thiết yếu xảy ra nhiều hơn, trong cùng một số điều kiện. Trong mắt ta, những quy nạp của chúng ta là chắc chắn, trong chừng mức chính xác là ta làm tan biến sự khác biệt về phẩm chất trong tính đồng nhất của không gian làm cơ sở cho chúng, khiến cho hình học là giới hạn lý tưởng của những quy nạp cũng như những diễn dịch của chúng ta. Dọc theo cuộc hành trình của nó, chuyển động mà điểm kết là tính không gian đã đặt định cả cái khả năng quy nạp cũng như diễn dịch, nghĩa là toàn bộ trí tuệ.

Henri Bergson
Sự Tiến Hóa Sáng Tạo
(L’Évolution créatrice (1907),
Paris, PUF, 1986 (lần xb thứ 156)
tr. 160-161 et 211-217, passim).


[1] Henri-Louis Bergson (1859-1941): triết gia, nhà văn Pháp, giải Nobel Văn học năm 1927. Tác phẩm chính: Essai sur les données immédiates de la conscience (1889); Matière et mémoire (1896); Le Rire (1900); L'Évolution créatrice (1907); L'Énergie spirituelle (1919); Durée et Simultanéité (1922); Les Deux sources de la morale et de la religion (1932); La Pensée et le Mouvant (1934). NVK

[2] Nguyên bản: «l’intelligence», do từ La-tinh «intellegere = hiểu. Nghĩa thứ nhất của «l’intelligence» là khả năng hiểu, biết. Vì vậy ở đây chúng tôi dịch là «trí tuệ» chứ không phải là «thông minh». Cần nhắc lại rằng, trong thuật ngữ triết học của Bergson, «l’intelligence» chính yếu chỉ khả năng chế tác, đối lập với «l’intuition (trực giác)»«l’instinct (bản năng)», và được dành để chỉ tác động trên vật chất. Xem thêm các bài khác của Henri Bergson trên trang mục Triết Học, khi có thể tham khảo. NVK

[3] Xem trên trang mục Triết Học – Thế Kỷ 17:  René Descartes, «Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu». NVK

[4] Henry Bastian, Le Cerveau, Paris, 1882, vol. I, tr. 166-170. HB. Henry Charlton Bastian (1837-1915): nhà sinh lý và thần kinh học Anh. Tác phẩm: The Beginnings of Life (2 q., 1872) = L'évolution de la vie (1908); The Brain as an Organ of Mind (1880) = Le cerveau: organe de la pensée chez l'homme et chez les animaux (2 q.,  1882). NVK

[5] Chúng tôi đã triển khai điểm này trong một công trình trước. Xem: Essai sur les données immédiates de la conscience. Paris, 1889, tr. 155-160. HB

[6] Sđd,  ch. I và III, passim.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa