LM : 15-5-2024 |
C1 |
HAI MÔ HÌNH VỀ HIỆN HỮU
(khg 360 - 358 tCn)
Tác giả : Platōn
Bản tiếng Anh: Benjamin Jowett,
Bản tiếng Pháp: Victor Cousin
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa
Trong Timaeus (Timée), Platōn trình bày quan điểm của ông về tự nhiên[1]. Qua tác phẩm «vật lý học» này, tác giả đã nối lại phần nào với truyền thống bàn về các vấn đề vũ trụ của các «triết gia tiền Sōkratēs», nhưng với hai khác biệt. Một mặt, quan điểm của ông được trình bày như một biểu văn về cái chỉ «có vẻ như thật» (likely, vraisemblable), một huyền thoại chứ không phải là hiện thực (xem bản dịch bên dưới). Mặt khác, ở đây Platōn đưa ra một quan điểm về vật chất hoàn toàn khác với học thuyết về các nguyên tố của những tác giả trước ông (xem bản dịch trích đoạn tiếp theo về vật chất).
Trong các đoạn được trích và dịch từ Timaeus đăng trên trang mục này, người phát biểu là Timaios xứ Lokros (Ý), một nhân vật theo học thuyết của Pythagoras. Theo đời sau, Timaios có thể đã thực sự tồn tại, nhưng cũng có thể chỉ là nhân vật hư cấu. Luận cứ «người thực» dựa trên sự kiện Timaios còn được nhắc tới trong nhiều văn bản của các tác giả khác; hơn nữa, những nhân vật xuất hiện trong các Đối Thoại của Platōn đều là người thực. Luận cứ «nhân vật hư cấu» thì cho rằng Timaios đã được tác giả xây dựng dựa trên phong cách và tư tưởng của Arkhytas xứ Tarantum (Ý), đệ tử của Pythagoras, đồng thời là bạn của ông.
*
[27c] Vâng, bất cứ ai có chút hiểu biết đều cầu xin sự giúp đỡ của thần linh trước khi bắt đầu bất kỳ một dự án dù lớn hay nhỏ nào, Sōkratēs ạ. Huống hồ chúng ta, những kẻ đang tìm cách giải thích vũ trụ, xem nó được tạo ra như thế nào, hoặc giả nó đã luôn luôn như thế chứ không hề được tạo lập, thì trừ phi hoàn toàn mất trí, ta cũng nên cầu viện chư thần – nam cũng như nữ – và cầu xin sao cho lời lẽ của chúng ta là phù hợp và chấp nhận được [27d] đối với các vị. Như vậy, một lần nữa, ta hãy cầu viện sự giúp đỡ của chư thần đi, và tôi cũng xin thêm vào đấy lời cầu xin riêng, là sẽ phát biểu được sao cho sát nhất với ý định của mình, và dễ hiểu nhất cho các bạn.
[...]
Theo tôi, chúng ta phải bắt đầu bằng cách xác định hai điều sau, và tự hỏi: cái gì là mãi mãi không thay đổi chứ không có sự sinh ra và trở thành, và cái gì cứ liên tục sinh ra và trở thành [28a] mà không bao giờ ở trong cùng một trạng thái? Cái thứ nhất, thứ vĩnh viễn không thay đổi, nó chỉ có thể được nắm bắt bằng lý trí, và nó cho ta một tri thức lý tính; cái còn lại, thứ được sinh ra và tiêu vong chứ không luôn luôn ở trong cùng một trạng thái, nó nằm dưới sự nhận biết của các giác quan chứ không phải của trí tuệ, và nó chỉ cho ta một ý kiến. Bây giờ, mọi vật được sinh ra hoặc trở thành đều nhất thiết phải xuất phát từ một nguyên nhân, bởi vì không có gì được tạo ra mà không có nguyên nhân. Thử nhìn một nghệ nhân trong sáng tạo xem: khi mắt anh ta luôn luôn tập trung trên cái bất biến, nhằm tái tạo hình thể và phẩm chất của tác phẩm theo đúng một mô hình không đổi như vậy, anh ta nhất thiết phải tạo ra [28b] một sản phẩm xinh đẹp và hoàn hảo; nhưng nếu mắt anh ta chỉ nhìn vào những vật mẫu luôn luôn thay đổi, anh ta sẽ chẳng tạo ra được gì đẹp đẽ với những khuôn mẫu phù du như vậy. Còn về vũ trụ thì, dù chúng ta có gọi nó là cõi trời, hay thế giới, hay bất kỳ một tên gọi nào khác, trước tiên chúng ta phải tự đặt một câu hỏi – như khi bắt đầu bất cứ một nghiên cứu nào về bất kỳ một vấn đề gì, đấy là: liệu nó đã luôn luôn hiện hữu mà không có khởi đầu chăng?, hoặc giả nó đã được tạo ra và từng có một khởi đầu? Tôi cho rằng thế giới đã đươc tạo lập, bởi vì nó có cơ thể, có thể nhìn thấy, có thể sờ mó được. Đấy là những phẩm chất thuộc về cảm tính; [28c] và tất cả những gì có thể cảm nhận được đều nằm trong quá trình sinh diệt, trong phạm vi nắm bắt của giác quan và ý kiến, như chúng ta đã thấy. Thế nhưng tìm ra tác giả và cha đẻ của vũ trụ là điều quá khó, thậm chí là bất khả thi, và cho dù có phát hiện được đi nữa, thì cũng không thể nào diễn đạt cho mọi người cùng biết. Còn một câu hỏi nữa cũng phải được đặt ra, đó là: khi tạo lập vũ trụ, liệu tác giả của nó đã tuân theo mô hình nào trong hai cái nói trên, [29a] mô hình bất biến và luôn luôn như thế, hoặc cái có một khởi đầu? Nếu thế giới này là đẹp đẽ, và nếu người tạo ra nó là hoàn hảo, thì rõ ràng là ngài đã tạo ra nó theo mô hình thường hằng; nếu không – điều thậm chí ta không thể nói ra mà không phạm tội báng bổ – thì đúng là ngài đã sử dụng thứ khuôn mẫu có thể tiêu vong. Rõ ràng là ngài đã sử dụng mô hình thường hằng; vì thế giới là tạo vật đẹp nhất trong mọi tạo vật, và tác giả của nó là nguyên nhân tốt nhất trong mọi nguyên nhân. Như vậy, thế giới đã được hình thành theo một mô hình khả tri, vì dựa trên lý trí và luôn luôn không đổi; [29b] cho nên, bởi hệ quả tất yếu, thế giới là một bản sao. Điều quan trọng nhất là khởi đầu của mọi sự phải phù hợp với tự nhiên. Mặt khác, khi phân biệt bản sao với mô hình, chúng ta cũng giả định rằng ngôn từ tương ứng với những chủ đề mà chúng diễn đạt. Khi nói về cái bất biến, thường hằng và khả tri, chúng phải bền vững và không biến đổi, và trong chừng mức có thể, không dễ bị lung lay hay bác bỏ, [29c] đấy là đòi hỏi tối thiểu. Nhưng khi chỉ nói về bản sao của cái bất biến, vì đây chỉ là sự tương tự, chúng chỉ cần có vẻ như thật. Cái thường hằng so với cái biến dịch như thế nào, thì chân lý so với ý kiến cũng như vậy. Cho nên, Sōkratēs ạ, đừng ngạc nhiên nếu, sau bao phát biểu của bao người khác và theo bao cách khác nhau, tôi không thể truyền đạt tư tưởng của mình về cùng chủ đề này bằng thứ ngôn từ hoàn toàn chính xác và chặt chẽ, khi cũng cố gắng nói về các vị thần và sự hình thành của thế giới. Và nếu lời nói của tôi không chứa đựng điều gì nghe có vẻ là thật hơn của những người khác, thì bạn cũng phải bằng lòng với chúng; và hãy nhớ rằng, cả tôi – người phát biểu – [29d] lẫn bạn – kẻ phán xét – chúng ta đều chỉ là những con người hữu sinh hữu tử, và dù muốn dù không, chúng ta cũng chỉ có thể, về một chủ đề như vậy, với tới được loại ký sự có vẻ thật như thế mà thôi, chứ không thể đi xa hơn.
Platōn,
Timaeus [28a-29d]
Timée [28a-29d]
[1] Về vũ trụ học của Platōn nói chung, xem thêm trên trang mục này khi có thể tham khảo: Dēmiourgos và khōra.