HAI THỨ SUY LUẬN BIỆN CHỨNG (ARISTOTELĒS, khg 335-323 tCn)

LM : 15-6-2024
Từ khoá : Biện chứng – Suy luận – Quy nạp (Phương pháp)

 – Tam đoạn luận – Ngộ biện – Aristotelēs, Trích đoạn

C2

HAI THỨ SUY LUẬN BIỆN CHỨNG :
TAM ĐOẠN LUẬN XÁC SUẤT & PHÉP QUY NẠP
(335-323 tCn)

Tác giả : Aristotelēs
Bản tiếng Anh : W. A. Pickard-Cambridge

Bản tiếng Pháp : Jacques Brunschwig
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

1 - TAM ĐOẠN LUẬN BIỆN CHỨNG

Mục đích của chuyên luận này[i] là tìm ra một phương pháp qua đó chúng ta có thể : a) vừa lập tam đoạn luận[ii] về mọi vấn đề đưa ra bàn luận, tuy chỉ bắt đầu với những tiền đề có vẻ như chỉ có thể (có xác suất) xảy ra (probables)[iii] mà thôi, b) vừa tránh tự mình đưa ra những luận cứ mâu thuẫn khi bàn cãi. Nhưng trước hết, để phân biệt rõ ràng tam đoạn luận biện chứng – bởi nó chính là đối tượng của chuyên luận này, ta hãy nói suy luận ba đoạn là gì, và có bao nhiêu thứ tam đoạn luận đã.

Suy luận [ba đoạn] là thứ lý luận qua đó, khi một số điều gì đó được đặt ra như tiền đề, thì một điều gì khác với chúng nhất thiết phải được rút ra như kết luận, thông qua chính những tiền đề này.

(a) Suy luận là một tam đoạn luận chứng minh, khi các tiền đề từ đấy nó được rút ra là đúng và sơ đẳng, hoặc là khi các tiền đề mà tri thức ta có về chúng xuất phát từ những tiền đề sơ đẳng và đúng. ‘Đúng và sơ đẳng’ là những tiền đề dẫn đến xác tín bởi chính bản thân chúng, chứ không phải thông qua những sự vật khác (bởi vì theo các nguyên lý của khoa học, thì tự thân mỗi nguyên tắc phải là đáng tin bởi chính nó, chứ không cần phải tìm kiếm lý do, tìm hiểu tại sao nữa).

(b) Trái lại, suy luận là một tam đoạn luận biện chứng, khi nó lấy những ý kiến chỉ có thể (probables) làm tiền đề. Là ‘có thể’ – [theo nghĩa có xác suất xảy ra] – những ý kiến được tất cả hay hầu hết mọi người, hoặc những kẻ có thẩm quyền nhất (tất cả, hầu hết, hay thành phần được biết tiếng và trân trọng nhất trong số họ) chờ đợi.

(c) Mặt khác, thứ suy luận được rút ra từ những tiền đề có vẻ như có thể xảy ra, nhưng không thực sự là như thế, được gọi là tam đoạn luận tranh biện (contentious, éristique). Còn thứ suy luận được rút ra từ những tiền đề có thể, hay có vẻ như có thể xảy ra, chỉ có dáng dấp của một tam đoạn luận mà thôi. Bởi vì cái có vẻ như có thể xảy ra không phải vì thế mà thực sự có xác suất xảy ra. Hơn nữa, những gì được xem là có thể xảy ra không bao giờ được nhận diện hoàn hảo ngay từ cái nhìn đầu tiên, như ở trường hợp các tiền đề của tam đoạn luận tranh biện, do ở đây bản chất sai lầm của nó hiển hiện tức thì, ngay cả cho những người chỉ có ít năng lực hiểu biết. Vì vậy, trong các thứ suy luận tranh biện đã nói, cái thứ nhất thực sự đáng được gọi là tam đoạn luận, trong khi cái sau, dù cũng là suy luận tranh biện, không thể được xem là tam đoạn luận thực sự, bởi vì nó chỉ có vẻ kết luận chứ không thực sự kết luận.

(d) Bên cạnh tất cả các tam đoạn luận nói trên, còn có những ngộ biện (misreasonings, paralogismes) được rút ra từ loại mệnh đề riêng biệt của  các ngành khoa học nhất định, chẳng hạn như hình học và các ngành họ hàng. Phương thức lý luận này dường như khác với các thứ tam đoạn luận nói ở trên. Bởi vì khi vẽ sai những hình thể, nhà hình học sẽ rút các kết luận của mình ra từ những mệnh đề, không phải là đúng và sơ đẳng, cũng không phải là có thể xảy ta, mà chỉ là không phù hợp với định nghĩa của chúng, bởi vì không được tất cả, hay hầu hết, hay những người được trân trọng nhất trong giới có thẩm quyền thừa nhận là hợp chuẩn. Bởi vì ông ta đã lập luận dựa trên những dữ kiện và giả định, chắc chắn là thuộc về khoa học của ông, nhưng không đúng với định nghĩa. Khi vẽ các hình bán nguyệt, hoặc kẻ những đường không đúng như chúng phải được thực hiện, ông đã làm thứ sai lầm gọi là ngộ biện.

Phần trên là một phác thảo về các loại hình tam đoạn luận. Vì mục đích của chúng tôi không phải là cung cấp một lý thuyết trọn vẹn về bất cứ thứ suy luận ba đoạn nào, nên nhìn chung, cho tất cả những gị chúng ta đã và có thể còn sẽ thảo luận thêm về chủ đề, nó đã bao gồm đủ các nét tổng quát hữu ích nhằm phân biệt chúng với nhau, và nhận diện cái này hoặc cái kia một cách nào đấy.

Aristotelēs
Topics, I, l.
Topiques, I, I

2 - PHÉP QUY NẠP

Sau những định nghĩa trên, chúng ta phải xác định xem có bao nhiêu thứ suy luận biện chứng. Một thứ là phép quy nạp; thứ kia là tam đoạn luận. Thế nào là tam đoạn luận, chúng tôi đã nói rồi. Còn quy nạp là đi từ những trường hợp cá biệt để tiến tới trường hợp tổng quát – ví dụ, nếu ta giả định rằng kẻ có kinh nghiệm lèo lái là có hiệu quả hơn mọi người khác, và nếu đấy là trường hợp của người lái xe ngựa, thì nói chung, kẻ thạo việc đúng là người tốt nhất trong mỗi chuyên ngành. Phép quy nạp càng rõ ràng, càng có sức thuyết phục, thì càng dễ được tiếp thu bằng giác quan, và dễ áp dụng cho phần lớn người đời hơn, trong khi tam đoạn luận thì hiệu quả và có sức ép buộc hơn đối với những kẻ thích phản biện.

Aristotelēs
 Topics, I, 12.
Topiques, I, 12


[i] Topika = Topics = Topiques, tập V của quyển Công Cụ (Organon), bàn về loại lập luận dựa trên những ý kiến thường được chấp nhận một cách phổ biến (endoxa) mặc dù không chắc là đúng : topos (sn topoi, có nghĩa là nơi chốní) chỉ cái nguồn, cái khuôn mẫu chung từ đó các lập luận hay trường hợp riêng lẻ có thể được xây dựng.

[ii] Từ dùng trong bản tiếng Anh là reasoning, các bản tiếng Pháp dùng déduction hay syllogisme. Ở đây, do Aristotelēs đang nói về tam đoạn luận như một lập luận diễn dịch, chúng tôi dịch là suy luận, suy luận ba đoạn, hay tam đoạn luận.

[iii] Bản tiếng Anh dùng cụm từ generally accepted (được chấp nhận phổ biến), bản tiếng Pháp dùng probable. Ở đây, chúng tôi dịch theo bản Pháp ngữ là có thể, nhưng có chua thêm nghĩa hiện đại của từ probablecó xác suất xảy ra.

 

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa