HÃY TỰ TU THÂN SỬA TÍNH (PLATÔN, giữa 399-390 tCn)
Cập nhật ngày 8-3-2019
Từ khóa : Chính trị – Triết lý – tk V tCn ;
Sôkratês – Cuộc đời và Sự nghiệp ; Platôn – Trích đoạn
C1

HÃY TỰ TU THÂN SỬA TÍNH
(giữa 399-390 tCn)

Tác giả: Platôn
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Trích dịch từ Apology of Socrates [38c-39d], theo bản tiếng Anh của Benjamin Jowett, có đối chiếu với bản tiếng Pháp của Victor Cousin.

Xem: Platôn, Socrates Tự Biện Vu. Trg: Đối thoại Cốt Cách Sôkratês I, bản dịch của Nguyễn Văn Khoa, tr. 183-227 (Hà Nội, Nxb Tri Thức, 2011). Đã xuất bản lần thứ nhất với tựa là Đối thoại Socratic I.

*

[38c] Thưa quý công dân Athênai, chỉ vì thiếu kiên nhẫn chờ đợi thêm chút nữa, quý vị đã tạo cơ hội cho người đời bêu riếu nền cộng hoà; họ sẽ nói rằng quý vị đã giết Sôkratês, một người hiểu biết, bởi vì họ cũng sẽ nói tôi là người hiểu biết dù không đúng như thế để sỉ nhục quý vị nặng nề hơn nữa. Chỉ cần chờ thêm ít lâu, cái chết của tôi tự khắc sẽ đến, bởi vì nhìn xem, tôi đã ở vào tuổi gần đất xa trời rồi. [38d] Tôi không chê tất cả mọi người ở đây như thế, mà chỉ riêng những kẻ đã khép tôi vào tội chết. Và cũng chỉ với họ thôi,  tôi xin nói tiếp đôi điều sau đây.

Có lẽ quý vị nghĩ rằng Sôkratês đã bị kết tội vì không tìm ra lời lẽ, thứ lời lẽ có đủ sức thuyết phục quý vị, nếu như tôi tin rằng bổn phận của mình là phải làm hết mọi cách, kể lể đủ chuyện hòng thoát chết? Không phải thế đâu, thưa quý đồng hương. Tôi không thiếu lời lẽ mà chỉ thiếu trâng tráo: [38e] tôi bị kết tội vì không chịu nói những điều tai quý vị đã quen nghe, vì không muốn than khóc và hạ mình làm những chuyện hèn hạ mắt quý vị đã quen thấy. Đối với tôi, nguy nan phải đương đầu không thể là lý do để làm điều bất xứng đối với một con người tự do, và ngay cả đến lúc này, tôi không hề hối tiếc đã tự bênh vực như vừa rồi; thà chết mà tự vệ như tôi đã làm còn hơn là sống sót nhờ một bài tự biện hèn hạ. [39a] Khi đứng trước tòa cũng như lúc lâm trận, dù là Sôkratês hay ai khác cũng không được phép dùng bất cứ phương tiện nào để thoát chết. Ai cũng biết rằng muốn cứu thân mình nơi trận địa chẳng có chi là khó, chỉ cần vứt bỏ vũ khí và van xin kẻ đuổi theo tha mạng. Cũng thế, trước mọi hiểm nguy, một khi đã nhất quyết nói và làm bất cứ chuyện gì, người ta có thể tìm ra nghìn cách xoay xở hòng tránh cái chết.

Có điều, thưa quý công dân Athênai, tránh cái chết không phải là điều khó nhất, tránh cái ác còn khó hơn bội phần, [39b] bởi vì tội ác chạy nhanh hơn cả tử thần[1]. Vì vậy, người già cả nặng nề như Sôkratês mới bị đứa chậm chân bắt kịp, trong khi kẻ buộc tội tôi, nhanh nhẹn và khỏe khoắn hơn, đã bị đứa nhanh chân là tội ác túm lấy. Giờ đây tôi sẽ ra đi, với án tử hình của tòa án này; nhưng rồi họ cũng sẽ ra đi, đội theo tội bất công và độc ác của tòa án chân lý. Tôi giữ lấy hình phạt của tôi, họ giữ lấy tội trạng của họ. Có lẽ sự việc đã tiến triển đúng như nó phải xảy ra, và đối với tôi, không thể nào suôn sẻ hơn.

Như vậy, mọi việc đã an bài. Nhưng hỡi những kẻ kết tội Sôkratês, [39c] đây là điều tôi báo trước với quý vị, bởi vì hiện tôi đang ở vào cảnh ngộ đọc được tương lai rõ nét nhất của người sắp lìa đời[2]. Xin cảnh báo rằng, ngay sau khi giết tôi, quý vị sẽ phải chịu một hình phạt độc địa hơn cả bản án chết mà quý vị đã buộc vào tôi. Thật ra, quý vị chỉ giết tôi để tự giải thoát khỏi cái gánh nặng rất khó chịu là cứ phải suy xét đời mình; nhưng rồi xem, tôi nói trước rằng những gì sắp xảy ra sẽ hoàn toàn trái ngược với điều quý vị hy vọng. [39d] Quý vị sẽ phải đương đầu với một số người khảo hạch đông đảo mà quý vị không ngờ rằng cho đến nay tôi vẫn cố kiềm giữ, và càng trẻ họ càng hung hăng hơn, càng làm quý vị bực bội hơn[3]. Thật là sai lầm nếu quý vị nghĩ rằng chỉ cần giết người là đủ trốn thoát lời chê trách sống không suy xét. Cách loại bỏ sự kiểm tra ấy vừa bất chính vừa bất khả thi, cách vừa chính đáng vừa dễ dàng là, thay vì tìm cách bịt miệng kẻ khác, hãy tự tu thân sửa tính. Đấy là điều tôi thấy cần cảnh báo những ai đã kết tội tôi. Bây giờ tôi xin kiếu.

Platôn,
Socrates Tự Biện Vu,
(Apology of Socrates = Apologie de Socrate)
Trg : Đối thoại Cốt Cách Sôkratês I
Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Khoa,
Hà Nội, Nxb Tri Thức, 2011, tr. 183-227.


[1] Đây là một thành ngữ rất phổ biến vào thời đó, có lẽ xuất phát từ Ilias. «Bởi vì kẻ cầu xin giống như con gái của Zeus vĩ đại; lê từng bước, nhăn nhó, dớn dác, họ lần theo vết chân của tội lỗi; hung tợn và nhanh chân, tội lỗi bỏ họ lại tít đằng sau, và luôn luôn tai ác với loài người, chạy đi gây tai họa ở tận cuối thế giới; tuy vậy, kẻ cầu xin vẫn khập khiễng theo sau, chữa lành dần mọi thương tích nó gây ra» = «For prayers are as daughters to great Zeus; halt, wrinkled, with eyes askance, they follow in the footsteps of sin, who, being fierce and fleet of foot, leaves them far behind him, and ever baneful to mankind outstrips them even to the ends of the world; but nevertheless the prayers come hobbling and healing after» (Homêros, Ilias, t. IX).

[2] Như lời thần dụ tại các đền thờ, những mộng triệu, dấu hiệu, v. v… Chính Sôkratês cũng rất tin vào những chỉ dẫn này suốt cuộc đời Ông, như đã được Plato ghi lại trong các bản đối thoại; điều này xác nhận rằng, song song với tinh thần lý tính, Sôkratês vẫn còn chia sẻ sự tin tưởng vào những điều ngày nay ta cho là mê tín của người bình dân đương thời, ở một mức độ đáng kể. Xem: Sôkratês Tự Biện Vu (21a-22e, 33c, 39c-d), Crito (44b), và Phaedo (61a-b).

[3] Sôkratês muốn cảnh báo rằng việc làm của Ông sẽ ngày càng lan rộng, triệt để hơn, và do chính các thế hệ con cháu của những kẻ đã kết án Ông đảm trách. Một tiên đoán hoàn toàn đúng nếu nhìn vào sự phát triển của triết học về sau.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa