HUYỀN THOẠI VỀ ĐIỀU KIỆN CON NGƯỜI (PLATŌN, khg 399-390 tCn)

 LM : 15-7-2024
Từ khóa : Huyền thoại – Triết lý biểu trưng – Con người (Điều kiện)
– Thần thoại Hy Lạp Phẩm hạnh chính trị – Promētheus
– Epimētheus – Dikē – Aidos – Công lý (Ý thức) – Công chính (Ý thức)
– Tôn trọng (Ý thức) – Tự trọng (Ý thức) –
Platōn, Trích đoạn

   C1

HUYỀN THOẠI
VỀ ĐIỀU KIỆN CON NGƯỜI
(khg 399-390 tCn)

Tác giả : Platōn*
Bản tiếng Anh : Benjamin Jowett
Bản tiếng Pháp : Victor Cousin
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

PROTAGORAS (nói với Sōkratēs và những người tham dự cuộc đối thoại) :

… Ở một thời xa xưa, chỉ có các vị thần linh bất tử chứ không có [320d] những sinh vật sinh ra rồi chết đi. Mãi về sau, khi sự tồn tại của những giống loài có số mệnh này cũng phải được tính đến, các vị thần mới tạo ra chúng ngay trong lòng đất, bằng đất, lửa và nhiều hỗn hợp khác nhau từ cả hai yếu tố trên. Rồi đến lúc sửa soạn đưa chúng ra giữa ánh sáng ban ngày, các vị đã sai [hai anh em] Promētheus và Epimētheus[1] trang bị cho chúng, nghĩa là phân phối riêng cho mỗi giống loài những khả năng thích hợp.  Epimētheus nài nỉ Promētheus: «Hãy để em phân phát trước đi, rồi anh kiểm tra sau xem có được không nhé». Đề nghị được chấp thuận, và Epimētheus bắt đầu việc phân phối.

Bản năng và vũ khí sinh tồn

Y cho một số loài sức mạnh mà không có sự nhanh nhẹn, [320e] ngược lại một số loài yếu đuối hơn được ban cho sự tinh nhanh; một số loài được vũ trang nanh vuốt, trong khi những loài khác không có khí giới, nhưng bù lại, y cho chúng một số phương tiện tự bảo tồn khác, hoặc có kích thước to lớn để răn đe hay chống trả, hoặc có cách thoát thân của các loài bé nhỏ, như cánh để bay lên không trung hay móng để đào hang chui xưống đất. Epimētheus [321a] đã giữ nguyên tắc bù qua đắp lại cho chúng như vậy trong mục đích là ngăn chặn không để cho bất kỳ một giống loài nào bị tuyệt chủng. Và sau khi đã dự phòng chống lại sự hủy diệt lẫn nhau của chúng như vậy, y cũng lo liệu tới các phương tiện nhằm che chở chúng trước sự khắc nghiệt của thời tiết và khí hậu: trang bị cho chúng móng guốc với bàn chân chai cứng, và mặc cho chúng một lớp lông sát kín hay một lớp da dày chắc (như thể đây là những chăn mền tự nhiên của mỗi giống loài, đủ để bảo vệ chúng [321b] chống lại sự lạnh lẽo của mùa đông và sự nóng bức của mùa hè mỗi khi chúng cần nghỉ ngơi). Sau đó, Epimētheus còn cho chúng đủ loại thực phẩm – củ cỏ từ đất cho một số loài, rau trái cho một số loài khác, và cả những động vật khác làm thức ăn cho các loài săn mồi nữa. Nhưng y cũng sắp xếp sao cho loài thú ăn thịt này chỉ sinh đẻ ít thôi, trong khi những loài bị ăn lại hết sức sung mãn để giống loài của chúng không bị tiêu diệt. Epimētheus, kẻ không thông minh lắm, đã hành động như vậy, [321c] không nhận ra rằng mình đã phân phát hết mọi phẩm chất có trong tay cho những loài thú hoang thô, nên khi đến lượt con người, loài chưa nhận được gì, y cảm thấy hết sức bối rối. Vừa lúc còn đang lúng túng đó, Promētheus đến để kiểm tra sự phân bố, và thấy rằng trong khi những loài vật khác được trang bị thích hợp, chỉ con người là còn trần truồng, không quần áo, giày dép, chăn giường, không có cả vũ khí để tự vệ. Giờ hạn định đang đến gần, sắp đến lượt loài người phải rời lòng đất ra trước ánh sáng ban ngày rồi !

Công cụ lửa và Năng lực kỹ thuật

Không nghĩ ra cách nào khác để giúp bảo đảm sự an toàn của con người, Promētheus quyết định [321d] đánh cắp kỹ thuật cơ khí của Hēphaistos* và Athēna* cùng với lửa (bởi nếu không có lửa thì có kỹ năng cũng chẳng ích lợi gì !) và trao chúng cho loài người. Nhờ vậy, con người có đủ năng lực cần thiết nhằm hỗ trợ cuộc sống, chỉ trừ sự khôn ngoan để sống thành tập thể là hắn không có, bởi vì nó nằm trong tầm kiểm soát của Zeus, trong khi Promētheus còn chưa có đủ quyền hạn để đặt chân tới hoàng cung, nơi cư ngụ luôn luôn được canh gác cẩn mật [321e] bởi những tên lính gác đáng sợ của Zeus. Nhưng bây giờ thì Promētheus lẻn vào được tận nơi Hēphaistos và Athēna thực hành các nghệ thuật yêu thích của họ, và lấy trộm kỹ năng sử dụng lửa của Hēphaistos, cùng với một số nghệ thuật của Athēna, rồi trao tất cả cho loài người. Nhờ vậy con người mới có được phương tiện để sống còn. [322a] Nhưng sau đó thì Promētheus bị trừng phạt  nặng nề vì tội đánh cắp [của cải và uy lực của các thần], tuy rằng tất cả đều do sai lầm ngớ ngẩn của Epimētheus mà ra.

Dikē và Aidos

Bây giờ thì loài người, nhờ được chia sẻ một phần các lợi thế linh thiêng, nên cũng là sinh vật duy nhất do sự gần gũi đó với chư thần mà công nhận sự tồn tại của thần linh, và nảy ra ý nghĩ xây các đền thờ thần và dựng những pho tượng theo hình ảnh của họ. Rồi chẳng bao lâu sau, chúng còn phát minh ra lời nói với tên gọi, xây dựng nhà cửa, làm ra quần áo, giầy dép, chăn giường, và rút thức ăn lên từ lòng đất. Tự cung tự cấp như vậy, [322b] loài người lúc đầu sống phân tán, không trong thành quốc nào cả. Hậu quả là chúng vẫn bị giết hại bởi các loài thú hoang, vì hoàn toàn yếu đuối so với các giống loài khác, và kỹ thuật của chúng chỉ đủ để cung cấp cho chúng phương tiện sống, chứ không cho phép chúng tiến hành chiến tranh chống lại các loài thú dữ: chúng có thực phẩm, nhưng chưa có nghệ thuật chính trị, trong đó nghệ thuật chiến tranh là một phần. Sau một thời gian, ham muốn tự bảo tồn đã tập hợp chúng lại trong các thành phố; thế nhưng mỗi khi tụ tập lại với nhau, do không có nghệ thuật chính trị, chúng đối xử tồi tệ với nhau, và lại một lần nữa bước vào quá trình phân tán[2], trở thành mồi ngon cho thú dữ. [322c] Zeus lo sợ rằng toàn bộ loài người rồi sẽ bị tiêu diệt, vì vậy, ông đã gửi Hermēs mang xuống tặng cho chúng hai nguyên tắc để xây dựng thành quốc, hòa giải những khác biệt, và kết nối quan hệ thân hữu: đó là ý thức công lý (dikē, justice)[3] và ý thức tôn trọng (aidos, reverence, pudeur)[4].

Hermēs hỏi Zeus cách ông ta nên truyền đạt công lý và sự tôn trọng giữa con người như thế nào: — «Hạ thần phải phân phát chúng như ta đã phân phối những kỹ thuật chăng, nghĩa là chỉ cho một số ít người được ưu đãi thôi, cụ thể là cho một cá nhân, y thuật hay bất kỳ một kỹ thuật nào khác, để sau đó y trở thành hữu dụng cho nhiều người khác không có kỹ năng ấy chẳng hạn. [322d] Hoặc giả hạ thần phải ban phát chúng cho tất cả mọi con người, không phân biệt?». Zeus nói : — «Cho tất cả. Ta muốn mọi con người đều phải có phần, bởi các thành quốc không bao giờ có thể thành hình nếu chỉ một thiểu số con người có phẩm hạnh (virtues = vertus = đức hạnh) như trong sự phân phối những kỹ thuật. Hơn thế nữa, ngươi hãy áp đặt lên chúng mệnh lệnh này cho ta: kẻ nào không nhận phần phải có của mình về công lý và sự tôn trọng, kẻ đó phải bị xử chết, vì hắn chính là tai ương của xã hội».

Và Sōkratēs ạ, đây chính là lý do khiến công dân Athēnai, cũng như mọi người dân ở các nơi khác, chỉ chịu hỏi ý kiến của một số ít người, khi vấn đề họ bàn bạc liên quan tới nghề mộc hay bất cứ một kỹ thuật cơ khí nào khác. [322e] Và khi bất kỳ một ai đó không thuộc vào số ít chuyên gia này dám can thiệp vào, thì họ sẽ không nghe, đúng như ông nói – và tôi cho như thế là tự nhiên thôi. Thế nhưng khi họ gặp nhau để tranh luận về các phẩm hạnh chính trị [323a], và chúng nhất thiết phải bao gồm công chính và tiết chế (wisdom, tempérance), thì họ có đủ kiên nhẫn để lắng nghe bất cứ người nào. Điều này âu cũng là tự nhiên thôi, bởi vì họ nghĩ rằng mọi người đều phải chia sẻ loại phẩm hạnh này, nếu không thì ngay cả thành quốc cũng không thể tồn tại. Đấy, Sōkratēs, tôi giải thích hành vi và hiện tượng này như thế đấy. 

Và để ông không cho rằng mình đã sai lầm khi nghĩ là mọi người đều thực sự tin rằng mỗi cá nhân đều có phần công chính (trung thực = honesty), cũng như một phẩm chất chính trị nào khác, hãy nghe thêm bằng chứng này nữa. Về những kỹ năng thường tình như ông gọi, nếu một người nào đó nói rằng anh ta thổi sáo giỏi, hoặc có tài năng trong bất kỳ một ngành nghệ thuật nào khác mà thực ra anh ta không có, thì hoặc mọi người sẽ chế nhạo, [323b] hoặc sẽ nổi giận, còn người thân thì sẽ chỉnh cho anh ta một trận nên thân như thể là kẻ điên. Nhưng khi vấn đề đặt ra là sự công chính (trung thực), hoặc một số phẩm chất chính trị khác, thì ngay cả khi họ thừa biết rằng anh ta chẳng công chính (trung thực) gì, nếu người đó công khai hoá và nói sự thật về sự không công chính (trung thực) của mình, hoặc nếu anh ta lỡ lời nói ra sự thật chống lại mình trước mặt nhiều người, thì sự thú nhận này, được xem là lương thức trong trường hợp thường tình, nay lại bị cho là điên rồ. Bởi người ta cho rằng mọi người đều phải tự xưng là công chính (trung thực) cho dù họ có công chính (trung thực) hay không, và phải là kẻ mất trí mới nói bất cứ điều gì khác. Như vậy, quan niệm chung là con người, bất cứ là người nào, [323c] nhất thiết cũng phải tham dự một cách nào đấy và tới một mức độ nào đó, vào sự công chính (trung thực), còn nếu như không có chút công chính (trung thực) nào thì anh ta không thể được kể là con người và phải có mặt trên cõi đời này.

Platōn,
Protagoras [320d-323c]


[1] Trong thần thoại Hy Lạp, bốn anh em Promētheus (Nghĩ trước, làm sau), Epimētheus (Làm trước, nghĩ sau), Atlas, Menoitios là con của Iapetos (Sinh Mệnh) với Klymenē – tất cả đêu thuộc thế hệ các thần Titanes (các thần khổng lồ trước 12 vị trên Thiên Đình Olympos). Mặt khác, Promētheus với Pronoia là cha và mẹ của Deukaliōn.

Về hành động vì loài người của Promētheus, có nhiều dị bản khác nhau trong chi tiết. Có bản cho rằng Promētheus đã tạo ra con người từ nước và đất sét, sau đó Athēna mới thổi sự sống vào những cơ thể này. Khi được Epimētheus cầu cứu, Promētheus đã khiến loài người có thể đi đứng trên hai chân, có cơ thể cao lớn hơn và giống với các vị Thần, rồi cuối cùng lẻn lên Thiên Đình nhờ sự trợ giúp của Athēna, đánh cắp lửa đem xuống cho con người, đồng thời dạy loài người kỹ thuật luyện kim cùng nhiều kỹ năng khác. Sợ con người trở nên ngang bằng với các Thần, Zeus đã thu hồi lửa, nhưng Promētheus lại đánh lừa Zeus, đem nó xuống cho loài người lần nữa, nên bị Zeus trừng phạt hết sức nặng nề: Promētheus phải bị xích trần truồng suốt đời vào một tảng đá trên núi Caucasus, lá gan bị đại bàng đến mổ ăn ban ngày, đến tối mới hồi phục lại. Về sau, tuy được Hēraklēs giải thoát khỏi cực hình trên, Promētheus vẫn phải luôn luôn đeo một chiếc nhẫn sắt được làm từ chuỗi dây xích và gắn trên một viên sỏi lấy từ núi Caucasus, để không trái với hình phạt do Zeus phán định.

Các huyền thoại về Promētheus là đối tượng sáng tác được ưa thích đặc biệt trong bi kịch Hy Lạp thời xưa, và vẫn truyền cảm hứng cho cả văn học nghệ thuật phương Tây cho đến nay, nếu ta bao gồm trong đó cả hình tượng Frankenstein trong sáng tác của Mary Shelley như một Promētheus hiện đại. 

[2]  Political, politique (chính trị) đều xuất phát từ polis (thành quốc). Như được nói tới ở đây, các phẩm hạnh chính trị thứ phẩm hạnh thiết yếu để sống như một tập hợp, một thành quốc – luôn luôn phải có hai mặt : chiến tranh với bên ngoài (chống các giống loài khác, thậm chí đồng loại khi cần), và sự hoà đồng bên trong. Về các phẩm hạnh thiết yếu cho sự hoà hợp bên trong – hiểu biết, công lý, can đảm, tiết chế – ở Hy Lạp cổ đại, xem các chú thích bên dưới.

[3]  Trong thần thoại Hy Lạp, Dikē là một trong ba nàng Horai, con của Zeus với Themis (nữ thần công lý). Horai nghĩa đen là Giờ, biểu trưng cho thiên nhiên dưới khía cạnh thời khắc đều đặn của các mùa, nên các nàng được xem là ba nữ thần của trật tự nói chung, công lý của tự nhiên. Eunomia biểu trưng cho công lý của con người dưới khía cạnh tư pháp (Luật pháp và Trật tự), Eirēnē biểu trưng cho Hoà bình, Dikē biểu trưng cho công lý theo tinh thần đạo đức, sự phán quyết công chính dựa trên tập tục truyền thống, chuẩn mực xã hội lâu đời. Thần Dikē được miêu tả là một phụ nữ trẻ, mảnh khảnh, mang theo một chiếc cân thăng bằng và đội vòng nguyệt quế, và thường được liên kết với Astraia, nữ thần của sự ngây thơ và trong trắng. Trở thành khái niệm triết học, thuật từ dikē chỉ công lý, sự công chính nói chung trong triết học Hy Lạp.

[4]  Trong thần thoại Hy Lạp, Aidos – con gái của Promētheus theo một phiên bản – được xem là nữ thần của sự e dè, ý thức danh dự, sự biết hổ thẹn, khiêm tốn, nhún nhường. Aidos có đền thờ ở AthēnaiSparta, và là đối tượng sáng tác trong các bi kịch của Aiskhylos, Euripidēs, Sophoklēs. Tuy nhiên, vì vai trò của Aidos trong thần thoại chủ yếu mang tính cách biểu trưng hơn là như một nhân vật hành động, nên khi trở thành khái niệm triết học, aidos diễn đạt những yếu tố cơ bản trong biểu văn xã hội và đạo lý của Hy Lạp cổ đại. Như phẩm hạnh chính trị, aidos bao gồm sùng kính (đối với thần linh), tôn trọng (đối với tha nhân), tự trọng (đối với bản thân), do đó, có thể được dịch theo ngữ cảnh bằng những từ khác nhau như đã thấy trong các bản dịch Anh, Pháp, Việt, nhưng đều là hoặc các thuộc tính kể trên của nữ thần Hy Lạp, hoặc những đức tính có thể được suy ra từ sự tôn trọng kẻ khác và sự tự trọng.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa