LÝ LUẬN BIỆN CHỨNG (PLATŌN, khg 385-370 tCn)

LM : 15-5-2024
Từ khoá :
Biện chứng – Lý luận – Suy luận – Đối thoại – Khoa học – Tư duy – Platōn, Trích đoạn

C1

LÝ LUẬN BIỆN CHỨNG
(khg 385-370 tCn)

Tác giả: Platōn
Bản tiếng Anh: Benjamin Jowett
Bản tiếng Pháp: Victor Cousin
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Xuất phát từ dia (giữa, qua) và legein (nói), dialektikē nằm trong cùng một hệ từ với dialektos (cuộc nói chuyện, diễn từ), dialektikos (người chuyên tranh biện) và dialegomai (tham dự vào một cuộc nói chuyện) trong ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại, để chỉ một loại hình đối thoại[1]. Ở Sōkratēs và Platōn, dialektikē cũng phải được hiểu theo cái nghĩa ban đầu này, mặc dù «suy luận biện chứng» cũng đã mang một ý nghĩa khác ngay từ thế kỷ thứ IV tCn với Aristotelēs[2], và nhất là từ thế kỷ XIX sau này với Hegel và Marx.

Do đó, ở hai trích đoạn dưới đây, dialektikē vẫn chỉ là thứ nghệ thuật hoàn toàn nhắm đến sự tiếp cận chân lý thông qua tiến trình vấn đáp qua lại nói trên. Trong văn bản đầu (Phaedrus, 265d-266c), Platōn đã mô tả lý luận biện chứng qua hai quy tắc, đi lên (tổng hợp: từ cái đa tạp của cảm quan lên cái đơn nhất của ý tưởng để hiểu, anabasis = ascending dialectics = dialectique ascendante), rồi đi xuống (phân tích: từ cái đơn nhất trừu tượng trở xuống cái đa tạp cụ thể để kiểm nghiệm, katabasis hay diairesis = descending dialectics = dialectique descendante), nhằm cuối cùng đạt tới một định nghĩa biểu thị bản chất của sự vậtnghĩa là đến khái niệm về sự vật, và nhờ đó mà có hiểu biết chân thực về đối tượng của cuộc tranh luận. Trong văn bản sau, Platōn đặt suy luận biện chứng, như một khoa học, vào vị trí cao nhất trong sơ đồ các môn học thiết yếu nhằm đào tạo tầng lớp lãnh đạo cho chế độ chính trị lý tưởng của thành quốc, ở một tương lai nào đấy do ông tưởng tượng ra (Republic, 531d-535a), đồng thời cũng cảnh báo ta về những lệch lạc thường xảy ra nơi những kẻ chưa đủ độ tuổi chín chắn để học và thực hành lý luận biện chứng (Republic, 539a-539e).

*

SŌKRATĒS : Tôi cho rằng phần lớn việc sắp xếp một biểu văn chỉ giống như trò chơi mà thôi. Tuy nhiên, mặc dù chủ đề luôn luôn do sự ngẫu nhiên mang lại, ở đấy vẫn có hai cách sắp xếp [265d] đáng được ta chú trọng như hai quy tắc, và xử lý với tất cả nghệ thuật.

PHAIDROS : Ông nói rõ hơn đi.

SŌKRATĒS : Trước hết là phải tổng hợp tất cả những ý tưởng đặc thù rải rác đó đây dưới một ý tưởng tổng quát, để làm cho mọi người hiểu chủ đề ta muốn xem xét là gì – như ban nãy, khi nói về tình yêu, ta đã cố định nghĩa nó chẳng hạn. Dù đúng hay sai, chắc chắn là định nghĩa này sẽ mang lại cho biểu văn sự trong sáng và chặt chẽ...

PHAIDROS : Còn quy tắc thứ hai?

SŌKRATĒS : [265e] Quy tắc thứ hai là phải phân loại hay phân chia chủ đề theo những đường khớp tự nhiên, tránh cắt dư phần này, xén hụt phần kia như một anh thợ đẽo tồi – như ban nãy, hai biểu văn của ta lúc đầu được hợp nhất dưới cùng một cái tên là sự cuồng loạn, [266a] rồi khi nó có thể được phân chia, như hai phần của một cơ thể dưới cùng một tên gọi, thì biểu văn của ta cũng tìm thấy nơi sự điên loạn này hai loại hình tình yêu [...][3]

PHAIDROS : Đúng thế.

SŌKRATĒS : Cái tiến trình luân phiên tổng quát hoá rồi khu biệt hoá đó, bản thân tôi yêu thích nó một cách đặc biệt Phaidros ạ, bởi vì nó giúp tôi suy nghĩ và phát biểu tốt hơn... Nên khi gặp một ai đó có khả năng nắm bắt vừa cái toàn bộ, vừa những chi tiết của một vấn đề như vậy, tôi sẽ bước theo dấu chân ông ta ngay, như thể đây là một vị thần. Và những người có biệt tài này, chẳng biết có đúng hay không, [266c] nhưng tôi vẫn quen gọi họ là các nhà biện chứng đấy, Phaidros ạ...

Platōn
Phaedrus [265d-266c]
Phèdre [265d-266c]

*

SŌKRATĒS: Về phần mình, tôi nghĩ rằng nếu việc nghiên cứu các khoa học mà chúng ta vừa đề cập[4] [531d] tiến tới được các điểm kết nối và các điểm tương hợp bao gồm trong những quan hệ tổng quát giữa chúng với nhau, đồng thời chỉ ra được là tất cả liên quan với nhau như thế nào, thì lúc đó và chỉ lúc đó mà thôi, nó mới là hữu ích cho mục đích chúng ta nhắm tới, và xứng đáng để ta dành hết công sức cho nó, nếu không thì thật chẳng bõ công, và cũng chẳng ích lợi gì. 

GLAUKŌN : Tôi cũng ngờ ngợ thấy như thế. Nhưng Sōkratēs ạ, ông đang nói về một công việc hết sức to rộng và lâu dài đấy.

SŌKRATĒS : Cậu muốn nói về phần đầu của ta chứ gì? Há cậu không đoán được rằng tất cả những gì chúng ta đã nói chỉ là khúc dạo đầu cho giai điệu bây giờ mới đề cập tới ư? [531e] Bởi hẳn cậu cũng không tin rằng bất kỳ kẻ nào xuất sắc trong một khoa học cũng đều là nhà biện chứng cả, mà nhiều khi chỉ là những chuyên gia trong khả năng đặt câu hỏi và tìm câu trả lời[5] mà thôi, đúng không?

GLAUKŌN : Đúng. Chắc chắn họ không phải là các nhà biện chứng, trừ một số ít ỏi tôi từng gặp.

SŌKRATĒS: Nhưng nếu một người không có khả năng đưa ra, hoặc nghe và hiểu lý do của mọi sự vật, cậu có nghĩ rằng ông ta có thể thực sự biết những gì chúng ta đòi hỏi ông ta phải biết chăng?

GLAUKŌN: Không thể nào.

SŌKRATĒS: Vậy thì, Glaukōn ơi, [532a] cuối cùng thì sau bao khúc dạo đầu, bây giờ ta đang nghe hợp tấu chính giai điệu của khoa biện chứng đấy. Đây là một khoa học hoàn toàn tinh thần, tuy nhiên nó vẫn có thể được biểu hiện bằng cơ quan thị giác như chúng ta đã trình bày: cặp mắt đầu tiên được vận dụng trên động vật, sau đó hướng lên các vì sao, và cuối cùng là đến chính Mặt Trời. Tương tự như vậy, người vận dụng suy luận biện chứng chỉ dùng lý trí để vươn tới bản chất của sự vật, không cần bất kỳ sự can thiệp nào của giác quan, và không dừng lại trước khi nắm bắt được bằng tư tưởng bản chất của cái Chân hay cái Thiện chẳng hạn; người ấy đã đạt tới [532b] tột đỉnh của trật tự khả tri, cũng giống như kẻ nhìn thấy Mặt Trời đã đạt tới tột đỉnh của trật tự hữu hình.

GLAUKŌN: Thật vậy.

SŌKRATĒS: Cậu không gọi một quy trình như vậy là biện chứng ư?

GLAUKŌN: Có chứ, chắc chắn.

SŌKRATĒS: Hãy nhớ lại câu chuyện những kẻ sống trong hang tối đi[6]. Họ tự tháo gỡ khỏi xiềng xích; họ quay lưng lại với bóng tối, để hướng tới những hình ảnh nhân tạo và cái ánh lửa đã phóng chúng lên vách đá; rồi họ rời khỏi hang và đi lên những nơi có ánh sáng Mặt Trời[7]. Ở đây, chưa thể đặt mắt trực tiếp lên các động vật, thực vật và Mặt Trời, trước tiên họ chiêm ngưỡng trong nước hình ảnh linh thiêng[8] của chúng, và bóng của những sinh vật thực, thay vì bóng của những vật thể nhân tạo do một ánh lửa được cho là ánh sáng Mặt Trời tạo thành – bởi vì so với ánh sánh Mặt Trời thì ánh lửa cũng chỉ là một hình bóng. Đây chính xác là những gì mà các khoa học chúng ta đã đề cập thực hiện trong thế giới trí tuệ; nó nâng cái phần cao quý nhất của tinh thần lên đến sự chiêm nghiệm hữu thể tuyệt vời nhất trong mọi hữu thể, giống như chúng ta vừa thấy cái giác quan nhạy bén nhất của cơ thể vươn đến sự chiêm ngưỡng vật thể chói lọi nhất trong thế giới hữu hình và có thể trông thấy.

GLAUKŌN: Tôi tạm thừa nhận những gì ông nói. Bởi vì thừa nhận hoặc phản bác chúng đều khó như nhau. Vả lại, [532d] đây không phải là vấn đề ta chỉ thảo luận ngày hôm nay, mà còn phải trở đi trở lại nhiêu lần nữa. Vậy, cứ giả định mọi chuyện như trong ẩn dụ của ông đi, bây giờ ta hãy nghiên cứu giai điệu này một cách cũng cẩn thận như chúng ta đã làm với phần dạo đầu. Ông nói cho chúng tôi biết đặc trưng của thứ đối thoại biện chứng này là gì đi nó có bao nhiêu loại hình, và đâu là những ngả đường có thể dẫn tới nó ? [532e] Dường như đây cũng là những con đường dẫn tới nơi kẻ lữ hành mệt mỏi có thể nghỉ ngơi và kết thúc cuộc hành trình của mình.

SŌKRATĒS: Glaukōn yêu quý ơi, e rằng ở đây cậu sẽ không theo tôi được, [533a] mặc dù tôi sẽ nỗ lực tối đa, với tất cả thiện chí. Bởi vì cậu phải có, không chỉ một hình ảnh về cái chúng ta đang nói tới, mà là tự thân cái thực hữu ít ra là như tôi quan niệm. Nó có thực là như thế hay không chưa phải là vấn đề; điều phải khẳng định là có một cái gì đó tương tự tồn tại, cậu đồng ý không nào?

GLAUKŌN: Có thể khẳng định như thế.

SŌKRATĒS: Và chỉ có sức mạnh của đối thoại biện chứng mới có thể phát hiện nó cho một trí tuệ đã thành thạo trong các khoa học được đề cập, chứ không có phương pháp nào khác.

GLAUKŌN: Hãy cứ cho là như thế nữa đi.

SŌKRATĒS: Ít nhất có một điểm không ai có thể tranh cãi, là ngoài các môn học ta đã lướt qua, còn có một phương pháp khác tìm cách đạt tới thực hữu và bản chất của mỗi sự vật, bằng một con đường chính xác. Bởi vì hầu hết các kỹ thuật[9] chỉ quan tâm đến quan điểm và ham muốn của người đời, tới sản xuất và chế tạo, thậm chí chỉ giới hạn vào việc bảo trì những sự vật tự nhiên và sản phẩm chế biến. Còn các khoa toán học[10], [533b] chẳng hạn như hình học và các ngành đi kèm, ta đã nói rằng chúng có một quan hệ nào đấy với thực hữu; nhưng chúng chỉ mơ tưởng về nó, chứ không thể nhìn thấy hữu thể bằng cái nhìn rõ ràng và chắc chắn của sự tỉnh táo, chừng nào chúng còn nhìn hiện thực trong cái vòng của dữ liệu vật chất, và thứ giả thuyết sử dụng không phê phán vì không thể lý giải được. [533c] Thật vậy, khi các nguyên tắc được rút ra không biết từ đâu, khi kết luận và các bước trung gian chỉ được xây dựng từ các nguyên tắc tương tự, thì làm sao một mạng lưới quy ước như vậy có thể tạo nên một khoa học?

GLAUKŌN : Không thể nào !

SŌKRATĒS: Do đó, chỉ có phương pháp biện chứng, khi nó gạt bỏ các giả thuyết, là đi thẳng vào nguyên lý, để thiết lập nguyên lý ấy một cách vững chắc[11]; chỉ có nó [533d] mới dần dần kéo con mắt tinh thần ra khỏi vũng lầy mà nó đang lún sâu vào một cách đáng xấu hổ, nhằm nâng nó lên, thông qua chức năng và với sự hỗ trợ của các khoa học chúng ta vừa nói tới đấy. Ta đã quen gọi chúng là khoa học cho phù hợp với thông lệ; lẽ ra ta nên đặt cho chúng một cái tên khác, nằm đâu đó giữa sự mơ hồ của ý kiến và bằng chứng của khoa học, như ta đã từng gọi ở trên kia là tư duy suy lý[12]. Dù sao, vấn đề không phải là tranh cãi về tên gọi, [533e] khi dường như chúng ta còn có những đề tài quan trọng hơn phải xem xét.

GLAUKŌN: Đúng. Ta phải dùng trí tuệ để làm sáng tỏ các từ sử dụng chứ.

SŌKRATĒS: Vậy thì, như trước đây, chúng ta hãy tạm thỏa mãn với bốn loại hình hiểu biết. Hãy gọi là khoa học (epistēmē) cái đầu tiên và hoàn hảo nhất, là tư duy suy lý (dianoia) cái thứ hai, là tin tưởng (pistis) cái thứ ba, là phỏng đoán (eikasia) cái thứ tư. Hai loại hình đầu liên quan tới hữu thể và thuộc về lý trí, hai loại hình sau liên quan tới cái biến dịch và thuộc về ý kiến; do đó, tỷ lệ giữa cái tồn tại thường hằng và cái hũu sinh hữu tử, được tìm thấy lại giữa lý trí và ý kiến, giữa khoa học và tin tưởng, giữa tư duy suy lý và phỏng đoán.

GLAUKŌN: Hữu thể so với biến dịch là như thế nào, thì trí tuệ thuần túy so với ý kiến là như thế nấy.

SŌKRATĒS: Nhưng Glaukōn ơi, hãy gác quan hệ giữa hai trật tự này — trật tự của ý kiến và trật tự của lý trí — cũng như những chi tiết về sự phân chia bên trong mỗi trật tự sang bên, nếu ta không muốn lao vào những tranh cãi còn dài hơn nhiều lần các cuộc thảo luận chúng ta vừa ra thoát nữa.

GLAUKŌN: Trong chừng mức tôi có thể hiểu được, [534b] thì đồng ý với ông về những gì ông vừa nói thôi, Sōkratēs ạ.

SŌKRATĒS: Há cậu không gọi người giải thích được bản chất của mỗi sự vật là nhà biện chứng, và không xem kẻ không thể nói gị về nó, cho chính bản thân mình hoặc cho người khác, là kẻ bất trí ư?

GLAUKŌN: Làm sao nói khác được !

SŌKRATĒS: Về cái Thiện cũng vậy thôi. Cho tới khi một người có thể tách rời ý niệm cái Thiện ra khỏi các ý niệm khác, để đưa ra một định nghĩa chính xác về nó; và trừ phi anh ta chứng minh được nó, không phải dựa trên ý kiến mà thông qua hiện thực, nghĩa là trừ phi anh ta có thể vượt qua bằng sức mạnh của lý luận mọi trở ngại và phản biện [534c]; cậu sẽ nói về người này: rằng anh ta không biết điều thiện cũng như bất kỳ điều tốt nào khác từ bản chất; rằng nếu anh ta nắm bắt được một bóng ma nào đó của cái Thiện, thì đấy chỉ là một ngoại hiện sản phẩm của ý kiến chứ không phải của khoa học; rằng cuộc đời anh ta trôi qua như lịm sâu trong một giấc ngủ đầy mộng mị phù phiếm để rồi có lẽ sẽ không bao giờ tỉnh thức ở thế giới này, [534d] trước khi bước sang cõi tĩnh lặng bên kia trong một giấc ngủ mãi mãi?

GLAUKŌN: Vâng, đúng là tôi phải nói tất cả những điều như thế.

SŌKRATĒS: Nhưng nếu một ngày nào đó, cậu phải đào tạo học viên cho Nhà nước lý tưởng này, đào tạo thực sự chứ không phải chỉ là nói suông bằng lời nữa, hẳn cậu sẽ không đưa họ lên đứng đầu Nhà nước, sẽ không trao cho họ quyền lực lớn, nếu họ không có năng lực trí tuệ[13] tương ứng với uy quyền trên những vấn đề quan trọng nhất, phải không?

GLAUKŌN: Chắc chắn là không.

SŌKRATĒS: Như vậy, cậu sẽ ban hành một đạo luật buộc họ phải đặc biệt chú trọng vào cái khoa học khiến họ đạt được thứ kỹ năng hỏi - đáp [534e] uyên bác nhất có thể này chứ?

GLAUKŌN: Vâng, chúng ta sẽ cùng ban nghị quyết như vậy.

SŌKRATĒS: Nghĩa là cậu cũng đồng ý rằng khoa biện chứng là cái vòm, cái đỉnh của các khoa học khác — có thể nói như vậy, rằng không còn khoa học nào có thể được thêm vào bên trên nó nữa, rằng chúng ta đã đi tới hồi kết của quá trình nghiên cứu về các khoa học cần phải đưa vào chương trình.

GLAUKŌN: [535a] Rõ ràng.

[...]

SŌKRATĒS : Vậy, để cậu khỏi phải than phiền về những học viên được tuyển chọn trong số công dân nay đã đến tuổi ba mươi[14], ta phải lấy mọi thận trọng trước khi để họ tiếp xúc với khoa biện chứng chứ.

GLAUKŌN : Nhất định.

SŌKRATĒS : Thật ra, ngăn cản họ tiếp thu lý luận biện chứng sớm hơn đã là một thận trọng rồi, đúng không? [539b] Bởi hẳn như cậu cũng đã nhận thấy đấy, khi mới học suy luận biện chứng, bọn trẻ thường lạm dụng nó như một trò chơi. Chúng luôn mồm tranh cãi, rồi bắt chước những người đã phản biện khiến chúng phải luýnh quýnh, cũng tìm cách làm cho kẻ khác bối rối bằng đủ trò bắt bẻ của mình[15], giống như bầy cún con hay thích thú ngoạm, cắn, kéo ống quần của bất cứ ai lại gần chúng.

GLAUKŌN : Ông tả những thói tật của bon trẻ đúng đấy. Chúng chẳng thích chi hơn cái trò ấy.

SŌKRATĒS : Rồi sau bao cuộc tranh luận, bao lượt thắng bại, chúng mau chóng và chán chường rơi xuống thứ cảnh ngộ [539c] không còn tin vào những gì trước đây chúng tin tưởng nữa. Và qua đó, chúng cũng tạo cho người đời cơ hội và thói quen nhạo báng, gièm pha triết học, và tất cả những gì liên quan.

GLAUKŌN : Quả đúng như thế.

SŌKRATĒS : Chỉ đến một lớp tuổi chín chắn hơn, may ra chúng mới chấm dứt được thói xấu này. Khi không còn thấy hứng thú phản bác kẻ khác để đùa nghịch nữa, chúng mới có thể bắt chước những người thực hành lý luận biện chứng một cách đứng đắn nhằm theo đuổi chân lý. Chỉ như vậy triết học mới hết bị gièm pha, và cùng với các triết gia, [539d] khôi phục lại được cái phẩm cách vốn có của mình.

GLAUKŌN : Thế thì còn gì bằng!

SŌKRATĒS : Chính trong cùng một tinh thần thận trọng như vậy mà trước đây chúng ta đã chủ trương chỉ nên nhận đào tạo về suy luận biện chứng cho những trí tuệ nghiêm túc và vững chãi, chứ không phải cho bất cứ kẻ không có tâm thế nào về nó cả, như hiện nay.

GLAUKŌN: Phải như vậy thôi.

Platōn
The Republic [539a-539e]
La République [539a-539e]


[1] Việc dịch dialektikē sang tiếng Việt trên trang mạng này là khá uyển chuyển, dựa trên ngữ cảnh. Thứ nhất, dialektikē là một hình thức đối thoại, một tiến trình đặt câu hỏi và tìm giải đáp như ở dialektikos, do đó nhiều khi chúng tôi dịch là đối thoại biện chứng, hầu làm sáng tỏ sự khác biệt về mục đích của dialektikē là nỗ lực truy tìm đến tận bản chất của sự vật, là sự truy tìm chân lý. Thứ hai, dialektikē là một cách lý luận, một phương pháp suy luận, do đó chúng tôi cũng dịch là suy luận biện chứng hay phương pháp biện chứng (biện chứng pháp) trong một số trường hợp. Cuối cùng, do trong sơ đồ các môn học dành cho tầng lớp giám hộ của Platōn, dialektikē là môn học kết thúc và tột đỉnh, nên cũng có khi chúng tôi dịch là khoa học biện chứng thực chất là triết học.

[2] Xem trên cùng trang mục này, khi có thể tham khảo : Aristotelēs, Hai Thứ Suy Luận Biện Chứng.

[3] Ở đây, Sōkratēs và Phaidros đang bàn về tình yêu như một sự điên cuồng (unreason, madness = délire). Về hai loại hình cuồng loạn, cái thứ nhất là do sự yếu đuối của con người tạo ra, cái thứ hai là do Thần linh xui khiến con người thoát ra khỏi gánh nặng của quy ước và tập quán xã hội; thứ do thần linh xui khiến lại có thể được gán cho 4 vị Thần khác nhau là: Apollōn (prophetic, prophétique, tình yêu tiền định hoặc nghiệp chướng), Dionysos (initiatory, initié, tình yêu đầu đời), các nàng Mousai (poetic, poétique, tình yêu lãng mạn), Aphroditē và Eros (erotic, érotique, tình yêu nhục dục).

[4] Các môn học được liệt kê trước khoa biện chứng, và do đó, còn được gọi là các khoa học dự bị, là: 1) số học, 2) hình học phẳng, 3) hình học không gian hay hình học khối tích (stereometry, stéréométrie), 4) khoa học về chuyển động (thiên văn và hoà âm học). Xem trên trang mục này khi có thể tham khảo: Platōn, Sơ Đồ Quy Trình Giáo Dục Cho Tầng Lớp Giám Hộ. Như vậy, các khoa học được xếp theo một thứ tự mà độ phức tạp sẽ mỗi lúc một cao dần lên, thể hiện quan điểm về tính đơn nhất hữu cơ của các bộ môn thuộc tư duy (dianoia). Về dianoia, xem thêm chú thích thứ 9 bên dưới.

[5] Dialektikos, sn dialektikoi. Do ở đây Platōn chưa định nghĩa dialektikē, ta có thể hiểu dialektikoi chỉ những người xuất sắc trong nghệ thuật đối thoại, biết lập luận với những luận cứ hợp lý. Đối thoại biện chứng thực sự sẽ được định nghĩa bởi cứu cánh truy tìm bản chất sự vật, truy tìm chân lý của nó, và các nhà biện chứng chân chính sẽ là các triết gia, trong khi các chuyên gia đối thoại (và phần lớn các nhà khoa học) chỉ là những người thành thạo trong việc đặt câu hỏi và tìm ra câu trả lời. Tương quan giữa nghệ thuật vấn đáp và phương pháp biện chứng là cái đầu phải được hiểu như một hình thức thực tập cho cái sau, qua đó lý trí có khả năng, một cách thuần tuý trí thức, vươn tới sự nắm bắt những hình thái khả tri hay loại hữu thể tự thân.

[6] Xem trên trang mục Huyền Thoại, khi có thể tham khảo: Platōn, Huyền Thoại Những Người Sống Trong Hang Tối.

[7] Hành lang thoát ly từ hang tối ra với ánh sáng Mặt Trời cũng chính là con đường thực tập để tiến tới giai đoạn chót là khoa biện chứng, cái môn học nhắm trực tiếp đến đối tượng khả tri, thứ ánh sáng chân thực bên ngoài thế giới của hang tối.

[8] Ở Platōn, do thế giới tự nhiên là linh thiêng bởi sự tham dự của nó vào thế giới của các Hình thức và Thần linh, nên một mặt, sự phản chiếu của Mặt Trời và ánh sáng của nó trên mặt nước trong thế giới tự nhiên cũng được xem là linh thiêng, và mặt khác, không cái gì trong thế giới của những vật ảo hay cái giả có thể đạt tới sự linh thiêng của thế giới tự nhiên cả.

[9] Về 3 phân loại kỹ thuật liệt kê ở đây: nhóm kỹ thuật tiêu khiển, nhóm kỹ thuật sản xuất và chế biến, nhóm kỹ thuật chăm sóc, có thể xem thêm ở các tác phẩm khác, như:  Gorgias, 463b, 501a; Stateman, 261-275e; Sophist, 222e.

[10] Nếu đối tượng của mỗi kỹ thuật là một lĩnh vực trong thế giới cảm quan, và của mỗi khoa học là một lĩnh vực trong thế giới khả tri, thì ở đây (533a-533e) Platōn còn cho thấy một sự bất phân tương đối, khi ông phê phán hình học và các ngành đi kèm trên 2 điểm: còn để cho giác quan can thiệp vào quá trình chứng minh («còn nhìn thực hữu trong cái vòng của dữ liệu vật chất» = còn minh hoạ các thực thể khả tri bằng các hình vẽ; còn đặt ra những «giả thuyết sử dụng không phê phán vì không thể lý giải được» = những định đề không thể tự biện minh). Vì vậy, có thể nói chung rằng các khoa học dự bị chỉ đặt những hữu thể khả tri là hiện thực tự thân như giả thuyết, chứ không tìm đến bản chất nội tại của chúng; chỉ có khoa biện chứng mới quan tâm xác định bản chất nội tại của mỗi thực thể bằng cách giải phóng nó hoàn toàn khỏi thế giới cảm tính.

[11] Phương pháp biện chứng không rút những hiểu biết của nó về đối tượng ra từ các giả thuyết hoặc định đề, mà từ bản chất của đối tượng, thông qua sự nắm bắt điều cá biệt khiến cho một sự vật là như thế, cái phân biệt nó trong vô số sự vật như nó vốn luôn luôn là như thế, cái là câu trả lởi cho câu hỏi «đối tượng x ở đây là cái gì»? Sōkratēs và Platōn gọi nó là định nghĩa bản chất, một định nghĩa đạt được thông qua sự nhận biết cái Hình thức khả tri mà đối tượng của cuộc điều tra tham dự vào. Như vậy, biện chứng pháp thay giả thuyết bằng các luận điểm (thesis), sự nhận biết bản chất đối tượng được xúc tiến thông qua những thử thách suy luận mỗi lúc một sâu sát hơn vào cái Hình thức khả tri (Ý thể) của nó.

[12] Trong triết học Hy Lạp cổ đại, dianoia có nghĩa là «tư duy» hoặc « suy nghĩ» thường được hiểu là khả năng tư duy, suy luận, liên quan tới việc sử dụng lý luận và cách lập luận. Trong triết học của Platōn, dianoia thuộc cấp độ nhận thức thứ hai, sau nhận thức bằng trực giác (noesis), và trước khi đi lên thế giới của các ý tưởng (Ý thể); nó liên quan đến việc sử dụng những giả định và hình ảnh để đi tới hiểu biết.

[13] Trong các bản gốc: «thiếu lý tính như các đại lượng vô tỷ». Sự so sánh này cho thấy sự hiện hữu của đại lượng vô tỷ biểu thị bằng các đường vô tỷ (alogoi grammai) trong hình học (đường chéo của hai cạnh một hình vuông: nếu mỗi cạnh là 1, thì nó là căn bậc 2 của 2 chẳng hạn là một phát hiện được biết tới rộng khắp, và từng gây nhiều bối rối trong các giới học thuật ở Hy Lạp đương thời.

[14]Platōn, mức tuổi được cho là vừa đủ chín chắn để được đào tạo về khoa biện chứng.

[15] Bản thân Sōkratēs cũng đã từng nói về tình trạng này trong phiên toà xử Ông năm 399 tCn. Xem: Platon, Sōkratēs Tự Biện Hộ, (phần I). Bản dịch, Tiểu dẫn và Chú thích của Nguyễn Văn Khoa. Hà Nội, Nxb Tri Thức, 2006.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa