NĂM VẤN ĐỀ SIÊU HÌNH HỌC TRUYỀN THỐNG (A. CRESSON, 1935)

Đưa lên mạng ngày 15-08-2022
Từ khóa : 
Siêu hình học

C1

NĂM VẤN ĐỀ
SIÊU HÌNH HỌC TRUYỀN THỐNG
(1929)

Tác giả: André Cresson[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa 

*

Con người đặt ra một loạt các vấn đề siêu hình. Chúng vừa phụ thuộc vào nhau, vừa khác biệt với nhau.

Vấn đề đầu tiên tới trực tiếp từ sự suy tưởng về các nguyên nhân thực hiệu. Tôi tồn tại, sự tồn tại này đến từ đâu? Có một vũ trụ; nó từ đâu tới? Có hữu thể, nó đến từ đâu? Cuối cùng, vì sao mà  có một cái gì đó thay vì không có chi hết? Vì sao mà cái gì đó lại là cái này chứ không phải là cái chi khác? Một vấn đề gây hoảng sợ, chỉ một câu hỏi đơn giản đủ làm nảy sinh chứng chóng mặt — một sự choáng váng về mặt tinh thần cũng đáng lo ngại như sự chao đảo của thân thể.

Vấn đề thứ hai cũng thuộc một trình tự tương tự, bởi nó luôn luôn là một câu hỏi về nguyên do, chỉ hơi khác một chút. Chúng ta làm ra đủ thứ vật thể: bàn ghế, quần áo, nhà cửa. Mỗi đối tượng này, ta dành cho nó một mục đích nhất định; vì vậy, ta mới kết hợp chúng theo một cách nào đấy. Nhưng từ sự kiện này nảy sinh nơi  ta một tâm thế tự nhiên: ngay khi nhìn thấy đâu đó một cái gì bề ngoài hiện ra như có tổ chức, ta nghi ngờ có một mục đích đằng sau, và truy tìm xem nó là gì. Đấy chính xác là điều đang xảy ra với vũ trụ. Một mặt, ở trạng thái cân bằng chung của nó, vũ trụ biểu lộ một trật tự lớn; mặt khác, các loài thực vật và động vật sống trong đó có những cơ quan và bản năng dường như được kết hợp với nhau có chủ đích, nhằm hướng chúng tới một lối sống được xác định trước rõ ràng. Từ đó, vấn đề thứ hai: vũ trụ có cứu cánh chăng? Mỗi thành phần của nó có một mục đích nào chăng? Nếu chúng có, thì đấy là gì?

Vấn đề thứ ba. Khi say ngủ, chúng ta có những chiêm bao, ác mộng; khi chưa tỉnh táo, những ảo giác. Chừng nào chúng còn tồn tại, ta còn xem những sự vật và cảnh tượng được thể hiện trong đó như hiện thực khách quan. Khi chúng chấm dứt, ta thường thấy rằng những sự vật và cảnh tượng này chỉ là các bóng ma chủ quan, những ảo ảnh, hình dạng. Vậy mà, giữa những gì chúng ta tưởng tượng trong các trường hợp như trên, và những gì chúng ta hình dung trong trạng thái tỉnh thức và khỏe mạnh, có những điểm giống nhau như đập vào mắt. Từ sự thể ấy, câu hỏi mới và không thể tránh khỏi này: liệu mọi thứ trong sự thể hiện của chúng ta về những sự vật có vẻ như bao quanh ta là có thực không? Phải chăng một phần huyển hoặc và mộng mị ít nhiều to rộng nào đấy đã đặt chân vào đó? Phân tích đến cùng, vấn đề tự phân giải thành hai cái khác: có chăng một hiện thực? Nếu có, bản chất thâm sâu của nó là gì?

Nhưng đã hết đâu. Chúng ta sống, rồi chúng ta chết. Mọi thứ ta thấy đang sống — thực vật và động vật — cũng đều chết như chính chúng ta. Vậy thì phải chăng cái chết là quy luật chung cho tất cả những gì tồn tại? Hơn nữa, thế nào là chết đối với những người đã chết? Họ có bị giải thể vĩnh viễn không? Hoặc ngược lại, họ tiếp tục một cuộc sống vô hình và ẩn khuất? Trong giả thuyết này, họ đi đâu, trở thành cái gì, phải chịu đựng những gì?

Và đây là vấn đề thứ năm, được đặt lên trên những vấn đề khác và thống trị tất cả. Liệu trí tuệ của con người chúng ta, với cách tổ chức của nó, có khả năng giải quyết những câu hỏi nhức nhối đã đặt ra cho sự suy nghĩ của hắn chăng? Phải chăng hắn đã sai lầm khi nêu chúng ra, để đến nỗi khi thảo luận về chúng, hắn chỉ vật vã trong hư vô, trước những vấn đề giả? Và, nếu cứ cho là hắn đã đúng khi đặt chúng ra, thì liệu hắn sẽ tránh được bó buộc phải cảm thấy xốn xang, bất mãn trước những vấn đề không thể giải quyết được bởi chính cấu trúc của trí tuệ mình chăng?

Nguyên nhân thực hiệu đầu tiên, nguyên nhân mục đích cuối cùng, bản chất thâm sâu của hữu thể tuyệt đối, số phận đang chờ đợi cả vũ trụ và mỗi cá nhân, năng lực của trí tuệ con người và giá trị của các phương pháp hầu giải quyết tất cả những câu hỏi này (đây được gọi là vấn đề phê phán), đấy là năm chủ đề cốt yếu của siêu hình học truyền thống. Và chính bởi vì con người đã tự đặt chúng ra mà hắn đã trở thành một triết gia và, cũng chắc chắn không kém, đã trở thành nhà bác học; vì chính là từ nghiên cứu triết học mà các vấn đề và phương pháp của khoa học thực chứng đã lần lượt ra đời trong suốt quá trình lịch sử.

André Cresson,
Các Hệ Thống Triết Học
(Les systèmes philosophiques,
Paris, A. Colin, 1935, tr. 7-10)


[1] André Cresson (1869-1950), triết gia Pháp. Tác phẩm chính: La morale de la raison théorique (1903),  Le malaise de la pensée philosophique (1905);  Les bases de la philosophie naturaliste (1907); L'espèce et son serviteur (1913); L'invérifiable (1920); Les réactions intellectuelles élémentaires (1922); La position actuelle des problèmes philosophiques (1924); Les courants de la pensée philosophique française (2 q., 1927); Les systèmes philosophiques (1929); Le problème moral et les philosophes (1933); La réprésentation (1936); La philosophie française (1944);  La philosophie antique (1947); Le mécanisme de l'esprit (1950).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa