Cập nhật ngày 5-6-2018 |
Triết học – Đối tượng và mục đích |
SÔKRATÊS
TRONG MẮT
TRƯỜNG PHÁI WIEN
Tác giả: Moritz Schlick*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
Tên của trường phái Wien[1] được gắn liền với chủ nghĩa thực chứng lô-gic (logical positivism) hay chủ nghĩa kinh nghiệm lô-gic (logical empiricism) và giấc mơ một khoa học thống nhất (unified science).
Điều này không ngăn cản các triết gia tập hợp trong câu lạc bộ hay triết phái Wien phân biệt rằng, trong khi các vấn đề khoa học và lô-gic học liên quan đến cái đúng hay cái sai hình thức của những mệnh đề, thì các vấn đề triết học liên quan đến sự có nghĩa hay vô nghĩa của chúng.
Do đó, đối với Moritz Schlick, Sôkratês xuất hiện như người cha đẻ thực sự của triết học, vì chính Ông đã nhấn mạnh trên tầm quan trọng của các mệnh đề và đặc biệt là các phán đoán đạo đức, với loại câu hỏi «x là gì?» và sự đòi hỏi những định nghĩa bản chất[2].
*
Người cha đẻ thực sự của nền triết học của chúng ta [Triết học Tây phương] không phải là nhà bác học, cũng chẳng phải là nhà lô-gic học, không phải là [Auguste] Comte* hay [Gottlob] Frege*, cũng chẳng phải là [Henri] Poincaré* hay [Bertrand] Russell*, bởi các vị này chỉ là những móc cuối của một chuỗi xích dài, mà chính là Sôkratês. Ông là người đầu tiên dạy các môn đệ của mình nghệ thuật đặt ra những câu hỏi đúng đắn (...)
Sôkratês là triết gia thực sự đầu tiên. Ông không phải là nhà tự nhiên học như những người Ionia[3] cổ đại. Ông không phải là «học giả và nhà báo» như các du sư biện sĩ[4], theo cách diễn đạt của T.-H. Gomperz; Ông không phải là nhà siêu hình như các tư tưởng gia ở Elea[5]; Ông không có khuynh hướng thần bí như Pythagoras và các môn đồ. Nhưng ông là người nghiên cứu về ý nghĩa của các mệnh đề, và đặc biệt là của những câu chữ qua đó con người đánh giá hành vi đạo đức người này của người kia. Ông nhận thức được rằng, trên thực tế, chính loại mệnh đề quan trọng nhất cho cách hành xử trong cuộc sống hàng ngày này lại chính là những câu chữ ít chắc chắn và khó xác định nhất, và lý do của những khó khăn ấy xuất phát từ sự kiện người đời đã không cho các mệnh đề đạo đức một ý nghĩa nhất quán và rõ ràng nào. Và cũng trên thực tế, cả ngày nay nữa tình hình vẫn còn như vậy, ngoại trừ ý nghĩa của những câu chữ liên tục được xác nhận hoặc bị bác bỏ bởi kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta – ví dụ, loại câu chữ liên quan đến đồ dùng, thực phẩm, nhu yếu phẩm và các tiện nghi của cuộc sống con người. Trái lại, tình trạng hỗn loạn vẫn ngự trị trên những vấn đề thuộc trình tự luân lý, ngày nay cũng chẳng khác mấy với thời xa xưa của Sôkratês. Chỉ một cái nhìn đơn giản về tình trạng hiện nay của nhân loại cũng đủ để xác nhận điều này; và một cái nhìn đơn giản khác về môn siêu hình học hiện đại cũng đủ cho ta thấy ngay rằng, còn có rất nhiều mệnh đề chưa được nhiều người hiểu nên khó lòng tạo nên đồng thuận hay nhất trí ngay trong lòng hoặc ít nữa là chung quanh các ngành khoa học. Hầu hết những thành viên của câu lạc bộ Wien đều ưu tiên hoặc chuyên trị giải quyết những phát biểu thuộc loại này, nghĩa là loại mệnh đề khoa học, bao gồm cả những mệnh đề toán học và khoa học chính xác, được sử dụng như mẫu mực cho mọi ngành khoa học khác. Từ đó mà thường có lời phê bình nhắm vào họ, cho rằng câu lạc bộ Wien chỉ lo nghiên cứu độc các môn học này, và hoàn toàn không có hiểu biết gì về các vấn đề liên quan đến các khoa học của tinh thần và của sự sống, cũng như về các vấn đề giá trị nói chung. Người ta đặc biệt chỉ trích cái ưu thế chúng tôi dành cho toán lô-gic[6]. Chúng tôi bị phê bình là muốn giải quyết mọi vấn đề bằng chỉ một phương pháp duy nhất đã được quan niệm trước, là muốn đổ tất cả chảy vào một cái khuôn toán học không thích hợp. Nhưng trước hết, khẳng định rằng toán lô-gic đồng nhất với toán học là không chính xác: đúng hơn phải nói rằng toán học là toán lô-gic, bởi vì tương quan giữa toán học với lô-gic học là giữa phân loài với loài. Hơn nữa, lô-gic không phải là một phương pháp, mà là một ngôn ngữ. Và nhất trí với Leibniz, chúng tôi tin rằng việc sử dụng thứ ngôn ngữ này, ở bất cứ nơi nào nó có thể được áp dụng, là cực kỳ hữu ích. Phê phán chúng tôi về điều này cũng vô lý và bất công như buộc tội Platôn đã viết các bản đối thoại của ông bằng tiếng Hy Lạp.
Thật ra, trường phái Wien xử lý các vấn đề giá trị và luân lý với cùng một phong cách triết học như ở Sôkratês. Chúng tôi cho rằng xây dựng luân lý đạo đức là một nhiệm vụ triết học, và chúng tôi cũng biết rằng việc làm rõ các khái niệm luân lý là vô cùng quan trọng cho con người, hơn mọi vấn đề lý thuyết nào khác.
Moritz Schlick,
Travaux du IXe Congrès international de philosophie
(Congrès Descartes), q. IV,
Paris, Hermann et Cie, 1937, tr. 105-106
Actualités scientifiques et industrielles, n0 533.
[1] Câu lạc bộ Wien (Đ: Wiener Kreis, A: Vienna Circle, P: Cercle de Vienne) là một nhóm triết gia và nhà khoa học, tuy xuất thân từ nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, nhưng cùng chia sẻ một giấc mơ là sự thống nhất các khoa học trên cơ sở của một phương pháp khoa học được xác định đúng đắn, và trong mục đích này, đã thường xuyên tập hợp để tranh luận tại Đại học Wien, từ năm 1924 đến năm 1936, dưới sự chủ trì của Moritz Schlick là giáo sư tại đây. Vì mục đích này và sự gần gũi của các thành viên, Câu lạc bộ còn được xem như một triết phái. NVK
[2] Xem thêm, ngay tại trang mục này: Platôn, Định nghĩa bản chất.
[3] Các triết gia «trước Sôkratês» ở vùng Ionia (Ionians). Những người thường được nhắc đến là Anaxagoras ở Klazomenai, và ba triết gia thành Milêtos là Thalês, Anaximandros và Anaximênês. NVK
[4] Sophistes. Thường được dịch sang tiếng Việt là các nhà «ngụy biện». Để tránh một sự đánh giá ngầm không mấy trong sáng, ở đây chúng tôi dịch và gọi họ là các du sư biện sĩ hay du giáo biện sĩ, bởi vì họ là những nhà giáo chuyên nghiệp đầu tiên, từng đi khắp Hy Lạp để dạy thuật biện luận. NVK
Câu trích dẫn Theodor Gomperz của Moritz Schlick (có thể làm nhiều người ngỡ ngàng!) dựa trên phát biểu này của Gomperz: «Tiêu chuẩn thành đạt của họ phần lớn gần mức bách khoa toàn thư, và họ giống các nhà văn nhà báo ngày nay ở điểm luôn luôn sẵn sàng lăn xả vào các cuộc chiến lời lẽ. Nửa giáo sư, nửa nhà báo – đây là công thức tốt nhất mà chúng tôi có thể nghĩ ra để mô tả đặc tính của các nhà du giáo biện sĩ của thế kỷ thứ V tCn này = Their standard of attainments for the most part was well-nigh encyclopaedic, and they resembled the journalists and men of letters today in their constant readiness for the war of words. Half professor and and half journalist – this is the best formula that we can devise to characterize the sophist of the Vth century BC» (Theodor Gomperz, The Greek Thinkers, London, J. Murray, q. I, tr. 414). NVK
[5] Các triết gia «trước Sôkratês» ở thành Elea. Những người tiêu biểu nhất là Xenophanês, Parmenidês, Zênôn, Melissos xứ Samos. NVK
[6] Từ logistique ở đây chỉ «toán lô-gic» (những quy tắc toán của lô-gic hình thức), bộ phận có thể tự động hóa được của lô-gic học hình thức. NVK