PHÊ PHÁN LIÊN TỤC LUẬN VỀ TIẾN BỘ KHOA HỌC (G. BACHELARD, 1938)
Đưa lên mạng ngày 15-11-2021
Từ khoá : Khoa học – Lịch sử – Phương pháp ;
Liên tục luận – Lịch sử khoa học ;
Bachelard, Gaston – Trích đoạn
C2

PHÊ PHÁN LIÊN TỤC LUẬN
VỀ
TIẾN BỘ KHOA HỌC
(1953)

Tác giả: Gaston Bachelard*
 Người dịch: Nguyễn Văn Khoa 

*

Để bạn đọc dễ theo dõi trích đoạn, chúng tôi đã thêm vào bản dịch dưới đây một số tiểu tựa không có trong nguyên bản.

* 

1 – Một sự «siêu hiện*» tiệm tiến hay những bùng nổ?

Một trong những phản đối tự nhiên nhất của những người theo liên tục luận trong văn hoá là gợi lên tính liên tục của lịch sử. Vì ta viết ra một ký sự liên tục về những biến cố, thật dễ dàng tin rằng chúng ta đang sống lại những sự kiện ấy trong sự liên tục của thời gian, nên ta gán cho toàn bộ lịch sử tính thống nhất và liên tục của một quyển sách mà không tự ý thức được. Lúc đó, ta làm lu mờ những tương quan qua lại bởi trọng lượng quá tải của loại biến cố nhỏ, vặt. Do đó, đối với các vấn đề nhận thức khoa học mà chúng ta quan tâm, ta không hưởng lợi được từ tính nhạy bén biện chứng cùng cực vốn là đặc trưng của lịch sử khoa học.

Sau đó, những người theo liên tục luận thích suy ngẫm về nguồn gốc, họ sống trong vùng nguyên sơ của khoa học. Tiến bộ khoa học lúc đầu là chậm, rất chậm. Càng chậm, chúng càng có vẻ liên tục. Và khi khoa học chậm chạp xuất hiện dần từ khối hiểu biết phổ thông, họ tự tin đã có được sự chắc chắn vĩnh viễn, về bước liên tục từ kiến thức thông thường sang tri thức khoa học. Nói tóm lại, đây là tiên đề của thứ triết lý khoa học mà các nhà liên tục luận đặt ra: vì sự khởi đầu là chậm, sự tiến bộ là liên tục. Triết gia khoa học không đi xa hơn. Ông tin rằng sống trong thời đại mới là vô ích – cái thời đại mà tiến bộ khoa học bùng nổ từ mọi phía, khiến cho triết lý khoa học truyền thống nhất thiết phải «nổ tung».

Để khái niệm «nổ tung» này có sự chính danh, đây là một số quy chiếu về các tài liệu tham khảo và sự kiện.

Đề cập tới 600 đồng vị (isotopes, hoá học) được con người phát hiện hoặc tạo ra trong một thập kỷ, Riezler nhìn thấy ở đấy, chính xác, một cuộc bùng nổ cách mạng (eine stürmische Entwicklung)1...

Một khám phá như của Joliot-Curie2 – khám phá mà Jean Thibault [Thibaud?]3 đã chỉ ra tầm quan trọng một cách rất vắn tắt – đã làm cho cả một lĩnh vực khoa học vật chất đảo lộn, qua hai dòng đơn giản được nêu lên dưới đây, chỉ trong vài tuần:

Tại Hội nghị chuyên đề về «Trao đổi đồng vị và cấu trúc phân tử (Echanges isotopiques et structures moléculaires)» diễn ra tại Paris năm 1948, Hevesy4 cho biết: «Sự khám phá ra hiện tượng phóng xạ nhân tạo xuất hiện như một phép lạ đối với những người từng trải qua kinh nghiệm phát triển của phóng xạ từ khi nó ra đời» (tr. 107). Vâng, tại sao nhà khoa học gắn bó mật thiết với sự tiến bộ của khoa học lại không có quyền dùng một từ, rất đặc biệt như vậy – phép lạ – trong miệng ông, để nói lên ấn tượng của mình?

Về sự phát hiện ra hiện tượng phóng xạ nhân tạo này, Pollard và Davidson cũng nhấn mạnh trên sự phát triển đáng kinh ngạc (the astonishing development) của trường tri thức nhân loại. Họ nói5:  từ 1933 đến 1945 (năm xuất bản quyển sách của họ), số lượng nguyên tố-vô tuyến (radio-éléments) nhân tạo đã tăng từ 3 lên 300. Tất nhiên, sự tăng trưởng bất thường này của bản thể luận duy vật không thể được thẩm định đúng giá trị của nó từ bên ngoài. Thế nên nhà triết học không ngạc nhiên gì về sự phát triển đáng kinh ngạc này. Ông ta đọc đi đọc lại những nhận định tổng quát lên án kỹ thuật. Ông chẳng chú ý chút nào tới tính chất rõ ràng là vô vị lợi của một số nghiên cứu kỹ thuật, ông không nhìn ra vẻ đẹp trí tuệ của nó, ông còn xa lạ với sự hài hòa hiện thân nơi những hữu thể đa tạp được sắp xếp gọn gàng này. Như vậy là ông đã phi nhân hóa một nỗ lực tuyệt vời của trí tuệ con người, vốn là cái nỗ lực của thành quốc khoa học trước một thế giới sẽ được tạo dựng trong một sự mới lạ phi thường.

Vào tháng 5 năm 1948 (tháng bây giờ đã có một hiện thực trong thư mục khoa học), khi viết lời tựa cho quyển Phóng Xạ Nhân Tạo (Artificial Radioactivity) xuất bản ở Cambridge năm 1949, P. B. Moon đã xin lỗi vì không thể đưa ra danh sách đầy đủ các cơ thể mang phóng xạ nhân tạo. Ông viết thêm: «Đề tài đang phát triển quá nhanh, tới mức là các danh sách như vậy sẽ mau chóng trở thành không đầy đủ»6. Khoa học về vật chất đang phát triển mau đến mức là ta không còn có thể làm một bản tổng kê về nó. Nhìn hàng loạt khám phá như vậy, làm sao có thể không trông thấy rằng bất kỳ một tuyến phát triển liên tục nào cũng luôn luôn là một đường tô vẽ quá đậm, một sự bỏ qua tính đặc trưng của những chi tiết?

Hơn nữa, còn phải hỏi chính các nhà khoa học xem họ nhận thức những điểm không liên tục trong khoa học đương đại như thế nào chứ. Họ sẽ chỉ ra những điểm gián đoạn này với tất cả độ chính xác mong muốn. Trong lời tựa của quyển Liên Kết Hóa Học (La liaison chimique, hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS) Pháp tổ chức, tháng 4 năm 1948, xuất bản năm 1950), khi nhắc lại báo cáo cơ bản của Heitler và London7 về phân tử hydro xuất bản năm 1927, Edmond Bauer8 viết: «Báo cáo này đánh dấu một sự gián đoạn thực sự trong lịch sử khoa hóa học. Từ bấy đến nay, những tiến bộ đã xảy ra nhanh chóng»

Trong các khoảnh khắc đổi mới này, khám phá trên có nhiều hệ quả to lớn, tới mức là sự không liên tục của tri thức trở thành điều hiển nhiên. Phân tử hydro không còn là một chi tiết đơn giản của duy vật luận, một đối tượng nghiên cứu như bất kỳ đối tượng nào khác. Từ bản báo cáo của Heitler và London, phân tử hydro là một chủ đề nghiên cứu cơ bản, nguyên do của một cuộc cải tổ tri thức triệt để, một khởi điểm mới cho triết lý hóa học. Thế nhưng, luôn luôn như thế, triết gia vẫn không bước vào vùng của những gián đoạn thực hiệu, vẫn lặng lẽ khẳng định tính liên tục của tri thức.

2 - Luận điệu «ảnh hưởng»

Cách thứ hai để xoá nhoà sự gián đoạn trong tiến bộ khoa học là gán nó cho công lao của số đông những người làm khoa học vô danh. Người ta thích nói rằng các bước tiến đã bàng bạc «trong không gian» khi nhà bác học thiên tài đưa chúng ra ánh sáng. Đấy là lúc phải tính tới các «không khí» khoa học, tới những «ảnh hưởng». Càng ở xa sự kiện, người ta càng dễ gợi ra những «ảnh hưởng». Ảnh hưởng không ngừng được khơi gợi cho những nguồn gốc xa xưa nhất, băng qua các lục địa và vượt qua nhiều thế kỷ. Thế nhưng cái ý niệm ảnh hưởng, quá thân thiết với não trạng triết học này, lại chẳng có mấy ý nghĩa trong công việc truyền tải những chân lý và khám phá trong khoa học đương đại. Chắc chắn là những người làm khoa học tập hợp lại với nhau, chắc chắn là họ hợp tác trong nghiên cứu. Ngày nay họ thành lập cả các nhóm, các trường phái. Nhưng thiên tài của một số phòng thí nghiệm được tạo nên từ cả hai mặt, phê bình và đổi mới. Mặt tự phê của các nhân viên phòng thí nghiệm mâu thuẫn hoàn toàn với ý tưởng «ảnh hưởng» trên nhiều khía cạnh. Từng chút một, tất cả những gì là vô thức và thụ động trong tri thức đều bị khống chế. Rất nhiều tác động qua lại biện chứng xảy ra. Phạm vi những mâu thuẫn có thể xuất hiện ngày càng mở rộng. Ngay khi vừa tiếp cận khu vực có vấn đề, chúng ta thực sự đang trải nghiệm một thời kỳ mang dấu ấn của những khoảnh khắc đặc biệt, của những gián đoạn rõ ràng. Đọc một quyển sách như của Gamov và Critchfield về vật lý hạt nhân9, chúng ta thấy ngay các nhà khoa học đã nhận thức được tới mức nào sự không hoàn hảo của các phương pháp, sự bất đồng về phương pháp của họ. «Thật không ổn chút nào», là cụm từ xuất hiện hầu như ở mỗi đoạn văn. Chưa bao giờ thứ luận thuyết duy lý thử nghiệm (rationalisme essayé), mà các phương pháp mới là hiện thân, lại có vẻ đa dạng hơn, cơ động hơn, được giám sát nhiều hơn. Như vậy, chủ nghĩa duy lý khoa học, cái vốn phải đồng hóa những bước tiến của kinh nghiệm lại hoàn toàn đi ngược chiều với các giáo điều của chủ nghĩa duy lý ngắn gọn. Mô tả tinh thần khoa học như thứ não trạng bị dồn nhốt trong chủ nghĩa giáo điều về một chân lý không thể tranh cãi là nghiên cứu tâm lý học về một bức biếm họa lỗi thời. Kết cấu của lịch sử khoa học đương đại là kết cấu của những tranh luận trong thời gian, ở đấy có bao nhiêu lập luận giao nhau là có bấy nhiêu cơ hội đứt đoạn.

3 - Luận cứ «thông kiến»

Một loại phản biện thứ ba đã được các nhà liên tục luận văn hóa rút ra từ lĩnh vực sư phạm. Thế là, vì tin vào sự liên tục giữa kiến thức thông thường với tri thức khoa học, người ta cố gắng duy trì nó, tự cho là có nghĩa vụ củng cố nó. Người ta muốn đỡ đẻ những phôi thai của hiểu biết khoa học, sao cho chúng được chậm rãi, nhẹ nhàng, thoát ra từ thông kiến. Người ta không thích bạo hành «lẽ thường». Thế nên, trong các phương pháp giảng dạy sơ cấp, người ta như thể vui thích dời lại những giờ khai tâm mạnh bạo, như thể mong muốn duy trì cái truyền thống khoa học sơ đẳng, khoa học dễ hiểu này; coi như mình có nhiệm vụ làm cho học sinh tham gia vào sự bất động của những hiểu biết đầu tiên. Thế nhưng, dù sao cũng sẽ phải phê phán cái văn hóa sơ đẳng ấy mà thôi. Lúc bấy giờ, người ta mới bước vào thời ngự trị của thứ văn hóa khoa học khó khăn.

Và đây là một sự gián đoạn không dễ gì xóa bỏ bằng cách chỉ viện dẫn một luận điệu tương đối đơn giản: từ dễ, hóa học bỗng trở thành khó. Nó đã trở nên khó khăn không chỉ đối với chính chúng ta, không chỉ khó khăn đối với triết gia, mà thực sự là khó khăn tự bản thân nó. Các sử gia khoa học chắc chắn không chấp nhận rằng văn hóa khoa học của thời đại chúng ta được đặc trưng hoá là đặc biệt khó khăn. Họ sẽ phản biện rằng, trong quá trình lịch sử, mọi tiến bộ đều là khó khăn, và các triết gia sẽ nhắc lại rằng trẻ em của ta ngày nay đều học dễ dàng ở trường những gì từng đòi hỏi một nỗ lực phi thường ở những thiên tài đơn độc trong các thời đã qua. Thế nhưng cái luận thuyết tương đối này, hiện thực và hiển nhiên, chỉ làm nổi bật hơn tính tuyệt đối về sự khó khăn của khoa vật lý học và hóa học đương đại, ngay khi chúng ta phải rời khỏi vùng ngự trị của cấp sơ đẳng.

Và đây không phải là một vấn đề năng khiếu. Đối với một số bộ óc, ngay cả những phép toán cơ bản nhất cũng có thể còn là khó khăn. Nhưng liên quan đến hóa học, có vẻ như nó là một môn học về những sự kiện vật chất, chỉ đòi hỏi sự kiên nhẫn lâu dài, và kinh nghiệm chi li, tỉ mỉ. Nó được cho là một khoa học của trí nhớ. Nhưng đấy lại chính xác là cái hoá học không còn như thế nữa.

Các nhà hóa học đều dứt khoát trên vấn đề này. Hồi cuối thế kỷ XIX, R. Lespiau10 còn cho rằng, «vì người sinh viên chỉ gặp trong môn hóa học ’một mớ sự kiện không gắn kết chặt chẽ’, nên anh ta lấy cái câu còn thường được nhắc đi nhắc lại đương thời [1920] này ‘học hoá học chỉ là một vấn đề trí nhớ’ làm tiên đề. Khi rời cấp trung học, anh ta vẫn giữ cái ấn tượng rằng khoa học (?) này chẳng có giá trị giáo dục gì. Tuy nhiên, nếu sau đó anh ta được nghe một nhà nguyên tử luận giảng dạy về hóa học hữu cơ, thì ý kiến của anh sẽ thay đổi. Những sự kiện được móc xích vào nhau, chỉ cần học một vài sự kiện là đủ để biết rất nhiều về chúng». Biểu đạt tuyệt vời về tính dễ hiểu của phép quy nạp đang ngự trị trên một thứ chủ nghĩa kinh nghiệm còn chưa định hình. Thế nhưng những sự kiện khoa học càng được nhân lên, thì chủ nghĩa kinh nghiệm càng suy giảm dần. Trí nhớ về những sự kiện bây giờ phải hàng phục sự am hiểu các quy luật như thế đấy. Và cứ như vậy, cuộc cách mạng nhận thức luận vẫn tiếp tục. Trong hóa học đương đại, phải hiểu mới nhớ được. Hơn nữa, còn  phải hiểu qua những quan điểm tổng hợp ngày càng phức tạp hơn. Hóa học lý thuyết đã được đặt nền. Và nó được xây dựng trong sự kết hợp chặt chẽ với vật lý học lý thuyết. Vào đầu thế kỷ XX của chúng ta, dưới tên gọi là hóa học vật lý, một ngành khoa học với biên giới rõ rệt đã xuất hiện, đặc biệt phong phú về loại thí nghiệm được xác định rõ ràng. Ngày nay, một khoa hoá học lý thuyết-vật lý lý thuyết đã thành hình, và đặt các khoa học hóa lý trên một chủ nghĩa duy lý chung. Biểu trưng cho sự khinh thường hiền lành của các nhà giáo dục đương thời đối với một môn học từng chiếm chỗ trong trí nhớ một cách không cần thiết, cái chấm hỏi mà Lespiau viết ra sau từ «khoa học» (?) ở trên chỉ phản ánh sự bi quan của kẻ dốt nát, sự hoài nghi của thứ triết gia phải quay trở lại thời đi học niên thiếu của mình để thẩm định các giá trị văn hóa.

Đọc một văn bản đương đại, chúng tôi tự hỏi có chăng một thứ thách thức mỉa mai nào đó trong câu kết của lời tựa mà R. Robinson viết cho chuyên luận khó của M. J. S. Dewar11: Lý Thuyết Điện Tử Của Hóa Học Hữu Cơ (The Electronic Theory of Organic Chemistry, Oxford, 1949): «Để kết luận, tôi cầu chúc cho mọi nỗ lực mới đây, nhằm khái quát hoá khoa học của chúng ta vào một trong các khía cạnh quyến rũ nhất của nó, đạt được thành công mỹ mãn. Bởi đã qua rồi cái thời kỳ mà khoa hóa học hữu cơ có thể bị chê như một nỗ lực của trí nhớ, và những sinh viên đặt tin tưởng vào Dewar để ông dẫn dắt họ băng qua cái lĩnh vực mới, vừa chinh phục được này, sẽ sớm hiểu vì sao điều ấy là đúng».

Vì vậy, không thể học hóa học mà không hiểu nó, cũng như không thể trả thuộc lòng các bài học toán mà không bị những vấp váp nho nhỏ chưa bao giờ có thể đánh lừa một người thầy tinh ý nào. Và nếu bạn vẫn tin tưởng vào sức mạnh của trí nhớ, bạn chỉ cần mở một quyển chuyên khoa của Dewar – hay của Pauling12, Eistler (?), hoặc của Bernard và Alberte Pullman13 – để kiểm tra sức mạnh trí nhớ của mình. Thử bước vào cái phần khó của hóa học đi, bạn sẽ nhận ra ngay là mình vừa bước vào một lĩnh vực mới của lý tính.

Khó khăn này của khoa học đương đại là một trở ngại hay một hấp lực của văn hóa? Chúng tôi tin rằng nó chính là điều kiện của tính năng động tâm lý trong công trình nghiên cứu. Điều mà nỗ lực khoa học đặc biệt đòi hỏi là người nghiên cứu phải tự tạo ra những khó khăn cho mình. Cái chính là tạo ra những khó khăn hiện thực, loại bỏ những khó khăn giả tạo, khó khăn tưởng tượng.

Thực ra, xuyên suốt lịch sử khoa học, người ta có thể phát hiện ra một thứ khát khao những vấn đề khó khăn. Niềm tự hào hiểu biết đòi hỏi rằng nỗ lực chiến thắng cái khó phải được xem như một công phu. Nhà giả kim muốn rằng khoa học của mình phải gian khó và quý hiếm. Ông ta muốn cho tri thức của mình vẻ uy nghi đường bệ của sự khó khăn, nên ông phủ lên vấn đề chuyển hóa vật chất đủ thứ trở lực từ vũ trụ, đạo đức, tôn giáo. Vì vậy, về cơ bản, nhà giả kim đã có lối hành xử tự tạo trở ngại. Tóm lại, tri thức giả kim là thuật thực hiện cái tự tạo của gian khó. Và khi phần hiện thực của những thao tác giả kim thất bại, nhà giả kim đã phóng chiếu sự thèm khát cái khó của mình, cái tự tạo của khó khăn, thành một thứ khó khăn tự tại. Ông muốn giải quyết một vấn đề lớn, làm sáng tỏ sự bí ẩn vĩ đại. Tìm ra chiếc chìa khoá của bí ẩn sẽ cho ông ta sự toàn năng trên thế giới.

Khi muốn đưa những suy nghĩ mập mờ này ra ánh sáng, sử gia lại thường vướng vào sức quyến rũ của những cái khó lỗi thời này. Ông còn thêm vào sự gian khó trong đó nhà giả kim đang bối rối một khó khăn khác là, sau bao bước tiến hoá đa dạng của tư duy khoa học, còn quay về cái thời điểm lịch sử khi sự quan tâm nghiên cứu là hoàn toàn khác với của chúng ta. Nhưng tất cả những bóng tối được khó nhọc tái tạo đều biến mất, khi ta đặt những vấn đề cũ – những vấn đề giả – trước một sự khách quan xác định. Chúng ta nhận ngay ra rằng kinh nghiệm giả kim không thể được «dựng lên» trong một phòng thí nghiệm hiện đại mà không tạo ra tức thì cái ấn tượng là chúng ta đang làm một biếm họa vừa về quá khứ, vừa về hiện tại. Nhiều lắm, vài học giả vĩ đại đương thời còn thích đặt, như bức tranh trên trang đầu tác phẩm của họ, cái bản khắc cổ của một quyển sách cũ mô phỏng nhà giả kim trước lò luyện kim của ông ta. Có nên gắn hoài niệm về những bí ẩn cổ xưa này cho cái thứ vô thức vẫn bám theo tinh thần khoa học, như chúng tôi đã chỉ ra ở phần đầu của tiểu luận này chăng? Lúc đó, chúng ta sẽ tìm thấy một đề tài về tính liên tục: đấy sẽ là tính liên tục của những gì không thay đổi, tính liên tục của những gì chống lại sự thay đổi. Nhưng nó không còn là vấn đề khoa học luận mà ta đang xử lý nữa. Trên thực tế, «những khó khăn của thuật giả kim» là một sự lỗi thời thuần tuý, so với những cái khó của chủ nghĩa duy vật hiện đại. Giữa những gian khó của quá khứ và loại khó khăn của hiện tại, có một sự gián đoạn hoàn toàn.

Gaston Bachelard,
Chủ Nghĩa Duy Vật Thuần Lý,
(Le Matérialisme rationnel,
Paris, PUF, 1953, tr. 207-217;


[1] Wolfgang Riezler, Einführung in die Kernphysik, 2e éd., Leipzig, 1942, tr. 132.

[2] Frédéric Joliot-Curie (Jean Frédéric Joliot, 1900-1958), nhà vật lý và hoá học Pháp, giải Nobel về hoá học năm 1935 (cùng với Irène Joliot-Curie, vợ ông). Tác phẩm khoa học: Deux heures de physique (1930); Étude électrochimique des radio-éléments (1930); Sur la projection cathodique des éléments et quelques applications (1931); La projection de noyaux atomiques par un rayonnement très pénétrant (1932); L'électron positif (1934); Radioactivité artificielle (1935); La Constitution de la matière et la Radioactivité artificielle (1937); Œuvres scientifiques complètes de Frédéric et Irène Joliot-Curie (1961). NVK

[3] Jean Thibaud (1901-1960): nhà vật lý học Pháp, chuyên gia về tia X và tính phóng xạ? NVK

[4] George von Hevesy (1885-1966), nhà hoá học Hungary, giải Nobel về hoá học năm 1943. NVK

[5] Ernest Pollard &  William L. Davidson, Applied Nuclear Physics, J. Wiley & sons, 1945. NVK

[6] Philip Burton Moon, Artificial radioactivity, Cambridge University Press, 1949. NVK

[7] Walter Heitler & Fritz London,  «Interaction of Neutral Atoms and Homopolar Bonding according to Quantum Mechanics», 1927. NVK

[8] Henry Edmond Georges Bauer (1880-1963): nhà vật lý học người Pháp. NVK

[9] George Gamow & Charles Louis Critchfield, Theory of atomic nucleus and nuclear energy-sources, The Clarendon press, 1949. NVK

[10] Robert Lespiau, La molécule chimique, Paris, 1920, tr. 2.

[11] Robert Robinson (1886-1975): nhà hoá học hữu cơ người Anh; giải Nobel về hoá học năm 1947. Michael James Steuart Dewar (1918-1997): nhà hoá học lý thuyết người Mỹ. NVK

[12] Linus Carl Pauling (1901-1994): nhà hoá học, hoá sinh học, nhà hoạt động vì hoà bình, nhà giáo dục người Mỹ; giải Nobel hoá học năm 1954, giải Nobel vì hoà bình năm 1962. Tác phẩm chính: Introduction to Quantum Mechanics with Applications to Chemistry (Với E. B. Wilson, 1935); The Nature of the Chemical Bond (1939); General Chemistry (1947, 1953, 1970, 1988). NVK

[13] Alberte Bucher (1920-2011), nhà hoá học lý thuyết và hoá học lượng tử, vợ của Bernard Pullman (1919-1996), nhà hoá học và sinh hoá học lượng tử người Pháp.  Tác phẩm viết chung: Les théories électroniques de la chimie organique (1952); Cancérisation par les substances chimiques et structure moléculaire (1955); Quantum Biochemistry (1963). NVK

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa