MỘT NÒI TRIẾT GIA MỚI (C. C. DUMARSAIS, 1743)

Đưa lên mạng ngày 15-12-2021
Từ khóa: 
Triết gia (Khái niệm) – Thế kỷ 18

C1

MỘT NÒI TRIẾT GIA MỚI
(17
43)

Tác giả: César Chesneau Dumarsais1
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa 

*

Trích đoạn dưới đây là từ mục «Triết Gia» trong bộ Bách Khoa Toàn Thư* của Pháp. Nếu đây là một trong những từ mục nổi tiếng nhất của bộ sách, bởi nó đánh dấu bước ngoặt từ quan điểm Cổ đại và Trung đại sang quan niệm của Thế kỷ Ánh Sáng ở Pháp về triết học, tác giả của bài — César Chesneau Dumarsais (1676-1756) — chỉ được biết tới chủ yếu như nhà ngữ pháp học.

Tuy nhiên, như độc giả sẽ mau chóng nhận thấy, mặc dù còn vướng víu đôi chút với mẫu người «lương thức»2 lý tưởng của thế kỷ XVII, Dumarsais đã trình bày được một cách gọn ghẽ ở đây, cái định nghĩa mang tính chinh phục mà từ triết gia đã tự khoác lấy ở thế kỷ XVIII, do ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học trong thế kỷ trước.

*

Lý trí cũng quan trọng đối với triết gia như ân sủng đối với tín hữu Ki-tô giáo. Ân điển quyết định hành động của người Ki-tô hữu, lý trí quyết định hành động của triết gia...

Triết gia xây dựng các nguyên tắc của hắn trên vô số nhận xét cá biệt. Người đời chấp nhận nguyên tắc mà không suy nghĩ về những nhận xét đã sinh ra nó: họ tin rằng câu phương châm tồn tại tự thân, có thể nói như vậy; nhưng nhà triết học nắm bắt câu phương châm từ đầu nguồn; hắn kiểm tra gốc ngọn, tìm hiểu giá trị riêng của nó, và chỉ sử dụng nó một cách thích hợp với mình.

Từ hiểu biết rằng các nguyên tắc chỉ phát sinh từ những nhận xét cá biệt, triết gia quan niệm lòng trân trọng đối với thứ khoa học về những sự kiện; hắn ta thích học hỏi tận chi tiết, và về những gì không thể phỏng đoán được; như vậy, hắn ta xem sự tự giới hạn bản thân vào suy niệm, và vào niềm tin rằng con người chỉ rút ra chân lý từ nơi thâm sâu của chính mình, như một phương châm hoàn toàn trái ngược với sự tiến bộ của ánh sáng trí tuệ... Với triết gia, chân lý không phải là một người thầy làm hỏng trí tưởng tượng mà hắn tin có thể tìm thấy ở khắp nơi; triết gia tự bằng lòng với cái khả năng tìm ra manh mối của nó nơi nào hắn có thể nhìn thấy. Triết gia không nhầm lẫn chân lý với cái chỉ có vẻ là thật; hắn ta cho cái gì thật là thật, cái gì sai là sai, cái đáng ngờ là đáng ngờ, và cái có vẻ thật là chỉ có vẻ thật. Hắn còn làm được nhiều hơn thế nữa, và đây là một sự hoàn hảo tuyệt vời của triết gia, đấy là khi không có lý do gì để xác định, hắn ta biết giữ mình không quyết đoán...

Như vậy, tinh thần triết học là thứ tinh thần của sự quan sát và chính xác, nó đặt tất cả trong tương quan với các nguyên lý thực sự của trí tuệ; nhưng triết gia không chỉ duy trau dồi trí tuệ, mà còn đẩy sự quan tâm và chăm chú của mình đi xa hơn.

Con người không phải là một con quái vật chỉ sống trong vực thẳm của biển khơi, hoặc tận đáy rừng sâu; chỉ nội những nhu yếu của cuộc sống thôi cũng đủ để khiến cho sự giao tiếp giữa hắn với người khác trở thành thiết yếu; và dù đang ở trong trạng thái nào bất kỳ, nhu cầu và sự thoải mái buộc hắn phải dấn thân vào cuộc sống trong xã hội. Như vậy, chính lý trí đòi hỏi hắn phải học tập, và phải làm việc, để đạt cho kỳ được những phẩm chất hòa đồng.

Triết gia của chúng ta không tin rằng hắn đang lưu vong trong thế giới này, không tin mình đang sống trên đất kẻ thù; hắn muốn hưởng thụ, như kẻ dè sẻn khôn ngoan, những của cải mà thiên nhiên cung cấp; hắn muốn tìm lạc thú với người khác; và để tìm được thì cũng phải tạo ra: vì vậy, hắn tìm sự hoà hợp với những người mà, do tình cờ hoặc bởi lựa chọn, hắn phải sống chung, đồng thời cũng tìm kiếm những gì là thích hợp với mình: đây là một con người «lương thức»2, hắn muốn làm hài lòng và sống hữu ích.

Hầu hết vĩ nhân, những con người mà sự chia trí không cho phép có thời gian trầm tư, thường tỏ ra hung bạo đối với những kẻ mà họ không cho là bình đẳng với mình. Các triết gia bình thường,  do suy tưởng quá nhiều, hay đúng hơn là do suy tưởng quá tồi, đều tỏ ra hung bạo với mọi người; họ trốn tránh người đời, và người đời tránh mặt họ: nhưng triết gia của chúng ta, kẻ biết cách phân thân giữa ẩn lánh và giao tiếp với con người, thì đầy nhân tính. Đấy chính là Chremes của Terence3, kẻ tự cảm thấy rằng mình là một con người, và chỉ cái tính người mới quan tâm đến vận rủi hoặc cơ may của người hàng xóm, «Tôi là con người, chẳng có gì mang tính người là xa lạ với tôi cả»3 .

Lưu ý thêm ở đây rằng triết gia sống gắn bó như thế nào với tất cả những gì gọi là danh dự và sự trung thực là điều thật sự vô ích. Xã hội dân sự là một vị thần đối với hắn ta trên mặt đất này, có thể nói như vậy; hắn ca ngợi, tôn vinh nó bằng sự trung thực, bằng sự chăm chú chính xác tới các nghĩa vụ của mình, và bằng mong muốn chân thành không phải là một thành viên vô ích hay cồng kềnh. Trong cấu tạo cơ thể của triết gia, tình cảm trung thực cũng là một thành phần như ánh sáng của trí tuệ. Càng tìm thấy bao nhiêu lý trí trong một con người, bạn sẽ càng tìm thấy bấy nhiêu tính trung thực ở hắn ta. Ngược lại, nơi nào sự cuồng tín và sự mê tín ngự trị, nơi đó những đam mê sẽ chiếm ưu thế và thống lĩnh. Tính khí của triết gia là hành động theo tinh thần trật tự hoặc theo lý trí; và bởi vì hắn ta cực kỳ yêu quý xã hội, điều quan trọng hơn hết đối với hắn, so với những người còn lại, là  dồn mọi năng lực của mình vào ý đồ chỉ sản xuất ra những hiệu ứng phù hợp với lý tưởng con người «lương thức»2

Tình yêu xã hội, điều thiết yếu như vậy đối với triết gia, cho ta thấy nhận xét của Hoàng đế Antoninus4, rằng «các dân tộc sẽ hạnh phúc khi nào các vị vua là triết gia, hoặc khi nào các triết gia sẽ lên ngôi vua!» là xác thực đến mức nào... Như vậy, triết gia chân chính là một con người trung thực, hắn hành động theo lý trí trong mọi việc, hắn thêm vào tinh thần suy tư và đúng đắn những tập quán và phẩm chất của tính xã hội. Lồng một vị vua vào một triết gia tầm cỡ như vậy, và bạn sẽ có một đức vua hoàn hảo...

César Chesneau Dumarsais,
Mục từ «Triết Gia (Le Philosophe)»
Trg: Bách Khoa Toàn Thư, XII, 1765,
Paris, Larousse, 1974, tr. 81-82.


[1] César Chesneau Dumarsais (hay Du Marsais, 1676-1756): nhà ngữ pháp và triết gia Pháp, cộng tác viên của bộ Bách Khoa Toàn Thư (1751-1772). Tác phẩm chính: Traité des Tropes (1730); Méthode raisonnée pour apprendre la langue latine (1722); Logique et Principes de grammaire (1769).

[2] Trong tiếng Pháp, «un homme honnête» là một người lương thiện, nhưng «l’honnête homme» chỉ mẫu người lý tưởng trong xã hội và văn học Pháp thời cổ điển, sản phẩm của một giai cấp tư sản đang vươn lên thay thế thành phần triều thần (courtisans) của giai cấp quý tộc. Mẫu người mà chúng tôi tạm dịch là «lương thức» này («lương» theo nghĩa tốt, lành, khéo, giỏi trong TĐHV của ĐDA) tập hợp những đặc trưng được thế kỷ 17 ở đây ái mộ. Về thân thể: có dáng dấp, biết ăn mặc thanh lịch, biết một số kỹ năng như khiêu vũ; về tinh thần: có kiến thức tổng quát, biết suy nghĩ lý luận, biết thưởng thức văn học nghệ thuật); về đời sống xã hội (có khả năng tự chủ, khả năng ứng xử, có nghệ thuật trò chuyện, ngôn ngữ chín chắn lịch sự, ý muốn làm hài lòng mọi người)…

[3] Terence (LT: Publius Terentius Afer, khg 195-159 tCn): nhà viết kịch La Mã (gốc Phi châu, từng là nô lệ) thời Cộng Hoà La Mã. Trong vở Heauton Timorumenos [Kẻ Tự Hành Hạ] của ông, Chremes là nhân vật đã thốt ra câu: «Homo sum, humani nil a mealienum puto», một phát biểu được đời sau đặt ngang hàng với «Sapere aude» của Horace (LT: Quintus Horatius Flaccus) như hai phương châm của thời Khai Sáng. Xem trên trang mục Thế Kỷ 18, khi có thể tham khảo:  Michel Delon, «Homo sum», một câu thơ của Terence như phương châm của thế kỷ Ánh Sáng.

[4] Antoninus Pius (LT: Titus Aelius Hadrianus Antoninus Augustus Pius, 86-161), Hoàng Đế La Mã (138-161), người thứ tư trong Ngũ Hiền đế.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa