TÍNH NHỊ NGUYÊN CỦA DẤU HIỆU (A. ARNAULD & P. NICOLE, 1683)

Đưa lên mạng ngày 15-09-2022
Từ khoá: Ký hiệu (Khái niệm) ;  
Lô-gic Học – Port Royal des Champs (Tu Viện)  tk 17

C1

TÍNH NHỊ NGUYÊN CỦA KÝ HIỆU
(1683)1

Tác giả : Antoine Arnauld* & Pierre Nicole*
 Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Khi chúng ta xem xét một đối tượng, tự thân và trong bản chất của nó, chứ không tập trung trí tuệ trên cái gì nó có thể là đại diện, thì ý tưởng mà chúng ta có về nó là ý tưởng về một sự vật, như ý tưởng về Trái Đất, Mặt Trời. Nhưng khi chúng ta xem xét một đối tượng nào đó chỉ như đại diện cho một cái gì khác, thì ý tưởng chúng ta có về nó là ý tưởng về một dấu hiệu, và đối tượng thứ nhất này được gọi là một dấu hiệu. Đây là cách chúng ta thường nhìn vào các bản đồ và bảng ghi. Như vậy, dấu hiệu bao gồm hai ý tưởng: thứ nhất là vật đại diện; thứ hai là vật được đại diện; và bản chất của nó là gợi lên cái thứ hai bằng cái thứ nhất.

BA LOẠI DẤU HIỆU

Ta có thể chia các dấu hiệu thành nhiều loại khác nhau; ở đây chúng tôi giữ lại ba phân loại hữu ích nhất.

1° Đầu tiên, có những dấu hiệu chắc chắn được gọi là techmēria trong tiếng Hy Lạp; như sự hô hấp là dấu hiệu của sự sống ở động vật. Và có một số dấu hiệu chỉ là có thể, tiếng Hy Lạp gọi là sēmeia, như vẻ nhợt nhạt ở người phụ nữ chỉ là dấu hiệu có thể của tình trạng thai nghén chẳng hạn.

Hầu hết những phán đoán liều lĩnh đều xuất phát từ sự kiện chúng ta lẫn lộn hai loại dấu hiệu này, và gán một hệ quả cho một nguyên nhân nào đó, mặc dù nó cũng có thể phát sinh từ các nguyên nhân khác, và vì vậy, chỉ là một dấu hiệu có thể của nguyên nhân này.

2° Có những dấu hiệu gắn liền với sự vật: như vẻ mặt, dấu hiệu của những chuyển động trong tâm hồn, được gắn liền với các chuyển động mà nó biểu thị; như những triệu chứng, dấu hiệu của bệnh, cũng được gắn liền với các bệnh này. Và để dùng những ví dụ lớn hơn: như Con Thuyền, dấu hiệu của Giáo Hội, được kết hợp với Noah và các con ông, vốn thực sự là Giáo Hội thời bấy giờ; như các đền thờ hiện vật, dấu hiệu của tín hữu, thường được gắn liền với những tín hữu; như chim bồ câu, tượng hình của Chúa Thánh Thần, được kết hợp với Chúa Thánh Thần; như việc gội rửa trong lễ Rửa Tội, tượng hình của sự tái sinh tâm linh, được gắn liền với sự tái sinh này.

3° Cũng có những dấu hiệu tách rời khỏi sự vật, như các lễ hiến sinh trong thánh luật cũ, dấu hiệu của sự hy sinh của Chúa Giê-su, được tách khỏi điều chúng biểu thị.

DẤU HIỆU VÀ Ý TƯỞNG  

Sự phân loại những dấu hiệu này làm nảy sinh các châm ngôn sau.

1° Rằng người ta không bao giờ có thể kết luận một cách chính xác, từ sự hiện diện của dấu hiệu sang sự hiện diện của vật được biểu trưng (vì có những dấu hiệu của sự vật vắng mặt), cũng không thể từ sự hiện diện của dấu hiệu sang sự vắng mặt của vật được biểu trưng (vì có những dấu hiệu của sự vật hiện diện). Do đó, chúng ta phải phán xét điều này qua bản chất đặc biệt của dấu hiệu.

2° Rằng, mặc dù một sự vật ở một trạng thái không thể là dấu hiệu của chính nó trong cùng một trạng thái ấy, vì mọi dấu hiệu đều đòi hỏi sự phân biệt giữa vật biểu trưng và vật được biểu trưng, tuy nhiên rất có thể là một sự vật ở một trạng thái nào đó biểu hiện chính mình trong một trạng thái khác — rất có thể là một người ở trong phòng của mình hình dung chính mình đang giảng đạo chẳng hạn; và do đó, giữa vật tượng hình và vật được tượng hình chỉ cần sự phân biệt về trạng thái là đủ: nghĩa là, cùng một sự vật có thể là vật tượng hình ở một trạng thái nào đó, và là vật được tượng hình trong một trạng thái khác.

3° Rằng rất có thể cùng một sự vật vừa che giấu, vừa cùng lúc phát lộ một sự vật khác, và do đó những người từng nói rằng không có gì xuất hiện bởi cái che giấu nó, đã đưa ra một châm ngôn yếu đuối. Bởi vì cùng một sự vật có thể tồn tại đồng thời như sự vật và như dấu hiệu, và nó có thể che giấu như sự vật cái mà nó phát lộ như dấu hiệu. Như vậy: tro nóng che giấu ngọn lửa như sự vật, và phát lộ nó như dấu hiệu; những hình thức mà các Thiên Thần khoác lấy bao phủ Họ như những sự vật, và phát lộ Họ như những dấu hiệu; các biểu tượng Thánh Thể che giấu nhân thân của Chúa Giê-Su như sự vật, và phát lộ nó như biểu tượng.

4 ° Chúng ta có thể kết luận rằng bản chất của dấu hiệu là sự khơi dậy trong tâm trí ta ý tưởng về sự vật được tượng hình bằng ý tưởng về vật tượng hình; và khi nào hiệu ứng này còn tồn tại, nghĩa là khi nào cái ý tưởng kép này còn có thể được khơi dậy, thì dấu hiệu vẫn còn, ngay cả khi sự vật này đã bị hủy hoại trong bản chất của chính nó. Vì vậy, bất kể màu sắc của chiếc cầu vồng — mà Thiên Chúa lấy làm dấu hiệu rằng Ngài sẽ không hủy diệt loài người bằng một trận lũ lớn khủng khiếp nữa — có là hiện thực, và câu chuyện này là có thật hay không, miễn là tâm trí ta luôn luôn có cùng một ấn tượng, và sử dụng ấn tượng này để quan niệm lời hứa của Thiên Chúa.  

Và cũng như thế, bất kể là chiếc bánh Thánh Thể có tồn tại trong bản chất của nó hay không, miễn là nó luôn luôn khơi dậy trong tâm trí ta hình ảnh chiếc bánh chúng ta dùng để hình dung nhân thân của Chúa Giê-Su như thức ăn của linh hồn ta như thế nào, và qua đó những Ki-tô hữu được liên kết với nhau ra sao.  

Sự phân chia thứ ba của các dấu hiệu là có những dấu hiệu tự nhiên không phụ thuộc vào sở thích của con người, chẳng hạn như hình ảnh xuất hiện trong gương là một dấu hiệu tự nhiên của người mà nó hiển thị; nhưng có những thứ khác chỉ là do thiết lập và quy ước, hoặc vì chúng có một quan hệ xa xôi nào đó với sự vật được đại diện, hoặc cả có khi chúng không có quan hệ nào hết. Chính như vậy mà từ là dấu hiệu thiết định của tư tưởng, và chữ là dấu hiệu thiết định của từ. […]

Antoine Arnauld & Pierre Nicole,
La Logique ou l'Art de penser,
Paris, Flammarion, 1970,
Ch. IV(a)[1], tr. 80-82


[1]  Chương này chỉ được thêm vào tác phẩm năm 1683, trong lần tái bản thứ 5.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa