DI SẢN CỦA TRIẾT HỌC HY LẠP VỀ HOÁ HỌC (J. SOLOMON, 1973)

Đưa lên mạng ngày 15-7-2022

C1

DI SẢN CỦA TRIẾT HỌC HY LẠP VỀ HOÁ HỌC
(1973)

Tác giả : Joan Solomon*
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Từ năm 428 đến năm 348 tCn, sống tại Athenai một triết gia mà toàn bộ lối tư duy đã thắp sáng thế giới văn minh suốt hai nghìn năm. Đấy là Platōn, bạn và là học trò của Sōkratēs xấu số, đồng thời là người sáng lập Akademia* vĩ đại – trường đại học đầu tiên của phương Tây. Platōn đã tìm cách làm rõ trong triết học của ông cái khuôn mẫu vĩnh cửu ẩn sau tất cả những diện mạo thay đổi của thế giới này. Ông tin rằng một sơ đồ như vậy phải là tinh khiết và vượt thời gian như những mệnh đề toán học, để xứng đáng với trí tuệ linh thiêng của một đấng sáng tạo. Được cấu tạo bởi trí tuệ thuần túy, vũ trụ chỉ có thể được hiểu bằng lý trí, và vì tất cả thiên nhiên đã được phú cho «linh hồn vô hình» (năng lực thay đổi và chuyển động), nên chỉ linh hồn của con người mới có thể quan sát nó được. Trong đối thoại tên là Phaidōn*, ông từng đặt những lời này vào miệng Sōkratēs: «Nếu muốn biết bất cứ điều gì một cách tuyệt đối, chúng ta phải thoát khỏi cơ thể, và nhìn những sự vật trong hiện thực chỉ với con mắt của linh hồn thôi». Dựa trên nguyên tắc này, Platōn đã xây dựng triết lý của mình tư biện, hướng nội, xa rời thế giới của xúc giác và thị giác.

Cái gì là thật?

Platōn sử dụng các lý thuyết khoa học vào thời đại của mình, nhưng không phải với tư cách nhà khoa học. Ông thích bức tranh của Anaximandros* về một 'nguyên tố' duy nhất, vĩnh cửu và vô hình, cái nền cơ bản của vật chất, và cho rằng nó luôn luôn không thay đổi mặc dù mang những phẩm chất của bốn nguyên tố của Empedoklēs*. Nó có vẻ giống như lửa, khí, nước, hoặc đất, nhưng bản chất cơ bản của nó không bao giờ thay đổi. Chỉ tấm vải ma vô hình này là thường hằng, mặc dù nó «dường như sở hữu những phẩm chất khác nhau vào những thời điểm khác nhau; trong khi những vật đi vào và ra khỏi nó là những bản sao của [Timaeus*] cái vĩnh cửu». Những 'cái vĩnh cửu' này là các mô hình hoặc hình thức thực sự của bốn nguyên tố, chúng tồn tại trước khi Trời Đất được tạo ra và có thể được nhận biết bên dưới sự hiện diện tầm thường của lửa, khí, nước hoặc đất, và chỉ duy nhất bằng cách sử dụng lý trí.

Khoa học đích thực quan tâm đến những vật thể hữu hình và những chuyển động có thể cảm nhận được của chúng – nhưng Platōn lại dạy rằng việc chiêm nghiệm những chân lý vĩnh cửu nằm đằng sau bộ mặt hữu hình của tự nhiên là một nhiệm vụ còn cao quý hơn. Trong quyển Timaeus, ông còn đi xa tới mức bàn luận về sự xuất hiện trong hiện thực của một số kim loại 'nước' và giải thích nhẹ nhàng bằng một chút lý thuyết hóa học:

«Trong số tất cả các loại nước nấu chảy này, như chúng ta gọi chúng, một loại là vàng. Nó rất đặc, bao gồm những hạt cực mịn và đồng nhất... Một loại khác có những hạt gần giống với vàng, nhưng tồn tại nhiều hơn một cấp... Thành chất này là đồng, một trong những loại nước sáng và rắn. Phần đất trộn vào nó tự xuất hiện trên bề mặt khi hai chất bắt đầu bị phân tách một lần nữa do tác động của thời gian: nó được gọi là 'xanh đồng' hay ‘gỉ đồng’.

Để liệt kê các chất khác thuộc loại này không có gì là phức tạp. Khi một người giải trí bằng cách gạt sang một bên loại biểu văn về những thực tại vĩnh hằng, để nhận lấy niềm vui vô hại từ lối giải thích hợp lý về sự kiện (cái này) trở thành (cái kia) như vậy, ông ta sẽ biến cuộc sống của mình thành một thú tiêu khiển tỉnh táo và hợp lý».

Thái độ trịch thượng đối với khoa học này này chẳng mấy khi khuyến khích được học trò của Platōn tham gia vào một 'trò vui vô hại' như vậy! Nhưng thời gian chỉ làm tăng thêm danh tiếng và ảnh hưởng của ông. Sau đó, những người theo đạo Ki-tô xưa sớm đã đầu tư vào việc nghiên cứu trước tác của Platōn với một ý nghĩa hầu như linh thiêng, bởi vì nó có thể thích nghi dễ dàng với một Thượng Đế vĩnh cửu, hoàn hảo và biết tất cả. Tương tự như vậy, sự bất toàn và bất công của thế giới này có thể được bỏ qua một cách an toàn như những bản sao nghèo nàn, trong khi con người, qua sự thành kính cầu nguyện, chiêm nghiệm không ngừng về các lý tưởng do Đức Chúa Trời tạo ra. Các giáo phái Cơ đốc giáo - Tân Platōn đã nảy nở rất nhiều suốt các thế kỷ đầu của kỷ nguyên mới, nhưng sự chấp nhận chủ thuyết của Platōn một cách sùng kính như vậy đã chứng tỏ hầu như là một tai hoạ cho sự phát triển của khoa học.   

Phẩm chất chứ không phải nguyên tố

Học trò nổi tiếng nhất của Platōn là Aristotelēs. Ông là con trai của một y sĩ, nên về mặt nào đó là người thực tế hơn Platōn và chắc chắn có một quan tâm sâu sắc và suốt đời đối với sinh học. Tuy nhiên, khi nói tới bản chất cơ bản của vật chất, Aristotelēs thường đi theo hướng dẫn của Platōn. Ông đặt tên cho bốn phẩm chất cơ bản trong vạn vật là 'nóng', 'lạnh', 'ẩm', 'khô'; và kết hợp chúng thành cặp để tạo thành bốn nguyên tố giống như Empedoklēs đã công nhận một thế kỷ trước đấy.

Hình 1
4 cơ thể đơn chât trên hình vuông lớn,
4 phẩm chất trên hình vuông nhỏ

«Các phẩm chất cơ bản là bốn ... rõ ràng là sự 'cặp đôi' của các phẩm chất cơ bản sẽ là bốn: nóng với khô và ẩm với nóng, rồi lại lạnh với khô và lạnh với ẩm. Và bốn cặp đôi này đã tự gắn mình vào những cơ thể có vẻ là ‘đơn chất’ (Lửa, Khí, Nước và Đất)» (De Generatione et corruptione, Q. II, 3).

Aristotelēs đã tạo ra mô hình này để có thể giải thích dễ dàng hơn một số thay đổi vật lý đơn giản – như sự nóng sôi và sự đông đặc – đã xảy ra như thế nào. Theo cách này, lý thuyết của ông mang tính khoa học hơn lý thuyết của Platōn, vì nó được thiết kế để giải thích những gì chúng ta thực sự có thể cảm nhận và nhìn thấy đang xảy ra. Tuy nhiên, trong trích đoạn ở trên, ông đã cẩn thận chỉ nói về các cơ thể có vẻ đơn chất, và trong đoạn tiếp theo, ông tiếp tục giải thích rằng nguyên tố thuần khiết không tồn tại trong thế giới có thể cảm nhận được. Cái mà chúng ta gọi là 'lửa' trong tự nhiên là một hỗn hợp, sự thuần khiết hoàn toàn của 'tính-lửa (fireness)' chỉ có thể được tìm thấy trong cơ thể đơn chất. Và cái thể chất này, ta phải giả định một lần nữa thôi, nó chỉ có thể được nhận thức qua 'con mắt của linh hồn'!

Di sản Hy Lạp

Các công trình của Platōn và Aristotelēs đã được tôn sùng suốt gần hai nghìn năm Platōn với tư cách là nhà triết học và Aristotelēs với tư cách là nhà logic học và nhà khoa học. Nhưng Aristotelēs đã theo học Platōn trong hai mươi năm, và mặc dù ông chỉ trích một số quan điểm của thầy mình, ông chưa bao giờ hoàn toàn loại bỏ ảnh hưởng của Platōn. Có thể thấy rất rõ ràng Aristotelēs đã tiến được bao xa, như nhà khoa học theo nghĩa hiện đại, trong đoạn văn sau:

«Rõ ràng rằng việc khám phá xem liệu một vật có phải là vĩnh cửu, bất biến và tách rời khỏi vật chất hay không thuộc về phạm vi của một khoa học tư biện; tuy nhiên, nó không phải là của khoa vật lý, cũng không phải là của toán học, mà của một khoa học trước cả hai. Do đó, sẽ phải có ba triết học tư biện: toán học, vật lý học và thần học… khoa học danh giá nhất phải xử lý tập hợp chủ đề danh giá nhất» (Siêu hình học, VI, I).

Khi Aristotelēs qua đời vào năm 322 tCn, ông đã để lại một học viện hưng thịnh – Lukeion (Lyceum) – ở Athenai. Các nhà triết học khác đã theo ông và có nhiều hoạt động khoa học đáng kể ở đấy trong gần một thế kỷ nữa, nhưng chỉ đạt rất ít thành tựu truyền lại được cho các thế hệ tiếp theo, vì một trung tâm học thuật đối thủ đang xuất hiện ở Alexandreia với ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Trước khi thành lập Lukeion, chính Aristotelēs đã từng là gia sư cho Alexandros (356 – 323 tCn) trẻ tuổi của xứ Macedon, người sau này đã chinh phục hầu hết phần thế giới được biết tới, và nhân danh ông mà thành phố mới Alexandreia này được thành lập. Ở đây, một trung tâm học thuật mới – Mouseion (Museum) – được dựng lên, một học viện lớn hơn và phong phú hơn nhiều so với Lukeion, với một thư viện có khoảng nửa triệu cuộn giấy cói, bao gồm bộ sưu tập cá nhân của Aristotelēs và hàng nghìn tác phẩm khác đã bị phá hủy hay thất lạc từ lâu. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nó từng được coi là một trong những kỳ quan của thế giới cổ đại! Tại đây, một giai đoạn mới trong việc nghiên cứu vật chất đã bắt đầu, dựa rất nhiều vào tư tưởng của người Hy Lạp trước đó.

Trước khi chúng ta nghiên cứu phần phát triển mới của khoa học, cần liệt kê những ý tưởng xuất sắc mà người Hy Lạp đã truyền lại cho các nhà khoa học đời sau trong lĩnh vực này.  

1 - Có một chất nền cơ bản và bất biến vốn là nền tảng của vật chất; nó không bao giờ bị phá hủy mà chỉ thay đổi hình thái. Ý tưởng này đã khai sinh ra nguyên tắc không phát biểu là nguyên lý Bảo tồn Vật chất.

2 - Các chất hữu hình của thế giới đều bắt nguồn từ tứ đại nguyên tố. Một nguyên tố được coi là một chất thể đơn giản, không trộn lẫn, từ đấy các chất khác phức tạp hơn phát sinh, bằng sự kết hợp hoặc pha trộn.

3 - Vật chất được cấu tạo từ những nguyên tử nhỏ 'không thể chia cắt được'. Đôi khi ý tưởng này được đưa vào lý thuyết bốn nguyên tố, để có nghĩa là chính những nguyên tử của các nguyên tố này trộn lẫn vào nhau. Lý thuyết nguyên tử từng có những người ủng hộ khác nhau, nhưng nó chưa bao giờ được chấp nhận rộng khắp.

Ba khái niệm này từng chứng tỏ là chúng có giá trị rất lớn sau này, khi được định nghĩa rõ ràng hơn, và được kiểm tra bằng thực nghiệm. Tuy nhiên, ngoài các khái niệm này, còn có hai khái niệm khác, ít hữu ích hơn, nhưng lại có sức trì trệ đáng kể.

4 - Bốn đặc tính của vật chất (nóng, lạnh, ẩm và khô) có thể thay đổi cho nhau, do đó làm thay đổi bản chất của chất này thành chất khác.

5 - Những hiện thực của thế giới là dễ hiểu đối với và nhờ lý trí hơn là nhờ kinh nghiệm hoặc các giác quan.

Đấy là di sản mà nền khoa học của Alexandreia thừa hưởng được từ người Hy Lạp trong lĩnh vực hóa học.


Joan Solomon,
Philosophical Disaster
Trg: Cấu Trúc Của Vật Chất
(The Structure of Matter,
Newton Abbot: David & Charles, 1973,
Ch. 2, tr. 17-22). 

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa