VỀ CĂN BỆNH LINH THIÊNG (HIPPOKRATĒS, tk V-IV tCn)

LM : 15-12-2022
Từ khoá : Bệnh – Nguồn gốc ; Kinh phong (Bệnh) ; Hippokratēs – Trích đoạn

 

C1

VỀ CĂN BỆNH LINH THIÊNG[1]
(tk V-IV tCn)

Tác giả : Hippokratēs[2]
Bản tiếng Anh : W.  H.  S. Jones & E. T. Withington
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

[…] Nhưng theo ý kiến của chúng tôi, căn bệnh này* không linh thiêng gì hơn bất kỳ một căn bệnh nào khác; nó có bản chất, cái vốn là nguyên nhân làm phát sinh các bệnh riêng biệt, giống như mọi thứ bệnh khác. Nó cũng có thể chữa được, chẳng kém gì những căn bệnh khác, trừ phi qua một thời gian dài, nó đã ăn sâu tới mức mạnh hơn các phương thuốc được áp dụng. Nguồn gốc của nó, giống như các bệnh khác, là do di truyền. Vì nếu cha hoặc mẹ mắc chứng đờm dãi (phlegmatic) sinh con ra cũng mắc cùng chứng, cha hoặc mẹ mắc bệnh nhiều mật (bilious) sinh con ra cũng mắc cùng bệnh, cha hoặc mẹ mắc bệnh lao phổi (consumptive) sinh con ra cũng bị lao phổi, và cha hoặc mẹ mắc bệnh đau lách (splenetic) sinh con ra cũng bị đau lách[3], thì không gì có thể ngăn cản một trong số các con sinh ra mắc bệnh này*, khi cha hoặc mẹ nó mắc bệnh; vì mầm bệnh đến từ mọi bộ phận của cơ thể, mầm khỏe mạnh từ bộ phận lành mạnh, mầm bệnh tật từ bộ phận mắc bệnh. Một bằng chứng mạnh mẽ khác cho thấy căn bệnh này* không linh thiêng gì hơn bất kỳ thứ bệnh nào khác, là nó ảnh hưởng tới người mắc chứng đờm dãi một cách tự nhiên, nhưng không tấn công kẻ mắc bệnh nhiều mật. Trong khi đó, nếu linh thiêng hơn những bệnh khác, thì căn bệnh này lẽ ra phải tấn công mọi thứ bệnh như nhau, chứ không có sự phân biệt nào giữa người bị bệnh nhiều mật với kẻ mắc chứng đờm dãi. 

[…] Căn bệnh được xem là linh thiêng này xuất phát từ cùng một nguyên nhân như những bệnh khác, từ những thứ thâm nhập và rời bỏ cơ thể ta, từ cái lạnh, cái nắng và từ những thay đổi không ngừng của gió. Những thứ này đã là thiêng liêng. Vì vậy, không cần phải đặt căn bệnh này vào một loại hình đặc biệt, và coi nó là linh thiêng hơn những bệnh khác; tất cả đều là linh thiêng và tất cả đều thuộc con người. Mỗi bệnh có một bản chất và sức mạnh của riêng nó; không có gì là vô vọng hay không thể điều trị. Hầu hết đều được chữa khỏi bởi cùng những thứ đã gây ra chúng. Cái này là thức ăn cho bệnh này, cái kia là thức ăn cho bệnh kia, mặc dù đôi khi nó cũng gây hại. Vì vậy, người thầy thuốc phải biết làm thế nào, bằng cách phân biệt các mùa cho riêng từng sự vật, có thể gán cho cái này khả năng nuôi dưỡng và làm gia tăng, cái kia khả năng làm suy yếu và gây nguy hại [cho sức khoẻ]. Vì trong căn bệnh này cũng như ở mọi thứ bệnh khác, điều thiết yếu là không làm cho bệnh nặng thêm mà giảm xuống, bằng cách áp dụng cho mỗi bệnh thứ gì là thù địch nhất với nó, chứ không phải thứ gì nó đã quen thuộc. Bởi cái quen thuộc mang lại sức sống và làm bệnh tăng lên; cái thù địch làm bệnh suy yếu và tàn lụi. Bất cứ ai biết gây ra trong thân thể con người, nhờ chế độ [ăn uống và trị liệu] bằng sự ẩm ướt hay khô ráo, nóng hoặc lạnh, người đó cũng chữa được căn bệnh này*, nếu biết phân biệt các mùa để điều trị hữu ích, chứ không cần tới sự thanh tẩy hay các pháp thuật.

Hippokratēs,
On the Sacred Disease (tk V-IV tCn)
(Từ: The Hippocratic Collection[4],
Loeb Classical Library)


[1] Bệnh kinh phong hay động kinh. Có lẽ vì những cơn co giật dường như không có nguyên nhân hợp lý, bệnh này thời xưa được gọi là «căn bệnh linh thiêng», nhưng trong một cuốn sách dành riêng cho bệnh này, các y sĩ thuộc trường phái Hippokratēs coi nó như bất kỳ căn bệnh nào khác, không hơn không kém. «Người đời nghĩ nó là linh thiêng bởi vì họ không hiểu nó».

[2] Hippokratēs đảo Kos (khg 460 – khg 370 tCn), còn được gọi là Hippokratēs II, là y sĩ cổ đại được truyền thống y học xem là cha đẻ của ngành này, và là người đứng đầu một trường phái y mang tên ông. Trường phái Hippokratēs đã tách rời y học  khỏi các lĩnh vực yêu thuật và triết học vốn được truyền thống gắn liền với nó (xem thêm, trên trang mục này: Platon, Cái Bộ Phận và Cái Toàn Thể Trong Phép Trị Bệnh) thực hiện cuộc cách mạng đã thiết lập ngành này như một khoa học và một nghề biệt lập. Họ tìm kiếm giải thích tự nhiên cho bệnh tật, bác bỏ cách giải thích của giới thầy tu — bệnh tật là hậu quả của sự tức giận của các vị thần, cần phải được chữa trị bằng lễ vật, bùa phép và thần chú —, khuyến khích sự quan sát chính xác bệnh nhân và ghi lại những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh cũng như các phản ứng với cách điều trị trong từng trường hợp cụ thể, lập luận một cách lô-gic rằng chỉ bằng sự tích lũy thông tin như vậy thì y sĩ mới có thể đánh giá việc điều trị nhằm dự đoán quá trình của bệnh ở những bệnh nhân khác.

[3] Trong từ điển, các bệnh kể trên đều có nghĩa đen và nghĩa bóng. Ở đây, chúng tôi chỉ dịch theo nghĩa đen.

[4] Tủ sách Hippokratēs bao gồm hơn một trăm tựa, quyển sớm nhất được viết vào khoảng năm 500 tCn. Từng có tranh luận về các tác phẩm của chính Hippokratēs trong số đó, nhưng điều này không quan trọng, vì chắc chắn chúng đều là những trước tác từ Trường phái của ông. Chúng là những tác phẩm đầu tiên thể hiện cách tiếp cận khoa học đối với bệnh tật và các hiện tượng sinh học khác, vì ở đây khoa  sinh học được nghiên cứu trước hết trong tương quan với y học. Chúng đầy tràn tinh thần nhân văn khai sáng, và chúng đặt ra một bộ quy tắc ứng xử chi phối quan hệ giữa y sĩ với bệnh nhân, đến nay vẫn còn là cơ sở của lý tưởng y đức ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới (xem trên trang mục này, khi có thể tham khảo: Lời Thề Hippokratēs). Việc khám phá lại những tác phẩm của Trường phái Hippokratēs vào thời Trung Cổ thoạt đầu có xu hướng làm nản những suy nghĩ và nghiên cứu độc đáo. Bởi nhiều bình luận về các tác phẩm này xem chúng là thẩm quyền cuối cùng, và dành nhiều tập cho loại tranh luận mang tính cách kinh viện, hoàn toàn trái ngược với tinh thần của chính các trước tác ấy. Chỉ sau thời kỳ Phục Hưng, tinh thần này mới tự khẳng định lại được, và truyền cảm hứng cho một thế hệ y sĩ mới, trong đó Thomas Sydenham (1624-1689) là người vĩ đại nhất.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa