CÁI BỘ PHẬN & CÁI TOÀN THỂ TRONG PHÉP TRỊ BỆNH (PLATŌN, khg 380 tCn)

LM : 15-12-2022
Từ khoá : Y học – Triết lý – Hy Lạp – tk V tCn ; Platōn  Trích đoạn

C1

CÁI BỘ PHẬN VÀ CÁI TOÀN THỂ
TRONG PHÉP TRỊ BỆNH
(khg 380 tCn)

Tác giả: Platōn
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

_______________

Trích dịch từ Charmidēs[1] [156d-157c], theo bản tiếng Anh của Benjamin  Jowett, có đối chiếu với bản tiếng Pháp của Victor Cousin. Mặt khác, để bạn đọc dễ theo dõi trích đoạn, chúng tôi đã trình bày bản dịch dưới dạng đối thoại trực tiếp chứ không phải gián tiếp như trong nguyên bản.

Về nội dung, có thể xem đây là quan điểm trị bệnh nửa triết học nửa yêu thuật theo truyền thống Hy Lạp trước Hippokratēs[2]. Nếu ngày nay việc đọc thần chú để chữa bệnh là điều khiến ta phì cười, thì sự tin tưởng «không thể chỉ chữa cái đầu mà không điều trị toàn thân cùng một lúc» phải chăng đã thực sự là một trực giác trị liệu hoàn toàn lỗi thời, cho mọi trường hợp đau bệnh, trong mọi nền y thuật?

_____________________

CHARMIDĒS :  Nó là thuốc gì vậy?

SŌKRATĒS : Một thứ lá cây thôi, song nó đòi hỏi phải được sử dụng cùng với bùa. Nếu người bệnh vừa uống thuốc, vừa đọc một câu thần chú, thì cả hai sẽ hợp thành cả bài thuốc. Nếu không cẩn trọng đọc câu thần chú, thì lá cây này cũng vô hiệu.

CHARMIDĒS : [156a] Thế thì ông đọc ngay câu thần chú cho tôi chép đi.

SŌKRATĒS : Với sự chấp thuận của tôi, hay không cần sự đồng ý của tôi? 

CHARMIDĒS : (Cười) Với sự chấp thuận của ông chứ, Sōkratēs.

SŌKRATĒS : Được rồi. Thế ra cậu biết cả tên tôi đấy.

CHARMIDĒS : Bắt buộc thôi. Bọn trẻ chúng tôi thường bàn về ông lắm. Và tôi còn nhớ hồi nhỏ đã có lần thấy ông với anh họ tôi là Kritias đây.

SŌKRATĒS : Cậu còn nhớ tôi như thế thì tốt lắm, Charmidēs ạ. Tôi sẽ thấy thoải mái hơn khi phải nói với cậu [156b] về bản chất của câu thần chú mà mới ban nãy tôi còn chưa biết phải giải thích ra sao. Nó không chỉ dùng để chữa bệnh nhức đầu mà thôi đâu. Có lẽ cậu đã từng nghe nhiều y sĩ giỏi, khi được yêu cầu chữa bệnh đau mắt, đã bảo bệnh nhân rằng họ không thể chỉ chữa mỗi cặp mắt, mà bắt buộc phải điều trị cả cái đầu nếu muốn [156c] chữa lành bệnh đau mắt. Và vì cùng một lý do, cũng điên rồ không kém nếu cho rằng có thể chỉ chữa cái đầu mà không điều trị toàn thân cùng một lúc. Rồi từ lập luận đó, họ kê đơn cho toàn bộ cơ thể, cố điều trị và chữa lành đồng thời vừa cái bộ phận, vừa cái toàn bộ cho thân thể bệnh nhân. Cậu có tin rằng đấy là lối lập luận của họ không, và sự thực cũng đúng như thế thật hay không?

CHARMIDĒS : Có chứ.

SŌKRATĒS : Như vậy là họ có lý và cậu chấp nhận lập luận này, phải không?

CHARMIDĒS : Hoàn toàn. 

SŌKRATĒS : [156d] Bản chất câu thần chú của ta cũng tương tự như thế thôi, Charmidēs ạ. Khi phục vụ trong quân đội, tôi đã học được nó từ một trong số những y sĩ của vua Zalmoxis[3] xứ Thrakē. Họ giỏi đến mức nổi tiếng là có thể cho ta cả sự bất tử. Vị y sĩ này nói với tôi rằng theo quan điểm của họ mà tôi đang kể lại đây, thì giới y sĩ Hy Lạp ta hoàn toàn đúng cho tới điểm tôi vừa nêu ra, nhưng ông ta cũng nói thêm rằng Zalmoxis, vị vua và thần nhân xứ Thrakē của họ, [156e] còn thấy xa hơn nữa, bởi «nếu ta không thể chữa mắt mà không điều trị cái đầu, hay chữa cái đầu mà không điều trị toàn thân, thì ta cũng không thể chữa trị thân xác mà không săn sóc tâm hồn được». Và theo ông ta, đấy chính là lý do khiến các y sĩ Hy Lạp không biết chữa trị nhiều căn bệnh, do họ không biết đến tận cùng cái toàn thể cần phải chăm sóc, bởi vì các bộ phận chẳng bao giờ mạnh khỏe cả, trừ phi cái toàn thể cũng lành mạnh. Mọi chuyện tốt xấu, dù ở cơ thể hay nơi bản chất con người, như ông ta nói, đều xuất phát từ tâm hồn, rồi sau đó mới lan ra khắp nơi, [157a] giống như từ cái đầu xuống cặp mắt vậy. Thế nên, nếu muốn khỏe mạnh từ đầu đến chân, ta phải chăm sóc tâm hồn đều đặn; đấy là việc ưu tiên. Và bạn trẻ ạ, để sự trị liệu có kết quả, ta còn phải tác động lên nó bằng vài câu thần chú nữa, và thần chú là loại ngôn từ đẹp đẽ, chúng sẽ cấy hiểu biết vào tâm hồn, và từ nơi có hiểu biết, sức khỏe sẽ được phát tán nhanh chóng, không chỉ ra khắp đầu mà đi khắp [157b] châu thân nữa. Ngoài ra, khi dạy tôi phương thuốc cùng với câu thần chú, người y sĩ xứ Thrakē còn dặn : «Đừng để bất cứ ai thuyết phục ông chữa trị bệnh đau đầu bằng phương thuốc này, nếu y không chịu phơi bày tâm hồn của y ra cho ông trị liệu trước bằng câu thần chú nhé». Bởi vì theo ông ta, sai lầm lớn trong việc chữa trị thân thể con người ở các y sĩ ngày nay là sự tách rời phần hồn khỏi phần xác khi trị liệu. Ông ta nhắc đi nhắc lại, còn bắt tôi thề tuân theo lời dặn của ông ta, là sẽ không bao giờ làm sai khác, không để bất cứ ai thuyết phục cho y phương thuốc mà không có câu thần chú, [157c] dù là y giàu có, quyền thế hay đẹp đẽ bao nhiêu. Tôi đã thề, và vì vậy phải giữ một lời thề mà tôi cũng muốn tuân theo. Cho nên, nếu cậu chịu theo đúng lời chỉ dẫn của người y sĩ ấy, cậu bằng lòng phơi bày tâm hồn của cậu, và để cho nó chịu sự điều trị của câu thần chú Thrakē trước, tôi sẽ chỉ cho cậu phương thuốc. Bằng không thì tôi cũng chịu, không biết phải làm gì với cậu đấy, Charmidēs ạ.

Platōn
Charmidēs [156d-157c]
(khg 380 tCn)


[1]  Đối thoại được viết vào khoảng năm 380 tCn (thuộc thời kỳ đầu của Platōn, chịu ảnh hưởng của Sōkratēs). Charmidēs (?-403 tCn) là con của Glaukōn I, em họ của Kritias II, cậu của Glaukon II và Platōn. Màn đối thoại diễn ra khoảng năm 430 tCn, khi Sōkratēs từ chiến trận Potidaia (432-430 tCn) trở về Athenai, lúc bấy giờ Charmidēs ở vào khoảng từ 15 đến 17 tuổi. Về sau, cả Kritias II lẫn Charmidēs đều bị giết, khi Chính Quyền 30 Bạo Chúa (404-403 tCn) do Sparta dựng lên sau chiến thắng bị lật đổ.

[2]  Xem trên trang mục này: Hippokratēs, Về Căn Bệnh Linh Thiêng, chú thích 2.

[3] Zalmoxis hay Zamolxis, một nhân vật nửa hoang đường, xưa được thờ như thần linh trong vùng Thrakē (nay bị phân chia giữa Bulgaria, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa