HIỆN TƯỢNG HÔ HẤP (A. DE LAVOISIER, 1789)

LM : 15-12-2023
Từ khoá : Hô hấp – phân tích hoá lý ;
Lavoisier (Antoine de) – Trích đoạn

C1

SỰ HÔ HẤP :
PHÂN TÍCH HOÁ LÝ MỘT HIỆN TƯỢNG SINH HỌC
(1789)

Tác giả: Antoine de Lavoisier*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Antoine de Lavoisier thường được kể là nhà hóa học, thậm chí còn được ghi nhận như người đã có công mở đầu kỷ nguyên hóa học hiện đại — và sự thật đúng là như vậy. Nhưng vai trò của ông cũng không kém quan trọng trong sự ra đời của sinh lý học khoa học. Ở đây, các nhà sinh học đã không nhầm, họ nhìn thấy ở Lavoisier người phân tích nghiêm ngặt đầu tiên về những hiện tượng sống. Pasteur thường xuyên bày tỏ lòng kính trọng ông; Ernest Kahane* nhận định: «Sự nghiệp của Lavoisier mang tính cách mạng trong sinh lý học cũng như trong hóa học. Trong cuộc đấu tranh chống sinh lực luận*, chứng minh thực nghiệm của ông về sự duy trì thân nhiệt động vật bằng các cơ chế hóa lý còn có giá trị và trọng lượng hơn những tuyên bố mạnh mẽ nhất về nguyên tắc nhằm ủng hộ chủ nghĩa duy vật nhiều».

*

Hô hấp chỉ là một quá trình cháy chậm của carbonhydro, tương tự về mọi mặt như quá trình diễn ra trong ngọn đèn hay nơi cây nến thắp sáng, và theo quan điểm này, động vật hô hấp là những nhiên liệu thực sự, chúng cháy và tự tiêu hao.

Trong quá trình hô hấp cũng như trong quá trình cháy, chính là không khí của bầu khí quyển cung cấp oxy và chất nhiệt[1]; nhưng vì trong hô hấp, chính là thể chất của động vật, chính là máu cung cấp nhiên liệu, nên nếu động vật không thường xuyên bù đắp bằng thức ăn những gì chúng mất đi do hô hấp, thì như ngọn đèn sẽ thiếu dần dầu và sẽ tắt, con vật sẽ thiếu thức ăn và sẽ chết.

Bằng chứng về sự đồng nhất trong hiệu ứng giữa hô hấp và sự cháy này có thể được suy ra tức thì từ kinh nghiệm. Thật vậy, không khí được sử dụng trong hô hấp không còn chứa cùng một lượng oxy như trước khi được thở ra khỏi phổi; nó không chỉ chứa khí axit cacbonic, mà còn chứa nhiều nước hơn lượng nước đã chứa khi được hít vào. Nhưng vì không khí sống chỉ có thể chuyển thành axit cacbonic bằng cách thêm carbon; vì nó chỉ có thể chuyển thành nước bằng cách thêm hydro; và vì sự kết hợp kép này không thể diễn ra mà không khí sống không mất đi một phần chất nhiệt* riêng của nó, nên kết quả cuối cùng là: tác dụng của sự hô hấp là rút ra từ máu một phần carbonhydro, đồng thời gửi vào máu một phần chất nhiệt* riêng của nó để thay thế, và trong quá trình lưu thông, chất nhiệt* này cùng với máu được phân phối đến mọi bộ phận trong kết cấu của con vật, và duy trì nhiệt độ này gần như không đổi như ta quan sát thấy ở mọi động vật hô hấp.

Antoine de Lavoisier,
Báo Cáo Đầu Tiên Về Sự Hô Hấp Của Động Vật
(Premier Mémoire sur la respiration des animaux, 1789).


[1] Chất nhiệt: ý niệm về một chất thể giả định nhằm giải thích mọi hiện tượng có nhiệt lượng trong lý thuyết chất nhiệt ở thế kỷ XVIII, nay đã trở thành lỗi thời. Xem: trong trang mục Lịch Sử Khoa Học: Gaston Bachelard, Phần Lỗi Thời Và Phần Được Thừa Nhận Trong Lịch Sử Khoa Học, chú thích 6.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa