AHĒNAI VÀ CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ (NGUYỄN VĂN KHOA, 2011)

LM : 15-02-2023
Từ khoá : Dân chủ (Chính thể) – Athenai – 594-322 tCn 

 C2

ATHĒNAI CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ

Tác giả : Nguyễn Văn Khoa

*

Chủng tộc Hy Lạp[1] xưa sống trên một chuỗi thành phố được tổ chức như những quốc gia độc lập trải dài từ Âu sang Á châu. Trong số đó, mặc dù chỉ chiếm một không gian nhỏ bé, Athēnai[2]* ở vùng Attikē*, với các khu Agora* và Akropolis* lịch sử (xem thêm ở phần Phụ Lục khi có thể tham khảo), là một chiếc nôi văn hoá hoành tráng trong lịch sử nhân loại, so với nhiều tập hợp chủng tộc khác rộng lớn hơn gấp bội ở phương Đông. Và chiếc nôi này chính là một thành tố, nếu không muốn nói là thành tố chính, đã hình thành nên nền văn minh phương Tây.

I – LÝ TÍNH VÀ DÂN CHỦ

Trong số những cống hiến của Athēnai cho loài người, quan trọng nhất là hai thành tựu vô giá của thành quốc, đó là tư duy lý tính nền tảng của cả khoa học lẫn triết học hiện đại , và thể chế dân chủ bước đầu của mọi chế độ dân chủ về sau. Tuy nhiên, ngay tại Athēnai thời đó thì cuộc sống chung giữa lý tính với dân chủ không phải lúc nào cũng hoà bình, đằm thắm. Athēnai chính là nơi đã xử và hành quyết oan Sōkratēs người được đời sau xem là triết gia đầu tiên; và nếu 66 năm sau, Aristotelēs đã không rời bỏ thành quốc kịp thời, có thể nền dân chủ Athēnai đã mắc tội với triết học thêm một lần nữa. Trong cả hai trường hợp, tội danh được nêu ra là «bất sùng tín»[3], nghĩa là có những lời nói và hành động xúc phạm đến những vị thần mà thành quốc tôn thờ.

Danh sách khá dài những nạn nhân (hầu hết thuộc giới ngày nay ta gọi là trí thức)[4] của «graphē asebeias» trong hai thế kỷ thứ V và thứ IV tại Athēnai đương thời nói lên: một mặt, liên hệ mật thiết giữa tôn giáo với chính trị tại đây; mặt khác, cuộc khủng hoảng của nền dân chủ ở thành quốc lúc bấy giờ, song song với nỗi khó khăn mà tư duy lý tính buộc phải đương đầu khi muốn vươn lên từ kho tín ngưỡng bình dân truyền thống.

Dù sao, vụ án Sōkratēs đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hoá, không chỉ tại Athēnai mà trên toàn cõi Hy Lạp cổ đại. Sau khi chết, Triết gia còn là đối tượng của khá nhiều hận thù và phỉ báng, điển hình là tập văn đả kích Buộc Tội Sōkratēs (Accusation of Socrates, khoảng 394-393, nay đã thất lạc) của một biện sĩ tên là Polykratēs. Ngược lại, một vài nhân vật mà dư luận đương thời xem là «học trò của Sōkratēs»[5] cũng đã không ngần ngại bênh vực Ông bằng nhiều trước tác. Xenophōn* viết Sōkratēs TBiện Hộ Trước Tòa[6] (The Apology of Socrates to the Jury, khoảng 385–382), và ghi lại những giai thoại về Sōkratēs trong Những Kỷ Niệm Đáng Ghi Nhớ (Memorabilia, khoảng 379-371); nhưng chỉ với Platōn mà biến cố này trở thành «huyền thuyết lập ngôn của triết học» qua bốn đối thoại do ông dàn dựng khoảng giữa 399-370, từ khi Sōkratēs biết mình bị truy tố (Euthyphrōn), cho đến khi Ông tự biện hộ[7] trước tòa  (Apology of Socrates = Sōkratēs TBiện Hộ), từ chối vượt ngục (Critō), và cuối cùng uống độc cần chết trong tù (Phae).

Ngày nay, giới thiệu vụ xử Sōkratēs qua các tác phẩm trên là đặt nó trở vào bối cảnh lịch sử đương thời, để tìm hiểu ý nghĩa của bản án trong thế giới Hy Lạp xa xưa, rồi từ đấy rút ra một ý nghĩa nào đó cho kỷ nguyên của chúng ta. Vì thế, bài dẫn nhập thứ hai ở đây sẽ, một mặt, giới thiệu với quý độc giả sự hình thành và tiến triển của nền dân chủ đầu tiên của nhân loại từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ IV ở Athēnai, và mặt khác, đối chiếu hai loại hình dân chủ xưa và nay, để từ sự so sánh này, cùng nhận thức được rõ hơn nữa bản chất của loại thể chế lý tưởng nhưng khó khăn được gọi là dân chủ.  

II - LƯỢC SỬ 272 NĂM DÂN CHỦ ATHĒNAI (594–322)

Athēnai là thành quốc cha đẻ của «dân chủ», cả về mặt khái niệm lẫn mặt định chế. «Dēmokratia» được tạo lập từ sự hợp nhất «dēmos» có thể dịch là «nhân dân» hay «dân chúng» , với «kratein» (do từ «kratos», có nghĩa là quyền lực), có thể chuyển ngữ thành «trị vì». Nhưng ai là dēmos, và thế nào là kratein, đấy là cốt lõi vấn đề. Thường được ca ngợi trong quá khứ như mẫu mực (nền dân chủ đầu tiên, mà lại là dân chủ «thực sự», bởi vì «trực tiếp»), nền dân chủ Athēnai ngày nay là đối tượng của nhiều phê phán tiêu cực một thay đổi tự nó đã nói lên sự tiến hoá về cả hai khía cạnh «tri» lẫn «hành» của nhân loại về dân chủ từ 26 thế kỷ nay.

Còn được lưu giữ tương đối đầy đủ bên cạnh bao trang sử khác đã mất của các sử gia đi trước như Hērodotos* xứ Halikarnassos (khoảng 484-425) và Thoukudidēs* (khoảng 460-400), có lẽ phần còn lại ở tác phẩm Hiến Pháp Thành Athēnai*  (Athēnaiōn Politeia = The Athenian Constitution, khoảng 330-323) của nhà bác học Aristotelēs (384-322) là xứng đáng được xem, và trên thực tế thường được dùng như tài liệu quy chiếu chính về 272 năm tiến hóa của nền dân chủ ở thành quốc này hơn cả, không kể một tác phẩm trùng tên khác, trước kia được gán cho Xenophōn, nhưng ít giá trị khoa học hơn[8].

Trong mắt của giới nghiên cứu lịch sử, nhà chính trị và lập pháp Solōn[9] (khoảng 638-558), người được kể là một trong bảy «hiền giả» của cổ Hy Lạp[10], cũng chính là cha đẻ của nền dân chủ ở Athēnai. Tuy thật ra, với gốc gác quý tộc, Solōn không phải là một lý thuyết gia dân chủ kiên tín (trái với huyền thoại, ông không tin lắm vào cái gọi là «chủ quyền của nhân dân»); có lần bị chất vấn: «Thể chế nào là chế độ tốt nhất?», ông đã không trả lời rằng đấy là chế độ dân chủ như ta có thể giả định, mà hỏi vặn lại kẻ đặt câu hỏi: «Cho thành quốc nào và ở vào thời kỳ phát triển lịch sử nào?». Nhưng chính những cải tổ xã hội được xây dựng trên quyền lực pháp lý của ông ở Athēnai (594-593) đã đặt nền móng cho một chế độ dân chủ, dù chỉ tồn tại với tất cả hiệu lực trong vài năm ngắn ngủi (bởi từ 590 tình hình đã xấu đi đến mức thành quốc trở thành hầu như vô chính phủ), gần 100 năm sau còn được một nhà quý tộc khác là Kleisthenēs[11] tin tưởng vẫn đủ vững chắc để giữ lại, và cải tiến thêm nhiều bước nữa.

1 - TỪ QUÂN CHỦ ĐẾN QUÝ TỘC

Nhưng hãy trở lại một phút với Athēnai và Attikē thời kỳ trước Solōn. Ở đây, cũng như ở nhiều nơi khác, quyền lực (kratos) nằm trong tay kẻ có đất và có phương tiện để bảo vệ đất đai, cụ thể là tầng lớp quý tộc địa chủ (eupatridēs, sn eupatrídai = eupatrids, well-born).  

Về cơ sở xã hội, gia đình (oikos = household) là đơn vị xã hội cơ bản, gồm có gia trưởng và những kẻ tùy thuộc tự do hay nô lệ, đồng thời cũng là đơn vị pháp lý giữ quyền làm chủ và kế thừa tài sản, là đơn vị canh tác nông nghiệp đối với những đại gia có ruộng cho nô lệ cày cấy. Nhiều gia đình có cùng một ông tổ, cùng chia sẻ một đối tượng thờ cúng, tập hợp thành thị tộc (genos, sn genē = clan). Rồi 30 thị tộc như thế tập hợp thành một hương tộc (phratria, sn ? = phratry), mỗi hương tộc tổ chức hằng năm một ngày lễ nhằm thu nhận và giới thiệu thành viên mới. Và cứ ba hương tộc như thế tập hợp thành một bộ tộc (phulē, sn phulai = tribe), do một tộc trưởng đứng đầu: đây là những tập hợp tự trị có đầy đủ các chức năng tôn giáo, hành chính và nhất là quân sự. Bốn bộ tộc đầu tiên của Athēnai là Geleontes, Hopletes, Argadeis, và Aegicoreis.

Về nhân sự, tất cả mọi chức vụ đều được đặt trên cơ sở dòng dõi và tài sản. Khởi thủy, các bộ tộc được đặt dưới quyền một vị Vua (Basileus* = King) mà nhiệm vụ chính là duy trì sự đoàn kết của bốn bộ tộc kể trên. Nhưng vương quyền bị giới hạn dần dần bởi các thị tộc lớn, trước tiên về mặt quân sự bởi một Thống Tướng (Polemarkhos, sn polemarchoi = Polemarch, War leader); sau đó, bằng một Thống Đốc (Arkhōn[12] = Árchon, Magistrate, Ruler) do thị tộc Medontid áp đặt thêm (vào khoảng năm 1088) để lấy gần hết các quyền dân sự còn lại. Chế độ quân chủ từ từ nhường chỗ cho chế độ đại tộc: nhà vua danh nghĩa chỉ còn chức năng tôn giáo, rồi dần dà trở thành Giáo Trưởng (Arkhōn basileus), trong khi chức vị Thống Đốc vốn đã quan trọng lúc đầu ngày càng tăng thêm uy thế, trở thành Quốc Trưởng trên thực tế (Arkhōn epōnymos; eponymous = kẻ được lấy tên làm niên hiệu đặt cho năm trị vì); mặt khác, quyền trị vì mãn đời của nhà vua và các thống đốc đầu tiên cũng trở thành những nhiệm kỳ giới hạn thông qua bầu cử, cứ 10 năm (từ khoảng năm 753) rồi một năm (từ khoảng năm 680) một lần.                                                                       

Về định chế, hình thức chính quyền sơ khai này được củng cố, khi bộ ba nói trên tự bổ túc bằng sáu pháp quan nữa (thesmothetēs, sn thesmothetai = layers down of laws), với nhiệm vụ phụ tá xét xử. Cả chín vị này thực thi quyền nhà nước dựa trên một hội đồng bao gồm tất cả những thống đốc đã hết nhiệm kỳ gọi là Hội Đồng Trưởng Thượng (Areopagos* do các từ Areios Pagos vì họp trên Đồi Ares cạnh thượng thành Akropolis); trên thực tế, hội đồng này là thành lũy quyền lực của giai cấp quý tộc, có trách nhiệm cố vấn các thống đốc và bảo vệ luật pháp: xét xử những tội quan trọng như khinh thần, giết người; kiểm tra và giám sát công việc thành quốc như trừng phạt các quan chức cao cấp, phủ quyết những quyết định của Đại Hội Quốc Dân (Ekklēsia* = Ecclēsia, Assembly) khi cần. Mặt khác, việc các thống đốc đều được chỉ định do bầu cử xác nhận sự tồn tại của một thứ tập hợp những người có quyền đầu phiếu gọi là Đại Hội Quốc Dân này, dù lúc đó nó chỉ giới hạn vào thành phần quý tộc và địa chủ.

Đại khái, đấy là bộ mặt của hệ thống chính trị trước Solōn. Trong lịch sử, chế độ đại tộc dựa trên tập tục này đã biến chuyển chủ yếu nhờ hai yếu tố: chiến tranh và cuộc khủng hoảng ruộng đất.

2 – CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN VÀ CỦNG CỐ DÂN CHỦ:

      KHỦNG HOẢNG RUỘNG ĐẤT VÀ CHIẾN TRANH

a - Khủng hoảng ruộng đất

Yếu tố chính đã góp phần tạo ra chuyển biến chính trị về hướng dân chủ là cuộc khủng hoảng xã hội xuất phát từ vấn đề ruộng đất, thừa hưởng từ các thế kỷ trước và kéo dài cho đến khoảng giữa hai thế kỷ thứ VI và thứ V.

Mặc dù 80% dân số Athēnai sống nhờ nông nghiệp, chế độ đất đai của thành quốc mắc phải hai vấn đề nan giải: sự bất bình đẳng trong việc phân chia đất đai, và sự mất quân bình trong chế độ canh tác. Phần lớn ruộng tốt nằm trong tay một thiểu số quý tộc, được dùng để trồng cây ô-liu và nho, để lấy dầu hay làm rượu xuất khẩu; chỉ phần đất nhỏ và xấu được nông dân dùng để trồng lúa mì và nhất là đại mạch, trong tình hình dân số thành quốc ngày càng tăng bất kể chiến tranh; mặt khác, tình trạng thiếu thức ăn vì loạn lạc dẫn đến việc nhập khẩu lúa mì, càng làm giảm thêm giá bán nông sản nội hóa.

Để làm ăn, nông dân trở thành con nợ (hektemoros, sn hektomoroi = sixth-partners = kẻ phải vay mượn với lãi suất là 1/6 vụ mùa), ruộng đất bị cầm cố cho địa chủ; khi số nợ vượt quá giá trị giả định của mảnh ruộng thì họ mất đất và trở thành tá điền, nghĩa là phải đi cày thuê trên chính mảnh ruộng mới đây còn là của mình. Cuối cùng, trong thế kẹt bị bắt buộc phải tiếp tục vay mượn hầu sống còn, họ còn có thể bị dẫn đến họa phải cầm cố vợ con hay chính thân xác mình, không trả nổi thì mất quyền làm chủ cả bản thân, thực chất là biến thành nông nô (agōgimos, sn agogimoi = liable to seizure, vật địa chủ có thể chiếm hữu), nghĩa là trở thành tên nô lệ có thể bị xuất khẩu lao động ra ngoài thành quốc.

b - Chiến tranh

Mặt khác, Athēnai đã trải qua hai cuộc chiến tranh lớn nhiều đợt trong thế kỷ thứ V: cuộc chiến tranh tự vệ với Đế quốc phương Đông Persia* (492-490, 480-479, 477-449), và cuộc nội chiến bá quyền với thành quốc Sparta* (460-445, 431-404). Và tất nhiên cả ba đã mang đến những thay đổi quan trọng về mọi mặt trong đời sống của thành quốc, đồng thời quy định lâu dài sự phát triển lịch sử không chỉ của Athēnai mà còn của toàn khối Hy Lạp. m

Khi chiến tranh còn dựa chính yếu vào kỵ binh (hippeus,

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa