SOKRATĒS CỦA PLATŌN (NGUYỄN VĂN KHOA, 2011)

CN : 15-02-2023
Từ khoá : Sōkratēs và Platōn ; Pythagoras và Platōn

C2

SŌKRATĒS CỦA PLATŌN

Tác giả : Nguyễn Văn Khoa 

*

I – SŌKRATĒS, PLATŌN, PYTHAGORAS
«Vấn đề Sōkratēs»

Một câu hỏi từ xưa không ngừng ám ảnh các nhà Platōn học và Sōkratēs học. Vì tư tưởng của Sōkratēs (khoảng 469-399) chỉ được biết gián tiếp và chủ yếu qua Platōn (khoảng 429-347), trong khi Platōn còn là một triết  gia  vĩ đại1 mà tư tưởng cũng đã tiến hóa rất phức tạp, liệu nhân vật Sōkratēs trong các bản đối thoại của ông có phát biểu trung thực những ý tưởng của Sōkratēs lịch sử chăng, và nếu có, trung thực đến mức nào? Hay Sōkratēs ở đây chỉ là người phát ngôn cho hệ thống tư tưởng riêng của Platōn, chỉ là chiếc mặt nạ của Platōn[2], nói như Pierre Hadot? Dưới thuật từ hiện đại «vấn đề Sōkratēs» («the Socratic problem»), nghi vấn này thực ra đã được nêu lên ngay từ thời cổ đại, và Diogenēs Laertios[3] (tk III sCn) đã từng cảnh báo đời sau bằng giai thoại một câu than của chính Sōkratēs, về khả năng hư cấu của người «học trò» xuất sắc này:

«Người ta nói rằng sau khi nghe Platōn đọc Lysis, Sōkratēs đã kêu lên: «Xin Hēraklēs chứng giám! Cậu thanh niên này đã nói không biết bao nhiêu chuyện khống về tôi». Bởi vì Platōn đã hạ bút viết rất nhiều điều cho là lời phát biểu của Sōkratēs mà thật ra Ông chưa bao giờ nói»[4]. Quy chiếu về Lysis ở đây có thể là không đúng, vì theo giới chuyên gia, tác phẩm này chỉ được viết ra ít lâu sau khi Sōkratēs đã bị hành quyết (khoảng giữa 399-390). Nhưng điều không thể nghi ngờ là nếu Platōn đã từ bỏ tất cả để trở thành triết gia vì Sōkratēs, nếu Sōkratēs là người đã có ảnh hưởng sâu đậm và được ông yêu kính nhất[5], Platōn còn chịu ảnh hưởng gián tiếp của nhiều triết gia «tiền Sōkratēs» khác, như Hērakleitos* xứ Ephesos (khoảng 535-475), Parmenidēs* thành Elea (khoảng 515-450)[6] và, cuối cùng nhưng sâu sắc nhất, Pythagoras* xứ Samos (khoảng 570-490)[7], đến độ triết lý của ông đã từ từ phát triển thành một hệ thống độc đáo ngày càng xa rời Sōkratēs, trước khi bản thân ông cũng chiếm lĩnh được địa vị bậc thầy để được ngưỡng mộ và bắt chước suốt thời cổ đại.

Sōkratēs, Platōn, Pythagoras
Theo Raffaello Sanzio,  Scuola di Atene (1510-1511)

Diogenēs Laertios cho rằng «Platōn đã phối hợp những nguyên tắc của các triết phái của Hērakleitos, Pythagoras và Sōkratēs; bởi vì ông triết lý về những sự vật đối tượng của giác quan theo hệ thống của Hērakleitos; về những sự vật đối tượng của trí tuệ theo hệ thống của Pythagoras; và về chính trị theo tư tưởng của Sōkratēs»[8]. Pierre Hadot diễn giải chi tiết hơn: «Người xưa cho rằng nét độc đáo của Platōn nằm ở sự kiện ông đã thực hiện cách nào đó một tổng hợp giữa triết lý của Sōkratēs đã quen thuộc nhiều ở Athēnai, với học thuyết của Pythagoras mà ông mới biết cặn kẽ trong chuyến du hành đầu tiên đến Sicily. Từ Sōkratēs, ông đã tiếp thu được phương pháp đối thoại, phong cách giả ngây mỉa mai*, sự quan tâm đến vấn đề hành xử trong cuộc sống. Từ Pythagoras, ông đã thừa hưởng được ý tưởng đào tạo bằng toán học cùng với khả năng áp dụng các môn toán vào việc nghiên cứu tự nhiên, tính thăng hoa của tư tưởng, và lý tưởng về lối sống cộng đồng giữa triết gia ... Người ta có thể nghĩ rất chính đáng rằng cảm hứng thành lập Akadēmeia* đã lấy mẫu mực đồng thời từ lối sống của Sōkratēs, và từ dạng thức sống của Pythagoras, dù rằng chúng ta không thể định nghĩa chắc chắn những đặc tính của dạng thức sống sau là gì»[9].

Như vậy, tuy rằng kẻ đi tìm Sōkratēs nhất thiết phải đụng đầu với Platōn, và ngược lại, người đọc Platōn không thể không bắt gặp Sōkratēs, liên hệ chặt chẽ giữa hai triết gia, dù sao, cũng không phải là mối tương quan đơn thuần giữa hình với bóng, mà đòi hỏi một sự phân ranh khá phức tạp. Một mặt, ngay ở những ý tưởng mà cả hai cùng chia sẻ, mỗi triết gia đều có sắc thái, phong cách riêng. Mặt khác, từ xa xưa đến đương đại, nếu món nợ của thầy Sōkratēs với học trò là hiển nhiên trong mắt mọi người – «nếu trước tòa án Athēnai, Sōkratēs đã mất mạng, thì bằng cách khai sinh ra Platōn như triết gia, Ông đã có được sự bất tử»[10] – thì món nợ của trò Platōn với thầy, dù cũng hiển nhiên không kém, vẫn còn là đối tượng của nhiều công trình thẩm định vừa tế nhị, vừa vất vả.

2 - «(Dia)Logoi Sokraticoi»
     («Socratic dialogues»)

Sōkratēs được biết đến chủ yếu qua các bản đối thoại của Platōn. Nhưng ai là bố đẻ của loại hình văn học gọi là đối thoại này, trước khi nó trở thành bất tử trong triết học với Sōkratēs và Platōn? Vấn đề đã gây tranh cãi ngay từ thời cổ đại. Theo một ý kiến, Zēnōn* xứ Elea (khoảng 490-430) là người đầu tiên đã viết đối thoại; nhưng theo Aristotelēs*, người đã thực sự khai sinh ra nó là Alexamenos xứ Teōs, một nhân vật ít ai biết. Chỉ về sau, Diogenēs Laertios mới cho rằng phải xem Platōn như cha đẻ của loại đối thoại triết học, do sự hoàn hảo mà ông đã mang lại cho thể loại này. Tuy nhiên, trước Platōn đã có Sōkratēs, và không hiếm triết gia hiện đại chỉ xem đối thoại viết như «một sự bắt chước mờ nhạt [đối thoại nói] về hai mặt»: đầu tiên, vì nó đã mất đi tính tức thì chân thực; thứ hai, vì nó mang dấu vết của loại bài tập dùng cho học sinh của học viện Akadēmeia[11].  

Dựa trên một đoạn văn trong Phaedrus[12] ,Pierre Hadot còn cho rằng, ngay chính trong mắt Platōn, biểu văn triết học nói có ưu thế hơn biểu văn viết rất nhiều. «Bởi vì, với sự có mặt cụ thể của một cá nhân sống động, biểu văn nói là một cuộc đối thoại thực sự nối kết hai tâm hồn, một trao đổi qua đó anh ta có thể trả lời những câu hỏi được đặt ra, và tự bảo vệ ý kiến. Cuộc đối thoại như vậy được cá biệt hóa, nó nhắm đến một cá nhân nhất định và tương ứng với khả năng, với nhu cầu của anh ta. Nghề nông cần thời gian để hạt giống nảy mầm và phát triển; tương tự, cần phải có nhiều đối thoại để làm nảy ra trong tâm trí kẻ trò chuyện một thứ hiểu biết đồng nhất với đức hạnh... Đối thoại không trao truyền một hiểu biết hoàn hảo, một thông tin, nhưng kẻ bàn bạc trao đổi chinh phục nó bằng nỗ lực riêng, anh ta phải tự phát hiện ra hiểu biết, phải tự tư duy lấy. Ngược lại, biểu văn viết không thể trả lời câu hỏi, nó không mang một nhân cách nào, và tự cho mình khả năng trao truyền tức khắc một hiểu biết hoàn hảo, nhưng lại không có kích thước đạo lý của một sự tán thành tự nguyện. Cho nên chỉ có hiểu biết đích thực trong đối thoại sống mà thôi»[13] .          

Hơn nữa, những đối thoại miệng của Sōkratēs không chỉ là chuyện lời qua tiếng lại thường tình, mà tuân theo một số luật chơi khá chính xác, nên có một số cấu trúc nhất định (xem Sōkratēs – Tên Hành Khất Và Bà Đỡ – Thành Athēnai, I.3). Cụ thể, chính Sōkratēs là cha đẻ của sự kịch tính hoá những đối kháng tư tưởng trong các cuộc đàm luận của Ông nơi công cộng, với đầy đủ diễn viên và nhiều khi cả khán thính giả. Nói cách khác, chính Sōkratēs mới là cha đẻ của loại đối thoại mang tên Ông, hiểu theo nghĩa kỹ thuật. Bằng cớ là sau khi Triết gia và những tác giả đã trực tiếp biết, và do đó, muốn bắt chước Ông trong thể loại này đều lần lượt qua đời, thì loại đối thoại triết học được kiến trúc theo kiểu Sōkratēs cũng dần dần mai một. Sōkratēs là triết gia duy nhất, sau khi chết, đã khởi động cả một phong trào viết về Ông, và viết để bắt chước Ông, như một thời trang: «hơn cả một loại hình văn học, đối thoại kiểu Sōkratēs còn là một thời trang, một cao trào sôi nổi suốt một phần tư thế kỷ, để rồi sau đó biến mất cùng với những người đã trực tiếp biết bậc thầy này. Sự lặng tiếng, rồi vắng mặt[14] của Sōkratēs trong các đối thoại cuối của Platōn phải chăng đã nói lên ý thức của Platōn rằng thời trang này đã trôi qua?»[15]. Dù sao, ngay từ thời cổ đại, những bản đối thoại của Aristotelēs – hầu hết đều đã thất lạc và chỉ được đời sau biết tới qua Cicero[16]  đã khác xa với các bản của Platōn về hình thức, và về thực chất cũng không còn mang chút sắc thái Sōkratēs nào nữa hết[17].   

Trở lại với Platōn học, khó khăn lớn ở đây là: một mặt, tách rời những đối thoại cũng lấy Sōkratēs làm nhân vật chính song không phải là của Platōn [18] ra khỏi phần trước tác đích thực của ông[19] ; và mặt khác, trong khối đối thoại sau, xác định đường ranh giữa hai mảng tác phẩm: những trước tác còn bàng bạc tư tưởng, sắc thái Sōkratēs – và do đó, được đời sau gọi là những «đối thoại sắc Sōkratēs»[20] –, với những trước tác đã chủ yếu mang tư tưởng của Platōn – mặc dù không ai trong giới nghiên cứu thấy cần thiết phải gọi chính danh chúng là những «đối thoại đặc Platōn» hết cả.

Ngày nay, để phân ranh hai mảng đối thoại trên, có thể nói đến một sự đồng thuận nào đó trên một số tiêu chuẩn sau trong giới nghiên cứu. Trước hết, đó là sự hiện diện hoặc thiếu vắng các yếu tố siêu hình: Sōkratēs là nhà luân lý học [21] trước hết nên ít khi chịu bàn về những ý kiến siêu hình, trong khi Platōn còn là và có thể nói chủ yếu là một nhà siêu hình học[22] . Thứ hai, đó là khuynh hướng xem việc cải hóa con người, hoặc sự cải tổ các định chế, như biện pháp tốt nhất để cải thiện thành quốc: bởi vì, tuy cùng xem cứu cánh của chính trị là sự thực thi công lý, Sōkratēs đề cao sự trau dồi phẩm chất cá nhân[23] để mọi công dân – từ lãnh tụ xuống thường dân – đều phải biết sống công chính, trong khi Platōn tin tưởng hơn vào loại thiết chế mang tính cưỡng bách[24] – luật pháp, tổ chức, giáo huấn... Cuối cùng, đó là khuynh hướng khu biệt hay không môi trường giáo dục: tuy cùng tin rằng quan hệ trực tiếp, sống động giữa người với người có tầm quan trọng quyết định trong việc dạy dỗ, Sōkratēs thật ra vẫn tiếp tục truyền thống sunousia[25] ở Athēnai – thanh thiếu niên phải được đào tạo, qua sự lui tới với lớp tuổi trước như người hướng dẫn, bằng sự cọ xát với những vấn đề của thành quốc, trong khuôn khổ thành quốc –, trong khi Platōn chủ trương – và ở điểm này, ông suy nghĩ giống các nhà «biện sĩ»[26] mà Sōkratēs và ông đã không ngừng đả kích – là tạo ra một môi trường giáo dục chuyên biệt tương đối tách rời khỏi đời sống thành quốc, và trên thực tế, đã thành lập nên ngôi trường Akadēmeia mười hai năm sau khi Sōkratēs bị hành quyết.    

II – KHỐI ĐỐI THOẠI VIẾT CỦA PLATŌN

1 – Các hệ thống sắp xếp

Một trong các nhà nghiên cứu Platōn đầu tiên, Thrasyllos xứ Alexandreia (tk I sCn), đã sắp xếp các bản đối thoại của Platōn thành chín bộ tứ đàm (tetralogies = quadriloques, mỗi bộ gồm bốn đối thoại), vì ông tin rằng triết gia đã trước tác giống như cách các thi sĩ đương thời viết kịch, khi họ phải dựng một loạt bốn vở kịch để dự thi tại bốn cuộc so tài nhân dịp lễ hội Dionysia*[27] (nhằm vinh danh thần Dionysos*) hằng năm. Cách sắp xếp truyền thống này đã quy định việc xuất bản những đối thoại của Platōn cũng như những bản dịch, từ bấy giờ cho đến gần đây (trong các thí dụ bên dưới, các bản dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Pháp sẽ được ghi lại dưới tên như trong ngôn ngữ đích).

1. Euthyphro, The Apology of Sōkratēs, Crito, Phaedo

2. Cratylus, Theaetetus, Sophist, Statesman

3. Parmenides, Philebus, The Symposium, Phaedrus

4. First Alcibiades, Second Alcibiades, Hipparchus, Rival Lovers

5. Theages, Charmides, Laches, Lysis

6. Euthydemus, Protagoras, Gorgias, Meno

7. Greater Hippias (major), Lesser Hippias (minor), Ion, Menexenus

8. Cleitophon, The Republic, Timaeus, Critias

9. Minos, The Laws, Epinomis, Epistles.

Nhiều nhà Platōn học sau đó cũng đã thử sắp xếp phần trước tác này của triết gia dựa trên nhiều tiêu chuẩn khác, như: vết tích của các tác giả đã ảnh hưởng lên ông (Karl Friedrich Hermann, 1804-1855), sự triển khai những tư tưởng siêu hình ở Platōn (Lewis Campbell, 1830-1908), mức độ hoàn hảo của tác phẩm (Friedrich Schleiermacher, 1768-1834), sự tiến hóa của bút pháp (Wilhelm Dittenberger, 1840-1906; Wincenty Lutoslawski, 1863-1954), v. v[28]... Nhưng ngày nay, với ý muốn phân biệt rõ rệt hơn hai mảng đối thoại «sắc Sōkratēs» «đặc Platōn», trình tự sáng tác của tác giả được xem là tiêu chuẩn thích đáng nhất, tuy việc định kỳ các tác phẩm cũng đầy khó khăn. Mặc dù không có sự nhất quán, nói chung, các bản đối thoại của Platōn được xem là đã lần lượt xuất hiện qua bốn giai đoạn dưới đây, và chỉ có hai thời kỳ đầu (khoảng 399–385) là ít nhiều còn mang tư tưởng của Sōkratēs.

1) khoảng 399–390: Hippias minor, Euthyphro, Ion, Laches, Charmides, Apology of Socrates, Crito, Protagoras;

2) khoảng 390-385: Gorgias, Meno, Hippias major, Euthydemos, Lysis, Menexenus;

3) khoảng 385–370: The Symposium (Le Banquet = Bữa Tiệc), Cratylus, Phaedo, The Republic (Cộng Hòa), Phaedru

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa