KHÁI QUÁT HOÁ (A. BURLOUD, 1927)

LM : 15-01-2023
Từ khoá : Khái quát hoá (Khái niệm)

 C1

KHÁI QUÁT HOÁ LÀ GÌ ?
(1927)

Tác giả: Albert Burloud[1],
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Trong trích đoạn dưới đây, Albert Burloud giải thích rằng, trái với một cách lạm dụng thuật từ này gợi ý, «cái tổng quát» không có nghĩa là cái mơ hồ mà là cái xác định. 

*

Chúng ta có thể gọi khái (tổng) quát hóa — một cách chắc chắn là hơi theo quy ước, và dù sao cũng theo một nghĩa khác với cái nghĩa ta vẫn gặp khi đối lập khái quát hóa với chuyên biệt hoá — những thao tác qua đó trí tuệ chuyển từ một cảm giác mơ hồ sang một ý thức rõ ràng về tính tổng quát, từ một ý tưởng mơ hồ và lộn xộn sang một ý tưởng rõ ràng và tách biệt. Khái quát hóa là xác định, là định nghĩa, là khám phá ra quan hệ cấu thành của cái trừu tượng. Từ quan điểm của ý thức mà chúng ta có về chúng, hoặc thậm chí ở nơi thâm sâu mật thiết nhất mà chúng tồn tại trong tâm lý, mọi khái niệm đều trải qua một giai đoạn kép: ban đầu, chúng được cảm nhận, và có thể nói là một cách tuyệt đối, như những phẩm chất; sau đó, chúng mới được tư duy như những quan hệ. Sự thật đúng như thế,   ngay cả cho những ý niệm rõ ràng là mang bản chất tương quan vốn được diễn đạt bằng các từ lớn, nhỏ, dài, ngắn, nặng, nhẹ, nhanh, chậm, v. v... Theo cách nói của Benjamin Bourdon[2], có những «ấn tượng tuyệt đối» về sự lớn lao, nhỏ bé, nhanh chóng, chậm chạp, v. v... Trong ý thức của nhiều người trưởng thành, một số ý niệm trừu tượng nhất định không vượt qua khỏi giai đoạn phẩm chất, và không bao giờ thực sự trở thành tổng quát. Liệu bao nhiêu người có được một ý tưởng, không chỉ tách biệt mà rõ ràng, đơn giản về cái tuyệt vời, cái duyên dáng, cái đẹp và cái xấu, về sự công bình và sự bất công?

Ý tưởng tổng quát là ý tưởng xác định. Giống như có sự trừu tượng có chủ ý và có hệ thống, cũng có một sự «khái quát hoá» có phương pháp mà các nhà lô-gic học từng thiết lập điều kiện [tồn tại], khi lập thuyết về định nghĩa. [...[3]] Rõ ràng là thông qua những trải nghiệm tinh thần liên tiếp, ít nhiều xa cách nhau trong thời gian, nhưng hệ quả chồng chất lên nhau, mà hầu hết những ý tưởng được phân loại trong hầu hết trí óc, và do đó, cũng dần dần mà chúng được định nghĩa và trở nên thực sự tổng quát. ...

... Theo quan điểm tâm lý học, định nghĩa đôi khi là kết quả của một phân tích có cùng bản chất với sự trừu tượng hoá, nó nối dài định nghĩa này với chức năng là làm nổi bật bản chất của cái trừu tượng, bằng cách so sánh hoặc kéo các trường hợp cụ thể lại gần nhau hơn nữa, nhưng cũng có thể và nhất là bằng cách so sánh ý niệm này với các ý niệm lân cận. … Song song với phân tích này, một nỗ lực tổng hợp bao gồm việc tích hợp hoặc tổng cộng các thuộc tính cũng được theo đuổi, đặc biệt là cho các khái niệm phức tạp. Những thuộc tính khác nhau của các phán đoán này dần dần được sáp nhập vào cùng một khái niệm được xem như chủ thể (sujet), như trung tâm của những phán đoán khác biệt. Ở đây, kết quả không còn là một tập hợp đơn giản nữa; bởi vì, khi những phán đoán rời khỏi loại hình được nghiên cứu trước đấy, các thuộc tính cũng dần dần được nghĩ theo trong một quan hệ xác định với chủ thể, và như vậy sẽ được tổ chức, cái này đối với cái kia, trong một tổng hợp thực sự. 

Albert Burloud,
Duy Khái Niệm,
(La Pensée conceptuelle,
Paris, PUF, 1927, tr. 173-177.


[1] Albert Burloud (1888-1954): nhà tâm lý học Pháp và giáo sư Đại học Văn khoa Rennes. Tác phẩm:  La Pensée conceptuelle (1927); La Pensée d'après les recherches expérimentales de Watt, de Messer et de Bühler (1927); Le temps psychologique (1936); Principes d'une psychologie des tendances (1938); Le Caractère (1942); Précis de psychologie (1948); De la psychologie à la philosophie (1950); Psychologie de la sensibilité (1954). NVK

[2] L'Intelligence, 1926, tr. 131. AB. Benjamin Bourdon (1860-1943): nhà tâm lý học Pháp và giáo sư Đại học Văn khoa Rennes. Tác phẩm:  L'Expression des émotions et des tendances dans le langage (1892); La perception visuelle de l'espace (1902); L'Intelligence (1926); Les fonctions systématisées de la vie intellectuelle (1936). NVK
[3] Ở đây,  tác giả cho thấy định nghĩa được liên kết với sự phân loại như thế nào.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa