KHÁI NIỆM HOÁ (T. RIBOT, 1897)

LM :  15-03-2023
Từ khoá: Khái niệm hoá

C1 

KHÁI NIỆM THÀNH HÌNH
NHƯ THẾ NÀO ?
(1897)

Tác giả: Théodule-Armand Ribot[1]
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Trong sự hình thành khái niệm, tinh thần bắt đầu từ đâu? Nó bắt đầu với giống loại hay với cá thể? Trong trích đoạn dưới đây, phủ nhận cả hai quan điểm triết học, Théodule Ribot trả lời bằng một nhận xét tâm lý: bằng «một trạng thái trung gian giữa cái riêng biệt và cái tổng quát, tham dự vào bản chất của cả cái này lẫn cái kia – một sự đơn giản hóa lờ mờ».

*

Một vấn đề được đặt ra vào cuối thế kỷ XVII (có lẽ sớm hơn) và chia giới triết gia thành hai phe, đấy là biết rằng liệu [sự hình thành khái niệm] ở cá nhân con người bắt đầu bằng những từ thuộc loại hình nào, tổng quát hoặc đặc thù? Sau đó, một vấn đề tương tự cũng được đặt ra đối với loài người, về nguồn gốc của lời nói.

Luận điểm «đặc thù» được J. Locke* tán thành: «Các ý tưởng mà những đứa trẻ có về những người trò chuyện với chúng, cũng giống như chính những người ấy, và chỉ có thể là đặc thù»[2]. Và sau J. Locke, nó được Condillac*, Adam Smith*, Dugald Stewart và hầu hết đại diện của cái gọi là trường phái duy  cảm giác (sensualism) ủng hộ.

 

Luận điểm «tổng quát» bao gồm những tác giả có không ít quyền uy hơn, bắt đầu từ G. W. Leibniz*: «Trẻ em và những người không biết rành ngôn ngữ họ nói hoặc về chủ đề họ muốn nói, sử dụng loại từ tổng quát, như sự vật, động vật, thực vật, thay vì những từ đặc thù thích hợp mà họ thiếu thốn; và chắc chắn rằng tất cả những tên riêng hoặc cá thể khởi thuỷ đều là những tên gọi chung hoặc những từ tổng quát»[3].

Tâm lý học đương thời không thể chấp nhận vấn đề ở dạng này, bởi nó hoàn toàn mập mờ. Sai lầm cơ bản của nó là áp dụng cho trạng thái phôi thai của trí tuệ và ngôn ngữ những công thức chỉ phù hợp với con người trưởng thành, với thứ trí tuệ trên đường tạo lập các phạm trù, vốn chỉ có giá trị đối với một bộ óc đã hình thành. Một đối chiếu với sinh lý học về phôi người sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn. Trước ba tháng, phôi này có mũi, có miệng không, nó là trai hay gái? v. v…; nhà nghiên cứu sự phát triển của sự sống, ở giai đoạn đầu của nó trong tử cung, chắc chắn sẽ tránh đặt ra loại câu hỏi này, và những câu hỏi tương tự khác theo kiểu này, bởi vì chúng không thể có câu trả lời rõ ràng là có hoặc không. Những gì ở trạng thái bao bọc và không ngừng biến đổi chỉ có thể được đồng hóa với những gì đã phát triển và cố định một cách xa xôi.

Công thức phù hợp duy nhất là như sau: tinh thần đi từ cái bất định tới cái xác định. Nếu chúng ta xem cái bất định đồng nghĩa với cái tổng quát[4], thì chúng ta có thể khẳng định rằng, khởi đầu cái xuất hiện không phải là cái đặc thù, và cũng không phải là cái tổng quát theo nghĩa chính xác của thuật từ này3, mà là cái mơ hồ. Nói cách khác, ngay khi tinh thần vượt khỏi khoảnh khắc nhận thức và sự tái tạo nó tức thì trong trí nhớ, thì cái xuất hiện là một hình ảnh chủng loại, nghĩa một trạng thái trung gian giữa cái riêng biệt và cái tổng quát, tham dự vào bản chất của cả cái này lẫn cái kia một sự đơn giản hóa lờ mờ.

Théodule Ribot,
Sự Tiến Hoá Của Những Ý Tưởng Tổng Quát
(L’évolution des idées générales,
PUF, 1897, tr. 38-40).


[1] Théodule-Armand Ribot (1839-1916), triết gia Pháp, giáo sư tại Collège de France, người đã tạo lập và làm giám đốc Tập San Triết Học (1876, La Revue philosophique). Ông thường được coi là một trong các người cha đẻ của  Tâm lý học thực nghiệm. Tác phẩm tiêu biểu: La Psychologie anglaise contemporaine (1870); L'Hérédité (1873); La Psychologie allemande contemporaine (1879); Les Maladies de la personnalité (1885); La Psychologie du raisonnement (1886); L’Étude expérimentale de l’intelligence (1903); Essai sur les Problèmes de psychologie affective (1910); Les Idées modernes sur les enfants (1911)…

[2] J. Locke, An Essay Concerning Human Understanding (Tiểu Luận Về Sự Hiểu Biết Của Con Người), 1689-1690. Tác phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa kinh nghiệm về nền tảng của tri ​​thức, trong đó ông mô tả trí tuệ con người lúc mới sinh như một tấm bảng trắng (tabula rasa*) được lấp đầy sau này thông qua kinh nghiệm.

[3] G. W. Leibniz, Nouveaux essais sur l’entendement humain (Tiểu Luận Mới Về Sự Hiểu Biết Của Con Người), viết năm 1704, xuất bản năm 1765 bằng tiếng Pháp. Tác phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa duy lý, trong đó Leibniz ghi lại hầu như từng chương chữ một quyển sách trên của Locke để phản bác, dưới hình thức một cuộc đối thoại tưởng tượng giữa Philalèthe (đại diện cho quan diểm của Locke) với Théophile (theo quan diểm của Leibniz).

[4] Xem thêm ở đây: Albert Berloud, Sự Khái Quát Hoá, 1927 và trên trang mục Triết Lý Khoa Học: Henri Bergson, Khái Niệm Hoá, 1896.  Về sự khái niệm hóa trong các lĩnh vực học thuật, xem tại các trang mục liên quan khi có thể tham khảo.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa