NGUỒN GỐC CỦA Ý TƯỞNG (J. LOCKE, 1690; G. W. LEIBNIZ, 1765 ; I. KANT, 1787)

LM : 15-03-2023
Từ khoá : Ý tưởng – Nguồn gốc ; Locke (John) – Trích đoạn ;
Leibniz (Gottfried Wilhelm) – Trích đoạn ; Kant (Immanuel) – Trích đoạn

C1

VẤN ĐỀ NGUỒN GỐC
CỦA
NHỮNG Ý TƯỞNG

Tác giả : J. Locke, G. W. Leibniz, I. Kant
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

1 – J. LOCKE, 1690

Giả sử rằng lúc đầu tinh thần[1] là một tấm bảng trắng, sạch trơn mọi thứ ký tự, không có bất kỳ ý tưởng nào (tabula rasa): làm thế nào, từ trạng thái ấy, nó tiếp nhận được những ý tưởng? Bằng cách nào mà tinh thần* có được số lượng ý tưởng phi thường mà óc tưởng tượng của con người, luôn luôn hoạt động và vô hạn, thể hiện cho nó, với một sự đa dạng gần như vô tận? Từ đâu mà nó rút ra được mọi chất liệu, giống như một thứ quỹ chứa tất cả những lý luận và tri ​​thức của nó? Tôi trả lời câu hỏi này chỉ bằng một từ: kinh nghiệm. Đây là nền tảng của mọi hiểu biết của chúng ta; đây chính là nguồn gốc đầu tiên của chúng. Những quan sát mà ta thực hiện trên những vật thể bên ngoài hoặc trên các thao tác trong trí của ta, những quan sát mà ta nhận thức được và trên đó chúng ta tự nghĩ suy, cung cấp cho tinh thần* ta tất cả chất liệu cho mọi tư tưởng của nó.

John Locke,
Tiểu Luận Về Sự Hiểu Biết Của Con Người
(Essai sur l'entendement humain,
q. Il, ch. 1, 1690).


2 – G. W. LEIBNIZ, 1765

Theo tôi, thứ tabula rasa được người ta nói tới quá nhiều này chỉ là một hư cấu mà thiên nhiên không cho phép; nó chỉ được dựng lên từ những ý  niệm không đầy đủ của các triết gia (...). Không có thứ chất thể nào mà lại không có gì để tự phân biệt nó với một chất thể khác. Tinh thần* con người không chỉ khác với của những giống loài khác, mà còn giữa người đời với nhau (...). Sau khi tước đi các ý tưởng của nó, những kẻ nói nhiều về thứ tabula rasa này sẽ không thể nói nó còn lại cái gì  (...). Có lẽ người ta sẽ trả lời tôi rằng thứ tabula rasa của các triết gia này có nghĩa rằng tinh thần* chỉ có những khả năng rỗng ở trạng thái tự nhiên ban đầu. Nhưng có khả năng (faculté) mà không có một hành động (acte) nào, nói tóm gọn là những tiềm năng[2] (puissances) thuần túy của Nhà trường [Kinh Viện], cũng chỉ là thứ hư cấu mà thiên nhiên không hề biết tới, và chúng ta chỉ có được bằng những nỗ lực trừu tượng. Vì người ta sẽ tìm thấy ở đâu trên thế giới này, một khả năng chỉ tự giới hạn mình trong tiềm năng mà thôi chứ không thực hiện bất kỳ một hành động nào? Luôn luôn có một tư thế cụ thể về một hành động, và về hành động này hơn là hành động khác; và bên cạnh tư thế hành động, còn có một xu hướng hành động, thậm chí luôn luôn có vô số xu hướng cùng một lúc trong mỗi chủ thể, và chúng chẳng bao giờ là không có một hiệu ứng nào đấy. Tôi công nhận rằng kinh nghiệm là cần thiết, để tinh thần* có thể được định hướng về tư tưởng này hay tư tưởng kia, hoặc cảnh giác trước những ý tưởng trong ta, nhưng về [vấn đề] bằng phương tiện nào kinh nghiệm và giác quan có thể cho ta những ý tưởng ư? Tinh thần* có cửa sổ chăng? Nó giống như tấm ván kệ hoặc như chất sáp chăng? Rõ ràng là tất cả những ai nghĩ về tinh thần* như vậy, nói cho cùng, đều biến nó thành vật chất. Họ sẽ phản bác tôi bằng câu tiên đề được thừa nhận trong giới triết gia: rằng không có gì trong tinh thần* mà không đến từ các giác quan – ngoại trừ chính tinh thần* và những gì chịu tác động của nó.

Gottfried Wilhelm Leibniz,
Tiểu Luận Mới Về Sự Hiểu Biết Của Con Người
(Nouveaux essais sur l'entendement humain,
q. II, ch. 1, đ. 2, 1765).


3 – I. KANT, 1787

Điều không thể nghi ngờ là mọi tri ​​thức của chúng ta đều bắt đầu từ kinh nghiệm. Thật vậy, năng lực hiểu biết của ta có thể được đánh thức và đưa vào hoạt động bằng cái gì, nếu không phải bởi những vật thể tác động trên giác quan của chúng ta, để chính chúng, một mặt, tự tạo ra những biểu tượng, và mặt khác, khởi động khả năng trí tuệ của ta, khiến nó so sánh, liên kết hoặc tách biệt những biểu tượng này, và cứ thế tiến hành trên chất liệu thô vốn là những ấn tượng giác quan, để từ đấy rút ra một tri ​​thức về các đối tượng, thứ tri ​​thức mà chúng ta gọi là kinh nghiệm? Vì vậy, theo thứ tự thời gian, không có thứ tri ​​thức nào có trước kinh nghiệm trong ta, và chính với nó mà mọi tri ​​thức bắt đầu.

Nhưng nếu mọi tri ​​thức của ta đều bắt đầu từ kinh nghiệm, thì điều này không chứng minh rằng tất cả đều được rút ra từ kinh nghiệm, vì có thể ngay cả phần tri ​​thức qua kinh nghiệm của chúng ta cũng là một hỗn hợp, của những gì ta nhận được từ phần ấn tượng giác quan, và những gì ta có thể biết được nhờ phần năng lực hiểu biết riêng của ta tự tạo ra – chỉ đơn giản do bị kích thích bởi những ấn tượng cảm giác; một sự bổ sung mà ta không phân biệt được với nguyên liệu thô, cho đến khi chúng ta chú ý tới nó sau một thời gian luyện tập dài đã dạy ta cách tách rời chúng.

Như vậy, ít nhất còn một vấn đề vẫn đòi hỏi một nỗ lực kiểm tra sâu sắc hơn, và không thể giải quyết nhanh chóng – đấy là việc tìm hiểu xem liệu còn có một thứ tri ​​thức như vậy hay không, một thứ tri ​​thức độc lập với kinh nghiệm, thậm chí với mọi ấn tượng cảm giác. Thứ tri thức như vậy được gọi là tiên nghiệm, và được phân biệt với tri ​​thức thực nghiệm vốn có nguồn gốc hậu nghiệm, cụ thể là trong kinh nghiệm.

Immanuel Kant,
Phê Phán Lý Trí Thuần Tuý Dẫn Nhập - 1787
(Kritik der reinen Vernunft Einführung, 1787).


[1] Âme trong các bản gốc sử dụng của Locke và Leibniz. Ở đây, chúng tôi dịch nhất quán âmetinh thần thay vì linh hồn, để đặt dấu nhấn trên khía cạnh trí tuệ và tri thức của từ này.

[2] Puissance, còn được dịch là năng thế hay tiềm thế (Danh Từ Triết Học của L. M. Cao Văn Luận, Đào Văn Tập, Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Tuyên… )  

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa