CHỮ VIẾT KHIẾN KHOA HỌC THÀNH CÓ THỂ (S. L. GOLDMAN, 2007)

LM : 15-12-2023
Từ khoá : Chữ viết và Khoa học ; Khoa học – Phát triển

C1

CHỮ VIẾT
KHIẾN KHOA HỌC THÀNH CÓ THỂ
(2007)

Tác giả: Steven Louis Goldman[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Như yếu tố ngoại phát trong sự phát triển khoa học, chữ viết chắc chắn là cái đầu tiên và có lẽ là cái quan trọng nhất. Bởi vì khoa học là ý tưởng, là tích luỹ, là trao đổi, có thể đúng như Goldman đã khẳng định: «không có chữ viết, không có khoa học», mặc dù cũng chỉ có một tuyến phát triển của nó ở Tây phương là màu mỡ, theo bản tường trình này của ông.

Để bạn đọc dễ  theo dõi bài giảng này của tác giả hơn, chúng tôi đã thêm vào bản dịch những tiểu tựa không có trong nguyên bản.

*

Như tôi đã nói trong bài giảng trước[2], từ quan điểm của khoa học như chúng ta biết ngày nay, khoa học mà không có văn bản, không có chữ viết, không có chữ khắc, không có sự nắm bắt được tư duy của các nhà khoa học trong văn bản — tất nhiên là cùng với dữ liệu và quy trình lý luận của họ — đơn giản là không thể quan niệm được. Không có chữ viết, không có khoa học. Điều này đã đúng vào thế kỷ XVII, khi cuộc cách mạng khoa học diễn ra. Khi khoa học hiện đại xuất hiện, đối với những người mà ngày nay chúng ta công nhận là các nhà sáng lập khoa học hiện đại, thì thật không thể tưởng tượng được rằng họ có thể đã không VIẾT ra những gì họ tuyên bố đã đạt được tri ​​thức về chúng. Đối với Descartes* chẳng hạn, không thể tưởng tượng được rằng ông có thể đã chỉ đơn giản NÓI với những người chung quanh về cái phương pháp mới để thu đạt tri thức về tự nhiên của mình.

I - MỘT DI SẢN TỪ HY LẠP CỔ ĐẠI

Galileo* đã sử dụng công nghệ in một cách xuất sắc để truyền bá sự kiện ông bảo vệ lý thuyết của Kopernik* về sự chuyển động của Trái Đất. Chỉ nói điều đó với một nhóm đệ tử ngồi chung quanh ông thậm chí đã không còn là một lựa chọn trong thế kỷ XVII. Diễn tiến này đã xảy ra như thế nào? Ngay từ 200 năm trước, trong thời Phục Hưng, các học giả theo chủ nghĩa nhân văn đã lập chuẩn cho mọi ngành học thuật — mọi tuyên xưng tri thức chứ không chỉ tri thức về tự nhiên — rằng mọi tuyên xưng là tri thức đều phải được in ra. Châu Âu đã thực sự say mê việc in ấn ngay khi công nghệ in bằng các mẫu kim loại di động của Gutenberg ra đời vào giữa thế kỷ XV. Tại sao xã hội Tây Âu lại sẵn sàng đáp ứng công nghệ in mới, khi nó vừa được giới thiệu? Tôi tin rằng đấy là do di sản của truyền thống đại học [Trung Cổ], thứ truyền thống vốn đã nắm giữ được cái ý tưởng Hy Lạp cho rằng sự học hỏi được tiếp thu qua những cuộn sách.

Bắt đầu ít ra là từ khoảng năm 500 tCn, các triết gia Hy Lạp đã viết sách, và những quyển còn sống sót từ thời Cổ đại của họ chính là những văn bản cốt lõi được nghiên cứu tại các trường đại học Trung cổ. Khi trường đại học thời Trung cổ được phát minh ra, nó được phát minh như một nơi mà mọi người tới để nghiên cứu các loại văn bản, nhằm tiếp thu tri thức về thời Cổ đại, tiếp thu phần trí tuệ mà con người đã đạt được thông qua việc nghiên cứu văn bản, bao gồm cả các văn bản thần học — nghĩa là nghiên cứu cả những bài bình luận về Kinh Thánh, chẳng hạn. Như vậy, mọi môn học ở đại học, như luật học và y học, đều gắn liền với việc nghiên cứu văn bản. Thật ra, việc nghiên cứu y học lâm sàng, cái vốn là một đường dẫn khác của người Hy Lạp cổ đại, được tách biệt khỏi điều kiện này ở một mức độ đáng kể, nhưng chúng ta sẽ nói về nó sau.

Như vậy, giả định ngầm và máy móc rằng khoa học đòi hỏi chữ viếtmột di sản đến từ người Hy Lạp cổ đại; do đó, sự phát minh ra ý tưởng chữ viết, cách nó đến Hy Lạp cổ đại như thế nào, và vì sao người Hy Lạp phản ứng với nó theo cách họ đã làm, là một phần quan trọng trong sự vươn lên của khoa học hiện đại. Hãy lưu ý ngay từ bây giờ, rồi sau đó nữa, điều chúng ta sẽ nói đến và lặp đi lặp lại trong nhiều bài giảng tương lai, về quan hệ giữa chữ viết với cái biết (tri thức), như đối lập với quan hệ giữa chữ viết với cái làm (hành động).

Tôi đã kết thúc bài giảng cuối bằng một mô tả về sự tích lũy những bí quyết-làm (know-how)[3] suốt thời kỳ trước khi có chữ viết trong lịch sử loài người, từ khoảng 10000 năm xuống độ 3500 hay 3000 năm tCn, khi một hệ thống chữ viết có thể được sử dụng và sau đó lan rộng; những bí quyết -làm ấy không kích động chữ viết, tri ​​thức mới kích động chữ viết. Sau đó, tôi đã nói rằng sự phân biệt này, rằng ý tưởng triết học về tri thức, cái đã trở thành một phần trung tâm của truyền thống khoa học, rằng ý tưởng về tri thức đó được gắn liền với chữ viết ngay từ đầu. Tôi đã nói rằng sự khác biệt giữa tri thức với bí quyết-làm được phản ánh trong sự khác biệt giữa khoa học với kỹ thuật, nhân tiện qua đó, địa vị vượt trội mà xã hội ta dành cho khoa học so với kỹ thuật. Có thể nói, rằng sự hiểu biết này được đánh giá cao và tán thưởng về mặt văn hóa hơn là chỉ làm, rằng chúng ta nghĩ về kỹ thuật và công nghệ như thể chúng chỉ là khoa học ứng dụng đơn thuần. Có nghĩa là ta đang đặt bí quyết-làm phụ thuộc vào tri thức. Nhưng ngay cả như ta sẽ thấy trong thế kỷ XIX, khi việc dạy khoa kỹ sư (engineering) hiện đại, nền tảng của khoa học kỹ thuật (techno-science) như tôi đã mô tả trong bài giảng trước, được gắn liền với việc cặp đôi khoa học vào thuật kỹ sư và công nghệ — đổi mới công nghệ — thì chiếc chìa khóa của nó hóa ra lại là sự khoa học hoá thuật kỹ sư. Điều đó có nghĩa là chúng ta đưa các giáo trình về khoa học, toán học và phòng thí nghiệm vào như chiếc chìa khóa của việc dạy khoa kỹ sư, như đối lập với cửa hàng máy móc — đối lập với cái làm. Đây là một chiến trận của thế kỷ XIX, chúng ta sẽ nói tới nó trong một bài giảng tiếp theo.

Như vậy, có thể nói rằng ý tưởng chữ viết đã liên tục xuất hiện như mẫu số chung ở đây. Và đấy là lý do khiến tôi nghĩ chúng ta cần phải quan tâm tới sự phát minh ra chữ viết, và sự truyền tải nó vào Hy Lạp cổ đại, bởi vì chúng đã trở thành một di sản: sự áp dụng chữ viết và tri thức một cách nào đấy để chúng trở thành một công cụ, và hơn cả công cụ, một sự dấn thân thâm sâu vào khoa học.

II - CHỮ VIẾT LÀ ĐIỀU KIỆN CẦN, KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỀU KIỆN ĐỦ

1 - Chữ viết không đảm bảo sự xuất hiện của khoa học

Thêm bốn điểm nhanh gọn trước khi chúng ta đi xa hơn. Trước hết, tôi tin rằng chữ viết là điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ cho khoa học hiện đại. Sự kiện một nền văn hóa tiếp thu chữ viết và sử dụng chữ viết một cách mạnh mẽ không đảm bảo rằng nó sẽ sinh ra cái ý tưởng về tri thức mà chúng ta thấy đã được tạo ra bởi các triết gia Hy Lạp cổ đại, hoặc rằng khoa học hiện đại sẽ xuất hiện trong xã hội ấy.

Ví dụ, Trung Quốc và Hồi giáo, rồi sau này phần nào là Ấn Độ, tất cả đều là những xã hội in ấn nhiều, đặc biệt là Trung Quốc và Hồi giáo. Số lượng văn bản được viết và in ở Trung Quốc là rất nhiều — người Trung Quốc sử dụng phương pháp in khối (in mộc bản = block printing) và sau đó là in chữ di động (moveable type printing); in khối đã được sử dụng có lẽ cả 1.000 năm trước phương Tây, và in chữ di động đã được sử dụng cả trăm năm trước phương Tây[4] ; nhưng mặc dù có một lượng văn bản đồ sộ được in ở Trung Quốc, ý tưởng về khoa học hiện đại đã không nảy sinh ở đây. Khoa học và công nghệ Hồi giáo — đặc biệt là từ khoảng thế kỷ thứ IX cho đến thế kỷ XIII — vượt trội hơn nhiều so với cái mà chúng ta có thể gọi là khoa học và công nghệ ở Tây Âu, nhưng ý tưởng về khoa học hiện đại cũng không nảy sinh trong thế giới Hồi giáo. Vì vậy, có chữ viết là điều kiện tiên quyết để làm khoa học, nhưng có chữ viết không đảm bảo rằng khoa học sẽ xuất hiện.

Điểm thứ hai: Một xã hội hay một nền văn hóa không có chữ viết, không biết chữ — điều mà ngày nay, khi nói tới, chúng ta đôi khi có hàm ý miệt thị — rõ ràng không có nghĩa rằng nó là một xã hội không tinh vi. Đó là lý do khiến tôi đã dành rất nhiều thời giờ để nói về sự tinh tế phi thường của những con người thời tiền sử, chưa biết chữ. Họ đã tích lũy được bao nhiêu bí quyết (know-how), họ đã có thể làm những gì, họ từng thay đổi cảnh quan và thế giới xung quanh, thông qua sự biến đổi cây trồng và thú nuôi, qua các công nghệ thủy lợi và xây dựng… như thế nào. Tất nhiên, trong giới hạn tri thức và khả năng của họ — bí quyết của họ — họ khá là tinh tế. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng một xã hội không biết chữ thì không tinh tế và thiếu những bí quyết tinh vi.

2 - Chữ viết là thiết yếu vì tri thức khoa học là trừu tượng

Điểm thứ ba: Đối với chúng ta, khoa học chỉ một cách tiếp cận đặc thù để nghiên cứu tự nhiên, và một trong các trọng tâm chính của giáo trình này là nhấn mạnh trên những gì làm cho nó là đặc biệt. Nhưng nó không phải là cách tiếp cận duy nhất để nghiên cứu thiên nhiên. Ví dụ, trong thế giới Hồi giáo — đặc biệt, như tôi đã nói, trong giai đoạn từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XII, XIII, XIV ; ở Trung Quốc và Ấn Độ, đã từng có sự nghiên cứu nghiêm túc và có hệ thống về tự nhiên. Nhưng nó không biến thành khoa học hiện đại như nghiên cứu ở Tây Âu đã biến thành khoa học hiện đại trong thế kỷ XVII.

Điểm thứ tư: Lý do khiến chữ viết là thiết yếu cho khoa học, lý do khiến nó là điều kiện cần cho khoa học, đấy là vì cái mà chúng ta gọi là tri thức khoa học là một sự trừu tượng. Không giống như bí quyết-làm, cái có thể được thể hiện trong sự vật và quy trình, đồng thời được đánh giá mà không cần chữ viết, thứ bạn có thể nhìn vào — tôi nghĩ đã từng minh họa nó bằng hình ảnh một người đang chế tạo một cái bình hay một vũ khí bằng đồng hoặc một lưỡi kiếm bằng thép — và có thể thấy là nó tốt hoặc không tốt, người chế tác biết hoặc không biết làm, hay biết làm tốt đến mức nào, v. v… Vì vậy, bí quyết-làm có thể hiện thân nó theo nghĩa đen, có thể tồn tại trong sự vật, và đấy là điều khiến nó được truyền tải và phổ biến dễ dàng hơn mà không cần tới chữ viết. Nhưng thứ mà ta hiểu là khoa học, và chúng ta thấy điều này — bắt đầu thấy điều này vào thế kỷ XVII, mặc dù nó đã hiển nhiên ở Hy Lạp cổ đại — lại đề cập tới một hiện thực mà ta không trải nghiệm và không thể trải nghiệm. Trên nguyên tắc, chúng ta không thể trải nghiệm các hạt quark. Ta không trải nghiệm được bức xạ nền vi sóng, mà một số người tin là dấu hiệu cho thấy rằng lý thuyết vụ nổ lớn về nguồn gốc của vũ trụ là đại khái đúng. Chúng ta không trải nghiệm các tế bào. Ta cũng không trải nghiệm được chuỗi cơ bản trong DNA, cái hướng dẫn quá trình chuyển hóa tế bào và quá trình trao đổi chất trong cơ thể ta. Chữ viết là hiện thân của tri ​​thức khoa học.

III - SỰ PHÁT MINH RA CHỮ VIẾT

Như vậy, hãy lấy những thông tin trên làm một thứ nền, và thử nhìn vào việc phát minh ra chữ viết — dĩ nhiên, như một biến cố lịch sử, nó có thể  thay đổi, nếu có những sự kiện mới được phát hiện thêm; nhưng có vẻ là chữ viết đã được phát minh ra bởi người Sumer[5] trong giữa thiên niên kỷ thứ IV tCn. Người Sumer là một dân tộc không thuộc giống người Semit[6], và nói một thứ tiếng không thuộc nhóm ngôn ngữ Semit; họ đã có thể từ Trung Á chuyển đến khu vực phía đông nam của vùng mà tất cả chúng ta được dạy gọi là Lưỡi Liềm Màu Mỡ (Fertile Crescent, xem hình bên)[7] và được coi là nơi phát sinh của nền văn minh. Mặc dù con dấu và dấu hiệu có trước chữ viết, tất nhiên với tính chất tượng trưng, và tất nhiên chúng ta chờ đợi điều ấy — bởi vì hàng nghìn năm trước khi chữ viết xuất hiện, con người đã sống trong những phức hợp xã hội khá lớn, với thương mại, chính quyền và tôn giáo, vì vậy phải có một hình thức ghi chép có hệ thống nào đấy — nhưng chính là với người Sumer mà chúng ta có được hệ thống chữ viết đầu tiên như ta biết. Và chúng ta thừa nhận như thế.

1 - Tuyến chuyển biến dấu hiệu chữ viết từ tượng hình sang chữ cái

Chữ viết là một phát minh. Nó đã được làm ra. Chữ viết là một hệ thống ký hiệu. Nó là một hệ thống. Tất cả gắn kết với nhau, bạn không thể chỉ có một chữ cái. Thực ra, ngay từ đầu, hệ thống ngôn ngữ của người Sumer, và lùi lại xa tới mọi hệ thống ngôn ngữ xưa sớm nhất, chúng ta có thể nói chúng đều là những hệ thống biểu tượng (logographic). Điều này có nghĩa là dấu hiệu đại diện cho một ý tưởng nhất định. Đôi khi hệ thống này được gọi là tượng ý (ideographic) hay tượng hình (pictographic). Có những khác biệt giữa các từ này, nhưng chúng ta không cần quan tâm đến chúng. Hệ thống chữ viết đầu tiên mà chúng ta biết, ở Sumer, là hệ thống trong đó ký hiệu đại diện cho ý tưởng — đại diện cho những gì chúng ta có thể gọi là một khái niệm hoặc một ý tưởng, và cuối cùng nó đã phát triển thành một ngôn ngữ theo thứ tự chữ cái. Một ngôn ngữ tượng hình không nhất thiết phải phát triển thành một ngôn ngữ có bảng chữ cái; chúng ta thấy điều này ở tiếng Trung Hoa chẳng hạn.

Ngôn ngữ Trung Quốc có lẽ đã phát triển khoảng 1500 năm sau ngôn ngữ Sumer, bề ngoài là độc lập; nhưng có đủ liên hệ giữa Trung Đông với vùng Trung Á và Đông Á, trong khoảng thời gian cho là từ 3500 đến 1500 tCn, để tin rằng sự nổi lên không độc lập của chữ viết ở Trung Quốc không phải là điều không thể. Tuy nhiên, trên thực tế, nó thường được xem là độc lập. Như vậy, những văn bản khắc sớm nhất của Trung Quốc là từ giữa thiên niên kỷ thứ II tCn, mặc dù cũng có gợi ý rằng các dấu hiệu trong thứ ngôn ngữ ấy đã tồn tại từ khoảng năm 2000 tCn — nhưng đây phần nào chỉ là suy đoán.

Ngược lại, Ai Cập rất gần với Sumer, chỉ cách đôi trăm dặm, và đã có sự tiếp xúc đáng kể giữa người Ai Cập với người Akkad[8] ở Babylonia[9] những người đã chinh phục người Sumer vào đầu thiên niên kỷ thứ III, cuối những năm 2000 tCn. Sự nổi lên của chữ tượng hình Ai Cập có thể là một phản ánh của sự phổ biến hệ thống chữ viết của người Sumer.

Người Sumer đã ghi hệ thống chữ viết của họ trên những phiến đất sét, vì vậy nó được gọi là chữ hình nêm (cuneiform). Nó không quan hệ gì tới ngôn ngữ. Về ngôn ngữ, đây thuộc loại hình ngôn ngữ biểu trưng. Điều này có nghĩa là mỗi biểu tượng đại diện cho một ý tưởng, và khởi đầu, một cách tiêu biểu, mỗi ký tự là một hình ảnh. Nhưng lối viết trở nên thô kệch khi bạn muốn viết một cuốn sách dài, cho nên khá nhanh chóng, trong cả chữ tượng hình lẫn chữ hình nêm của người Sumer, các ký hiệu đều được cách điệu hoá, không còn mang tính chất tượng hình nghiêm ngặt nữa. Bạn phải học quan hệ giữa dấu hiệu với ý tưởng mà nó đại diện, hay theo thời gian, giữa dấu hiệu với âm tiết là gì, cách bạn phát âm nó như thế nào, hoặc giữa dấu hiệu với thứ có thể coi như chữ cái trong bảng chữ a-b-c cho phép bạn xâu chuỗi các từ lại với nhau, theo cách mà một ngôn ngữ có chữ cái cho phép.

Hãy lưu ý một điều rất thú vị về chữ viết. Sau khi đã phát triển một hệ thống chữ viết, nó phải được dạy. Bạn phải học nó. Không có kết nối tự nhiên. Những hình vẽ bắt đầu với quan hệ tự nhiên này, nhưng điều đó hóa ra lại rất rườm rà, và trên thực tế, ngay cả ở giai đoạn tạo hình, ta thấy rằng ở cả Ai Cập cổ đại lẫn ở Babylonia đều đã từng có những trường dạy viết. Mọi người phải học nó, và tất nhiên là một khi nó trở thành âm tiết hoặc chữ cái, thì các dấu hiệu hoàn toàn là độc đoán, và không có cách nào bạn có thể học đọc ngôn ngữ mà không được dạy, vì vậy, có một loại trường học được sinh ra trong một xã hội sử dụng ngôn ngữ.

Như vậy, chữ viết hình nêm, trong đó các ký hiệu là tượng ý hay tượng hình, đã được người Sumer đưa ra. Bất kể những hình ảnh ấy có ý nghĩa hay không trong tiếng Sumer, điều xảy ra tiếp theo thật là thú vị. Dân Sumer đã bị người Akkad  — giống người Semit từ vùng đất được gọi là Canaan[10] trong Kinh thánh di cư về phía đông — chinh phục, và thành lập Đế chế Babylonia đầu tiên. Họ sử dụng hệ thống chữ viết của người Sumer, vốn được phát minh ra cho một ngôn ngữ phi Semit, và sử dụng nó trong ngôn ngữ Semit của họ. Tiếng Akkad là một ngôn ngữ Semit. Nó là một loại hình ngôn ngữ hoàn toàn khác, thuộc một họ ngôn ngữ hoàn toàn khác. Quan hệ giữa hai bên không giống như quan hệ giữa tiếng Pháp với tiếng Anh, hay thậm chí giữa tiếng Pháp với tiếng Tây Ban Nha.

Việc người Akkad chấp nhận và điều chỉnh chữ viết của người Sumer có nghĩa là họ thực sự phải coi những ký hiệu trên là tùy tiện. Bạn thực sự phải học xem những dấu hiệu ấy đại diện cho cái gì, bởi vì đấy là một loại ngôn ngữ hoàn toàn khác. Rồi điều xảy ra gần như liền mạch vào cuối những năm 2000 tCn (đâu đó trong khoảng từ 2000 đến 1500 tCn) là thứ ngôn ngữ ấy, ban đầu là chữ tượng hình, trong đó các ký hiệu (giống như hình ảnh) khá phức tạp được sử dụng, đã trở thành chữ cái. Chuyển biến này dường như đã xảy ra ở Canaan, trên thực tế được gọi là Ugarit[11], nơi một văn bản viết bằng chữ cái đã được phát hiện, đại khái trong khoảng từ 1500–1200 tCn.

Điều đặc biệt quan trọng đối với chúng ta là tiếng Ugarit, một ngôn ngữ chữ cái, có lẽ là ngôn ngữ chữ cái đầu tiên mà thế giới biết đến, đã được người Phoenicia[12] — dân Phoenicia sống ở vùng đất ngày nay là Lebanon — rồi người Do Thái cổ đại, và sau đó là người Ả Rập thu nhận. Vì vậy, tiếng Phoenicia, tiếng Do Thái và tiếng Ả Rập đều có nguồn gốc chung rất gần, và giữa các bảng chữ cái của các ngôn ngữ đó có những điểm giống nhau nổi bật, bởi tất cả đều là ngôn ngữ Semit. Người Phoenicia được quan tâm đặc biệt vì họ là những thương nhân bậc thầy ở  Địa Trung Hải suốt nhiều thế kỷ, bắt đầu có lẽ từ khoảng 1200–1100 tCn. Khi buôn bán xuyên Địa Trung Hải, họ đã phổ biến thứ ngôn ngữ chữ cái của mình cho những giống dân không biết chữ, dễ đoán là vì nó tốt cho việc kinh doanh. Kinh doanh với những người có thể giao tiếp với bạn bằng văn bản, và lưu giữ hồ sơ mà bạn có thể dựa vào và sử dụng sẽ dễ dàng hơn.

Và đặc biệt, đâu đó khoảng thế kỷ thứ IX, vào những năm 800 tCn, người Phoenicia đã dạy người Hy Lạp bảng chữ cái của họ. Vì vậy, alpha, beta, gamma, delta trong tiếng Hy Lạp; alef, bet, gimel, dalet trong tiếng Do Thái, đều tương tự như trong tiếng Phoenicia. Các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp tương tự như trong ngôn ngữ chữ cái Phoenicia và tiếng Do Thái Ugarit ở Canaan. Đây không phải là một ngẫu nhiên dễ thương sao? Không, đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nó đã được dạy.

Dường như ở giai đoạn trước, vào khoảng năm 1200 tCn, xã hội Hy Lạp đã có chữ viết, một thứ ngôn ngữ khá thô vụng, có nguồn gốc từ đảo Krētē[13]. Bạn có thể đã đọc về Tuyến tính A và Tuyến tính B[14] như hai ngôn  ngữ cổ đại. Tuyến tính B đã được giải mã sau nhiều năm và dường như có liên quan đến nền văn minh Minōites13 do Krētē thống trị và bị phá hủy do động đất đâu đó khoảng năm 1400 tCn. Và người Hy Lạp cổ đại, người Hy Lạp Mykēnai[15], những người đã chiến đấu trong cuộc chiến thành Troia, có thể đã có một thứ văn hóa viết nào đó, mặc dù hầu như không có bằng chứng gì, và chắc chắn không có cái gì giống như một văn bản. Nhưng người Hy Lạp thời Hy Lạp hoá*, những người Hy Lạp mà chúng ta biết từ khoảng năm 800 tCn về sau, họ đã được người Phoenicia dạy viết cùng với người Etrusca[16], vì họ giao dịch với người Etrusca ở Ý. Người Etrusca đã dạy nó lại cho người La-tinh, những người mà chúng ta gọi là người La Mã. Vì vậy, người Phoenicia đóng vai trò như một đường dẫn cho ngôn ngữ chữ cái đầu tiên, thứ ngôn ngữ vốn đã phát triển trực tiếp từ sự chuyển hóa phát minh chữ viết (tượng hình) của người Sumer (thành chữ cái) bởi dân Akkad.

Bây giờ, người Hy Lạp đã hưởng ứng hoạt động viết lách với một nhiệt tình và sức sáng tạo đáng kinh ngạc. Việc người Hy Lạp tiếp nhận chữ viết đã dẫn đến một sự bùng nổ hầu như tức thì về năng suất văn hóa, về thi ca, kịch nghệ, triết học, toán học, y học. Số người Hy Lạp đổ ra viết từ năm 500 tCn rõ ràng không phải là công dân trung bình, nhưng có một nhóm nhỏ trong xã hội Hy Lạp xem việc đọc và sản xuất sách là chuẩn mực. Chúng ta có thể thấy điều này rất rõ ràng qua những Đối Thoại của Platōn — viết vào giữa thế kỷ thứ IV tCn — chẳng hạn, trong đó việc một người thông minh, một người có học, đọc sách của các triết gia khoảng một trăm năm trước hay hơn nữa là điều đương nhiên. Nhiều quyển trong số đó không còn tồn tại, nhưng một số thì vẫn còn, nhờ vậy chúng ta vẫn có được một số ý tưởng về nội dung của chúng là gì.

Như vậy, chính là ở Hy Lạp cổ đại mà ý tưởng về tri thức đã hình thành, ăn sâu vào, và trở thành nền tảng của tri thức khoa học như chúng ta hiểu về nó. Và vì người Hy Lạp phản ứng với chữ viết bằng cách biến việc viết sách thành chuẩn mực về người hiểu biết, nên có một đường dẫn nguồn gốc trực tiếp từ việc phát minh ra chữ viết ở Sumer, thông qua việc biến thứ chữ hình nêm đó thành một ngôn ngữ chữ cái được người Phoenicia dạy cho người Hy Lạp, rồi được truyền qua trường đại học thời Trung Cổ đến Tây Âu cũng như các nơi khác — chẳng hạn như thế giới Hồi giáo.

Như vậy, một cách nhìn thú vị về khoa học hiện đại là cho rằng một đặc điểm cốt lõi của nó — cái nếu không có thì khoa học không thể thực hiện được — bắt nguồn từ việc người Sumer cổ đại phát minh ra chữ viết. Cách nhìn này không liên quan gì tới việc phát minh ra chữ viết ở Trung Quốc cổ đại, nếu quả thực nó là độc lập, hoặc ở Châu Mỹ, nơi vào thiên niên kỷ thứ I tCn, chữ viết — thứ chữ tượng hình và một thứ chữ trong đó các ký hiệu có đặc điểm ngữ âm — dường như cũng đã được phát triển bởi người Olmec, người Zapotec và người Maya[17]; đáng chú ý nhất là của người Maya. Chúng ta chỉ mới tương đối giải mã được loại chữ khắc của người Maya gần đây thôi.

Dù sao, thật khó mà khắc văn bản trên đá, thay vì viết chúng trên giấy cói hoặc trên giấy da, rồi lại còn phải sao chép và phân phối chúng. Trên thực tế, chúng ta biết rằng ở Hy Lạp cổ đại đã có hoạt động mua bán sách từ thế kỷ thứ IV tCn, rằng một số người kiếm sống bằng nghề sao chép, như sao chép các văn bản cho người khác chẳng hạn. Sōkratēs đã nhiều lần đề cập tới cái giá là bao nhiêu drachma nếu ai đó muốn có bản sao của một quyển sách...

2 - Phải chăng phát minh ra chữ viết là một ban tặng?

Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức một số điều rất quan trọng, nhưng thường được coi là đương nhiên, về chữ viết. Trước hết, nó là một phát minh, và như phát minh, nó là hiện thân của một ý tưởng. Suốt hàng nghìn năm, người đời đã giao tiếp với nhau mà không cần chữ viết. Tại sao tất cả đột nhiên lại cần chữ viết? Ai đã làm ra nó, và tại sao? Điều thiết yếu nào là mẹ đẻ của phát minh này? Chúng ta nói sự cần thiết là mẹ đẻ của phát minh. Có thể là đúng, có thể không, nhưng hãy giả sử chúng ta xem nó là đúng, thì sự thiết yếu ấy là gì? Phải chăng là xã hội? Rằng sự xã hội hóa cuộc sống ngày càng mạnh mẽ đã tạo ra chính phủ và thương mại, đã khiến việc kiểm soát dân số và sự tham gia vào cuộc sống với đủ loại hoạt động diễn ra hàng ngày khi dân số tăng lên, phải chăng đấy là điều thiết yếu đã sản sinh ra chữ viết? Chúng ta không biết, thực sự không biết.

Rất nhiều câu chuyện khác nhau được kể suốt thời cổ đại. Mọi người đều nhận thức được sức mạnh của chữ viết, sự vinh quang của chữ viết. Đôi khi họ cho rằng chữ viết là một món quà từ các vị thần; đôi khi họ gán nó cho các vị anh hùng hoặc những người khôn ngoan của huyền thoại cổ đại. Ở Trung Quốc, nó được gán cho Thương Hiệt, một bộ trưởng của hoàng đế huyền thoại Hoàng Đế, «Vua Vàng». Không có bằng chứng nào cho thấy một trong hai nhân vật này thực sự tồn tại, nhưng ở Trung Quốc, khi nhìn lại nguồn gốc huy hoàng của họ sau đó, người ta cho rằng vị hoàng đế vĩ đại nhất thời xưa và vị quan thông thái nhất của ông đã phát minh ra chữ viết.

Người Hy Lạp đôi khi gán nó cho Prometheus*, một vị thần. Trong các vở kịch của mình, Aeschylos* gán chữ viết cho Prometheus*, bởi vì theo ông, nó là một trợ giúp cho trí nhớ. Nhưng Euripidēs* không đồng ý, và cho rằng người anh hùng Hy Lạp huyền thoại Palanites (Palamedēs?)* đã phát minh ra chữ viết như một cách liên lạc từ xa, như vậy bạn có thể gửi thư cho mọi người, kể cho họ nghe tin tức, nói chuyện tầm phào, và bảo họ làm những gì bạn muốn họ làm. Aristotelēs*, viết vào thế kỷ thứ IV tCn, đâu đó khoảng năm 330–340, nói rằng chữ viết phục vụ cho việc kiếm tiền, rằng nó đặc biệt hữu ích cho việc lưu gi

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa