SỰ PHÁT MINH RA LÝ TRÍ & TRI THỨC (S. L. GOLDMAN, 2007)

LM : 15-12-2023
Từ khoá : Lý trí (Khái niệm) ; Tri thức (Khái niệm)

C2

SỰ PHÁT MINH RA
LÝ TRÍ VÀ TRI THỨC
(2007)

Tác giả: Steven Louis Goldman*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Như bằng chứng khảo cổ học cho thấy, con người đã lý luận một cách hiệu quả suốt nhiều thiên niên kỷ trước các triết gia Hy Lạp đầu tiên, đã học cách thực hiện rất nhiều điều «phi tự nhiên» phức tạp. Thế nhưng, giữa năm 500 và 350 tCn, các triết gia Hy Lạp — những người sẽ có ảnh hưởng rất lớn sau đó — đã bênh vực một số quan niệm đặc thù về lý trí, tri thức, chân lý và hiện thực. Định nghĩa trừu tượng và lý thuyết của họ về hiểu biết — phổ quát, thiết yếu và chắc chắn — trái ngược hoàn toàn với một định nghĩa kinh nghiệm, cụ thể và thực tiễn về tri thức. Sự tương phản này vẫn tiếp tục cho đến nay trong sự phân biệt giữa khoa học với kỹ thuật, giữa hiểu biết «thực sự» với cái biết-làm «đơn thuần» của chúng ta. Một trong những thành tựu văn hóa lâu dài nhất của Hy Lạp là sự phát minh ra bộ môn chúng ta gọi là lô-gic học, bằng cách hệ thống hóa lý luận nhằm hỗ trợ cái định nghĩa triết học về tri thức trên. Sự phân chia lý luận thành các loại hình diễn dịch, quy nạp, và các hình thức lập luận thuyết phục khác đã đóng một vai trò cơ bản trong việc phát minh ra ý tưởng khoa học như tri thức về tự nhiên.

Steven L. Goldman

Để bạn đọc dễ theo dõi bài giảng bằng lời này của tác giả hơn, chúng tôi đã thêm vào bản dịch những tiểu tựa không có trong nguyên bản.

*

[…] Chúng ta đang trong quá trình đảo ngược công trình xây dựng ý tưởng khoa học[1] nhằm tìm hiểu gốc rễ của ý tưởng về khoa học, tìm hiểu xem nó đã được truyền đến thế kỷ XVII như thế nào, để có thể trở thành như thể đã có sẵn vào thời điểm ấy.

Qua một thảo luận ngắn gọn trong bài trước[2], chúng ta đã xem xét việc phát minh ra chữ viết, ý tưởng về chữ viết, cái đã được hiện thân như tôi nói trong một hệ thống chữ viết — một hệ thống ký hiệu, một dạng được viết ra của hoạt động ngôn ngữ, với nhiều hệ quả khác nhau. Và trong bài này, chúng ta sẽ xem xét việc phát minh ra ý tưởng về tri thức. Điều này nghe có vẻ khá kỳ quặc. Thực vậy, chắc chắn là nghe có vẻ rất kỳ cục khi ta nói phải phát minh ra ý tưởng tri thức. Làm sao mà ý tưởng tri thức lại có thể phải được phát minh cơ chứ? Nhưng dù nghe có vẻ rất kỳ quặc, trên thực tế ta sẽ thấy rằng cái mà chúng ta muốn nói qua thuật từ tri thức phải được phát minh ra. Bởi vì định nghĩa này không hề là tự nhiên, cũng như ý tưởng về khoa học không hề là tự nhiên.

Vào cuối bài trước2, tôi đã đọc một trích đoạn từ bản đối thoại Phaedrus của Platōn, trong đó Sōkratēs đưa ra lập luận tại sao chữ viết không phải là một ban tặng. Trên thực tế, hoạt động viết không phải là một phương tiện hiệu quả để truyền đạt sự hiền minh hay tri thức, và thực ra, nó còn có tiềm năng huỷ hoại là đàng khác, vì nó mang lại cái dáng vẻ của sự hiền minh. Nó làm cho người ta có vẻ như biết những điều mà họ không thực sự hiểu, bởi vì bạn không thể hạch hỏi, không thể chất vấn một văn bản. Vì vậy, bản thân Sōkratēs đã chẳng viết gì cả. Người ta tưởng tượng rằng Ông đã có thể viết, nhưng Ông đã không viết.

Tôi chắc chắn bạn không khỏi cảm thấy trớ trêu tột bực, rằng Platōn đã phải ghi lại lập luận chống hoạt động viết trong một văn bản viết, rằng trên thực tế, phần áp đảo của những tác phẩm do Platōn viết đều có nội dung là những lời dạy của Sōkratēs, người chẳng hề viết gì. Có một sự mỉa mai ở đây. Platōn đã cố làm gì vậy? Platōn muốn đạt tới mục đích gì? Làm sao Platōn nghĩ được rằng mình có thể vượt qua những lập luận của Sōkratēs chống lại hoạt động viết, theo cái cách Platōn đã viết ra các văn bản ông từng viết, trong đó Sōkratēs luôn luôn xuất hiện với tư cách là kẻ chất vấn, chứ không phải là kẻ đang tích lũy dữ liệu để viết ra một quyển sách với hy vọng lập ra danh sách mười cuốn sách bán chạy nhất ở Athenai vào đầu thế kỷ thứ IV tCn?

Trên thực tế, Platōn tin rằng văn bản của ông có một phẩm tính năng động khiến ta phải đặt ra những câu hỏi này. Rằng giá trị của các cuộc đối thoại phần lớn nằm ở cách chúng ta bị buộc phải đặt ra những câu hỏi, chứ không chỉ sử dụng chúng để đơn giản truyền tải những ý tưởng, giá trị và lời dạy của Sōkratēs, mà để chuyển giao cái ý tưởng này, rằng ta cần phải dấn thân vào những câu hỏi ấy. Và điều không thể nghi ngờ gì nữa, cái câu hỏi trung tâm và nổi bật nhất, trong tư tưởng của Platōn và trong cách Platōn mô tả Sōkratēs, là ý tưởng về tri thức.

I - Ý TƯỞNG TRI THỨC Ở GIỚI BIỆN SĨ

Ở đây ta có một từ, tri thức. Nó có nghĩa là gì vậy? Chúng ta sẽ tìm kiếm ở đâu cái định nghĩa của từ tri thức? Trong từ điển nào, trong quyển từ điển tuyệt đối nào chúng ta sẽ tra tìm cái định nghĩa đúng đắn, chính xác của từ tri thức đây? Rõ ràng là không có một từ điển nào như vậy. Định nghĩa này phải được phát minh ra mà thôi. Ai đó đã phải định nghĩa tri thức. Bây giờ, dựa trên bài giảng đầu tiên1 và những nhận xét mà tôi đã đưa ra trong bài giảng thứ hai2, không có lý do gì mà tri thức đã không thể được định nghĩa là kỹ năng (cái biết-làm = know-how). Điều này sẽ làm cho tri thức trở thành thực tiễn, cụ thể, có sử tính theo nghĩa là nó thay đổi theo thời gian khi kinh nghiệm thay đổi với thời gian. Thế nhưng nó cũng có nghĩa là, bởi vì tri thức thay đổi, nên những tuyên xưng tri thức tại bất kỳ thời điểm nào cũng chỉ có thể (probable) đúng và tuỳ bối cảnh. Chúng là một hàm của bối cảnh từ đấy hay trong đó chúng xuất hiện.

Bất kỳ kỹ thuật nhất định nào để lấy đồng đỏ từ quặng, để làm đồng thiếc, để gieo trồng một loại hạt cụ thể nào đấy, trong tương lai đều có thể được cải tiến hoặc thay đổi, tùy thuộc vào những gì ta đã học được hoặc đã trải nghiệm qua một đột biến nào đó bất ngờ xuất hiện, và chúng ta có thể thấy khả năng một bắp ngô màu vàng thay vì nhiều màu, và có thể thích cái ý tưởng mọi hạt nhân đều có một màu thôi thay vì nhiều màu. Vì vậy một lần nữa, một định nghĩa tri thức dựa trên kỹ năng sẽ thực tiễn, cụ thể tôi nói là có sử tính, theo nghĩa là nó sẽ thay đổi với thời gian khi kinh nghiệm thay đổi theo thời gian. Đã có những triết gia ở Hy Lạp cổ đại từng bênh vực một ý tưởng về tri thức như vậy; họ là những triết gia mà Platōn chế giễu là các Biện giả*.

Đối với giới Biện sĩ*, tri thức, nói chính xác, là thực tiễn, cụ thể, tuỳ bối cảnh, có sử tính, và do đó, là tương đối. Không có cái gọi là tri thức tuyệt đối, bởi vì con người không có thứ kinh nghiệm tuyệt đối. Đây rõ ràng là một định nghĩa được đặt ra về tri thức, mà ngày nay chúng ta gọi là thực dụng. Nó dựa trên một giải đáp đặc thù cho trải nghiệm của con người.

II - Ý TƯỞNG TRI THỨC Ở PLATŌN VÀ ARISTOTELĒS

Platōn và Aristotelēs bênh vực một định nghĩa hoàn toàn khác về tri thức. Họ bảo vệ một định nghĩa về tri thức mà tiền thân là những ý tưởng của Pythagoras và Parmenidēs; các vị này đã sống trước Platōn và Aristotelēs hơn 100 năm, và từng bảo vệ cái mà chúng ta gọi là quan điểm duy lý về tri thức. Điều đó có nghĩa là, Platōn và Aristotelēs bênh vực một định nghĩa về tri thức như hiểu biết phổ quát, thiết yếu và chắc chắn. Kỹ năng là cái cụ thể, dựa trên những kinh nghiệm đặc thù mà bạn từng có; kỹ năng là cái cụ thể, kỹ năng là cái có thể đúng, và do đó là cái không chắc chắn. Vì vậy, định nghĩa của họ là: một cái gì đó chỉ có thể được gọi là tri thức, nếu nó là phổ quát, thiết yếu và chắc chắn. Đối với Platōn và Aristotelēs, tri thức là phi thời gian. Một khi bạn biết điều gì đó là bạn biết điều đó, nó đúng bất chấp thời gian, bởi vì nó là phổ quát, thiết yếu và chắc chắn.

Như vậy, tri thức bây giờ được định nghĩa bằng loại ngôn từ — hãy xem xét kỹ điều này — được định nghĩa bằng loại ngôn từ tách rời tri thức khỏi kinh nghiệm, bởi vì kinh nghiệm của ta luôn luôn là riêng tư. Chúng ta trải nghiệm những điều riêng biệt. Chúng ta có kinh nghiệm về cái cây này, con vật này và khối quặng này, nhưng theo Platōn và Aristotelēs, tri thức là về một cái gì đó phổ quát, thiết yếu và chắc chắn. Không có gì trong kinh nghiệm của ta là phổ quát, tất yếu và chắc chắn, vì vậy ở Platōn và Aristotelēs, đối tượng của tri thức là một hiện thực đằng sau kinh nghiệm. Nó là một hiện thực mà ta không trải nghiệm trực tiếp được. Trên thực tế, chúng ta không thể tiếp cận nó thông qua cơ thể của mình. Chỉ có lý trí mới có thể đạt tới đối tượng của tri ​​thức.

1 - Pythagoras và khái niệm bằng chứng

Mô hình của dạng tri thức của Platōn và Aristotelēs trong thế kỷ thứ IV tCn là tri thức toán học. Nó đặc biệt là điều chúng ta biểu nghĩa khi nói về toán học: thứ tri thức phổ quát, thiết yếu và chắc chắn đã được ta chứng minh bằng lý luận diễn dịch. Theo truyền thống, đây là một phát minh của Pythagoras. Chính Pythagoras đã sử dụng những hiểu biết về số mà người Ai Cập và người Babylonia từng tích lũy được, và biến chúng thành cái mà ta gọi là toán học, bằng cách phát minh ra khái niệm bằng chứng — cái kết luận, trong một chứng minh toán học. Giả sử chúng ta làm một việc đơn giản như nhân hai con số với nhau. Nếu đã nhân chính xác, ta có thể được đảm bảo về tính đúng đắn của đáp số. Các phép tính số học cũng giống như những chứng minh lô-gic, nếu trên thực tế chúng ta đã tuân theo các quy tắc của số học. Chúng đại diện cho một tập hợp các tiền đề nhất định. Ta định nghĩa những con số một cách nào đấy. Chúng ta nhất trí rằng phép cộng và phép trừ, phép nhân và phép chia phải được thực hiện một cách nhất định, và nếu chúng được thực hiện theo cách ấy, thì chúng ta được đảm bảo rằng cái kết luận là đúng.

Điều quyến rũ là cái định nghĩa tri thức rất trừu tượng và trí tuệ này đã thống trị truyền thống văn hóa phương Tây, truyền thống trí thức phương Tây mãi cho đến tận nay. Và trên thực tế, nó là chính là cái định nghĩa về tri thức đã được xây dựng thành khoa học, được gắn vào khoa học hiện đại khi nó siêu hiện trong thế kỷ XVII, và vẫn còn là như vậy. Hãy lưu ý, tri thức toán học là vô thời hạn, bên cạnh tính phổ quát. Ta không chờ đợi các hình tam giác thay đổi hay thay đổi thuộc tính của chúng, bởi vì chúng ta đã chuyển từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX hay từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, hoặc chuyển từ châu Âu sang châu Phi hay từ châu Phi sang châu Á. Tri thức toán học là phổ quát, là phi thời gian, là thiết yếu, là chắc chắn.

Toán học là mẫu hình tri thức cho Hy Lạp cổ đại, và ngay trong thời hiện đại, nó vẫn luôn luôn được đề cập tới khi có những thách thức đặt ra chống lại định nghĩa về tri thức này, vẫn bay phấp phới trước mặt kinh nghiệm. Như vậy, sự kiện định nghĩa về tri thức này đã được hấp thu triệt để như vậy là một sự kiện quyến rũ về văn hóa phương Tây, về người trí thức, về triết gia và khoa học gia phương Tây.

Như vậy, điều người Hy Lạp đã phát minh ra giữa thời của Pythagoras (khoảng năm 500 tCn) và thời của Platōn (vào giữa thế kỷ thứ IV tCn), điều họ đã phát minh ra là khoa học về lý luận. Người Hy Lạp đã phát minh ra cái mà ngày nay chúng ta gọi là lô-gic học. Nghĩa là, họ đã phát minh ra cái ý tưởng rằng bạn có thể nghiên cứu lý luận độc lập với những gì bạn đang lý luận, rằng lý luận là một hoạt động tách biệt mà trí tuệ dấn thân vào, khác với suy nghĩ, khác với cảm xúc; rằng có một cái gì đó gọi là lý luận. Hấp dẫn. Mọi người chắc chắn nghĩ rằng mình đã từng lý luận suốt cả nghìn năm rồi, nhưng người Hy Lạp lại quyết định rằng cái này đây mới đúng là lý luận. Bạn biết đấy, giống như ai đó nói, «Ồ, té ra tôi đã nói văn xuôi cả đời rồi mà không nhận biết».

Platōn và Aristotelēs, đặc biệt là Aristotelēs, đã hệ thống hóa cả 200 năm tư duy triết học Hy Lạp trước đó về tư duy, về lý luận, về cái hình thức tư duy mà chúng ta gọi là lý luận. Và họ chia nó làm ba nhánh. Họ quyết định rằng trên thực tế, có ba phương thức lý luận. Một là diễn dịch*, một là quy nạp*, và một là biện chứng[3] — nó giống như một cái túi bỏ mọi thứ vào. Chúng ta sẽ nói một chút về điều này. Phép biện chứng là bất định hình hơn diễn dịch và quy nạp.

Ý tưởng triết học về tri thức, cái ý tưởng về định nghĩa tri thức đã được lưu giữ và phát triển trong truyền thống trí thức Tây phương là định nghĩa của Platōn và Aristotelēs, không phải là cái định nghĩa của giới biện giả. Và nó là chiếc chìa khóa mở vào phép diễn dịch như hình thức lý luận duy nhất dẫn tới tri thức và chân lý. Diễn dịch là hình thức lý luận theo đó nếu các tiền đề là đúng — nếu các tiền đề của một luận cứ là đúng — thì kết luận của luận cứ đó phải là đúng. Diễn dịch là hình thức lý luận, ở đó, nếu tiền đề của một luận cứ là đúng, thì kết luận mà bạn rút ra phải là đúng chứ không thể nào là sai.

Cái kết luận đúng này là tự động, ngay từ đầu. Đây là một điều rất lạ khi nói ra. Điều gì buộc tôi phải nói như vậy? Tại sao tôi không thể khẳng định rằng kết luận ấy thế nào cũng sai? Bởi vì cái ý tưởng — cái niềm tin theo một nghĩa nào đấy — rằng một trí tuệ bình thường không thể nào không rút ra từ các tiền đề đúng những suy diễn đúng có thể rút ra từ chúng, đã được xây dựng vào trong phát minh ra lý luận của người Hy Lạp này như một quy trình có cấu trúc tách biệt trong trí tuệ.

2 - Eukleidēs và phương pháp tiên đề

Bây giờ tất cả chúng ta đều đã quen thuộc với sự kiện và với lý do tại sao ta được dạy nó — hình học Eukleidēs — ở cấp trung học.  Đấy không phải là để dạy ta học hình học, mà nhằm dạy chúng ta một dạng lý luận đã được ưu tiên xem như hình thức lý luận mạnh mẽ nhất và duy nhất đúng nếu mục tiêu là tri thức, từ hàng nghìn năm nay. Những gì Eukleidēs đã làm — chúng ta sẽ nói về điều này nhiều hơn trong bài giảng tiếp theo — những gì Eukleidēs đã làm là hệ thống hóa 200 năm tư duy hình học và toán học của Hy Lạp thành một dạng có tổ chức trong đó có các định nghĩa, định đề (postulates) và tiên đề (axioms), để sau đó chúng trở thành những tiền đề (premises) của các luận cứ diễn dịch, những cái gọi là định lý (theorems) của hình học. Vì vậy, khẳng định rằng tổng các góc trong của tam giác chính xác là 180 độ — phải là 180 độ — là hệ quả tất yếu của các định nghĩa, tiên đề và định đề. Đấy chính là sức mạnh của hình học Eukleidēs từng được công nhận cả nghìn năm rồi.

Thật là một điều đáng kinh ngạc khi bạn có thể bị buộc phải nhất trí với điều này, mặc dù bạn có thể nghĩ «Ồ, chắc chắn tôi có thể tạo ra một hình tam giác có 179,8 độ hay 180,2 độ». Không, khái niệm về hình tam giác là sao cho, một khi đã cho các định nghĩa, tiên đề và định đề, thì tổng các góc trong của tam giác Eukleidēs phải bằng 180 độ, được xác định theo các định nghĩa, tiên đề và định đề của cái mà chúng ta gọi là hình học Eukleidēs. Hình học Eukleidēs là hình học của Hy Lạp vào cuối thế kỷ thứ IV tCn, phản ánh 200 năm tích lũy tri thức hình học và toán học của Hy Lạp như tôi đã nói — bởi vì nó không chỉ là hình học, chỉ là quyển Cơ Sở (Elements) của Eukleidēs như cuốn sách được gọi trên thực tế.

Có một sức mạnh to lớn dính kết với việc kéo mọi thứ lại với nhau theo cái cách mà ngày nay chúng ta gọi là phương pháp tiên đề (axiomatic method)[4]. Qua phương pháp này, bạn có thể lấy khối lượng tri thức khổng lồ, cái khối vốn đã phát triển suốt vài trăm năm nói trên, và cho thấy tất cả đều có thể được suy ra từ một tập hợp duy nhất các định nghĩa, tiên đề và định đề như thế nào.

3 - Aristotelēs và lô-gic học

Về lý luận, Aristotelēs đã làm một điều tương tự cho lô-gic học. Aristotelēs đã viết một loạt sách, chứ không chỉ một quyển, một loạt sách đã trở thành các văn bản chuẩn mực trong mọi trường học phương Tây cho đến thế kỷ XIX, giống như trường hợp Eukleidēs. Aristotelēs đã viết một loạt sách trong đó ông phân tích lý luận diễn dịch, lý luận quy nạp, lý luận biện chứng; tập hợp tư duy triết học Hy Lạp về lý luận của khoảng 200 năm (150 năm) trước lại, theo các tuyến đặc biệt mà ông và người thầy của ông là Platōn đã tán thành.

a - Lý luận diễn dịch

Chúng ta phải nhớ rằng cho đến thế kỷ XVII, và riêng về lô-gic học cho đến thế kỷ XIX, Aristotelēs thực sự là tiếng nói có thẩm quyền đối với giới trí thức phương Tây. Vì vậy, tất cả những ai đến trường sau cấp tiểu học, bất kỳ ai vào đại học, đều phải học Aristotelēs. Về lý luận, về lô-gic học, Aristotelēs vẫn còn thẩm quyền vào đầu thế kỷ XIX, như ông đã từng có thẩm quyền trong vật lý học cho đến thế kỷ XVII. Đối với Aristotelēs, diễn dịch là chiếc chìa khóa để mở cửa tri thức, và nó vẫn còn như vậy cho đến nay trong khoa học hiện đại. Chúng ta vẫn xem các lý thuyết khoa học như đã được công nhận một cách nào đó — có thể nói đã được chứng minh — nghĩa là được xem là xác thực khi chúng đưa ra những dự đoán chính xác. Nhưng khi ta nói về một lý thuyết khoa học dự đoán một sự kiện X, thì điều chúng ta thực sự muốn nói là: X là một hệ quả diễn dịch của một lý thuyết cụ thể, do sự suy diễn từ lý thuyết ấy mà X được quan sát. Tất nhiên, khi quan sát thấy X, chúng ta nói rằng nó phải xảy ra mà thôi, bởi vì các tiền đề của lý thuyết là đúng, và lý thuyết là đúng, như được thể hiện qua sự kiện là các hệ quả lô-gic diễn dịch của lý thuyết đã được quan sát trên thực tế.

Hãy xem xét thuyết tương đối tổng quát chẳng hạn. Chúng ta nói, «Ồ, lý thuyết của Einstein tiên đoán sự bẻ cong ánh sáng trong một trường hấp dẫn mạnh, như vậy, các tia sáng sẽ bị bẻ cong khi chúng đi qua gần rìa của Mặt Trời». Điều này có nghĩa là bạn có thể suy ra từ lý thuyết rằng sóng ánh sáng sẽ hành xử theo cách ấy. Rằng bạn có thể suy ra từ thuyết tương đối rộng về sự tồn tại của các lỗ đen và hiệu ứng hấp dẫn thấu kính, bởi vì các tia sáng có thể bị bẻ cong rất nhiều bởi một trường hấp dẫn thực sự mạnh, chẳng hạn như một thiên hà, rằng thiên hà này có thể hoạt động như một thấu kính, nó tập trung các vật xa xôi phía sau thiên hà vào một tiêu điểm và cho phép bạn nhìn thấy mọi thứ — những thứ mà bình thường bạn không thể nhìn thấy, vì bạn không thể nhìn xuyên qua thiên hà. Như thế, đây là những hệ quả lô-gic diễn dịch của lý thuyết.

Cho đến nay, các lý thuyết khoa học đều được trình bày theo kiểu diễn dịch, lô-gic. Chúng được trình bày theo cách nói rằng, «Đây là lý thuyết của tôi» — vấn đề đạt tới lý thuyết đó như thế nào, chúng ta sẽ nói sau — «Đây là lý thuyết của tôi. Một hệ quả diễn dịch của nó là X sẽ được quan sát thấy». Có thể nói là «theo dự đoán của tôi»; nhưng ta không thực sự dự đoán thế giới, chúng ta chỉ đang nói rằng một hệ quả lô-gic của lý thuyết là thế giới sẽ như thế này, nếu lý thuyết là đúng. «Nếu lý thuyết của tôi là đúng, thì thế giới phải như thế này». Rồi sau đó bạn làm một thí nghiệm, và bạn xem xem trên thực tế, điều đó có đúng hay không. Nếu nó đúng là như vậy, thì chúng ta nói, «À, điều này khiến tôi tin tưởng rằng lý thuyết này là đúng».

Một vấn đề riêng biệt là lịch sử khoa học đã cho thấy rất rõ ràng rằng nhiều lý thuyết ngày nay chúng ta coi là sai từng đưa ra những dự đoán đúng, vì vậy việc đưa ra các dự đoán đúng, trên thực tế, không phải là một đảm bảo. Hóa ra là hình thức lập luận đó — «lý thuyết của tôi dự đoán X; tôi quan sát thấy X; do đó lý thuyết của tôi là đúng» — không tuân thủ các quy tắc chặt chẽ của lý luận diễn dịch, vì vậy một dự đoán đúng không bảo đảm tính chân lý của lý thuyết. Nhưng đấy là con đường khoa học đã lấy.

Vì vậy, diễn dịch là một hình thức lý luận rất mạnh mẽ, và về mặt văn hóa, nó khiến chúng ta hài lòng sâu sắc ở phương Tây. Rõ ràng, nó thỏa mãn một loại thôi thúc nào đó, một loại nhu cầu nào đó mà chúng ta có về chân lý phổ quát, thiết yếu và chắc chắn, trái ngược với việc phải luôn luôn sống với thứ chân lý thực dụng mang tính tương đối, có khả năng thay đổi mỗi khi những trải nghiệm của ta thay đổi. Chúng ta đều thấy như vậy, rằng các lý thuyết thay đổi trong lịch sử khoa học. Suốt 300 hoặc 400 năm qua, điều này là hoàn toàn rõ ràng, nhưng tại bất kỳ thời điểm nào, ta vẫn tin rằng bây giờ chúng ta mới hiểu đúng, là

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa