BỐN QUAN ĐIỂM VỀ TRIẾT LÝ KHOA HỌC (J. LOSEE, 1972)

LM : 15-12-2023
Từ khoá : Khoa học – Triết lý

C2

BỐN QUAN ĐIỂM VỀ
TRIẾT LÝ KHOA HỌC
(1972)

Tác giả: John Losee[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Một quyết định về phạm vi của triết học khoa học là điều kiện tiên quyết để viết lịch sử của nó. Không may, triết gia và nhà khoa học lại không đạt được đồng thuận về bản chất của triết lý khoa học. Ngay cả các triết gia khoa học đang tác nghiệp cũng thường bất đồng ý kiến về đối tượng của môn học. Một ví dụ về sự thiếu nhất trí này là cuộc trao đổi giữa Stephen Toulmin* và Ernest Nagel*, xem triết lý khoa học phải là cái gì, một nghiên cứu về thành tựu trong hành trình khoa học sống động (in vivo) chăng, hay là một nghiên cứu về những vấn đề giải thích và chứng thực như đã được thiết lập lại trong ngôn từ của lô-gic diễn dịch[2]? Để tạo cơ sở cho một trình bày tổng quan về lịch sử triết học khoa học, thiết tưởng việc duyệt qua bốn quan điểm về triết lý khoa học sau đây sẽ không phải là điều vô ích.

Một quan điểm cho rằng triết lý khoa học là nỗ lực thiết lập những thế giới quan phù hợp với, và trong một nghĩa nào đó, được xây dựng trên những lý thuyết khoa học quan trọng. Theo quan điểm này, nhiệm  vụ của các triết gia là triển khai thêm những gì khoa học bao hàm. Điều này có thể mang lấy hình thức tư biện chung quanh những phạm trù có thể dùng về bản thể luận, khi ta nói về «cái tồn tại như nó vốn thực như thế (being-as-such)». Chẳng hạn như Alfred North Whitehead* thúc giục thay thế các phạm trù «thực thể (substance)» và «thuộc tính (attribute)» bằng «quá trình (process)» và «ảnh hưởng (influence)»[3]. Hoặc là nó có thể mang lấy hình thức những phát biểu về sự liên can của lý thuyết khoa học đến việc thẩm định cách hành xử của con người, như trong chủ thuyết Darwin xã hội, và trong học thuyết về tính tương đối của luân lý đạo đức. Đây không phải là quan điểm được tiếp nhận trong quyển sách này.

Một quan điểm thứ hai cho rằng nhiệm vụ của triết gia khoa học là  phô bày những giả định và thiên hướng của các nhà khoa học. Triết gia khoa học có thể vạch ra rằng nhà khoa học giả định là thiên nhiên không hề thất thường, là trong tự nhiên có những quan hệ đều đặn mà sự phức tạp đủ thấp để người nghiên cứu có thể hiểu được. Hơn nữa, ông ta có thể tiết lộ thêm rằng nhà khoa học thích thấy loại quy luật quyết định hơn là thống kê, thích nghe loại giải thích cơ giới hơn là mục đích. Quan điểm này có khuynh hướng đánh đồng triết lý khoa học với xã hội học khoa học.

– Một quan điểm thứ ba cho rằng triết lý khoa học là bộ môn nhằm phân tích và soi sáng những khái niệm và lý thuyết khoa học. Đây không phải là vấn đề đưa ra một trình bày nửa đại chúng (bình dân) về những lý thuyết mới nhất. Đúng hơn, đây là vấn đề làm rõ nghĩa loại  từ như «hạt (particle)», «sóng (wave)», «thế (potential)» (thế bức xạ = radiation potential), «phức hợp (complex)» trong sử dụng khoa học.

Nhưng như Gilbert Ryle* đã vạch ra, có cái gì tự phụ trong quan điểm này, như thể các nhà khoa học cần được triết gia khoa học giải thích những khái niệm khoa học cho họ[4]. Dường như có hai khả năng. Hoặc nhà khoa học hiểu một khái niệm mà ông ta dùng; trong trường hợp này, chẳng có gì cần được làm sáng tỏ cả. Hoặc ông ta không hiểu, trong trường hợp đó, ông ta phải điều tra quan hệ của khái niệm này với các khái niệm khác, và tìm cho ra loại thao tác đo lường. Một công đoạn như trên chính là sinh hoạt khoa học tiêu biểu. Và không ai cho rằng mỗi khi nhà khoa thực hiện công đoạn này, ông ta đang làm triết lý khoa học cả. Mặc dù chắc chắn rằng có thể một loại hình phân tích khái niệm nào đó phải được sắp xếp như một phần của triết học khoa học, ít nhất ta phải kết luận rằng không phải bất cứ phân tích khái niệm khoa học nào cũng đáng được định tính là triết học khoa học. Vấn đề này sẽ được để ngỏ, trong khi chờ đợi xem xét quan điểm thứ tư về triết lý khoa học.

Theo quan điểm thứ tư, quan điểm được tiếp nhận trong quyển sách này, triết học khoa học là một thứ tiêu chí học bậc hai. Triết gia khoa học tìm giải đáp cho loại câu hỏi như sau:

- Đặc điểm nào phân biệt nghiên cứu khoa học với những nghiên cứu khác?

- Nhà khoa học phải theo quy trình nào khi nghiên cứu tự nhiên?

- Để được xem là đúng, giải thích khoa học phải thỏa mãn những điều kiện nào?

- Quy chế tri thức của các nguyên lý và định luật khoa học là gì?

Đặt ra loại câu hỏi này là nắm lấy lợi thế của một bước lùi so với bản thân việc nghiên cứu khoa học. Bởi vì sự phân biệt giữa làm khoa họcsuy nghĩ xem khoa học phải được tiến hành như thế nào là điều thiết yếu. Sự phân tích phương pháp khoa học là một môn học cấp hai mà đề tài nghiên cứu là quy trình và cấu trúc của các khoa học khác nhau, cụ thể như dưới đây:

Cấp bậc

Môn học

Đề tài nghiên cứu

2

Triết lý khoa học

Phân tích quy trình và
-gic của giải thích khoa học

1

Khoa học

Giải thích sự kiện

0

 

Sự kiện

 
Quan điểm thứ tư về triết lý khoa học bao gồm một số khía cạnh của quan điểm thứ hai và thứ ba. Chẳng hạn như việc nghiên cứu xem
thiên hướng của các nhà khoa học có thể liên quan sâu sát tới vấn đề thẩm định lý thuyết khoa học như thế nào. Điều này có thể đặc biệt đúng cho những phán đoán về sự đầy đủ của giải thích. Einstein chẳng hạn từng nhấn mạnh rằng giải thích thống kê về sự phân rã phóng xạ là không đầy đủ. Ông quả quyết rằng một diễn giải đầy đủ phải cho phép tiên đoán về hành vi (behaviour) của những nguyên tử cá biệt.

Mặt khác, phân tích về ý nghĩa của khái niệm có thể liên quan sâu sát tới sự phân ranh giữa nghiên cứu khoa học với những loại hình nghiên cứu khác. Chẳng hạn như, nếu ta có thể vạch ra rằng một từ nào đó đã được sử dụng như thế nào, để đến nỗi không một phương cách nào có thể được cung cấp, nhằm phân biệt sự áp dụng nó một cách đúng đắn với sự áp dụng sai lầm, thì cách diễn giải trong đó từ này vẫn được ấn sâu vào có thể bị loại trừ khỏi lĩnh vực khoa học. Một trường hợp giống như trên đã từng xảy ra với khái niệm «sự đồng thời tuyệt đối (absolute simultaneity)».

Đường phân ranh giữa khoa học và triết học khoa học vừa được vẽ ra không phải là một đường ranh sắc nét. Nó được đặt trên một khác biệt về ý định hơn là về đề tài nghiên cứu. Hãy nhìn lại vấn đề sự thỏa đáng tương đối của lý thuyết sóng về ánh sáng của Young và lý thuyết điện tử của Maxwell. Chính là nhà khoa học trong tư cách nhà khoa học đã đánh giá lý thuyết của Maxwell là cao cấp hơn. Và chính là triết gia khoa học (hay nhà khoa học trong tư cách triết gia khoa học) đã nghiên cứu cái tiêu chuẩn tổng quát về tính có thể chấp nhận được bao hàm trong những phán đoán thuộc loại này. Rõ ràng là các sinh hoạt ấy thâm nhập vào nhau. Nhà khoa học nào không biết tới những thẩm định từng có trước trong việc đánh giá các lý thuyết khoa học sẽ khó lòng làm công việc thẩm định của mình một cách thỏa đáng. Và triết gia khoa học nào không biết thực tiễn khoa học sẽ khó có thể đưa ra những phát biểu cảm thụ được về phương pháp khoa học.

Sự công nhận rằng đường ranh giữa khoa học và triết học khoa học là không sắc nét được phản ánh qua sự chọn lựa đề tài cho phác thảo lịch sử sau đây. Nguồn tư liệu đầu tiên là những gì các nhà khoa học và triết gia từng phát biểu về phương pháp khoa học. Trong nhiều trường hợp, làm như thế là đủ. Ta có thể bàn về triết lý khoa học của Whewell và Mill chẳng hạn mà chỉ dựa độc nhất trên những gì họ đã viết ra về phương pháp khoa học. Tuy nhiên, ở nhiều trường hợp khác, làm như thế là không đủ. Để trình bày triết lý khoa học của Galileo và Newton, cần phải cân nhắc giữa những gì họ từng viết về phương pháp khoa học với quá trình làm khoa học thực tiễn của họ.  

Hơn nữa, sự phát triển của bản thân khoa học, đặc biệt là sự giới thiệu những loại hình diễn giải mới, có thể cung cấp lúa cho cối xay của các triết gia khoa học sau đó. Đấy là lý do khiến một vài trình bày ngắn gọn những công trình của Eukleidēs, Arkhimēdēs và các nhà nguyên tử luận xưa cũng được bao gồm bên cạnh những người khác.   

 John Losee,
Một Dẫn Nhập Lịch Sử Vào Triết Lý Khoa Học
(A Historical Introduction to the Philosophy of Science,
4th ed., Oxford, OUP, 2010, tr. 1-3).


[1] John Losee (?-….) : triết gia, nhà văn. Tác phẩm: A Historical Introduction to The Philosophy of Science (1972); Philosophy of Science and Historical Enquiry (1987); Religious Language and Complementarity (1992); Theories of Scientific Progress (2003); Theories on The Scrap Heap (2005); Theories of Causality (2011); Complementarity, Causality and Explanation (2013); Theology on Trial (2015); The Golden Age of Philosophy of Science 1945 to 2000 (2018); Adventures of Max and Maude (2021); Millwood Stories (2022)

[2] Stephen Toulmin, Sci. Am. 214, no 2 (Feb. 1966), 129-133; 214, no 4 (Apr. 1966), 9-11. Ernest Nagel, Sci. Am. 214, no 4 (Apr. 1966), 8-9.

[3] Bản thân Whitehead không dùng từ «influence»?. Về lập trường của ông về tương quan giữa khoa học và triết học, xem Modes of Thought của ông chẳng hạn (Cambrdge: CUP, 1938), tr. 173-232.

[4] Gilbert Ryle, Systematically Misleading Expressions, trg: Essays on Logic and Language – First Series, do A. Flew chủ biên (Oxford: Blackwell, 1951), tr. 11-13. 

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa