HỌC THỨC VÀ TRÍ THỨC 1 (PHẠM TRỌNG LUẬT, 1995)
Cập nhật ngày 15-4-2019
Từ khóa : Trí thức (Khái niệm) ; Bài Do Thái (Chủ nghĩa) – Pháp – tk 19 ;
Dreyfus, Alfred (Vụ án) – 1894-1906 ; Émile Zola (Vụ án) – 1898-1902
C2

HỌC THỨC & TRÍ THỨC (I)
SỰ KIỆN
TỪ VỤ ÁN ALFRED DREYFUS
ĐẾN PHIÊN XỬ ÉMILE ZOLA
(1894-1908)

Tác giả : Phạm Trọng Luật

*

Bàn về sự xuất hiện của khái niệm «trí thức» trong bối cảnh lịch sử của nó (sau chiến bại của Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ 1870-1871) đòi hỏi một bài viết khá dài, bao gồm vừa sự tường thuật những diễn biến quan trọng trong gần 14 năm (trải qua 4 đời Tổng thống[1] và 13 đời Thủ tướng[2] của nền Đệ III Cộng hòa Pháp), vừa sự trình bày một cuộc tranh luận lý thuyết, vừa sự giới thiệu các nhân vật mấu chốt trong một giai đoạn lịch sử của nước Pháp. 

Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi xin cắt bài viết làm 2 phần: phần Sự kiện (TỪ VỤ ÁN ALFRED DREYFUS ĐẾN PHIÊN XỬ ÉMILE ZOLA), phần Ý tưởng (LỊCH SỬ MỘT TRẬN PHÂN THÂN). Bạn đọc nào muốn tìm hiểu thêm về các nhân vật và thiết chế trong cuộc – đã được điểm trước ở hai bài trên bằng dấu (*) – xin xem thêm ở các phụ lục liên hệ trong phần PHỤ LỤC (tất cả các phụ lục trong phần này đều được đưa lên mạng theo chế độ cập nhật).  

Phạm Trọng Luật

*

DO THÁI Ư?
CÓ TỘI!
1894

Trong bối cảnh chiến tranh lạnh giữa hai nước Pháp - Đức vào cuối thế kỷ XIX, bà Marie Bastian*, nhân viên quét dọn Đại Sứ quán Đức tại Paris, được giao phó nhiệm vụ nhặt tất cả mọi giấy tờ trong sọt rác sứ quán và giấu thay vì đốt tức khắc tại chỗ, để sau đó giao lại cho Thiếu tá Tình báo Hubert Joseph Henry* tại nhà thờ Sainte Clotilde. Trong đợt thu nhặt tháng 9 năm 1894, có bản liệt kê một số tài liệu quốc phòng mật về pháo binh (từ đây gọi tắt là «bản kê» = «bordereau»), mà tác giả của nó đề nghị bán cho Đại tá Maximilien Von Schwartzkoppen, Tùy viên Quân sự Đức. Vì tài liệu này xác nhận có sự phản bội ở mức cao cấp ngay trong lòng Bộ Tham mưu Pháp, nó được gửi gấp cho Cục Thống kê Quân đội (thực chất là Sở Tình báo) do Đại tá Jean Sandherr* chỉ huy để điều tra. Kẻ bị tình nghi tức thì là Đại úy Alfred Dreyfus*, vì ông là sĩ quan tập sự gốc Do Thái tại Bộ Tham mưu từ năm 1893, và chữ viết lại hao hao giống. Bức thư được lần lượt giao cho 5 chuyên gia tuồng chữ giám định: trong khi 2 người đầu (Alfred Gobert, Eugène Pelletier) không dám xác nhận, cả 3 người kia (Alphonse Bertillon, Etienne Charavay, Pierre Teysonnières) đều quả quyết đấy chính là tuồng chữ của nghi can. Dreyfus bị gọi lên Bộ Chiến tranh cho Thiếu tá Armand Du Patay de Clam* thẩm vấn, rồi quẳng vào ngục Cherche-Midi ngày 15-10-1894, tư gia bị lục soát để tìm thêm tang chứng tưởng tượng.

Từ nhiều tháng trước, giới báo chí bài Do Thái đã phát động phong trào chống việc lưu giữ sĩ quan Do Thái trong quân đội Pháp. Dưới sự tổ chức của Thiếu tá Hubert Henry, tin tức nay bắt đầu được tiết lộ trên các nhật báo. Ngày 29-10, tờ Lời Tự Do (La Libre Parole) loan tin đồn một sĩ quan làm gián điệp cho Đức bị bắt ngay tại Bộ Tham mưu; ngày 31, các tờ Tia Sáng (L’Éclair) xác nhận tin trên, trong khi Tổ Quốc (La Patrie) cho biết thủ phạm là người Do Thái, và Buổi Chiều (Le Soir) đưa ra tên Alfred Dreyfus. Trở lại phát giác trên ngày 1-11, Lời Tự Do của Edouard Drumont* bắt đầu chiến dịch gây áp lực bằng một báo động vịt «Chuyện gián điệp này rồi sẽ bị ém nhẹm cho coi, vì tên sĩ quan đó là người Do Thái. Toàn thể cộng đồng Do Thái đã chuyển mình»[3], rồi từ đấy tờ báo này không ngừng gây áp lực đòi quân đội phải đem Alfred Dreyfus ra xét xử.

Ngày 2-11-1894, sau khi trình bày vụ việc trước Nội các Charles Dupuy* III trong buổi họp Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Auguste Mercier* chuyển hồ sơ xuống Trung tướng Félix Gustave Saussier*, Tư lệnh Quân khu Paris (Gouverneur militaire de Paris). Ngày 7-11, việc lập hồ sơ dự thẩm được giao cho Thiếu tá Bexon d’Ormescheville. Ngày 17-11, ngài Bộ trưởng Mercier hứa trên tờ Nhật Báo (Le Journal) là cuộc điều tra «sẽ chấm dứt trước 10 ngày». Ngày 4-12, Trung tướng Saussier triệu tập Toà án Chiến tranh để xử Alfred Dreyfus, mặc dù hồ sơ dự thẩm chỉ vỏn vẹn có «bản kê» với tuồng chữ mà ngay cả các chuyên gia cũng không nhất trí là từ tay của nghi can.

Vì quyết tâm, khả năng và ngay cả sự trong sạch của chính Bộ trưởng Bộ Chiến tranh cũng bị giới báo chí bài Do Thái nghi ngờ, để trấn an dư luận và tự vệ, Auguste Mercier tuyên bố trên tờ Le Figaro* ngày 28-11-1894 rằng tội phản bội của Alfred Dreyfus là «tuyệt đối, chắc chắn». Ký giả Arthur Meyer bình luận trên nhật báo Người Xứ Gaule (Le Gaulois, bảo hoàng) ngày hôm sau: «Ngay cả để bảo vệ danh dự mình, một sĩ quan không thể in ra một dòng chữ nếu ngài Bộ trưởng Bộ Chiến tranh không cho phép. Thế mà ở đây Trung tướng Mercier đã đăng, hay để đăng, một bài phỏng vấn dài về đại úy Dreyfus; nặng hơn cả một cáo trạng, đây đã là lời kết tội thực sự, một bản án tử hình. Chúng tôi chúc mừng tờ Le Figaro đã may mắn tìm được một bài phỏng vấn quan trọng tầm cỡ, nhưng chúng tôi không khen ngợi Trung tướng Mercier. Nếu ngài Bộ trưởng Bộ Chiến tranh đã kết án Đại úy Dreyfus như thế, thì liệu cái tòa án chiến tranh sắp được triệu tập để xét xử nghi can sẽ còn được bao nhiêu tự do?»[4]

Cuộc vận động của Luật sư Edgar Demange* để phiên xử có thể diễn ra công khai không thành, Alfred Dreyfus bị xử kín ngay tại ngục thất ngày 19-12-1894, và đến ngày 22-12 thì bị kết án đày chung thân ra Đảo Ác Quỷ (Île du Diable) tại Guyane, dựa trên «xác quyết» của Henry, lý thuyết kỳ quái của Alphonse Bertillon (2 tuồng chữ không trùng hợp hoàn toàn vì Dreyfus đã cố ý... giả chữ viết của mình) và nhất là nhờ một thủ đoạn bất hợp pháp. Trước phiên họp biểu quyết, 7 sĩ quan trong Hội thẩm đoàn đã được Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Auguste Mercier cung cấp một hồ sơ mật về nghi can mà cả Dreyfus lẫn luật sư Demange đều không hay biết (trái với thủ tục trong quân pháp là bên bị phải nhận được hồ sơ buộc tội này ít nhất là 3 ngày trước phiên xử để có thể nghiên cứu và phản biện), trong đó có một tài liệu khống về sau bị phát hiện là do chính Hubert Henry đặt vào, với câu ám chỉ quyết định: «Kèm theo đây là 12 bản đồ mà tên D. vô lại đưa tôi nhờ chuyển cho ông»[5] của Tùy viên Quân sự Ý Alessandro Panizzardi trong một bức thư gửi cho đồng nghiệp Đức Von Schwartzkoppen.

Nói chung, báo giới đều thỏa mãn với bản án. Tờ Thời Báo (Le Temps) ngày 24-12-1894 viết: «công lý chẳng những đã được thực thi, mà thực thi một cách tốt đẹp»[6]. Một sớm một chiều trở thành người hùng, ngài Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Auguste Mercier thừa thắng xông lên, đòi Quốc hội tái lập án tử hình[7] đối với những trọng tội như tội phản quốc, tạo cơ hội cho lãnh tụ cánh tả Jean Jaurès* chỉ trích sự phân biệt đối xử giữa sĩ quan với lính trơn trong quân đội: «Thống chế Bazaine*, bị xác quyết là phạm tội phản quốc, tuy đã lãnh án tử hình, song không bị xử bắn. Đại úy Dreyfus, bị toà xử nhất trí về tội phản bội, đã không bị kết án tử hình. Và, trước những bản án loại này, cả nước chứng kiến là người ta đã bắn bỏ, không tha thứ, không thương hại, những người lính trơn chỉ mắc mỗi tội là đã có một phút lầm lạc hay bạo hành... Nếu người ta không xử bắn [Dreyfus], đấy là vì người ta đã không muốn, trong khi luật pháp cho phép»[8]. Cuộc tranh luận tiếp theo căng đến nỗi, rốt cuộc, ông Dân biểu Jean Jaurès* và ngài Bộ trưởng Bộ Nội vụ Louis Barthou hẹn gặp nhau ngay hôm sau ở một trận quyết đấu*[9] trong rừng. Vì đấy là ngày lễ Giáng sinh, nhờ lòng bác ái vô lượng của Chúa, cả hai ông đều bắn trật địch thủ, và hân hoan về nhà không thương tích.

1895

Ngày 5-1-1895, Đại úy Dreyfus bị hạ nhục trong sân Trường Võ bị Paris, trước một đám đông khán giả hớn hở, cuồng nộ, khi người ta lột lon, bẻ kiếm của đương sự: «Treo cổ bọn Do Thái!»... «Tên phản bội chết tiệt!»... «Xử giảo hết bọn Judas!»... Léon Daudet* đã tả lại cảnh tượng ấy như sau: «Tuy nhiên, hắn vẫn tiến tới giữa hai người lính, cái xác chết với những bước chân diễu binh vô hồn, nhìn thì mảnh khảnh mà to lớn vì nhục nhã, như thể sự căm thù đã chiếm lĩnh thể xác hắn và chế ngự được cả cơn lốc cảm xúc quay cuồng bên trong... Đến gần chỗ chúng tôi, hắn còn thu đủ nghị lực để hô lên «Vô tội», giọng hấp tấp trắng bệch. Bây giờ thì hắn đến trước tôi rồi, trong khoảnh khoắc băng ngang, mắt khô quánh, cái nhìn mất hút trong quá khứ, chắc thế, vì tương lai đã chết tốt với danh dự. Không còn tuổi. Không còn tên. Không còn cả sắc da. Tuyền một màu phản bội. Mặt nhợt nhạt, nhẵn thín, đê tiện, không chút ân hận, nhất định phải là mặt ngoại tộc thôi, thân tàn ma dại của một biệt khu [Do Thái] nào đó. Vẫn còn một cái nhìn chòng chọc gan lì xua đuổi mọi tình cảm trắc ẩn. Đấy là lần cuối cùng hắn còn sánh bước bên cạnh con người, và hắn tỏ ra tự chủ, sẵn sàng đương đầu với sự ô nhục đến mức giống như là hắn đã tận dụng được thời cơ đó»[10] (Le Figaro). Maurice Barrès* cũng kể với giọng tương tự: «Khi hắn tiến về phía chúng tôi, mũ kê-pi sụp tới trán, cặp kính không càng kẹp trên sống mũi sắc tộc, mắt giận dữ và khô quánh, mặt câng câng thách thức, hắn hô lên, phải nói thế nào nhỉ? hắn hạ lệnh «Hãy nói với cả nước Pháp rằng tôi vô tội» bằng một giọng không thể chấp nhận nổi. Hàng loạt nào «Judas!», nào «Đồ phản quốc!», ào ra tới tấp. Không biết từ mãnh lực của định mệnh mà hắn mang trong người hay do bạo lực của những ý tưởng mà tên họ hắn đã kết hợp lại, kẻ khốn nạn tạo ra ở tất cả khán giả hàng tràng chửi rủa ác cảm. Bộ mặt ngoại tộc, sự trơ trơ cứng nhắc, tất cả cái không khí toát ra ở hắn khiến ngay cả người tự chủ nhất cũng phải thấy ứa gan»[11] (Quân Kỳ = La Cocarde). Thật ra, thái độ ngoan cố hay ngoan cường của sĩ quan Do Thái này có thể được giải thích đơn giản hơn, nếu người xem đọc được một câu trong thư an ủi chồng của Lucie Dreyfus: «Anh hứa sẽ can đảm, và anh đã giữ lời, em cám ơn anh. Phẩm cách của anh, phong thái đẹp đẽ của anh đã chinh phục được quả tim của nhiều người»[12]

Sự thật là phẩm cách cùng lời kêu oan không ngừng của cựu Đại úy Alfred Dreyfus đã gây hoang mang cho không ít khán giả. Có thể nào ông ta bị xử oan thực chăng? Còn thiếu một bằng chứng tuyệt đối để chiến thắng được trọn vẹn: sự thú nhận của chính nghi can. Các báo bài Do Thái thi nhau đăng lại lời tâm sự và thú nhận... tưởng tượng của Dreyfus với Đại úy Charles Lebrun-Renault, sĩ quan có trách nhiệm canh giữ ông. Tất cả đều bị ký giả Eugène Clisson của tờ Le Figaro chứng minh sau đó là láo khoét, trừ một chi tiết: tài liệu buộc tội Dreyfus đã xuất phát từ Đại Sứ quán Đức chứ không phải từ Bộ Tham mưu. Nguy tai, Đại Sứ quán Đức là một ổ gián điệp ư?! Georg Munster-Ledenburg, Đại sứ Đức, tức thì đòi yết kiến Tổng thống Pháp để phản đối. Trong cuộc gặp gỡ đêm 15-1-1895, Jean Casimir-Perier* xác nhận nguồn gốc của «bản kê», nhưng cho rằng một sứ quán không thể bị xem là phải chịu trách nhiệm về loại thư từ không chờ đợi mà vẫn nhận được. Hai bên đi đến thỏa thuận rằng một thông cáo báo chí theo hướng đó là đủ để tránh khủng hoảng ngoại giao, trong khi ngài Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Auguste Mercier vẫn cố trình bày cuộc gặp gỡ trên, cho bất cứ ai muốn nghe, như một đêm «lịch sử», «bi đát», vì chiến tranh chỉ tránh được trong đường tơ kẽ tóc!

Ngày 16-1-1895, Tổng thống Jean Casimir-Perier từ chức, chán ngán vai trò tượng trưng trong một nội các mà ông không kiểm soát nổi (ông chỉ được báo cáo về hồ sơ mật một ngày trước khi gặp Đại sứ Đức!), và một Quốc hội mà ông tùy thuộc. Bộ trưởng Auguste Mercier ra tranh cử với lời kêu gọi: «Quốc hội phải bầu cho người đã lôi tên phản bội Dreyfus ra trước Tòa án Chiến tranh», nhưng chỉ được có 3 phiếu. Dân biểu Félix Faure* được bầu làm Tổng thống Cộng hoà Pháp ngày 17-1-1895[13]. Tối hôm đó, kẻ vô tội Alfred Dreyfus lên thuyền để đi đến nơi sẽ là mồ chôn sống cuộc đời mình, trong sự im lặng đồng lõa của cả nước Pháp. Một sĩ quan Do Thái đã phản bội, hắn đã đền tội, chẳng ai thấy có gì để nói nữa. Ngay cả Georges Clemenceau*, người sau này sẽ tích cực bênh vực Dreyfus, lúc đó còn đánh giá ông như sau trên tờ Công Lý (La Justice): «Như vậy là hắn chẳng có thân nhân, vợ con, không có tình cảm đối với một cái gì cả, không có một liên hệ nào với người hay gia súc, chẳng có gì khác hơn ngoài một tâm hồn bẩn thỉu, một trái tim ti tiện»[14]. Trừ vợ ông, Lucie Dreyfus, vẫn không ngừng kêu oan trong sa mạc, và anh của ông, Mathieu Dreyfus*, vẫn tiếp tục tìm cách «quậy», với sự trợ giúp của một ký giả Do Thái trẻ có khuynh hướng vô chính phủ là Bernard-Lazare*. Bộ ba bị dư luận gọi mỉa mai bằng một cái tên đầy khinh thị: «Nghiệp Đoàn Do Thái».

1896

Đầu tháng 7-1895, Trung tá Georges Picquart* lên làm Giám đốc Cục Thống kê thay Jean Sandherr về hưu. Và đầu tháng 3-1896, cục này chận bắt được thiếp điện («le petit bleu» = «mảnh giấy xanh», điện tín chưa gửi) đoạn tuyệt của Von Schwartzkoppen gửi cho Thiếu tá Ferdinand Walsin Esterházy*. Picquart quyết định điều tra về viên thiếu tá nổi tiếng ăn chơi đàng điếm với hành tung bất hảo trên, và mau chóng khám phá ra rằng tuồng chữ trong bản kê các tài liệu mật đề nghị bán cho địch chính là của sĩ quan Pháp gốc Hungari này. Kinh hoảng, Picquart thông báo cho các Trung tướng Tham mưu Trưởng Raoul Le Mouton de Boisdeffre* (5-8-1896) và Tham mưu Phó Charles Arthur Gonse* (3-9-1896). «Tên Do Thái đó phải nằm lại ở Đảo Ác Quỷ thì việc gì đến anh?», Gonse hỏi. – «Nhưng mà, thưa Trung tướng, hắn vô tội». – «Hồ sơ này không mở lại được nữa, có dính líu tới các Trung tướng Mercier và Saussier». – «Nhưng mà vì hắn vô tội...». «Nếu anh kín miệng thì sẽ chẳng ai biết». «Điều ngài nói thật là kinh tởm, thưa Trung tướng. Tôi chưa biết sẽ phải làm gì, dù sao, tôi sẽ không mang bí mật này xuống mồ»[15], Picquart liều lĩnh đáp.

Cũng ngày 3-9-1896, báo chí đăng lại một tin của tờ Ghi Chép Hàng Ngày (Daily Chronicle) bên Anh, theo đó Alfred Dreyfus đã hoặc đang chuẩn bị vượt ngục, với sự hỗ trợ tài chính và ngay cả nhân sự của cộng đồng Do Thái Hoa Kỳ. Thật ra, đây chỉ là một tin vịt do chính Mathieu Dreyfus tung ra, để vụ án không rơi vào quên lãng. Trên Đảo Ác Quỷ, tù nhân Dreyfus bỗng dưng được chiếu cố đặc biệt chặt chẽ: chòi ở bị dựng thêm vách ván chung quanh, chân bị cùm và xích vào giường. Tuy nhiên, mánh lới trên cũng tạo được một hậu quả bất ngờ: thấy động, phe chống xét lại vụ án làm một sai lầm. Ngày 14-9, để vĩnh viễn khoá miệng «Nghiệp Đoàn Do Thái» và cô lập nó với phần dư luận còn hoang mang, tờ Tia Sáng lần đầu tiên nói đến cái hồ sơ mật đã khiến cho Alfred Dreyfus bị kết án, nghĩ rằng làm như thế là mang lại bằng chứng không thể chối cãi về tội trạng của Dreyfus, quên mất rằng nó cũng đồng thời là bằng cớ không thể chối cãi về sự vi phạm thủ tục xét xử.

Ngày 16-9-1896, dựa vào sự thú nhận rằng phiên tòa đã sử dụng một thủ tục bất hợp pháp, Lucie Dreyfus kiến nghị lên Quốc hội xin xử lại. Ngày 6-11, ký giả Bernard-Lazare cho xuất bản tập sách mỏng tựa là Một Ngộ Phán Pháp Lý: Sự Thật Về Vụ Án Dreyfus (Une erreur judiciaire : la vérité sur l’affaire Dreyfus) tại Bruxelles để tránh bị tịch thu, và sau đó tìm cách thuyết phục một số nhân sĩ nổi tiếng công chính (như Thượng Nghị sĩ Auguste Scheurer-Kestner*, nhà văn Émile Zola*) nhưng không thành công. Báo chí xôn xao; trong một phiên họp Quốc hội, Dân biểu André Castelin yêu cầu Chính phủ truy tố Bernard-Lazare. Nhưng biết rằng cách tốt nhất để phi tang không phải là quậy dư luận ồn lên mà là nhận chìm xuồng, Nội các Jules Méline khoanh tay bất động.

Mặt khác, cấp trên của Georges Picquart quyết định đẩy sĩ quan «có vấn đề» này khỏi Paris: một quân lệnh ký ngày 27-10-1896 gửi ông đi thanh tra vùng biên giới phía Đông. Đồng thời, Hubert Henry lại làm giả một cuộc trao đổi thư khác giữa hai tùy viên quân sự Ý - Đức vào cuối tháng 10, trong đó chữ D. trước kia viết tắt nay được khai triển trọn vẹn thành Dreyfus. Trong văn kiện này (sau gọi là «thư khống Henry» = «le faux Henry»), Von Schwartzkoppen đã than phiền về lòng tham của Dreyfus: «Rõ ràng là tên Dreyfus chó má này bây giờ đòi hỏi nhiều quá», trong khi Panizzardi dặn dò: «Tôi đọc thấy rằng một dân biểu sắp chất vấn về Dreyfus. Nếu ở Rome người ta đòi thêm giải thích mới, tôi sẽ nói là chưa bao giờ có quan hệ gì với tên Do Thái này. Đồng ý như thế nhé. Nếu người ta hỏi ông, cứ nói như vậy»[16].

Ngày 10-11-1896, tờ Buổi Sáng (Le Matin) in lại bản sao bức thư nhặt được trong Đại Sứ quán Đức, do chuyên viên nhận tuồng chữ Pierre Teysonnières bán lại. Mathieu Dreyfus từ nay có thể phóng to tài liệu này bên cạnh chữ viết thật của Alfred Dreyfus, và phổ biến rộng rãi để mọi người có thể so sánh. Dư luận ngày càng phân vân, tập sách mỏng của Bernard-Lazare được nhà xuất bản Stock nhận tái bản ngay tại Pháp. Ngày 26-12, từ vùng biên giới phía Đông, Georges Picquart bị thuyên chuyển sang phục vụ ở Tunisia.

Như vậy, mặc dù lúc ấy đã biết Alfred Dreyfus là vô tội và ngay cả tông tích của thủ phạm đích thực, Bộ Tham mưu Pháp vẫn quyết định giữ im lặng hầu bảo vệ hai huyền thoại: «danh dự tổ quốc» (người Pháp không bao giờ phản quốc!) và «thanh danh của quân đội» (quân đội không bao giờ sai lầm)! Tuy nhiên, để phòng ngừa bất trắc, một mặt, Ferdinand Esterházy đã bị rút khỏi mọi sinh hoạt quân sự từ ngày 17-8-1896, vì «bệnh tật tạm thời» («infirmités temporaires»); mặt khác, Henry được thăng chức Trung tá và bổ nhiệm làm Giám đốc Cục Thống kê Quân đội thay Picquart vào tháng 1-1897.

1897

Vào tháng 5-1897, thái độ xấc láo của Hubert Henry khiến Georges Picquart lo ngại mình có thể là nạn nhân của một bộ máy ám hại. Về nghỉ phép tại Paris vào cuối tháng 6-1897, sĩ quan này quyết định kể hết những khám phá của ông cho luật sư Louis Leblois* nghe, và tuy yêu cầu ông ta kín miệng, vẫn thận trọng ủy thác cho bạn nhiệm vụ bảo vệ mình trước pháp luật. Ngày 13-7, Leblois thông báo cho Phó Chủ tịch Thượng Viện Auguste Scheurer-Kestner những tiết lộ của Picquart, kể cả yêu cầu kín miệng. Nhân vật cao cấp của Chính phủ này quyết định vận động giải oan cho Alfred Dreyfus mà không gây thêm khủng hoảng trong quân đội.

Một biến cố văn hoá bên lề, tuy sau này đóng vai trò quyết định trong cuộc tranh chấp: ngày 19-10-1897, số đầu tiên của nhật báo Bình Minh (L’Aurore, khuynh hướng cộng hoà xã hội) ra đời, với một ban biên tập trong đó có Georges Clemenceau, Urbain Gohier, và Bernard-Lazare. Ernest Vaughan, người sáng lập tờ báo, chịu thu dụng Bernard-Lazare, lúc ấy còn đang ngược xuôi vận động để minh oan cho Alfred Dreyfus và do đó bị các nhật báo khác tẩy chay, với một điều kiện: không được dùng diễn đàn của ông trong cuộc tranh chấp pháp lý.

Auguste Scheurer-Kestner lần lượt xin gặp Tổng thống Felix Faure* (29-10-1897) và Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Jean-Baptiste Billot* (30-10). Vị nguyên thủ quốc gia hứa sẽ giữ thái độ trung lập thiện cảm, còn ngài bộ trưởng thì hứa sẽ mở ra một cuộc điều tra trong vòng 15 ngày. Sự thực là Trung tướng Billot đã hạ lệnh gửi Georges Picquart ra vùng biên giới loạn lạc giữa Tunisia và Lybia từ ngày 10-10, và trong một phiên họp tại Bộ Chiến tranh ngày 16-10, bộ ba các tướng tá Gonse, Henry và Du Patay đã lấy quyết định, vừa thông báo cho Ferdinand Esterházy bằng thư nặc danh về những nguy hiểm đang chờ đợi y, vừa bảo đảm cho y hậu thuẫn của Bộ Tham mưu (qua hai cuộc gặp gỡ mật, ngày 23 rồi 27-10), với điều kiện là Esterházy phải tuyệt đối vâng lời. Mặt khác, cũng trong ngày 30-10, Henry cùng với Du Patay lại làm thêm các điện tín giả khác, ký tên Spéranza và Blanche, để cáo buộc chính Picquart mới là tác giả thực sự của bức thiếp điện do Von Schwarzkoppen gửi cho Esterházy. Cuối cùng, giới báo chí hữu khuynh Thánh Giá, Tổ Quốc, Tia Sáng, Người Xứ Gaule, Lời Tự Do, Không Nhân Nhượng (La Croix, La Patrie, L’Éclair, Le Gaulois, La Libre Parole, L’Intransigeant...), bắt đầu úp mở, xa gần tấn công Scheurer-Kestner, trình bày ông như «kẻ khờ khạo bị bọn vô lại lừa bịp»[17].

Một bất ngờ khác. Ngày 12-11-1897, tập sách mỏng Một Ngộ Phán Pháp Lý: Sự Thật Về Vụ Án Dreyfus được tái bản và bày bán ở Paris. Một kẻ làm môi giới trong hậu trường chứng khoán tên là Jacques de Castro nhận ra tuồng chữ của Ferdinand Esterházy trên phóng ảnh «bản kê» trong sách, do đã từng nhận được nhiều thư của «khách hàng quen thuộc» trên. Ông ta báo ngay cho gia đình Dreyfus. Mathieu đến gặp Auguste Scheurer-Kestner nhằm thuyết phục nhân vật này về tông tích thủ phạm, nhưng khi vừa mở miệng: «Kẻ phản bội tên là Esterházy», đã được trả lời «Đúng, chính hắn». Hai bộ phận nổi và chìm của cuộc vận động vì sự thật và công lý từ nay được nối kết. Sau hai buổi họp tại tư gia Scheurer-Kestner (ngày 12 và 13-11, lần thứ nhì có sự tham dự của nhà văn Émile Zola), ngày 16-11, tờ Thời Báo (Le Temps) đăng một bức thư ngỏ của Scheurer-Kestner, trong đó ông xác nhận rằng Dreyfus hoàn toàn vô tội tuy không nêu tên thủ phạm đích thực, đồng thời các báo buổi sáng cũng công bố bức thư của Mathieu Dreyfus gửi Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Jean-Baptiste Billot, tố cáo đích danh tác giả của «bản kê» là Ferdinand Walsin Esterházy.

Không thể ém nhẹm được nữa, ngày 17-11-1897, Trung tướng Gustave Saussier giao nhiệm vụ điều tra về Esterházy cho Thiếu tướng Gabriel de Pellieux*. Ba ngày sau, De Pellieux nộp báo cáo đầu tiên: «Với cả tâm hồn lẫn lương tri, tôi tin chắc rằng Esterházy không dính líu chi đến vụ này ... Đối với tôi, Trung tá Picquart ở vào trường hợp phải bị đưa ra trước một ủy ban điều tra»[18]. Ferdinand Esterházy trở thành nạn nhân của một âm mưu do «Quốc tế Do Thái» («la juiverie internationale») khởi động nhằm bôi nhọ Quân đội Pháp. Vai trò quá đẹp này vô tình gây họa cho đương sự. Một bà De Boulancy nào đó, tình nhân bị bỏ rơi của Esterházy, nhờ luật sư trao cho Auguste Scheurer-Kestner một bức thư của y để trả thù. Bức thư xuất hiện trên tờ Le Figaro ngày 28-11, với một đoạn nẩy lửa: «Sự kiên nhẫn của dân Pháp ngu ngốc này, giống dân đáng ghét nhất mà tôi biết, thật là vô tận: nhưng tôi thì không còn kiên nhẫn thêm nổi. Tôi sẽ không ở với bọn ngu xuẩn và thô bỉ, chưa ra trận đã cầm chắc chiến bại này lâu hơn nữa. Tôi chưa hề đánh một con chó con, nhưng tôi sẽ hả hê làm chết một trăm ngàn thằng Pháp như chơi ... Ôi! Paris bị chiếm đóng và làm mồi cho cả trăm ngàn tên lính say sưa cướp bóc, thật là một cảnh tượng thê thảm... Nhưng đấy là ngày lễ hội mà tôi mơ tưởng, cầu xin được toại nguyện! Nếu chiều nay người ta nói với tôi rằng ngày mai tôi sẽ chết như đại úy kỵ binh đánh thuê mà được chém giết lính Pháp thả cửa, tôi sẽ hoàn toàn sung sướng»[19] (lá thư này về sau được gọi là «la lettre des uhlans = bức thư của kỵ binh đánh thuê»). Cả nước ngã ngửa! Tá hỏa, Esterházy chạy hết báo này đến báo nọ đính chính, kêu oan, nào âm mưu, nào vu khống, v. v...

Trong khi đó, Georges Picquart bị gọi về Paris hỏi cung ngày 26-11-1897, nhà cửa bị lục soát. Đồng thời Auguste Scheurer-Kestner cũng trở thành đối tượng đả kích, mạ lị chính của các nhật báo chống Alfred Dreyfus, bên cạnh «Nghiệp Đoàn Do Thái»: «tên Phổ», «tên tư bản Đức», «tên tay sai của Nghiệp Đoàn Do Thái», v. v... Qua lời cảnh báo của Louis Le Provost de Launay, một số nghị viên bênh quân đội đang chuẩn bị cật vấn ông ngay tại Thượng viện.

Ngày 25-11-1897, bài báo đầu tiên của Émile Zola về vụ án Alfred Dreyfus xuất hiện trên tờ Le Figaro, dưới tựa đề Scheurer-Kestner, nhằm bênh vực nhân vật này, với một câu kết đầy tin tưởng: «Và, nếu vì những lý do chính trị mà công lý còn bị níu chân, đấy sẽ là một sai lầm mới nữa, nó chỉ làm lùi lại cái kết cuộc không thể tránh, và làm cho nó trầm trọng thêm. Chân lý đã lên đường, và không gì còn có thể cản bước nó được nữa»[20]. Mặt khác, ngày 30-11 Georges Clemenceau đặt một câu hỏi về Ferdinand Esterházy trên tờ Bình Minh: «Cái con người mà ai cũng biết rõ này, trừ những kẻ lẽ ra phải biết y kỹ hơn, phải chờ và nhờ đến Ô. Mathieu Dreyfus tố cáo! Thế mà vẫn chưa đủ. Ngài Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, mặc dù biết từ 18 tháng nay rằng y bị một sĩ quan cả đời sống trong danh dự cáo buộc vào tội nặng nhất, lại quay sang đánh sĩ quan này, đày ông ta đi xa vì đã làm phận sự, và bảo đảm cho tên Walsin-Esterházy sự miễn tố. Thế nghĩa là gì? Ai là người che chở cho Esterházy?»[21].

Ngày 1-12-1897, cũng trên Le Figaro, bài báo nhập cuộc thứ hai của Émile Zola, dưới tựa đề Nghiệp Đoàn (Le Syndicat), nhằm bênh vực «Nghiệp Đoàn Do Thái»: «Một nghiệp đoàn để tác động trên dư luận, để chạy chữa bệnh điên rồ mà nó đã bị loại báo chí bẩn thỉu truyền vào, để đưa nó về với sự kiêu hãnh và lòng độ lượng muôn đời. Một nghiệp đoàn để nhắc lại mỗi sáng rằng quan hệ ngoại giao của chúng ta không hề bị đe dọa, rằng danh dự của quân đội không hề bị xúc phạm, rằng chỉ có những cá nhân là có thể bị liên lụy ở đây. Một nghiệp đoàn để chứng minh rằng mọi ngộ phán pháp lý đều có thể được sửa sai, rằng cứ khư khư bám chặt một ngộ phán kiểu này, lấy cớ là tòa án chiến tranh không thể nào nhầm lẫn, chính là sự ngoan cố quái gở nhất, sự ương ngạnh kinh tởm nhất. Một nghiệp đoàn để vận động cho đến khi chân lý được sáng tỏ, cho đến lúc công lý được thực thi, bất chấp mọi chướng ngại, bất chấp số năm tháng đấu tranh còn cần thiết. Một nghiệp đoàn như thế, vâng, tôi là thành viên, và tôi hy vọng rằng tất cả mọi người Pháp đàng hoàng tử tế cũng đều sẽ gia nhập»[22].

Ngày 3-12-1897, Thiếu tướng Gabriel de Pellieux đưa ra kết luận chung cuộc về Ferdinand Esterházy: «miễn tố». Ngay ngày hôm sau, Thủ tướng Jules Méline có thể trấn an các vị dân biểu ở Hạ viện: «Không có vụ việc Dreyfus nào cả». Và Bá tước Albert de Mun* có thể cao giọng hạch hỏi Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Jean-Baptiste Billot về «Nghiệp Đoàn Do Thái»: «Công chúng phải được biết, có hay không tại xứ này, một thế lực bí mật và đen tối, nhưng đủ mạnh để có thể gây nghi ngờ trên các vị lãnh đạo Quân đội quốc gia bất kỳ lúc nào nó muốn? ... Công chúng phải được biết, có thật là thế lực đen tối này đã đủ mạnh để gây xáo trộn trên khắp lãnh thổ hay không?»... để lại được nghe Trung tướng Billot quả quyết khẳng định: «Với cả tâm hồn lẫn lương tri, như Quân nhân, như người cầm đầu Quân đội, tôi tin rằng ông Dreyfus có tội, và phán quyết của Tòa án Chiến tranh là đúng»[23].

Dù vậy, Bộ Tham mưu vẫn quyết định đánh một nước cờ cao hơn: vì địch thủ đòi đem Ferdinand Esterházy ra xử, tốt hơn là cứ đem đương sự ra xử cuội, tuyên bố trắng án, rồi sau đó viện dẫn nguyên tắc «việc đã xử rồi» («la chose jugée») để nhận chìm xuồng luôn. Biết chắc được sự che chở của Bộ Tham mưu, Esterházy lấy cớ danh dự quân nhân bị xúc phạm, cũng nhất quyết đòi Thiếu tướng De Pellieux phải đưa y ra trước Toà án Chiến tranh: «Tôi tin rằng Ngài đã có trong tay mọi chứng cớ về âm mưu bỉ ổi nhằm hại tôi; nhưng những âm mưu này cần phải được phơi bày trong một cuộc tranh tụng pháp lý càng rộng rãi càng tốt, và cần phải được làm sáng tỏ hoàn toàn ... Như sĩ quan bị công khai kết án là phản quốc, tôi có quyền được xử bởi Toà án Chiến tranh, vì đấy là hình thức pháp lý cao nhất trong Quân đội; chỉ một quyết định xuất phát từ đấy và xử tôi trắng án mới có khả năng thích cái dấu sỉ nhục lên trán những kẻ vu khống hèn nhát nhất đã cả gan tố cáo tôi trước dư luận» ... «Trông vào sự công minh cao cả của Ngài, tôi chờ đợi được đưa ra trước Toà án Chiến tranh ở Paris»[24].

Ngày 4-12-1897, hồ sơ dự thẩm về Ferdinand Esterházy được giao cho Thiếu tá Alexandre Ravary. Ngày 5-12, trong bài viết thứ ba tựa là Biên Bản (Procès-Verbal), sau khi tố cáo giới «báo chí hạ cấp động dục», thái độ thản nhiên nếu không muốn nói là bình tâm của các báo đứng đắn trước sự chà đạp chân lý và công lý, cuộc vận động bài Do Thái mọi rợ «đã đẩy nước Pháp lùi lại cả ngàn năm trước», «sự khai thác hèn hạ lòng yêu nước» của chính quyền, ... Émile Zola kết luận: «Tạm thời, trong khi chờ đợi quyết định của Toà án Chiến tranh, vai trò của tôi xem như chấm dứt; tôi nồng nhiệt mong mỏi rằng, chân lý được sáng tỏ, công lý được thực thi, tôi không còn phải đấu tranh vì các lý tưởng này nữa»[25]. Tờ Le Figaro tức khắc bị tẩy chay: phe «chống xét lại» phát động một phong trào bỏ mua báo dài hạn, khiến ông chủ nhiệm Fernand de Rodays phải rút lui khỏi cuộc chiến, mặc dù trước đó đã hứa hẹn sẽ ủng hộ bạn Émile Zola đến cùng.

Ngày 7-12-1897, trong buổi chất vấn Thượng viện, Scheurer-Kestner cố gắng thuyết phục định chế này chấp nhận đề nghị xét lại bản án, với sự hỗ trợ trên diễn đàn của cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ludovic Trarieux* nhưng không thành công. Kết quả của cuộc bỏ phiếu chung cuộc xác nhận sự ủng hộ Nội các Jules Méline và quân đội của đa số thượng nghị sĩ. Thất bại này cũng đồng thời chấm dứt thời kỳ vận động ôn hoà trong khuôn khổ pháp lý mà ông Phó Chủ tịch Quốc hội làm đạo diễn đồng thời là nhân vật trọng tâm.

Mặt khác, cuộc tranh chấp từ nay mang những hình thức đáng lo ngại hơn bên phía ủng hộ chính quyền và quân đội. Phong trào bài Do Thái của Jules Guérin* bắt đầu xuống đường, tổ chức những buổi họp công cộng, với những khẩu hiệu đầy hận thù và lời kêu gọi sát phạt. Giới sinh viên theo lập trường «quyền lợi Quốc gia – danh dự Quân đội» cũng biểu tình trong khu La-tinh để xỉ vả Scheurer-Kestner. Ngày 14-12-1897, tập sách mỏng Thư Gửi Tuổi Trẻ (Lettre à la jeunesse) được nhà xuất bản Eugène Fasquelle phát hành, trong đó Émile Zola kêu gọi giới trẻ và sinh viên xuống đường hãy trả lời: «Chúng tôi đi về phía nhân loại, phía chân lý, phía công lý» thay vì «đi la ó một người, một ông lão, sau một đời lao động và trung trực đăng đẵng, tưởng rằng mình có thể ủng hộ một lý tưởng độ lượng, mong muốn làm sáng tỏ và sửa sai một ngộ phán, vì danh dự của ngay chính nước Pháp»[26].

1898

Ngày 1-1-1898, Thiếu tá Alexandre Ravary nộp hồ sơ dự thẩm cho Trung tướng Gustave Saussier, với kết luận «miễn tố» Ferdinand Esterházy, vì cả 3 chuyên gia (Edmé Belhomme, Émile Couard, Pierre Varinard) đều cho rằng tuồng chữ trên «bản kê» không phải là của đương sự, còn bức thư đăng trên Le Figaro chỉ là một tài liệu giả. Tuy nhiên, đúng như kế hoạch đã định trước, Saussier vẫn triệu tập Tòa án Chiến tranh để xử Esterházy theo yêu cầu của chính đương sự. Georges Clemenceau nhận định trên tờ Bình Minh cùng ngày: «Người ta sẽ truy tố Esterházy, bởi vì không có cách nào khác hơn, nhưng chỉ trên những tiểu tiết do đại tá Picquart phát hiện. «Bản kê» sẽ không được giữ lại như bằng chứng. Sẽ không có một chữ nào về nó cả, Chính phủ vừa tìm ra ba chuyên gia để tuyên bố rằng tuồng chữ mà Esterházy đã nhận là của y không do chính tay y viết ra»[27]. 

Ngày 6-1-1898, tập sách mỏng thứ hai của Émile Zola ra đời dưới tựa đề Thư Gửi Nước Pháp (Lettre à la France), qua đó tác giả tỏ ra vừa lo ngại rằng phiên xử Ferdinand Esterházy cũng sẽ lại đầy tráo trở, vừa tin tưởng ở sức khỏe tinh thần và sự thức tỉnh kịp thời của đất nước ông. «Lo ngại duy nhất của tôi là mọi việc sẽ không được đưa ra ánh sáng tức thì và trọn vẹn. Sau một cuộc thẩm vấn mật, một phiên xử kín sẽ không chấm dứt được gì. Chỉ lúc đó, vụ kiện mới bắt đầu, bởi vì dù sao cũng phải mở miệng thôi, bởi vì câm nín là đồng lõa. Thật là điên rồ nếu tưởng rằng có thể ngăn cản lịch sử được ghi lại! Trang sử này, nó sẽ được viết ra, và sẽ không có một trách nhiệm nào dù mảy may mà không phải trả đúng cái giá của nó ... Và tất cả chỉ vì sự vinh quang cuối cùng của Mi thôi, hỡi nước Pháp, bởi vì tự thâm sâu, ta không hề lo sợ. Ta biết rằng dù người ta có muốn mưu hại trí tuệ và sức khỏe của Mi cũng vô vọng, Mi vẫn luôn luôn là tương lai, Mi sẽ có những hồi thức tỉnh rực rỡ chân lý và công lý!»[28]. Zola nhìn về phiên xử tương lai, để không ai quên vụ án quá khứ; đồng thời, tập sách mỏng thứ hai của Bernard Lazare, Người Ta Đã Kết Án Kẻ Vô Tội Như Thế Nào (Comment on condamne un innocent) cũng ra mắt công chúng ngay ngày hôm sau.

Ngày 10-1-1898, vụ xử Ferdinand Esterházy diễn ra y như dự đoán. Luật sư Edgar Demange vẫn đại diện cho Mathieu, và Fernand Labori* cho Lucie. Nhưng quyền đứng tên nguyên cáo dân sự của gia đình Dreyfus bị từ chối, thủ tục xử kín được chấp nhận, và trong suốt phiên xử, các nhân chứng (Mathieu Dreyfus, Auguste Scheurer-Kestner, Georges Picquart) không ngừng bị la ó, chửi bới trong khi kẻ bị xét xử được cổ võ, o bế bởi một phòng họp hầu hết mặc quân phục. Chiều ngày 11-1, kết quả chờ đợi – xử «trắng án» bởi một Hội Thẩm đoàn nhất trí – được công bố trong tiếng hò reo tở mở «Quân đội muôn năm», «Treo cổ bọn Do Thái»... của đám đông.

Ngày hôm sau, trên tờ Bình Minh, Clemenceau tự hỏi và tự trả lời: «Thế là hết chăng? Tôi không tin chút nào. Để thủy chung với chàng kỵ binh đánh thuê, bây giờ chính quyền phải truy tố «nghiệp đoàn», cái nghiệp đoàn tai tiếng có tội đã ngờ vực Esterházy. Và nếu nó không có can đảm làm, tôi sẵn sàng tin rằng những người đã đứng ra nhận lãnh cuộc vận động này sẽ không bỏ dở giữa đường. Bây giờ đến lượt họ lôi Billot và các phiên xử kín của ông ta ra trước vành móng ngựa của công luận, trước Hội Thẩm đoàn của Công dân Pháp»[29].

Ngày 13-1-1898, Georges Picquart bị xử phạt 60 ngày kỷ luật ở trại Mont-Valérien vì tội «làm tài liệu giả», trong khi chờ đợi bị đưa ra trước một ủy ban điều tra, mặc dù ngày 4-1 trước đó sĩ quan này đã nhờ luật sư Louis Leblois đệ đơn kiện tác giả của các bức điện tín  khống ký tên Spéranza và Blanche gửi cho ông ngày 10-11-1897, nhằm hăm dọa và gây hại. Cùng ngày 13-1 này, ở Thượng viện, Auguste Scheurer-Kestner không được tái cử vào ghế Phó Chủ tịch. Hai sự kiện song song trên dường như đánh dấu sự thất bại không thể đảo ngược của cuộc vận động nhằm giải oan cho Alfred Dreyfus nhân danh chân lý và công lý.  

TRÍ THỨC Ư?
VÀO TÙ!
1898

Nhưng cũng trong ngày 13-1-1898 này, tờ Bình Minh của Georges Clemenceau đăng Thư Gửi Ô. Félix Faure, Tổng Thống Của Nền Cộng Hoà (Lettre à M. Felix Faure, Président

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa