SỰ KIỆN Ý THỨC (T. JOUFFROY, 1826)
Đưa lên mạng ngày 25-11-2019
Từ khóa: Sự kiện ý thức
C1

SỰ KIỆN Ý THỨC
(1826)

Tác giả: Théodore Jouffroy[1]*
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

* 

Độc quyền thành công của những công trình nghiên cứu khoa học tự nhiên trong năm mươi năm qua đã ấn sâu vào tâm tưởng chúng ta cái ý kiến rằng chỉ những sự kiện tiếp xúc trực tiếp với giác quan của chúng ta mới là những sự kiện hiện thực, hoặc ít ra có thể được xác định chắc chắn (...) Chúng ta hoàn toàn chấp nhận với Bacon* rằng tất cả những gì ta có thể biết về hiện thực đều rút gọn vào loại sự kiện mà chúng ta quan sát được, và trên phần hiện thực thoát khỏi sự quan sát của ta, vào những quy nạp được rút ra từ loại sự kiện đó (...) Như vậy là chúng ta đồng ý với các nhà tự nhiên học về điểm đầu tiên. Nhưng chúng ta không tin, cùng với họ, rằng chỉ có những sự kiện mà giác quan của chúng ta tiếp xúc được mới là sự kiện. Chúng ta tin rằng còn có những sự kiện thuộc một bản chất khác, không thể nhìn thấy bằng mắt, không thể sờ bằng tay (mà kính hiển vi và dao mổ dù được giả định hoàn hảo tới mức nào cũng không thể với tới), cũng không thể nếm, ngửi và nghe được, tuy nhiên vẫn có thể quan sát và xác định được với một sự chắc chắn tuyệt đối. (...)

(...) Thật ra, đây là một sự kiện ít được quan tâm, bởi vì nó được lặp đi lặp lại trong chúng ta liên tục, nên cuối cùng ta luôn trở nên vô cảm trước những hiện tượng quen thuộc. Tuy nhiên, đây  lại là một sự kiện mà chẳng ai có thể không nhận thức và xác nhận, do chúng ta liên tục được thông báo về những gì đang xảy ra bên trong ta, ngay tại nơi sâu kín không thể xâm nhập của tư tưởng, cảm giác và ý chí của chúng ta. Dù trí trí tuệ của ta làm gì, dù giác quan của ta cảm nhận gì, dù ý chí của ta quyết định gì, chúng ta thảy đều được thông báo tức thì, chúng ta đều có ý thức ngay về chúng. Dường như chẳng có gì trong trạng thái tỉnh thức có khả năng đình chỉ hoặc làm gián đoạn dòng ý thức về những gì đang xảy ra trong ta này. Ngay trong lúc sự chú ý của tôi hoàn toàn chìm đắm trong suy tưởng về một hiện tượng bên ngoài, đúng vào lúc tâm trí tôi có vẻ hoàn toàn bận bịu với kỷ niệm về một cuộc phiêu lưu đã qua, và đang cố làm sống lại trong nó các tình huống đã bị xóa mờ của biến cố… trong những khoảnh khắc mà trí tuệ tôi bị thu hút sâu sắc bởi một đối tượng duy nhất, nên hầu như trở nên xa lạ và vô cảm với tất cả phần còn lại như vậy, nó vẫn giữ đủ tự do để nhận thức về những gì nó đang làm, lưu ý tới những gì nó đang cảm thấy. Những gì đang bao quanh ta, vây hãm giác quan của ta, tôi không còn thấy, không còn nghe, tôi đã mất cảm xúc về mọi sự vật; tuy nhiên, tôi vẫn giữ ý thức về những gì đang xảy ra trong tôi; bằng chứng là nếu bạn bất thần hỏi tôi đang lo nghĩ gì, đang cảm thấy gì, thì tôi sẽ nói với bạn, và tôi có thể mô tả nó cho bạn. (...)

(...) Thừa nhận những sự kiện có bản chất khác với những sự kiện  giác quan, chúng ta buộc phải thừa nhận một sự quan sát khác nữa, so với sự quan sát thông qua ngũ giác (…) Như vậy là chúng ta công nhận có hai loại quan sát, giống như chúng ta công nhận có hai loại sự kiện.

Théodore Jouffroy
Bài Tựa (Préface) –
Trg: Dugald Stewart, Phác Thảo Triết Học Đạo Đức
(Esquisses de Philosophie morale  (1826),
Paris, 2e éd., 1833, tr. I-XIII, passim.)


[1] Simon Joseph Théodore Jouffroy (1796-1842): nhà chính trị và triết gia Pháp. Tác phẩm: Le Sens commun et la philosophie (1824); Problèmes de la destinée humaine (1830); Mélanges philosophiques (1833); Sur le Scepticisme de notre époque (1834); Nouveaux mélanges philosophiques (1842, 1861); Cours d’esthétique (1843).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa