KHOA HỌC: TRẬT TỰ TRÌNH BÀY & THỨ TỰ KHÁM PHÁ (J.-S. BAILLY, 1779)

Cập nhật ngày 15-07-2022
Từ khóa: Khoa học – Lịch sử

C1

KHOA HỌC :
TRẬT TỰ TRÌNH BÀY
THỨ TỰ KHÁM PHÁ
(1779)

Tác giả: Jean-Sylvain Bailly[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Những tiến bộ mà chúng ta sắp theo dõi xác nhận một chân lý ta đã biết, đó là trí tuệ con người không hề tiến lên bằng từng bước đều đặn, bởi những cấp độ ý tưởng, lúc đầu đơn giản, rồi tuần tự phức tạp hơn. Muôn vàn hiện tượng, sinh vật vây quanh ta, muôn hình muôn vẻ, thiên nhiên phong phú, làm thế nào đo đếm và phân loại sự phong phú của nó? Cần phải phân chia thiên nhiên này, xem xét nó dưới nhiều khía cạnh khác nhau, phân loại những hiện tượng của nó thành từng lớp khác biệt, và nhiều khoa học khác nhau đã ra đời như vậy. Quang học là khoa học về thị giác; vật lý học nghiên cứu tác động của những yếu tố lên địa cầu của chúng ta và trong bầu khí quyển bao quanh nó; thiên văn học quan sát chuyển động của các vì sao, những chuyển động được thực hiện trên các quỹ đạo có thể được biểu diễn bằng nhiều tuyến đường; hình học quan tâm tới hình dạng và tính chất của những tuyến đường này, trong khi cơ học truy tìm quy luật của những chuyển động ấy. Chính bằng cách này, con người đã tạo ra các phương pháp để xem xét, trong từng bộ phận của nó, toàn thể cái vũ trụ rộng lớn mà hắn không thể nắm bắt được toàn bộ ngay từ đầu này. Tuy nhiên, không có một hiện tượng thiên văn nào lại không đồng thời tùy thuộc vào các ngành khoa học nói trên. Mỗi vì sao chuyển động tuân theo các định luật nhất định mà cơ học phải giải thích; nó di chuyển trên những đường cong mà hình học phải đào sâu. Những hiện tượng này được truyền đến chúng ta qua bức màn của bầu khí quyển, vốn là một nhà hát của những đổi thay và ảo tượng; chúng được nhìn thấy bằng con mắt của ta, nên sự cấu tạo của mắt phải được nghiên cứu để thẩm định mức độ trung thực hoặc không chính xác của những báo cáo; chúng được nhìn thấy qua ánh sáng, nên chúng ta phải đào sâu bản chất của ánh sáng; chúng được quan sát bằng các công cụ mà điều cần thiết là phát hiện ra những sai sót và lợi ích. Phân tích để biết, tập hợp những gì ta đã tách rời, để bắt chước hoặc mô tả thiên nhiên, đấy là hành trình chinh phục của chúng ta.

Nhưng một khi đã tách biệt các khoa học, và giữ chúng sao cho cân xứng với sự quan tâm của mình, ta vẫn chưa loại bỏ được hết mọi trở ngại; thêm vào nỗi khó khăn nhận diện, đo đếm không biết bao nhiêu là hiện tượng, còn có sự thiết yếu phải sắp xếp chúng. Mỗi khoa học là tổng số những sự thật; kết nối những sự thật này, trình bày chúng có trật tự, từ cái đơn giản đến cái phức tạp nhất, là mục đích của các nguyên lý. Nhưng trật tự trình bày chuỗi sự thật này không phải là thứ tự theo đó chúng từng được khám phá; các nguyên lý mô tả một Khoa học đã được thực hiện và xây dựng – ở đây, chúng ta báo cáo công trình và những tiến bộ của việc xây dựng. Thế nhưng thiên nhiên không hề tự triển khai một cách lớp lang cho mắt ta nhìn, nó chỉ để lộ từng lúc cho ta thấy từng bộ phận, và những động tác, hệ quả phức hợp nhất của nó là những thứ được nhận thấy trước tiên. Khởi đầu, các hành tinh xuất hiện như đang quay quanh Trái đất; không gì kì quặc và bất thường hơn là những chuyển động của chúng; và ta phải mất hằng bao thế kỷ mới phát hiện ra cái trung tâm thật sự của các chuyển động này để nhận thức chúng như trong hiện thực. Sự bố trí của các thiên thể là một trong những sự thật được giảng dạy trước tiên, nhưng lại là một trong những sự thật cuối cùng con người học được. Như vậy, cái trật tự mà chúng ta gán cho sự vật không hề là thiết yếu đối với thiên nhiên; trật tự này là cách thức chúng ta nhìn, và là cái phương pháp thuận lợi nhất, cho sự yếu kém về khả năng quan niệm của chính ta. Giống như các nguyên lý, lịch sử [môn học] cũng triển khai những tri thức của chúng ta, nhưng theo một trật tự trái ngược; nó cho thấy thiên nhiên như người đời đã nhìn thấy, bao la và phức tạp lúc đầu, sau đó ngày càng trở nên đơn giản hơn nhờ những công lao tìm hiểu của con người, suốt bao thế kỷ chồng chất. Nhưng lịch sử sẽ không làm đầy đủ bổn phận nếu chỉ phơi bày những sự thật được phát hiện, nó còn phải vẽ ra những khó khăn, đặc biệt là phải đo đếm, đánh giá những nỗ lực và phương tiện. Đây không còn là sự mô tả chi tiết và ngăn nắp một lãnh địa rộng lớn như ta thấy trong các nguyên lý; đây là câu chuyện về cuộc hành trình trên một con đường khúc khuỷu kín mít những chướng ngại, và chúng chỉ nhường bước trước lòng dũng cảm với sự khôn khéo và tháo vát. Ở đây, thành công chỉ đạt được sau nhiều vấp ngã, các nỗ lực chỉ được đền bù sau bao vất vả vô ích. Nhiệm vụ đầu tiên của sử gia là phải trung thực; ông không được che giấu những cái dở, cái sai ở người hùng của mình: sự thảm hại cũng như sự vĩ đại của ta đều thuộc về lịch sử của  chính ta. Do đó, chúng ta sẽ được tha thứ khi phải liệt kê trong chi tiết những ý tưởng ngớ ngẩn, phi lý đã đi trước sự thật, và đôi khi trộn lẫn bóng tối của chúng vào ánh sáng chân lý. Ở đây người hùng là trí tuệ con người, nên chúng ta phải chỉ ra những lầm lẫn, thậm chí những sai trật, cùng lúc với sự vinh quang của nó. Lịch sử khoa học là bức tranh về những yếu kém, nghị lực và năng lực  của tinh thần con người

Jean-Sylvain Bailly
Lịch Sử Thiên Văn Học Hiện Đại
(Histoire de l'astronomie moderne,
Paris, 1779, q. I, tr. XI-XII).


[1] Jean-Sylvain Bailly (1736-1793): nhà thiên văn, toán học, và nhà lãnh đạo chính trị trong thời kỳ đầu của cách mạng Pháp. Ông từng làm thị trưởng Paris (1789-1791), và cuối cùng bị xử chết chém trong thời kỳ Khủng Bố. Tác phẩm chính: Histoire de l’astronomie ancienne… (1775, 1781); Histoire de l’astronomie moderne (2 q., 1778–1783); Histoire de l’astronomie indienne et orientale… (1787); Essai sur les fables (1798); Mémoires d’un témoin de la Révolution (1804).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa