BIỂU THỊ KHÔNG GIAN CỦA CỖ MÁY TÂM LÝ (S. FREUD, 1916)
Đưa lên mạng ngày 07-01-2020
Từ khóa: Phân tâm học
C1

BIỂU THỊ KHÔNG GIAN
CỦA
BỘ MÁY TÂM LÝ
(1916-1917)

Tác giả: Sigmund Freud*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Theo Freud, bộ máy tâm lý được nối khớp từ một số hệ thống, và mỗi hệ thống có một chức năng cụ thể. Do đó, ông có thể xem chúng, theo cách ẩn dụ, như các «nơi chốn tâm lý», và cho chúng một biểu thị không gian hoặc một sự định vị (do từ Hy Lạp topos, «nơi»). Trong định vị đầu (1900), Freud phân biệt ba hệ thống: vô thức, tiền-ý-thức và ý thức. Trong định vị thứ hai (từ 1920), ông biến đổi cái đầu tiên, và phân biệt ba «cấp bậc nhân cách»: cái ấy, cái tôi (ngã), và cái siêu tôi (ngã).

Sự định vị bộ máy tâm lý như vậy có lợi thế là biểu thị nó ở dạng sơ đồ, nhưng sơ đồ là một biểu thị tĩnh. Chúng ta không được phép quên rằng bộ máy tâm lý không phải là một tuyến đường hay một căn phòng, mà là một trung tâm từ đó các lực tác động và phản ứng cái này lên cái kia, và các hệ thống được định vị như trên đều xung đột với nhau.

*

Biểu thị đơn giản nhất của hệ thống tâm lý, cũng là cái thuận tiện nhất cho chúng ta, là biểu thị không gian. Như vậy, chúng ta đồng hóa hệ thống vô thức với một phòng đợi rộng lớn trong đó các khuynh hướng tâm lý chen chúc nhau như những sinh vật. Sát bên cạnh phòng đợi này là một căn phòng khác, hẹp hơn, một loại phòng khách, trong đó ý thức trú ngụ. Nhưng ở lối vào phòng đợi, một người bảo vệ đứng canh trong phòng khách, và kiểm tra từng khuynh hướng tâm lý một, dở trò kiểm duyệt và ngăn nó vào phòng nếu nó làm hắn ta khó chịu. Cho dù người bảo vệ chặn một xu hướng cụ thể nào đấy ngay từ ngưỡng cửa, hoặc đuổi nó trở lui sau khi nó đã bước vào phòng khách, thì sự khác biệt không lớn lắm, và kết quả là như nhau. Tất cả phụ thuộc vào mức độ cảnh giác và sự sáng suốt của hắn. Lợi thế của hình ảnh này là nó cho phép chúng ta triển khai danh mục của mình. Các khuynh hướng được tìm thấy trong phòng đợi dành cho vô thức thoát khỏi cặp mắt của ý thức ở phòng bên cạnh. Do đó, lúc đầu chúng đều là vô thức. Sau khi chúng đã bước tới ngưỡng cửa nhưng lại bị người gác đuổi ra, sự kiện này có nghĩa là chúng không có khả năng trở thành ý thức: ta nói rằng chúng bị dồn nén. Nhưng các khuynh hướng mà người gác đã để cho vượt qua ngưỡng cửa cũng không vì thế mà nhất thiết sẽ trở thành ý thức; chúng chỉ có thể trở thành ý thức nếu chúng thành công trong việc thu hút được ý thức đoái nhìn tới chúng. Chúng ta sẽ gọi căn phòng thứ hai này là hệ thống tiền-ý-thức. Như vậy, sự kiện khiến một quá trình [tâm lý] trở thành ý thức như trên vẫn giữ nguyên ý nghĩa mô tả thuần túy của nó. Bản chất của sự dồn nén là một khuynh hướng nhất định nào đó bị kẻ gác cửa ngăn chặn từ phòng vô thức xâm nhập vào phòng tiền-ý-thức. Và khi chúng ta cố gắng chấm dứt sự dồn nén này bằng liệu pháp phân tích, cũng chính người bảo vệ này lại xuất hiện dưới hình thức một sự kháng cự.

Sigmund Freud
Dẫn Vào Phân Tâm Học
(Introduction à la psychanalyse,
Paris, Payot, 1988, tr. 276).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa